Trẻ mầm non vô tư hát "địa ngục trần gian": Thật đáng lo ngại!

08/04/2021 06:52
Trung Dũng
GDVN- Những bài hát như vậy ngoài việc không phù hợp với độ tuổi, chúng còn ảnh hưởng trực tiếp đến tâm sinh lý của trẻ sau này.

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện một clip của hai trẻ bậc mầm non ở Thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk vừa hồn nhiên nhún nhảy, vừa bi bô hát ca khúc nhạc người lớn có tên “Thiên đàng” trong hội thi Bé khoẻ - bé ngoan, phía dưới khán đài là sự cổ vũ nhiệt tình của các bậc phụ huynh. Đáng nói, sau khi được đăng tải lên mạng xã hội, clip này được cộng đồng mạng chia sẻ rầm rộ và thu hút hàng nghìn lượt xem.

Phía dưới bình luận, đa số người xem là phụ huynh có con nhỏ cùng độ tuổi tỏ ra ngán ngẩm và bất bình cho dù người đứng đầu trường mầm non này đã lên tiếng giải thích rằng, đó chỉ là bài hát được các bé thể hiện trong giờ giải lao của hội thi Bé khoẻ - bé ngoan.

Được biết, trước đó trường mầm non này có tổ chức hội thi Bé khỏe - bé ngoan và ngày 27/3 là ngày diễn ra phần thi tài năng cho các bé. Trong thời gian ban giám khảo lên phòng chấm điểm, ký giấy khen để trao giải sau cuộc thi thì có hai cháu được phụ huynh cho lên sân khấu hát ca khúc này. Các giáo viên của trường cũng khẳng định, không ai dạy cho các bé ca khúc này trong thời gian các bé đi học ở trường.

Thời điểm các bé biểu diễn, một số giáo viên ở lại để quản lý lớp học nhưng không kịp thời ngăn chặn. Ba ngày sau, khi clip lan truyền trên mạng xã hội, nhà trường mới phát hiện và chấn chỉnh, yêu cầu giáo viên rút kinh nghiệm.

Clip 1 trẻ mầm non ở Đăk Lắk hát nhạc người lớn thu hút hàng nghìn lượt xem, phần đông thể hiện rõ sự bất bình, ngán ngẩm. Ảnh: Chụp màn hình

Clip 1 trẻ mầm non ở Đăk Lắk hát nhạc người lớn thu hút hàng nghìn lượt xem, phần đông thể hiện rõ sự bất bình, ngán ngẩm. Ảnh: Chụp màn hình

Ngoài việc bài hát các bé thể hiện là không phù hợp với lứa tuổi thì những câu từ trong đó cũng có nhiều ý tứ dễ gây sự bất mãn như: “Thiên đàng dành cho anh ông trời dẫn lối. Đi tới trước cổng trời miệng anh nhả khói. Anh biết nơi này từng là khu anh sống. Tiên nữ đâu hết rồi? Mau đưa anh vào trong. Địa ngục trần gian anh không thể ở..."

Thể hiện quan điểm của mình sau khi xem clip, nicknam Nguyenvantung cho rằng: “Ngày trước đám trẻ nhà mình toàn hát nhạc trẻ, nhạc người lớn nhưng giờ lớn lên mình vẫn thấy chúng chăm ngoan và học giỏi. Dù sao, trẻ hát những thể loại nhạc không phù hợp với lứa tuổi là không nên. Nhưng nếu đó chỉ là những bài hát ở ngoài miệng còn điều cốt lõi nhà trường vẫn dạy được cho chúng có cái tâm trong sáng, thương người thì có hát nhạc gì đi nữa cũng chẳng sao”.

Còn nickname Hoangnhi7x… bày tỏ: “Thời buổi công nghệ thông tin nếu chúng ta có cấm cản cũng không sao xuể. Việc tiếp cận với các clip đại loại như thế này với bọn trẻ cũng vô cùng đơn giản, mình cấm ở nhà thì chúng xem ở chỗ khác, càng cấm chúng lại cố tìm xem cho bằng được càng nguy hiểm hơn.

Chi bằng hãy để chúng tự nhiên, chỉ cần nhà trường giáo dục được nhân cách tốt cho chúng là được. Một đứa trẻ hát bài người lớn không thể đánh đồng với việc sau này ra đời chúng sẽ trở thành một đứa trẻ hư được”.

Ngoài những quan điểm đó, một số phụ huynh lại tỏ ra bất bình với cách nhà trường để những hoạt động của trẻ như vậy diễn ra trong một cuộc thi mang tên Bé ngoan. Chị Trần Hạnh Thuý ở Lĩnh Nam, Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: “Thiếu gì bài hát thiếu nhi hay mà để trong một cuộc thi liên quan đến giáo dục lại cho trẻ hát mấy thể loại như này.

Cho dù là trong giờ giải lao nhưng giáo viên có mặt lúc đó cũng nên chấn chỉnh các học sinh đó ngay. Có thể là bằng việc phân tích cho các em đó hiểu độ tuổi của các em không nên thể hiện những ca khúc đại loại như vậy. Thậm chí, các giáo viên có thể mạnh tay hơn là thu micro, không cho các bé biểu diễn nữa.

Trong clip này, ngoài việc không ai lên tiếng cấm cản, ngược lại các bé lại còn được cổ vũ, động viên cho hát tròn bài luôn thì quả thật việc ảnh hưởng đến tâm hồn của những trẻ khác đứng xem là điều không thể tránh khỏi”.

Giáo sư Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam. Ảnh: Thuỳ LinhGiáo sư Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam. Ảnh: Thuỳ Linh

Trao đổi về vấn đề này với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng, dù là biểu diễn chính khoá hay trong giờ ngoại khoá thì việc để cho trẻ đang độ tuổi mầm non thể hiện những bài hát như vậy là điều không nên và rất đáng lo ngại.

Giáo sư Phạm Tất Dong cũng nêu quan điểm rằng: “Về mặt khoa học, khi các nhạc sĩ viết nhạc cho trẻ con họ cũng phải rất tỉ mỉ để ghép nối các từ ngữ có cao độ, nhịp điệu phù hợp với lứa tuổi trẻ thơ, nó khác hoàn toàn với thể loại nhạc của người lớn. Vì vậy, trong làng âm nhạc mới có sự phân định rõ ràng ra loại nhạc dành cho người lớn và nhạc dành cho trẻ em.

Tất nhiên, có những trẻ có khả năng thiên bẩm hát tốt những thể loại nhạc dành cho độ tuổi lớn hơn, nhưng trên thực tế con số này không nhiều. Với một đứa trẻ bình thường, khi hát những bài hát có thanh âm vượt quá khả năng chịu đựng của thanh quản thì rất dễ dẫn đến những hệ luỵ về sức khoẻ sau này. Điều này có thể nhiều bậc phụ huynh không lường trước được.

Đó là chưa kể những bài hát nhạc người lớn, ngoài âm điệu phức tạp thì nội dung và câu từ trong đó rất có thể ẩn chứa các yếu tố nhạy cảm, kích động. Việc tiếp xúc nhiều lần với những bài hát có nội dung như vậy là điều không ổn và có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý và sinh lý của trẻ về sau này, dù là trong chương trình chính khoá hay ngoại khoá ở trường, việc làm này là không nên.

Xét theo khía cạnh tuổi tác thì việc một đứa trẻ hát nhạc tình ca hay bolero cũng khiến cho người ngoài nhìn vào thấy sự già dặn, điều này là một sự thiệt thòi lớn đối với những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn. Sự đánh giá này đôi khi bị người lớn thể hiện ra bên ngoài, nếu với một đứa trẻ tinh ý chúng cảm nhận được điều đó, còn khiến chúng có tâm lý khép mình, tự ti”.

Trung Dũng