Sau giờ làm việc ở công sở về nhà, ai cũng muốn được nghỉ ngơi để dưỡng sức cho ngày làm việc mới đầy năng lượng vào hôm sau. Và, giáo viên càng không ngoại lệ.
Vì sao giáo viên phải “chân trong chân ngoài”?
Thế nhưng, vì sao giáo viên ngày càng phải đi làm thêm nhiều đến thế? Sau giờ lên lớp, rời cổng trường thì thầy cô giáo nào cũng vùi đầu với biết bao công việc làm thêm khác. Có người làm thêm một nghề, người lại làm đến vài ba nghề mà vẫn chẳng ăn thua.
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Cao Thăng / Báo Sài Gòn Giải phóng. |
Nhiều khi người viết tự hỏi: Giáo viên không đi làm thêm có được hay không?
Con bệnh không có tiền thuốc thang, con ốm yếu không có tiền mua đồ bổ dưỡng, con học không có tiền đóng học phí....
Nhu cầu tối thiểu còn lo không nổi chứ nói gì đến mua một mảnh đất dựng nên cái gọi là nhà để có chỗ chui ra chui vào? Làm cha mẹ ai nỡ thảnh thơi cho bản thân mình mà không phải vật lộn mưu sinh mong muốn cho gia đình bớt khổ?
Giáo viên ngoài đồng lương còm hàng tháng (5 triệu đồng/tháng cho giáo viên 10 năm thâm niên trong nghề) có đủ nuôi mình và nuôi con? Chưa nói đến gia đình có chồng / vợ thất nghiệp và có bố mẹ già đã hết tuổi lao động?
Mỗi tháng nhận 2 cái thiệp đám cưới, thiệp mời thôi nôi, làm nhà mới, sinh nhật con cái, bạn bè...xem như gần bay đứt một tháng lương.
Nếu không làm thêm, tiền nuôi thân còn chưa đủ lấy gì nuôi con? Ăn còn chưa đủ lấy gì mà chi phí các nhu cầu tối thiểu của cuộc sống? Lấy gì mà lo chỗ ở cho gia đình?
Nhưng giáo viên làm thêm được việc gì?
Giáo viên thì làm thêm được gì ngoài công việc dạy thêm (bỏ sức lực, trí tuệ chân chính) giúp cho học sinh yếu lấy lại kiến thức, giúp cho học sinh giỏi nâng cao kiến thức, giúp học sinh kém lấy lại căn bản để theo kịp chương trình nhưng vẫn luôn bị lên án, bị ngăn cấm bằng thông tư này, công văn nọ.
Không làm thêm được bằng tri thức của mình thì chỉ còn biết đi chạy xe ôm, làm shipper giao hàng, đi phụ bán quán, bán hàng trên mạng, đi làm bảo hiểm, làm cò đất…
Thế mà vẫn có người nói vào nói ra rằng những công việc ấy thấp hèn, làm mất hình ảnh nhà giáo đạo mạo, cao sang, làm ảnh hưởng đến công việc dạy người, dạy nghề.
Chúng ta vẫn thường nói, nghề nào cũng đáng quý, công việc nào cũng đáng trân trọng. Vậy tại sao với giáo viên, chúng ta luôn khắt khe khi các thầy cô giáo đi làm thêm tăng thu nhập?
Đừng lên án giáo viên làm thêm, hãy kỷ luật nghiêm những người vi phạm nội quy, quy chế
Khi trong đầu lúc nào cũng cứ phải lo trưa nay ăn gì? Tiền đâu đóng học phí cho con? Tiền đâu trả nợ ngân hàng khi sắp đến tháng? Tiền đâu khám chữa bệnh cho con, cho mình…thì ai có thể yên tâm mà giảng dạy?
Khi nhà không có tiền mà bao thứ phải lo thì nhà giáo liệu có thể thong dong cháy mình trong từng bài giảng?
Đừng lên án giáo viên làm thêm, đừng phân biệt công việc này, công việc khác miễn những công việc ấy hợp pháp, không vi phạm pháp luật thì đều đáng trân trọng.
Khi cái bụng đã no, cái đầu bớt nghĩ về cơm áo gạo tiền thì làm việc gì cũng tốt.
Điều cần lên án duy nhất là những thầy cô dùng thời gian giảng dạy trên lớp để làm việc riêng.
Giờ dạy học mà thường xuyên nghe điện thoại, trả lời tin nhắn, bỏ lớp đi giao dịch, nhờ người khác dạy thay liên tục…lẽ nào nhà trường không biết? Giáo viên không hay? Học sinh, phụ huynh không phản ứng?
Ai dạy dỗ thế nào, chăm sóc học sinh ra sao, giờ giấc làm việc có nghiêm túc hay không thì giáo viên trong trường ai cũng biết. Đặc biệt học sinh và phụ huynh cũng nắm khá rõ.
Giáo viên bỏ bê công việc chính để đầu tư cho việc làm thêm, trách nhiệm đầu tiên thuộc về ban lãnh đạo và tập thể nhà trường đã không góp ý và chấn chỉnh nghiêm khắc ngay từ đầu.
Sự dung túng của cấp trên, sự làm lơ của đồng nghiệp là a dua với những sai phạm cũng chính là người đồng phạm với những thầy cô giáo ấy.
Những giáo viên đem công việc làm thêm vào trường học, lên lớp học đáng bị lên án chứ không phải cái công việc họ làm thêm. Bởi, bản thân mỗi công việc không có tội lỗi gì.
Không thể vì một vài trường hợp giáo viên vi phạm nội quy, quy chế về giờ giấc, về chất lượng giảng dạy do đi làm thêm để lên án, để mặc định làm thêm sẽ bị ảnh hưởng đến công việc chính.
Giáo viên cũng cần phải sống, cần lo cho gia đình, không thể cứ cho rằng nghề dạy học là nghề cao quý, thầy cô giáo phải đạo mạo, cao sang, cuộc sống phải thanh bần mới là nhà giáo mẫu mực.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.