Giáo viên chống tiêu cực thường cô độc

03/04/2021 06:43
Lê Mai
GDVN- Thực tế có những giáo viên tố cáo tiêu cực là giáo viên có năng lực, trung thực, thẳng thắn, dũng cảm.

Kết cục của những giáo viên tố cáo tiêu cực trong nhà trường đã được dư luận quan tâm, phản ánh, đại đa số giáo viên tố cáo đều “ngậm bồ hòn làm ngọt”, ngậm đắng nuốt cay chịu đựng, không ít trong số đó đã bỏ nghề.

Điều đắng cay của những giáo viên “hiệp sĩ” đó, chính là không được bảo vệ, họ trở nên đơn độc, cô lập trong chính ngôi trường của mình.

Không ít trong số đó đã xin ra khỏi công đoàn, một tổ chức trong nhà trường được coi là “bảo vệ quyền lợi chính đáng” của người lao động.

Thế nhưng vẫn có nhiều giáo viên dám đứng ra tố cáo tiêu cực trong nhà trường. Chỉ cần gõ vào Google cụm từ “giáo viên tố cáo hiệu trưởng”, trong vòng 0.4 giây đã có 9 triệu kết quả. Điều đó cho thấy tiêu cực trong các cơ sở giáo dục đang và đã nhức nhối như thế nào.

Thầy giáo Đỗ Việt Khoa từng đứng lên tố cáo tiêu cực trong giáo dục. (Ảnh: Laodong.vn)

Thầy giáo Đỗ Việt Khoa từng đứng lên tố cáo tiêu cực trong giáo dục. (Ảnh: Laodong.vn)

Giáo viên có muốn tố cáo tiêu cực trong nhà trường?

Người viết đã gặp một thầy giáo (đề nghị không nêu tên), đã từng là chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, là cán bộ nguồn vì tố cáo tiêu cực mà cả hai vợ chồng bỏ nghề, được “cựu giáo viên” chia sẻ:

“Anh biết em rồi đó, đã từng là chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, là cán bộ nguồn, cực chẳng đã nên đứng ra tố cáo hiệu trưởng.

Chẳng được vạ mà má sưng vù, cả hai vợ chồng em xin nghỉ việc dù rất yêu nghề giáo.

Trong cái rủi có cái may, biết vợ chồng em trung thực, nên xin việc là họ nhận ngay. Anh thấy đó, nhờ vậy hôm nay có nhà cao cửa rộng, có ô tô đi làm, nhiều thầy cô còn mừng cho em.

Dẫu vậy, em vẫn muốn đi dạy, cái nghề mình thích từ nhỏ, nhưng không giữ được, cũng buồn lắm.

Nếu chọn lựa lại, em vẫn tố cáo, vì muốn dạy học trò trung thực, dũng cảm, đầu tiên mình phải làm gương. Thấy sai sờ sờ ra đó mà phải mắt không thấy, tai không nghe, miệng không dám nói, hóa ra mình là kẻ khuyết tật tâm hồn, vậy dạy được ai?

Biết xin được đi dạy như hai vợ chồng em là khó, là ước mơ của nhiều người học sư phạm ra trường đang thất nghiệp, nhưng cảm thấy mình bất lực trước cái xấu trong môi trường sư phạm, không xứng làm thầy, nên hai vợ chồng thống nhất xin nghỉ dạy, làm việc khác cho nó nhẹ lòng”.

Thực tế, có những giáo viên tố cáo tiêu cực là giáo viên có năng lực, trung thực, thẳng thắn, dũng cảm. Họ không thể chịu đựng được nữa mới đứng lên tố cáo, dù biết thua thiệt về mình.

Cần có cơ chế bảo vệ thầy cô giáo tố cáo tiêu cực

Nhắc đến thầy giáo Đỗ Việt Khoa chống tiêu cực thi cử chắc ai cũng biết. Ông đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen, được làm khách mời chương trình Người đương thời, của Đài Truyền hình Việt Nam.

Nhưng, sau đó bị bôi nhọ, trù dập, không tăng lương đúng quy định, thậm chí là bị đánh dằn mặt tại nhà mình, đe dọa không được can thiệp vào công việc nhà trường… và cuối cùng không chịu đựng được nữa, năm 2010 thầy Đỗ Việt Khoa phải làm nghỉ dạy.

Dù thực tế đau lòng như thế nhưng vẫn có nhiều giáo viên dám tố cáo tiêu cực trong giáo dục, điều đó đáng quý biết bao, thế nhưng họ đang đơn độc, không được bảo vệ.

Tố cáo tham nhũng, tiêu cực và bảo vệ người tố cáo tham nhũng, tiêu cực là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong giáo dục càng quan trọng hơn, có như thế thầy mới ra thầy.

Thầy ra thầy mới dạy được trò trung thực, dũng cảm đấu tranh với cái xấu, cái ác bảo vệ công lý, bảo vệ nhân dân.

Bảo vệ thầy cô giáo chống tiêu cực, chính là đang phòng ngừa, giáo dục, răn đe kẻ xấu, kẻ ác, gieo tiêu cực vào giáo dục.

Những thầy cô giáo dũng cảm tố cáo, đấu tranh chống tiêu cực trong nhà trường đáng được nêu gương, khen thưởng, bảo vệ.

Cái xấu, cái ác mà họ chống lại không đem lại quyền lợi cho họ mà đem lại niềm tin của xã hội vào giáo dục nói riêng, niềm tin vào lý tưởng cách mạng, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng nói chung.

Đại thi hào Nguyễn Trãi đã từng viết: “Hoa thì hay héo, cỏ thường tươi”, đó là trong xã hội phong kiến, trong chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta không thể như thế, phải giúp hoa phát triển và tỏa hương, thì cỏ dại ắt bị đẩy lùi.

Vì thế, trước khi chờ “cơ chế”, hơn ai hết, cộng đồng nhà giáo nói chung, thầy cô giáo trong đơn vị có giáo viên chống tiêu cực nói riêng phải bảo vệ họ, đừng để thầy cô giáo tố cáo tiêu cực cô đơn giữa hội đồng sư phạm.

Lê Mai