Nhiều điểm “lạ” trong cuộc thi Khoa học của học sinh phổ thông

10/04/2021 07:15
Tùng Dương
GDVN- Có quan điểm cho rằng một vài đề tài “quá sức” với các con, hoặc những đề tài đó như đã nghe thấy ở “đâu đấy”, hoặc như đã được trao giải tại một kỳ thi nào đó.

“Với góc độ là một phụ huynh có con đã từng đi thi, một giáo viên và giờ là tư cách một nhà quản lý thì tôi thấy cuộc thi Khoa học Kĩ thuật cấp Quốc gia học sinh Trung học phổ thông cũng đã tạo ra một sân chơi nếu “đúng nghĩa” nó sẽ rất bổ ích cho học sinh.

Như tiêu chí của cuộc thi là khuyến khích các con nghiên cứu khoa học, say mê tìm tòi sáng tạo, từng bước làm quen dần với một phương pháp học tập mới không phải là thầy đọc trò ghi. Các con từ lý thuyết ra thực hành, nếu chúng ta thực hiện được theo đúng ý nghĩa ban đầu thì tôi thấy cực kỳ bổ ích cho các con. Cá nhân tôi rất ủng hộ cuộc thi này.

Qua báo chí tôi thấy có một số đề tài rất hay, đề tài nho nhỏ phù hợp với lứa tuổi và suy nghĩ của các con, phù hợp với đặc điểm của vùng miền nơi các em sinh sống, đây là một yếu tố quan trọng và rất thực tế”, nhà giáo Trần Thùy Dương - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam đã chia sẻ như vậy khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Nhà giáo Trần Thùy Dương: "Có đề tài khi nghe các con thuyết trình tôi thấy quá vĩ mô. Vậy nên chúng ta phải là người định hướng cho các con và đặc biệt là ban giám khảo cần cho các con thấy được đề tài này đang quá sức". Ảnh: Tùng Dương.
Nhà giáo Trần Thùy Dương: "Có đề tài khi nghe các con thuyết trình tôi thấy quá vĩ mô. Vậy nên chúng ta phải là người định hướng cho các con và đặc biệt là ban giám khảo cần cho các con thấy được đề tài này đang quá sức". Ảnh: Tùng Dương.

Trước những quan điểm cho rằng có một vài đề tài “quá sức” với các con, hoặc những đề tài đó giống như đã nghe thấy ở “đâu đấy”, hoặc như đã được trao giải tại một kỳ thi… nào đó rồi, về vấn đề này, cô Dương chia sẻ:

“Chuyên môn của tôi không phải là những môn khoa học, chế tạo, hóa sinh, nhưng tôi cũng có “cảm giác” rằng đây đó cũng có một số đề tài khi đọc qua thì người lớn cũng hơi “giật mình” bởi những đề tài đó mang tầm vĩ mô.

Có lẽ một đứa trẻ với thời gian trong khoảng 1 năm học thì rất khó có thể hoàn thiện được đề tài khoa học đó, kể cả một nghiên cứu sinh thực hiện cũng rất khó. Điều này theo tôi phụ thuộc rất nhiều vào thầy cô hướng dẫn và đặc biệt là ban giám khảo khi chấm điểm tại các cuộc thi này.

Thời gian qua có nhiều dư luận xôn xao trước những hiện tượng “lạ” trong cuộc thi Khoa học kĩ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh phổ thông có xuất hiện hàng loạt đề tài đao to búa lớn, quá tầm đối với học sinh.

Với một số dự án nghiên cứu của học sinh phổ thông đạt giải thì nhiều chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực đó cho biết: Đối với những vấn đề này đến thầy cô của các em còn không hiểu. Nghiên cứu này phải là những tập thể, những người có kiến thức chuyên môn đầy đủ, nắm vững phương pháp nghiên cứu khoa học Y khoa với chương trình đại học và sau đại học, đồng thời có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học.

Học sinh có tham gia đề tài khoa học đó thì chỉ là cộng sự sau khi các em đã được huấn luyện kỹ về một nội dung nào đó. Tôi thấy có chuyên gia nhận định: Nhiều khả năng đó là sản phẩm của thầy, chuyên gia và không biết có phải là số liệu trung thực của nghiên cứu hay không? Các em học sinh lên đọc tại cuộc thi nhưng chắc chắn không thể hiểu được thấu đáo đề tài này".

Đề tài nghiên cứu "tầm cỡ" của học sinh sẽ thành tiền lệ xấu?

Theo cô Dương: "Tôi đọc báo thấy không ít những học sinh phổ thông đã có sản phẩm, đề tài nghiên cứu về ung thư tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật và đạt giải, đã được chọn đi thi thi quốc tế? Vậy rất cần làm rõ có hay không đó sản phẩm của người lớn làm hộ để các em đi thi.

Với tôi đây là cuộc thi cấp Trung học phổ thông nhưng cũng rất cần những tiêu chí đánh giá cụ thể, ban giám khảo là những người có chuyên môn hơn ai hết về lĩnh vực đó và dễ dàng đánh giá, nhận biết được được đề tài khoa học đó của người lớn, hoặc đã nằm trong luận án thạc sỹ, tiến sỹ của ai đó, và cũng có thể đã được trao giải tại một cuộc thi nào đó? Có chăng chỉ khác tên đề tài mà thôi.

Trên thế giới thì việc sao chép ý tưởng, đề tài, sử dụng đề tài …đã được công bố thì đó là một lỗi rất nặng. Tôn chỉ của chúng ta đưa ra là thi và chấm ý tưởng của các con, chấm xem ý tưởng đó có cơ hội để phát triển ra những đề tài sau này áp dụng vào cuộc sống hay không? Tiếp đó là người lớn và các chuyên gia sẽ nghiên cứu phát triển thêm cho hoàn thiện.

