6 giải pháp chấn hưng giáo dục cô giáo tiểu học gửi Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn

13/04/2021 06:55
Phan Tuyết
GDVN- Bộ trưởng cần khởi động cuộc vận động 2 không nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục, thực hiện quyết liệt và xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm

Kính gửi thầy Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo!

Việc thầy được giao trọng trách Bộ trưởng Bộ Giáo dục đã làm cho nhiều nhà giáo chúng tôi vui mừng lắm. Chúng tôi đang kỳ vọng vào sự thay da đổi thịt của ngành giáo dục mà người sẽ góp công lớn nhất không ai khác chính là thầy.

Là nhà giáo đã và đang trực tiếp đứng lớp gần 30 năm nay nên chúng tôi biết, chúng tôi hiểu, trọng trách này vô cùng nặng nề, nếu người lãnh đạo không đủ lòng dũng cảm, không đủ sự quyết tâm sẽ không bao giờ có thể làm được.

Tân Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: moet.gov.vn.Tân Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: moet.gov.vn.

Kính thưa thầy!

Đi dạy gần 30 năm, tôi đã chứng kiến hầu hết những thăng trầm của ngành giáo dục. Nhức nhối nhất hiện nay vẫn là căn bệnh ngụy thành tích, một căn bệnh trầm kha rất khó trị dứt.

Giáo dục lúc này chẳng khác nào một cơ thể đang cần một bàn tay phẫu thuật tài ba để đủ lòng dũng cảm và sự quyết tâm cắt phăng những ung nhọt, những khối u tích tụ theo năm tháng.

Do đã ăn sâu bén rễ từ lâu nên không đơn thuần là căn bệnh ngụy thành tích, nó đã diễn biến nặng hơn, trở thành căn bệnh giả dối trầm kha, dẫn đến nhiều người lừa dối nhau, cấp dưới lừa dối cấp trên, cấp trên lừa cấp trên nữa.

Đây là nguyên nhân làm nảy sinh nhiều tiêu cực trong giáo dục như nạn ép buộc học sinh học thêm tối ngày, học sinh ngồi nhầm lớp, chất lượng ảo, học gạo… hậu quả là tạo ra những lớp người học giả bằng thật, kẻ kém tri thức có cơ hội leo cao, người học thật lại chịu thiệt thòi.

Những năm 80 của thế kỷ trước khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã từng chứng kiến cứ mỗi kỳ thi tốt nghiệp ở cả 3 bậc học, người ta đi ném bài cho con như đi hội. Cụm từ “ném bài” cũng bắt nguồn từ những việc đấy.

Khi phòng thi đọc đề khoảng 20 phút thì có đề từ phía trong phòng thi ném ra bên ngoài. Học sinh trong phòng ngồi đợi, cha mẹ, anh chị bên ngoài xúm xít nhau lại giải bài và thi nhau ném qua cửa sổ cho con cháu của mình.

Những năm 90 khi tôi làm giáo viên, đã tận mắt chứng kiến và biết được việc học sinh đỗ tốt nghiệp cao phần đông có bàn tay ảo thuật của nhà trường và các thầy cô giáo.

Cha mẹ chỉ việc nộp tiền chống trượt cho con và mọi chuyện thi cử đã có nhà trường lo hết. Gần tới ngày đi coi thi, giáo viên chúng tôi thường được người quen, người thân đến nhờ gửi số báo danh để tạo điều kiện cho con cái họ quay bài mà chúng tôi quen gọi là “gà”.

Giáo viên đi coi thi được nhà trường sở tại, được hội phụ huynh tiếp đón nồng nhiệt, ngoài nơi ăn chốn ở, nơi vui chơi giải trí sau ngày thi còn có phong bì rủng rỉnh đem về.

Nhiều trường học thường bố trí giáo viên dạy các môn chính ở lại trường (không phải đi coi thi) để giải bài. Người đưa bài vào trường là văn thư, tạp vụ, bảo vệ, người mang bài vào phòng thi cho học sinh chép là giám thị hành lang. Nhiều học sinh trong phòng thi chỉ có nhiệm vụ đợi chép bài và nộp.

Kết quả tốt nghiệp bao giờ cũng đạt 100%, cũng có trường rớt vài em là thành phần đặc biệt lắm vì có bài làm sẵn cũng không biết chép thế nào.

