Trẻ mầm non hát nhạc người lớn, luật chưa có chế tài nên không thể xử phạt

09/04/2021 06:45
Trung Dũng
GDVN- Sự ảnh hưởng đến tâm lý trong sự việc lần này không dễ nhận thấy như việc trẻ bị xâm hại hay bị đánh đập nên rất khó để đưa ra một khung xử phạt hợp lý.

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện một clip của hai trẻ bậc mầm non ở Thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk vừa hồn nhiên nhún nhảy, vừa bi bô hát ca khúc "nhạc người lớn" có tên “Thiên đàng” với những từ ngữ không phù hợp với lứa tuổi, dấy lên bức xúc trong xã hội.

Điều đáng nói là clip này ghi lại cảnh 2 trẻ hát "nhạc người lớn" trong hội thi Bé khoẻ - bé ngoan, phía dưới khán đài là sự cổ vũ nhiệt tình của các bậc phụ huynh. Đáng nói, sau khi được đăng tải lên mạng xã hội, clip này được cộng đồng mạng chia sẻ rầm rộ và thu hút hàng nghìn lượt xem.

Ở dưới bình luận, đa số người xem là phụ huynh có con nhỏ cùng độ tuổi tỏ ra ngán ngẩm và bất bình dù cho người đứng đầu trường mầm non này đã lên tiếng giải thích rằng, đó chỉ là bài hát được các bé thể hiện trong giờ giải lao của hội thi Bé khoẻ - bé ngoan.

Sau sự việc này nhiều người đặt ra câu hỏi, liệu rằng với những hành vi cổ vũ trẻ hát những thể loại nhạc có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ thì những người làm công tác tổ chức và các bậc phụ huynh có phải gánh trách nhiệm hoặc bị xử phạt gì không.

Chia sẻ dưới góc độ pháp lý của Luật bảo vệ trẻ em, bà Ninh Thị Hồng - Phó chủ tịch Thường trực Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, rất khó để có thể đưa ra hình thức xử lý, vì trong các điều luật hiện vẫn chưa có những chế tài cụ thể liên quan đến sự việc lần này.

Bà Ninh Thị Hồng - Phó chủ tịch Thường trực Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam. Ảnh: NVCC

Bà Ninh Thị Hồng - Phó chủ tịch Thường trực Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam. Ảnh: NVCC

Bà Hồng cũng nhấn mạnh thêm: “Hiện nay, không phải tất cả các bậc cha mẹ đều có những am hiểu nhất định về tâm sinh lý và sự phát triển của trẻ hoặc những vấn đề có lợi cho con em của mình.

Việc này cũng không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh gia đình được. Bởi, có những gia đình có điều kiện muốn chăm sóc cho con cái họ phát triển toàn diện, tránh tiếp xúc với những yếu tố tiêu cực trong xã hội nhưng thực tế với nhiều gia đình, các kiến thức về vấn đề này lại rất yếu kém.

Còn với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn thì đa số phụ huynh còn mang trên vai gánh nặng mưu sinh, không có nhiều thời gian để trò chuyện với con hoặc tìm hiểu xem bọn trẻ đang cần những gì và nên tránh xa điều gì trong cuộc sống. Vì thế, việc phát triển toàn diện tâm sinh lý của trẻ hầu như phó thác hoàn toàn cho môi trường xung quanh được trẻ tiếp xúc hàng ngày, như trên lớp học hoặc thông qua bạn bè. Cũng không thể thiếu là sự tác động rất lớn từ môi trường mạng xã hội.

Với sự việc của hai trẻ mầm non vô tư hát ca khúc không phù hợp với độ tuổi ngay trong hội thi Bé ngoan mà các trang mạng xã hội bàn tán rầm rộ mấy ngày nay, theo tôi một phần lớn là do trách nhiệm của người lớn và những người làm công tác tổ chức trong hội thi ấy.

Xem clip có thể thấy, ngoài việc không có động thái ngăn cản, ngược lại các phụ huynh còn hò hét, cổ vũ tinh thần khiến chúng lầm tưởng rằng mình đang làm được những việc mới lạ, đột phá và được tung hê, như vậy thật nguy hiểm. Những điều này còn cho thấy sự thiếu quan tâm và am hiểu của người lớn đến sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ.

Không thể phủ nhận việc trẻ em nào cũng thích cái mới, cái lạ nhưng chúng ta cần hiểu rằng, tại sao lại có sự phân chia giữa bài hát của người lớn và bài hát của trẻ em. Bởi lẽ, ngoài nội dung của bài hát đó gắn liền với tư duy của từng độ tuổi thì một số bộ phận trong cơ thể của trẻ cũng chỉ thích nghi được với từng thanh âm, cường độ của lời bài hát mà các tác giả viết ra”.

Khi đề cập đến chuyện, liệu các bậc phụ huynh và nhà trường để cho trẻ tiếp xúc sớm với những thể loại âm nhạc không phù hợp với độ tuổi như trong clip thì có bị xử phạt hay không bà Hồng cho rằng, rất khó để đưa ra một khung xử phạt hợp lý.

Bà Hồng cũng nêu quan điểm rằng: “Việc này chủ yếu là nhờ đến sự tác động mạnh mẽ của báo chí, truyền thông để từng bước định hướng tư duy cho nhà trường và các bậc phụ huynh hiểu và làm những việc tốt nhất cho trẻ.

Từ trước tới nay, trong các văn bản pháp luật về quyền trẻ em cũng chỉ nhắc tới việc làm sao để khuyến khích sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ chứ cũng chưa đưa ra những hành vi cụ thể như: Làm như thế này là sẽ bị xử phạt!.

Trong Luật cũng có những điều khoản nghiêm cấm những hoạt động ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em, nhưng cụ thể cái gì ảnh hưởng đến sự phát triển đó thì cũng chỉ nêu ra được những thứ dễ nhận thấy như: Xâm hại hay đánh đập trẻ em.

Còn sự việc trẻ được người lớn khuyến khích trẻ hát những bài hát không hợp lứa tuổi và câu từ mang yếu tố kích động, phản cảm thì rõ ràng là nó có sự ảnh hưởng đến con trẻ. Thậm chí, đó là sự ảnh hưởng lâu dài nhưng vẫn mang tính chung chung, rất khó để đưa ra một khung xử lý rõ ràng.

Nếu đưa những cái đó vào Luật thì lại mang tính cứng nhắc. Nên việc cần làm bây giờ là lưu ý các bậc phụ huynh khi cho con cái họ tham gia các hoạt động ngoại khoá cần gắn với những việc làm thiết thực, kích thích sự phát triển tư duy đúng đắn và toàn diện cho trẻ”.

Trung Dũng