Thanh tra, kiểm tra chuyên môn cuối năm học như thế nào mà giáo viên ngao ngán?

21/04/2021 07:00
KIM OANH
GDVN- Giáo viên vừa dạy, vừa tập huấn, vừa trong tâm thế đón đoàn kiểm tra cấp trên và kiểm tra chuyên đề nội bộ của nhà trường.

Thời điểm này, đa số các trường phổ thông đã và đang bước vào giai đoạn nước rút để ôn tập và kiểm tra học kỳ II cho học sinh, cộng với việc tập huấn mô-đun 3 của Chương trình giáo dục phổ thông mới nên công việc của giáo viên rất nhiều.

Tuy nhiên, những công việc thanh tra, kiểm tra chuyên môn cuối năm của sở, phòng giáo dục và nhà trường vẫn diễn ra bình thường theo kế hoạch.

Giáo viên vừa dạy, vừa tập huấn, vừa trong tâm thế đón đoàn kiểm tra cấp trên và kiểm tra chuyên đề nội bộ của nhà trường. Dù là công việc thường xuyên của ngành, của nhà trường nhưng việc kiểm tra cuối năm như năm học này khiến giáo viên rất mệt mỏi, áp lực.

Thời điểm cuối năm học nên nhà trường và giáo viên có rất nhiều công việc (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Thời điểm cuối năm học nên nhà trường và giáo viên có rất nhiều công việc

(Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Kế hoạch thanh tra, kiểm tra chuyên môn cuối năm, trường nào cũng rục rịch chuẩn bị đón đoàn

Năm học nào cũng vậy, giáo viên các trường phổ thông luôn luôn phải nằm trong tâm thế đón đoàn kiểm tra chuyên môn của phòng (khối trường tiểu học, trung học cơ sở) của sở (khối trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên).

Năm thì cấp trên về đầu năm học, có năm cuối học kỳ I, nhưng cũng có năm về trường vào dịp cuối năm học. Nhưng mỗi khi chuẩn bị kiểm tra là cấp trên ban hành kế hoạch về các nhà trường.

Thời điểm sẽ được cấp trên ấn định trong một khoảng thời gian nhất định và đoàn về trường nào thì không bao giờ báo nhưng luôn nhắc các trường chuẩn bị tốt các loại kế hoạch, hồ sơ chuyên môn của nhà trường, của tổ chuyên môn và các bộ phận có liên quan để làm minh chứng cho các nội dung kiểm tra.

Thành phần đoàn thanh tra, kiểm tra là lãnh đạo phòng, sở và cùng với hàng chục thành viên hội đồng bộ môn được thành lập.

Khi nhận được kế hoạch của cấp trên là nhà trường thông báo đến các tổ chuyên môn và giáo viên toàn trường chuẩn bị chu đáo hồ sơ sổ sách. Những tin nhắn nội bộ liên tục nhắc nhở giáo viên chuẩn bị đầu đủ đồ dùng dạy học, giáo án khi lên lớp.

Các loại hồ sơ sổ sách thì nhanh chóng bổ sung để hoàn thành, cập nhật để hạn chế tối đa những sai sót. Bên cạnh đó là nhà trường gửi thời khóa biểu của giáo viên lên cấp trên.

Ngày sở hoặc phòng về trường là chỉ vào phòng hội động sư phạm công bố đoàn, nội dung kiểm tra chuyên môn nhà trường một cách nhanh chóng là các thành viên hội đồng bộ môn túa lên các lớp dự giờ theo thời khóa biểu mà nhà trường đã gửi đi trước đó.

Các thành viên là chuyên viên thì ở tại phòng hội đồng nhà trường kiểm tra hồ sơ sổ sách của nhà trường, tổ chuyên môn.

Các thành viên hội đồng bộ môn dự giờ giáo viên, khảo sát chất lượng học sinh, có khi còn phỏng vấn giáo viên, học sinh về việc dạy và học của nhà trường.

Sau đó, các thành viên hội đồng bộ môn sẽ làm việc riêng với tổ trưởng chuyên môn, lãnh đạo phòng hoặc sở sẽ làm việc riêng với pan giám hiệu nhà trường để nhận xét ưu điểm, hạn chế từng mảng kiểm tra.

