Ngành Quản lý Nhà nước, Đại học Thủ Dầu Một, 100% sinh viên ra trường có việc

29/04/2021 06:22
Hữu Đức
GDVN- Theo kết quả khảo sát năm 2020, 100% sinh viên ngành Quản lý Nhà nước của trường Đại học Thủ Dầu Một sau khi ra trường khoảng 1 năm, đều có việc làm ổn định.

Theo Thạc sĩ Lê Văn Gấm - Phó giám đốc chương trình Quản lý nhà nước, Khoa Khoa học quản lý, Trường Đại học Thủ Dầu Một sau khi hoàn thành phần học kiến thức cơ bản về Quản lý nhà nước, tất cả sinh viên theo học ngành Quản lý nhà nước tại trường đều có tối thiểu 4 môn thực hành thực tập tại cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, công ty dưới sự hướng dẫn tận tình của giảng viên.

Tập thể giảng viên và sinh viên ngành Quản lý nhà nước tại Trường Đại học Thủ Dầu Một. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Tập thể giảng viên và sinh viên ngành Quản lý nhà nước tại Trường Đại học Thủ Dầu Một. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Cụ thể, trong giai đoạn 1, tức năm thứ 1 và 2, tất cả sinh viên ngành Quản lý nhà nước (gồm cả 3 chuyên ngành: Quản trị nhân sự, Quản trị địa phương, Chính sách công) đều được tham gia vận dụng kiến thức cơ bản về khoa học xã hội và khoa học liên ngành để nhận biết và giải thích được các vấn đề cơ bản liên quan đến pháp luật, quản lý nhà nước như các môn Nhập môn ngành Quản lý nhà nước, Hành chính nhà nước, Kinh tế Việt Nam, Kỹ năng thu thập và xử lý thông tin, Hội nhập kinh tế quốc tế,… rất thiết thực và ý nghĩa.

Giai đoạn 2 (năm thứ 3 và 4), sinh viên bước vào chương trình xây dựng khối kiến thức chung về Quản lý nhà nước và định hướng khối lượng kiến thức chuyên ngành.

Tập thể sinh viên Đại học Thủ Dầu Một thực hành tại Trung tâm hành chính công tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Tập thể sinh viên Đại học Thủ Dầu Một thực hành tại Trung tâm hành chính công tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Trong đó, các môn Quản lý nhà nước đối với chuyên ngành Quản trị nhân sự gồm: Quản trị nguồn nhân lực; Tiền lương, bảo hiểm và phúc lợi doanh nghiệp; Phát triển nhân sự trong tổ chức,…

Các môn Quản lý nhà nước chuyên ngành Quản trị địa phương bao gồm: Tổ chức chính quyền địa phương; Chính sách phúc lợi ở địa phương; Kỹ năng xây dựng chiến lược, lập kế hoạch, tham mưu, viết báo cáo kinh tế - xã hội ở địa phương,... Quản lý nhà nước chuyên ngành Chính sách công gồm các môn chính như: Hoạch định chính sách, Phân tích chính sách, Thực hiện chính sách, Đánh giá chính sách,…

Tập thể sinh viên thực tập tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao su Dầu Tiếng. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Tập thể sinh viên thực tập tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao su Dầu Tiếng. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Thạc sĩ Lê Văn Gấm nhấn mạnh, sinh viên ngành Quản lý nhà nước phải trải qua 4 môn thực hành thực tập.

Môn thực hành thực tập 1 triển khai vào học kỳ 1 năm 2; Môn thực hành thực tập 2 tổ chức vào học kỳ 2 năm 2; Và môn thực hành thực tập 3 diễn ra vào cuối năm 3.

Sau cùng là đợt thực tập cuối khóa và làm luận văn tốt nghiệp. Trong quá trình thực tập, sinh viên được đi thực tế tại các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, công ty dưới sự hướng dẫn tận tình của giảng viên.

Tập thể sinh viên thực tập tại bộ phận một cửa Ủy ban nhân dân cấp xã. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Tập thể sinh viên thực tập tại bộ phận một cửa Ủy ban nhân dân cấp xã. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Sinh viên Trần Hồng Hoàng Trọng - năm 3 ngành Quản lý nhà nước, trường Đại học Thủ Dầu Một cho biết: "Tính tới thời điểm này, em đã trải qua hai lần thực hành tại bộ phận một cửa Ủy ban nhân dân cấp xã và một lần thực tập tại Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương.

Được trải nghiệm thực tế tại bộ phận tiếp công dân, giúp bản thân mình tiếp cận với đa dạng các tình huống thực tế.

Từ đó, mình đúc kết ra khá nhiều bài học về thái độ tiếp công dân và cách xử lý tình huống mà không sách vở nào có thể chỉ dẫn được".

"Dù là sinh viên năm ba nhưng nhờ siêng năng, cộng với sáng ý trong quá trình học tập nên hiện nay Hoàng Trọng cũng đã được một tổ chức đoàn thể cấp tỉnh (xin phép không nêu tên) nhận vào làm việc với tư cách cộng tác viên", Thạc sĩ Lê Văn Gấm phấn khởi chia sẻ.

Sinh viên Khoa Quản lý nhà nước đang chăm chú nghe giảng tại trường Đại học Thủ Dầu Một. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Sinh viên Khoa Quản lý nhà nước đang chăm chú nghe giảng tại trường Đại học Thủ Dầu Một. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Được biết, ngoài 3 môn thực tập trên, sinh viên còn phải trải qua phần thực tập riêng cho từng môn học cụ thể, tùy thời lượng các học phần mà giảng viên bộ môn có thể cân đối lượng thời gian thực hành, nhưng tối thiểu phải chiếm 20% thời lượng học toàn môn.

Cùng với đó, nhà trường luôn tạo điều kiện tốt nhất để khuyến khích sinh viên vừa học, vừa tranh thủ sắp xếp thời gian làm thêm tại cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, công ty,… với mục đích tích lũy kinh nghiệm.

"Nhờ áp dụng phương pháp học tích cực vận dụng thực tiễn, các em sinh viên khi ra trường vừa đảm bảo nắm vững kiến thức chuyên ngành, vừa có khả năng thích nghi nhanh với môi trường làm việc thực tế.

Theo kết quả khảo sát vào năm 2020, 100% sinh viên sau khi ra trường khoảng 1 năm, đều có việc làm ổn định, trong đó 40% các em vào làm việc khu vực tư và 60 % còn lại làm việc trong khu vực công.

Vị trí các em đảm nhận tại các cơ quan, đơn vị thuộc: Bộ máy Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội, viện kiểm sát, tòa án, đơn vị sự nghiệp; và các chức danh tổ chức nhân sự, hành chánh - tổ chức, pháp chế… trong các doanh nghiệp.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, phần lớn sinh viên đều khẳng định được năng lực, tạo được sự tin cậy cho cấp trên", Thạc sĩ Lê Văn Gấm cho hay.

Hữu Đức