Vì sao nhiều thầy cô không mặn mà với danh hiệu thi đua cuối năm?
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những yêu nước nhất”.
Quan điểm ấy chính là một động lực to lớn làm cho phong trào thi đua yêu nước có sức mạnh tinh thần vô cùng mạnh mẽ, không ngừng phát triển, gắn liền với sự phát triển của đất nước.
Có thể nói trong các cơ quan hành chính sự nghiệp thì ngành giáo dục được xem là ngành có nhiều phong trào thi đua nổi bật và nhiều chuyện đáng bàn nhất trong năm.
Theo quy định về công tác thi đua khen thưởng hiện nay, để đạt được các danh hiệu thi đua trong năm thì ngay từ đầu năm giáo viên phải đăng ký thi đua.
Danh hiệu thi đua thường được giáo viên đăng ký là lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua cơ sở; hình thức khen thưởng là giấy khen của Ủy ban nhân dân huyện, tỉnh…
Cuối năm, căn cứ trên những tiêu chuẩn và tỉ lệ khen thưởng do cụm thi đua xếp, các trường tiến hành bình xét các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng.
Hiện nay, ở các trường phổ thông có hai cách đánh giá thi đua giáo viên. Một là xây dựng bảng điểm và chấm điểm công khai hàng tháng, cuối năm sẽ xếp loại thi đua theo danh sách người có điểm từ cao xuống thấp.
Hai là không sử dụng bảng điểm nhưng sẽ ghi nhận những thành tích đạt được của cá nhân trong năm và hội đồng thi đua sẽ bình xét vào dịp cuối năm.
Mỗi hình thức đánh giá đều có những ưu nhược điểm khác nhau.
Thông thường, đối với những giáo viên được xét đạt danh hiệu lao động tiên tiến rất ít người có ý kiến thắc mắc.
Ngược lại, những người không đạt danh hiệu từ chiến sĩ thi đua cơ sở và các hình thức khen thưởng từ cấp huyện trở lên thường không đồng ý với kết quả đó.
Lý do cơ bản là các danh hiệu và hình thức khen thưởng bậc cao (trên lao động tiên tiến) thường được khống chế với một tỉ lệ nhất định, cụ thể chiến sĩ thi đua cơ sở trong cơ quan trường học chiếm tỉ lệ không quá 15% số lao động tiên tiến đạt được.
Vì vậy, danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở thường chỉ dành cho hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, chủ tịch công đoàn, tổng phụ trách và các tổ trưởng chuyên môn, một tỉ lệ nhỏ dành cho giáo viên.
Vì vậy có thể nói trong khi xét thi đua, những thành viên trong hội đồng thi đua đã chiếm nhiều ưu thế hơn giáo viên rất nhiều.
(Ảnh minh họa trên petrotimes) |
Người viết bài này đã từng nhiều năm tham gia hội đồng xét thi đua và nhận thấy trong các cuộc họp xét thi đua, những khuyết điểm của các thành viên trong hội đồng rất ít khi được chỉ ra, chỉ trừ khi đó là những khuyết điểm nghiêm trọng và chủ yếu do hiệu trưởng nêu ra, còn các thành viên khác rất ngại va chạm.
Một vấn đề nữa là việc bỏ phiếu bình chọn các danh hiệu thi đua. Ai cũng biết để tạo động lực thúc đẩy các phong trào thi đua thì các phong trào ấy phải thực sự mang tính dân chủ, minh bạch và công tâm.
Nếu các thành viên trong hội đồng xét thi đua không đăng ký danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở thì có thể lá phiếu ít nhiều còn mang tính công tâm, ngược lại khi quyền lợi gắn liền với danh hiệu thì liệu họ có làm đúng theo nhiệm vụ của mình?
Có không ít giáo viên trong năm học có nhiều nỗ lực và đạt kết quả cao trong công tác giảng dạy, giáo dục, tham gia các phong trào của đơn vị, được đồng nghiệp và các cấp ghi nhận.
Tuy nhiên khi bỏ phiếu thì thấp hơn các đồng nghiệp khác nên không được đề nghị danh hiệu cao hơn. Do đó họ mất niềm tin vào công tác thi đua khen thưởng của đơn vị và dần dần có tư tưởng cầu an.
Cũng có không ít lãnh đạo năm nào cũng đăng ký các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng bậc cao và họ luôn cho rằng trong đơn vị lãnh đạo phải luôn luôn đứng đầu vì nếu lãnh đạo không đạt thì làm sao nhân viên dưới quyền đạt được.
Và tất nhiên khi bỏ phiếu xét danh hiệu thì lãnh đạo luôn ở vị trí cao nhất.
Làm thế nào để việc xét thi đua mang tính công bằng?
Đây chắc chắn là điều rất khó khăn và đó cũng có thể là vấn đề trăn trở của nhiều hiệu trưởng khi tổ chức xét thi đua cuối năm.
Tôi cho rằng để làm tốt công tác thi đua thì người đứng đầu đơn vị phải làm tốt một số việc sau:
Một là, khi phát động phong trào thi đua đầu năm học, lãnh đạo nhà trường cần chú ý động viên, khuyến khích những giáo viên có năng lực chuyên môn, nhiệt tình trong công tác đăng ký các danh hiệu thi đua bậc cao (chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp tỉnh) và tạo điều kiện để những giáo viên đó tham gia các phong trào mũi nhọn của đơn vị, ngành.
Hai là, khi xét thi đua, lãnh đạo đơn vị nên nhường nhịn vị trí thi đua cho giáo viên khi thành tích của giáo viên có sức lan tỏa lớn.
Cụ thể, đối với những giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi xuất sắc cấp huyện, tỉnh, cấp quốc gia hay công tác bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp trong năm học thì nên xếp ở những vị trí và các danh hiệu thi đua cao, trên cả hiệu trưởng.
Ba là, hội đồng thi đua không nên làm qua loa, đại khái mà cần phân tích những ưu điểm, tồn tại, so sánh với thành tích của các cá nhân để đi đến thống nhất xếp vị thứ danh hiệu lao động tiên tiến.
Khi đã xếp vị thứ thì căn cứ vào đấy để lấy chỉ tiêu danh hiệu chiến sĩ thi đua các cấp từ cao xuống thấp và không cần thiết phải sử dụng phiếu bầu để chọn danh hiệu chiến sĩ thi đua.
Thực hiện tốt công tác xếp thi đua cuối năm sẽ góp phần xây dựng mối quan hệ hài hòa, dân chủ, đoàn kết của các thành viên trong đơn vị trường học, tạo động lực cho giáo viên cống hiến lâu dài.
Ngược lại, nếu những thành viên của hội đồng thi đua, đặc biệt là người đứng đầu không công tâm thì chắc chắn các danh hiệu thi đua bậc cao vẫn chỉ là mơ ước của nhiều giáo viên.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.