"Tích hợp" 2-3 môn vào 1 sách như ván đã đóng thuyền, tổ trưởng sẽ rất vất vả

11/04/2021 06:58
LÊ VĂN MINH
GDVN- Những thầy cô được phân công làm tổ trưởng chuyên môn ở 2 môn tích hợp trong năm học tới sẽ vất vả nhiều hơn các tổ khác, nhất là tổ trưởng môn Khoa học tự nhiên.

Đối với các trường học phổ thông, Ban giám hiệu nhà trường là những người chịu trách nhiệm chung trong việc quản lý, giám sát về các hoạt động của nhà trường. Sau họ, là những tổ trưởng chuyên môn- những người đóng vai trò thiết kế, phối hợp, làm cầu nối giữa Ban giám hiệu và các giáo viên trong tổ để thực hiện các nhiệm vụ của năm học.

Người tổ trưởng giỏi chuyên môn, tâm huyết với nghề sẽ giúp cho tổ của mình hoàn thành tốt các kế hoạch, tham gia tốt các phong trào của trường và tạo được sự đoàn kết để cùng nhau phấn đấu, công tác.

Đặc biệt, khi chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở cấp Trung học cơ sở thì các tổ trưởng chuyên môn lại càng phải phát huy năng lực của mình để giúp giáo viên trong tổ tiếp cận tốt những nội dung mới, nội dung khó…

Trong đó, vai trò của tổ trưởng 2 môn tích hợp là Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí càng nặng nề hơn, nhất là tổ trưởng môn Khoa học tự nhiên trong những năm tới đây.

Các tổ trưởng của 2 môn tích hợp tới đây sẽ vất vả nhiều hơn (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Các tổ trưởng của 2 môn tích hợp tới đây sẽ vất vả nhiều hơn (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

6 môn học hiện hành sẽ về chung 2 tổ

Ở cấp Trung học cơ sở hiện nay nếu trừ đi các môn năng khiếu, nghệ thuật thì sẽ còn 10 môn học, đó là các môn: Toán, Tin, Lí, Hóa, Sinh, Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân, Công nghệ.

Khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong năm học tới đây thì chắc chắn các môn Lí, Hóa, Sinh sẽ phải thành một tổ chuyên môn. Các môn Sử và Địa cũng phải gộp thành một tổ.

Trong khi đó, môn Công nghệ 7 hiện nay đang được đưa về tổ Hóa – Sinh và giáo viên Sinh học sẽ dạy môn Công nghệ 7 (nông nghiệp). Môn Công nghệ lớp 8 và lớp 9 (công nghiệp) được nhập vào tổ Vật lí và do giáo viên môn Lí dạy.

Như vậy, từ năm học 2021-2022 tới đây, khi mà môn Lí, Hóa, Sinh nhập tổ với nhau thì môn Công nghệ của 3 khối lớp 7,8,9 cũng sẽ nhập vào tổ này.

Chính vì vậy, đối với 2 môn tích hợp là Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí ở cấp Trung học cơ sở sẽ vất vả nhiều hơn. Đặc biệt là vai trò của người tổ trưởng chuyên môn của 2 tổ này.

Chẳng hạn đối với tổ Khoa học tự nhiên thì người tổ trưởng phải phụ trách chuyên môn đến 4 môn học hiện nay là các môn: Lí, Hóa, Sinh, Công nghệ.

Chọn giáo viên nào làm tổ trưởng chuyên môn cũng rất khó khăn bởi lâu nay họ chỉ có thể là chuyên môn Hóa- Sinh hoặc Lí- Công nghệ nhưng bây giờ phải bao quát được cả 4 môn học.

Trong khi đó, theo hướng dẫn của Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT thì tổ chuyên môn có những nhiệm vụ sau:

a) Chủ động xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo chương trình môn học, hoạt động giáo dục thuộc chuyên môn phụ trách theo tuần, tháng, học kỳ, năm học; phối hợp với các tổ chuyên môn khác xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường.

b) Đề xuất lựa chọn sách giáo khoa, xuất bản phẩm tham khảo để sử dụng trong nhà trường theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

c) Thực hiện kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn theo kế hoạch giáo dục của nhà trường đã được hội đồng trường phê duyệt.

d) Tham gia đánh giá, xếp loại giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

đ) Tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo kế hoạch của tổ chuyên môn và của nhà trường.

e) Thực hiện các nhiệm vụ khác do hiệu trưởng phân công…”.