Trên đấu trường quốc tế thì ban giám khảo và các chuyên gia chấm điểm đều dựa vào tiêu chí đó, chấm điểm ý tưởng. Ý tưởng đó phải giúp gợi mở ra những đề tài nghiên cứu sau này, đó là điểm hay nhất của cuộc thi.

Các con học sinh chưa có kinh nghiệm nhưng lại có sự sáng tạo của những đứa trẻ, còn nếu bây giờ chúng ta chấm điểm các con phải ra được một sản phẩm có tác dụng cụ thể thì theo tôi chi phí phòng thí nghiệm nó sẽ quá lớn đối với cả một công ty chứ chưa nói đến một trường phổ thông.

Với những đề tài nào đó “quá sức” học sinh, ở tầm “vĩ mô” mà vẫn được chấp nhận thì đó sẽ là một tiền lệ xấu, nhiều em học sinh ở các tỉnh, thành phố khác nhìn và học theo rằng cũng phải có những đề tài nghiên cứu khoa học tầm vĩ mô hoặc những đề tài tốn kém thì mới dám đi thi thì đó cũng là một sự lãng phí”.

Theo cô Dương: “Các em học sinh tham gia cuộc thi này tôi thấy các con thực sự có đam mê, nghe cách trình bày, diễn giải, cách phát triển…thì tôi chắc chắn đó là ý tưởng của các con chứ không phải của “người lớn”.

Nhưng cũng có đề tài khi nghe các con thuyết trình tôi thấy quá vĩ mô. Vậy nên chúng ta phải là người định hướng cho các con và đặc biệt là ban giám khảo cần cho các con thấy được đề tài này đang quá sức.

Nếu chúng ta định hướng tốt, thì trong những năm tiếp theo học sinh sẽ bám lấy những định hướng đó để rồi cho ra những ý tưởng, những đề tài phù hợp, thực tế theo tiêu chí đề ra.

Nhiều thầy ở bậc tiến sỹ, bậc đại học thường có tầm nhìn rộng, bao quát vấn đề, mà các thầy hỏi, chấm điểm ở một cái “tầm” như vậy thì con trẻ sẽ dần dần bị nâng lên theo, cứ bị với cao mãi rồi “đây đó” sẽ nảy sinh ra những đề tài không phù hợp, quá cao siêu thiếu thực tế. Thậm chí đưa đề tài ra chấm điểm xong về cất đi vì không thể áp dụng hay phát triển thêm được. Đó cũng là lãng phí mà còn tạo tiền lệ không hay”.

Những học sinh trong Câu lạc bộ Bobotis Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam thỏa sức sáng tạo tại phòng nghiên cứu của trường. Ảnh: Tùng Dương.
Những học sinh trong Câu lạc bộ Bobotis Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam thỏa sức sáng tạo tại phòng nghiên cứu của trường. Ảnh: Tùng Dương.

Cá nhân tôi rất ủng hộ cuộc thi này

Có dư luận cho rằng có thể một vài đề tài của “người lớn” nhưng để các em đứng tên mang đi dự thi? Cô Dương nói: “Nếu như có thật chuyện đó xảy ra thì thứ nhất sẽ làm mất lòng tin của những học sinh có sức sáng tạo.

Trẻ con dù có sáng tạo đến mấy thì cũng vẫn là trẻ, không thể có sự chín chắn, thực tế hoặc những kiến thức uyên thâm. Còn không thì đâu cần ai cũng phải học lên đại học nếu như ở tầm các con đã có những suy nghĩ và đề tài "tầm cỡ" như vậy?

Mục đích của chúng ta là khuyến khích sự say mê sáng tạo của các con mà nếu để tình trạng như vậy thì đâu còn ý nghĩa. Chúng ta luôn dạy học trò phải thật thà thì chúng ta cũng cần phải nghiêm túc thực hiện việc đó để làm gương cho các con noi theo”.

Cô Dương chia sẻ thêm: “Hiện nay có một điều rất mừng là học sinh trường Ams theo tôi quan sát thấy các con rất đam mê khoa học, các con tự thành lập các Câu lạc bộ Robot, Câu lạc bộ nghiên cứu Khoa học, Câu lạc bộ Thiên văn, Câu lạc bộ Thiết kế Đồ họa…đó thực sự là sở thích của các con và cũng đã đạt được nhiều thành tích nhất định.

Trong thời gian tới, ban giám hiệu nhà trường mong muốn những câu lạc bộ này không chỉ mang tính chất sở thích, cũng như hoạt động theo kiểu phong trào mà nó sẽ là định hướng phát triển năng khiếu của học sinh.

Ví dụ Câu lạc bộ Thiên văn có thể của những em chuyên môn Vật lý hay Toán học, chúng tôi sẽ đầu tư mời thầy để huấn luyện các con từ niềm đam mê đó phát triển thành kỹ năng cao hơn.

Các con rất thích học đi liền với thực hành, như vậy sẽ không còn cảm thấy áp lực với lý thuyết mà sẽ trở nên yêu thích môn học hơn. Tôi cũng mong rằng sẽ khuyến khích niềm đam mê khoa học của các con thể hiện qua các câu lạc bộ như vậy chứ không phải vì áp lực tham gia chỉ để lấy giải.

Việc học mà không có đam mê thực sự thì các con khó mà giỏi được, vậy muốn giỏi thì trước hết phải tạo cho các con niềm đam mê”.

Tùng Dương