Cuối cùng là thông báo kết luận của đoàn kiểm tra đến hội đồng nhà trường (chủ yếu là ban giám hiệu, các tổ trưởng chuyên môn, tổ chức đoàn thể).

Bên cạnh việc thanh, kiểm tra của phòng, sở thì mỗi giáo viên còn được nhà trường kiểm tra nội bộ ít nhất 2 chuyên đề/ năm học. Ngoài ra còn vô số những chuyên đề chung như: hồ sơ sổ sách; thực hiện quy chế chuyên môn; đổi mới phương pháp dạy học; dự giờ đột xuất…

Nên hạn chế thanh tra, kiểm tra vào dịp cuối năm học

Thực ra, công việc thanh tra, kiểm tra của ngành giáo dục cũng là một công việc thường xuyên nhằm giúp cho các đơn vị, cá nhân mỗi giáo viên có thể khắc phục được những hạn chế trong quá trình quản lý, công tác.

Tuy nhiên, vào thời điểm cuối năm học, nhất là một năm học mà ngành giáo dục đang ráo riết triển khai tập huấn trực tuyến chương trình giáo dục phổ thông 2018 với rất nhiều phần công việc khác nhau.

Bên cạnh đó, giáo viên cũng liên tục phải tập huấn trực tiếp về rất nhiều mảng liên quan đến chuyên môn và công tác chủ nhiệm. Rồi họp hành để góp ý, lựa chọn sách giáo khoa cũng mất rất nhiều thời gian.

Những công việc giảng dạy trên lớp, chấm bài, vào điểm, nhận xét vào sổ theo dõi của học sinh vẫn diến ra bình thường…

Nhiều công việc cộng lại trong một thời điểm, lại thêm tâm lý đón đoàn kiểm tra của cấp trên về trường hoặc cá nhân một số thầy cô giáo nằm trong kế hoạch kiểm tra nội bộ của nhà trường cũng mất thêm rất nhiều thời gian…

Nhưng, thực tế thì việc kiểm tra chủ yếu cũng chỉ dừng lại ở phần hồ sơ sổ sách là nhiều. Cấp trên về kiểm tra nhà trường vẫn tìm xem nhà trường thiếu kế hoạch nào, công tác quản lý tổ chuyên môn, giáo viên ra sao.

Hội đồng bộ môn thì lật kế hoạch của tổ chuyên môn xem thực hiện trong năm được bao nhiêu chuyên đề, mỗi tháng có họp chuyên môn 2 lần theo quy định không. Trong các buổi họp chuyên môn có triển khai các văn bản mới, có thảo luận chuyên môn hay chỉ triển khai công tác hành chính.

Việc dự giờ giáo viên cũng chỉ dừng lại xem giáo viên có đảm bảo 5 hoạt động lên lớp (theo VNEN) hay không. Nếu thiếu thì góp ý, ghi biên bản…

Việc kiểm tra nội bộ của nhà trường cũng quanh đi, quẩn lại có một số hồ sơ sổ sách. Giáo án soạn có đủ số tiết, các hoạt động có thể hiện rõ hay không. Bài kiểm tra của học trò có được giáo viên nhận xét vào hay không….

Thực ra nó chỉ mang tính hình thức, chẳng có thể thúc đẩy chất lượng chuyên môn được bao nhiêu nhưng nó lại tạo ra những áp lực không cần thiết cho các nhà trường và giáo viên đứng lớp vào thời điểm cuối năm học.

Thiết nghĩ, nếu cấp trên, nếu nhà trường muốn kiểm tra thì hãy nên thực hiện vào những thời điểm thích hợp, lúc mà giáo viên không nhiều công việc như thời điểm cuối năm như năm học này.

Việc thanh tra, kiểm tra cũng cần hướng tới chất lượng, không quá nặng nề về hồ sơ sổ sách vô bổ và cũng chẳng cần báo trước làm gì bởi nó tạo áp lực cho giáo viên mà thực tế không hiệu quả.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

KIM OANH