Với những hướng dẫn như vậy và thực tế hoạt động của các nhà trường thì những thầy cô được phân công làm tổ trưởng chuyên môn ở 2 môn tích hợp sẽ có thêm nhiều công việc hơn các tổ khác.

Cho dù trên họ là Ban giám hiệu nhà trường nhưng các thành viên trong Ban giám hiệu thì họ chỉ là những người phụ trách chung chứ không thể sâu sát với các tổ chuyên môn như các tổ trưởng.

Vì thế, tổ trưởng chuyên môn là người xây dựng kế hoạch chuyên môn cho tổ của mình. Và, tất nhiên trong những năm đầu đổi mới chương trình thì họ phải là người tiên phong trong đổi mới. Những khó khăn trong tổ thì tổ trưởng phải là người chịu trách nhiệm và gỡ rối cho anh em đầu tiên.

Phát huy tính tiên phong của tổ trưởng chuyên môn

Đến thời điểm này, mọi góp ý, phân tích những bất cập về 2 môn tích hợp có lẽ không còn nhiều ý nghĩa bởi chương trình môn học đã được thông qua, sách giáo khoa đã được Bộ phê duyệt thì tất nhiên nó đã là cơ sở pháp lý để các nhà trường, giáo viên thực hiện.

Một khi “gạo đã nấu thành cơm” thì còn nói năng chi nữa nên vấn đề bây giờ là hội đồng bộ môn ở các địa phương, các nhà trường sẽ phải bàn bạc kĩ lưỡng và đưa ra những giải pháp tối ưu nhất để thực hiện nhiệm vụ trong năm học tới đây.

Nói gì thì nói, khó khăn là chắc chắn các nhà trường và giáo viên phải đối mặt bởi từ 5 môn học hiện nay- chiếm 50% số môn học cơ bản sẽ được “tích hợp” thành 2 môn học mới và chúng ta thấy rất rõ là trong năm học tới đây thì người được bố trí đảm nhận tổ trưởng môn Khoa học tự nhiên sẽ là người vất vả nhất.

Sự vất vả không chỉ là phải quản lý nhiều con người ở nhiều môn học hiện nay mà cái khó khăn nhất là phải có cái nhìn bao quát đối với tất cả các môn, phân môn trong tổ của mình phụ trách để điều hành một cách linh hoạt, nhịp nhàng.

Bên cạnh sự cố gắng của bản thân tổ trưởng chuyên môn các môn tích hợp thì phải có sự đồng thuận, phối hợp từ các tổ viên trong tổ. Những khó khăn cần phải được đưa ra bàn luận, tháo gỡ khó khăn.

Đặc biệt, các Ban giám hiệu nhà trường phải lựa chọn được những thầy cô ưu tú nhất mà mình đang có để bổ nhiệm tổ trưởng chuyên môn và một điều quan trọng nữa là phải động viên anh em các môn học mới cùng cố gắng.

Đồng thời, những áp lực về hồ sơ, sổ sách cùng cần thiết phải giảm theo.

Bởi, nếu như mà vẫn thực hiện một cách máy móc như hiện nay, chỉ riêng làm đúng như tinh thần của Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH thì những thầy cô kiêm nhiệm tổ trưởng chuyên môn 2 môn tích hợp cũng đã rất đuối, khó đầu tư cho chuyên môn của mình.

Hy vọng, lãnh đạo Bộ, Sở, Phòng Giáo dục, Hội đồng bộ môn và Ban giám hiệu các nhà trường sẽ có những chỉ đạo, định hướng kịp thời để 2 môn tích hợp ở năm học tới đây vơi bớt đi những khó khăn cho giáo viên các môn học này, đặc biệt là khích lệ được các tổ trưởng chuyên môn ở các nhà trường phát huy các thế mạnh của mình.

LÊ VĂN MINH