Đã ở trong cuộc có lẽ ai cũng thấy những khuất tất, những bất công trong các kỳ thi nhưng chẳng ai dám nói và gần như mặc nhiên cho đó là chuyện bình thường. Nhiều hiệu trưởng vẫn hãnh diện khi trường mình tỷ lệ tốt nghiệp đạt 100% và xem đó như là thành tích.

Rồi, chúng tôi thật sự vui mừng khi năm ấy thầy giáo Đỗ Việt Khoa đã mạnh dạn đứng lên tố cáo gian lận thi cử.

Vụ việc gây chấn động cả nước nhưng chỉ là đối với người ngoài ngành chứ người trong ngành như chúng tôi đều hiểu chỉ là các nơi không có được ai mạnh dạn, dũng cảm như thầy Khoa nên vụ việc không được đưa ra ánh sáng.

Từ vụ việc của thầy Đỗ Việt Khoa, ngày 31/7/2006 Bộ giáo dục và đào tạo phát động phong trào hai không: Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục.

Bước đầu, tiêu cực trong ngành giáo dục của chúng ta đã được ngăn chặn. Trên cả nước đã chấm dứt hiện tượng thu tiền chống trượt tốt nghiệp hàng năm.

Kỳ thi tốt nghiệp “hai không” năm 2007, học sinh cả nước tốt nghiệp với tỉ lệ 66,72%, đã có những trường không có một học sinh đỗ tốt nghiệp. Dù rất buồn nhưng đây chính là kết quả phản ánh thật chất lượng học tập của học sinh.

Thấy rõ nhất là trong ngành chúng tôi, bởi vì lần đầu tiên giáo viên đi coi thi tốt nghiệp mà không ai dám gửi gắm.

Nhà trường cũng tuyệt đối không dám cử giáo viên ở nhà giải đề. Giám thị coi thi làm việc rất nghiêm túc, xử lý ngay và nghiêm những học sinh quay cóp bài.

Trong giảng dạy, chúng tôi liên tục được nhắc nhở phải dạy thật, đánh giá thật. Toàn ngành căng mình để thực hiện cuộc vận động 2 không với 4 nội dung.

Học sinh cũng đã bắt đầu xác định muốn thi đỗ tốt nghiệp không có con đường nào khác ngoài việc học. Phụ huynh cũng dần bỏ ý định quen biết, chạy chọt để được chiếu cố, du di.

Lẽ ra, đây chính là thời điểm vàng để đưa giáo dục nước nhà thoát khỏi bệnh thành tích ngự trị bao nhiêu năm tiến tới một nền giáo dục trong sạch mà nhiều người hằng mong ước.

Tiếc rằng, không biết vì lý do gì, phong trào này lại bị chết yểu khi từ năm 2009 kết quả chung đỗ tốt nghiệp của cả nước tiếp tục phi nước đại và đến những năm tiếp theo đó tỷ lệ tốt nghiệp ở nhiều trường lại xấp xỉ 100%.

Năm 2012, một lần nữa kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông lại được thầy Đỗ Việt Khoa tố cáo tiêu cực bằng những video clip tại kỳ thi tốt nghiệp ở trường Trung học phổ thông Đồi Ngô. Dù những sai phạm của các giáo viên, cán bộ nơi đây đã được xử lý nhưng niềm tin về một kỳ thi tốt nghiệp trong sạch cũng không còn nhiều.

Năm 2018, cả nước lại chấn động bởi vụ mua bán điểm có quy mô lớn ở Hòa Bình, Sơn La…hàng chục nhà giáo phải đứng trước vành móng ngựa.

Tới thời điểm này có thể khẳng định rằng cái phong trào 2 không với 4 nội dung: nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục tưởng sẽ là điểm sáng để đưa nền giáo dục nước nhà sang một trang mới đã hoàn toàn bị chết yểu.

Giáo dục hiện đang ngổn ngang với nhiều vấn nạn như ép học sinh học thêm, học giả bằng thật, mua bán chứng chỉ, lạm phát học sinh giỏi, học sinh yếu mất quyền lưu ban, bệnh hình thức tràn lan khắp ngành…để xóa bỏ những chuyện này rất cần người đầu tàu có đầy lòng quyết tâm và bản lĩnh.

