Nhận thức thức lệch lạc, gian dối
Câu chuyện cán bộ giữ các vị trí quan trọng tại các địa phương bị phát hiện sử dụng bằng cấp giả, học giả, thi giả… không còn hiếm, thậm chí những trường hợp bị phanh phui đã tồn tại ở các vị trí quan trọng nhiều năm liền.
Mới nhất, ngày 29/3 vừa qua, ông Nguyễn Đình Đức - Bí thư huyện ủy Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) xác nhận vừa tiến hành kỷ luật đối với hai cán bộ có hành vi sử dụng bằng giả.
Hai người bị kỷ luật bằng hình thức cho thôi việc là ông Đào Xuân Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Quảng Thành và ông Ngô Hợp, Chủ tịch Hội nông dân xã Quảng Thành (huyện Quảng Điền).
Trước đó, trường hợp tương tự cũng đã xảy ra ở huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai khi công tác chuẩn bị nhân sự bầu Hội đồng nhân dân các cấp tại địa phương, phát hiện 9 cán bộ sử dụng bằng cấp giả trong quá trình công tác.
Vấn đề đáng nói đến là tất cả các cán bộ sử dụng bằng cấp giả đều đang giữ những vị trí chủ chốt của xã, thậm chí có cả lãnh đạo xã.
Tại sao vẫn còn tình trạng cán bộ sử dụng bằng cấp giả tại địa phương? Ai là người chịu trách nhiệm khi để xảy ra sự việc nghiêm trọng này?
Trao đổi với Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, ông Thái Trường Giang, Đại biểu Quốc hội khóa XIV cho biết: “Sử dụng bằng cấp giả là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, tạo vỏ bọc để làm cơ sở cho các hành vi tiếp theo nhằm chui sâu, leo cao vào bộ máy nhà nước.
Nhờ những bằng cấp giả, hồ sơ đẹp các cán bộ vi phạm mới được bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng và có điều kiện tham nhũng. Những kẻ sử dụng bằng cấp giả thường không có thực lực thật sự, nên tìm cách qua mặt tổ chức và xem thường pháp luật”.
Đại biểu Quốc hội Thái Trường Giang. Ảnh: NVCC. |
Theo ông Thái Trường Giang, cán bộ nhà nước là người truyền tải, thực thi những mong muốn, nguyện vọng của nhân dân, của đất nước. Từ trước đến nay, nhân sự trong bất kỳ cơ quan nào được tuyển mộ, bên cạnh tài năng thì phẩm hạnh con người cũng là một tiêu chí quyết định. Vậy nếu sử dụng bằng cấp giả trong quá trình công tác, những cán bộ này không những vi phạm pháp luật mà còn vi phạm quy định về đạo đức cán bộ.
"Dối trên, lừa dưới sử dụng bằng cấp giả, trình độ giả để leo cao, chui sâu vào bộ máy nhà nước hòng thu lợi cho bản thân mình là điều không thể chấp nhận được", ông Giang nhấn mạnh.
Một bộ máy tồn tại những kẻ dối trá sẽ có nguy cơ mục ruỗng bởi mục tiêu của những kẻ này không khác gì loài sâu mọt, đục khoét tài sản của nhà nước, nhân dân. Gian dối bằng cấp, trình độ là sự manh nha của tham nhũng, trục lợi cá nhân.
“Hệ lụy từ việc sử dụng bằng giả rất lớn, trước tiên là gây tổn hại tới hình ảnh của bộ máy công quyền và ảnh hưởng tới quá trình tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, ngang nhiên chiếm các vị trí của những người có bằng cấp thật, có năng lực thật.
Bằng cấp giả đồng nghĩa với kiến thức giả, nhận thức lệch lạc, chăm bẵm làm việc xấu. Những kẻ này còn tồn tại, còn được quy hoạch, bổ nhiệm và sử dụng thì bộ máy nhà nước sẽ có nguy cơ bị ảnh hưởng”, ông Thái Trường Giang nhận định.
Bằng giả tồn tại vì còn cơ chế trọng bằng cấp
Theo Đại biểu Quốc hội Thái Trường Giang, thi tuyển trực tiếp mà một số ngành, địa phương đã từng áp dụng, thử nghiệm là một trong số biện pháp cải thiện về công tác nhân sự.
“Việc quá coi trọng các loại bằng cấp của xã hội mà không thực sự chú ý tới năng lực thực tế sẽ tạo cơ hội cho bằng giả xuất hiện. Cứ bằng cấp đẹp, đủ và nhiều mối quan hệ khác thì nhân sự sẽ được ưu tiên hơn trong quá trình tuyển dụng là kẽ hở của quy hoạch nhân sự.
Một cán bộ tốt hay không tốt, chúng ta cần coi trọng kết quả công tác thực lực, kết quả đã thực hiện của các cán bộ tại vị trí đương nhiệm. Thực tế trong quá khứ chúng ta đã được chứng kiến nhiều đồng chí lãnh đạo dù không có bằng cấp cao nhưng rất giỏi, có rất nhiều cống hiến được nhân dân ghi nhận", ông Giang phân tích.
Liên hệ với thực tế, Đại biểu Thái Trường Giang cho rằng, việc yêu cầu giáo viên nói riêng, công chức, viên chức… nói chung có thêm các loại chứng chỉ, bằng cấp phụ như tin học, ngoại ngữ… đôi khi chỉ là hình thức, không cần thiết, tạo cớ phát sinh tiêu cực, bằng giả, mua bán bằng cấp.
Điều đó cũng lý giải vì sao những vụ việc liên quan đến bằng giả, chứng chỉ giả đã được phát hiện, phanh phui với quy mô ngày càng lớn, mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng. Ví dụ điển hình nhất gần đây là Trường Đại học Đông Đô bởi vì họ đáp ứng nhu cầu của rất nhiều người cần bằng nhanh, kiến thức thì rỗng.
Có thể xem người dùng bằng cấp giả là sâu mọt, làm mục ruỗng hệ thống, ảnh hưởng đến nền giáo dục nước nhà, chính vì thế theo ông Thái Trường Giang cần phải kiểm tra, giám sát, thẩm định tất cả hồ sơ của cán bộ được quy hoạch, chuẩn bị quy hoạch để hạn chế sơ hở.
Ông Giang nói: “Phải truy trách nhiệm đến cùng đối với các đơn vị có liên quan để xử lý đến nơi, đến chốn. Các biện pháp phải được thực hiện một cách đồng bộ, mạnh mẽ mới có thể răn đe những kẻ vi phạm, mới lấy lại được công bằng cho xã hội.
Thêm vào đó, những cơ quan, cá nhân tuyển dụng những kẻ vi phạm về bằng cấp, hồ sơ giả mạo cũng phải chịu trách nhiệm. Cấp tỉnh thì Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho Sở Nội vụ về công tác tuyển dụng công chức, viên chức theo nhu cầu của các cơ quan, đơn vị khác. Cho nên thẩm định hồ sơ tuyển dụng đầu vào là do Sở Nội vụ chịu trách nhiệm chính”.
Hiện nay, việc sử dụng bằng cấp giả không chỉ là mối lo ở một, vài địa phương mà đã trở thành bài học cảnh tỉnh trong công tác nhân sự trên cả nước. Bất cứ bộ phận nào đều phải nâng cao sự cảnh giác, bịt kín những kẽ hở không cho những kẻ cơ hội lợi dụng lọt vào bộ máy nhà nước, lọt vào các vị trí quản lý trong cơ quan nhà nước.
Việc cán bộ sử dụng bằng cấp giả không những gây mục ruỗng, tha hóa bộ máy cán bộ, nhân sự nhà nước mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh bộ chính quyền trong mắt người dân.
“Xử lý cán bộ sai phạm từ trước đến nay chúng ta đã làm và ngày càng làm mạnh hơn, tuy nhiên đâu đó vẫn còn hiện tượng để lọt sai phạm nhất là với vấn đề nhân sự. Cần nghiêm khắc chấn chỉnh, rà soát và quy trách nhiệm cụ thể đối với từng cá nhân, tập thể nếu có sai phạm xảy ra vì thực tế cho thấy không ai chịu trách nhiệm nếu tuyển dụng nhân sự kém chất lượng vào bộ máy nhà nước từ trước đến nay. Đó chính lỗ hổng trong tuyển dụng nhân sự cần phải được khâu vá, chấn chỉnh và xử lý kịp thời”, ông Giang nhấn mạnh.