Là một nhà giáo, chúng tôi xin được góp một số giải pháp để cùng Bộ trưởng từng bước xóa dần những vấn nạn nêu trên

Thứ nhất, Bộ trưởng cần khởi động lại cuộc vận động 2 không: Nói không với tiêu cực và bệnh ngụy thành tích trong giáo dục. Cần thực hiện quyết liệt và xử lý nghiêm những cá nhân, đơn vị cố tình vi phạm.

Nhân rộng những điển hình tiên tiến, cần vinh danh và có biện pháp bảo vệ người tố cáo tiêu cực trong giáo dục (nếu bản thân họ không muốn giấu tên).

Thứ hai, Bộ trưởng cần cho mở địa chỉ tiếp nhận đơn thư phản ánh một cách công khai và phải có biện pháp xử lý nghiêm, triệt để những sai phạm.

Bản thân tôi được biết, khi còn là Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, thầy Nguyễn Kim Sơn có sử dụng facebook để kết nối trực tiếp với giảng viên, sinh viên, người lao động. Hy vọng rằng trên cương vị Bộ trưởng, thầy vẫn tiếp tục duy trì kết nối trực tiếp với xã hội, với nhân dân, cho dù chúng tôi biết rằng sẽ có rất nhiều áp lực.

Nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều thông tin mà tôi chắc rằng Bộ trưởng không thể tìm thấy trong các báo cáo của địa phương/cục vụ, để Bộ trưởng nắm bắt kịp thời, đầy đủ, đa chiều thông tin, đặc biệt là những tiếng nói từ cơ sở, từ những người yếu thế trong xã hội để có những chỉ đạo kịp thời, điều chỉnh phù hợp để giáo dục dần tốt lên.

Thứ ba, giáo viên phải được dạy thật, đánh giá thật bằng cách thực hiện bàn giao chất lượng học sinh đầu năm một cách thực chất chứ không phải cách làm hình thức hiện nay, cũng bàn giao chất lượng nhưng giáo viên nhận lớp không được phép nhận xét học sinh yếu kém.

Khi đã nhận chất lượng thật thì các thầy cô giáo mới chịu trách nhiệm đầu ra. Và khi đã giao chất lượng thì giáo viên có toàn quyền lựa chọn phương pháp và hình giảng dạy, mà không buộc nhất nhất phải tuân theo sự chỉ đạo của chuyên môn một cách cứng nhắc như hiện nay.

Thứ tư, bỏ các chỉ tiêu lên lớp thẳng, chỉ tiêu phổ cập đúng độ tuổi, chỉ tiêu hiệu quả 5 năm đào tạo, chỉ tiêu học sinh khá giỏi…Để thực hiện được điều này không đơn thuần chỉ là một công văn gửi về trường là xong mà cần phải rà soát lại các thông tư về trường chuẩn quốc gia, về điều lệ trường học…

Cấp phải thay đổi nhiều nhất từ sở giáo dục, phòng giáo dục sau cùng mới đến các trường học. Hàng năm, phòng giáo dục vẫn còn tổ chức lễ ký cam kết chất lượng giáo dục buộc các trường phải ký chỉ tiêu thì chẳng mơ gì chuyện ép chỉ tiêu cho giáo viên chấp dứt.

Thứ năm, đánh giá giáo viên cần dựa vào hiệu quả giảng dạy thực chất, sự tín nhiệm của học sinh, phụ huynh chứ không phải việc căn cứ vào sáng kiến kinh nghiệm, việc đạt giải trong các hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi và các chỉ tiêu đạt được như hiện nay.

Thứ sáu, giảm áp lực hồ sơ sổ sách cho giáo viên một cách thực chất, quy định ban ra phải ghi nhận phản ánh và có sự kiểm tra để nhắc nhở, xử phạt những địa phương cố tình làm sai hoặc không tuân thủ quy định để chấm dứt tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược hay trên bảo dưới không nghe như hiện nay.

Thời gian đầu thực hiện việc cải cách bao giờ cũng khó khăn, gian khó. Tuy nhiên nếu quyết tâm và đầy lòng nhiệt huyết chúng tôi tin chắc rằng Bộ trưởng sẽ thành công.

Chúng tôi kính chúc Bộ trưởng luôn dồi dào sức khỏe để vững tay chèo đưa con thuyền giáo dục cập bến bờ tri thức thành công như mong đợi.

Tài liệu tham khảo:

https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%97_Vi%E1%BB%87t_Khoa

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết