Thủ khoa chia sẻ bí quyết để có việc làm ngay khi tốt nghiệp dù dịch Covid

04/05/2021 06:06
Thùy Linh
GDVN- Lan Anh cho rằng muốn đạt được những mục đích cao hơn thì trước hết cần thực hiện tốt những mục tiêu dù là nhỏ bé.

Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất có truyền thống hiếu học – quê hương Nam Định, Phạm Thị Lan Anh sinh viên K59 của Trường Đại học Kinh tế quốc dân đã luôn cố gắng trong học tập và kết quả là em trở thành thủ khoa đầu ra, tốt nghiệp sớm của chuyên ngành Thương mại quốc tế.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về lý do chọn trường Đại học Kinh tế quốc dân thì Lan Anh kể, ngay từ khi là học sinh cấp 1, cấp 2, em đã tham gia vào đội tuyển học sinh giỏi cấp huyện của trường.

Đặc biệt, khi bắt đầu vào cấp 2 em bén duyên với môn Ngữ Văn với thành tích 1 Giải Nhất, 3 Giải Nhì cấp Huyện, Giải Ba cấp tỉnh năm học lớp 9 và Giải Nhì cấp tỉnh năm lớp 12.

Bên cạnh đó, em cũng tích cực tham gia vào các hoạt động chung của trường lớp, tiêu biểu là Giải Nhất cấp trường cuộc thi viết lưu bút bày tỏ sự tri ân với các thầy giáo, cô giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Phạm Thị Lan Anh đạt danh hiệu thủ khoa ngành Thương mại quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân (ảnh: NVCC)

Phạm Thị Lan Anh đạt danh hiệu thủ khoa ngành Thương mại quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân (ảnh: NVCC)

Mặc dù chưa một lần được đến thăm trường Đại học Kinh tế Quốc dân trước đó, nhưng qua các phương tiện truyền thông, trường luôn là một hình ảnh tuyệt đẹp, một ngôi trường hàng đầu cả nước về đào tạo các chuyên ngành kinh tế.

Nhìn những anh chị đi trước thi đỗ vào trường và các thế hệ đã trưởng thành từ mái trường này, lòng em tràn đầy sự ngưỡng mộ và niềm hi vọng vài năm nữa thôi mình cũng được ngồi nghe các thầy giáo, cô giáo giảng bài trên những giảng đường của trường. Tình yêu ấy cứ lớn dần theo năm tháng và trở thành mục tiêu, là động lực để em cố gắng phấn đấu học tập.

Niềm khao khát đến cháy bỏng một ngày nào đó sẽ được ngồi trên những giảng đường của Đại học Kinh tế Quốc dân, được cầm trong tay tấm thẻ sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân đã thôi thúc em tập trung học tập hơn nữa. Em đã quyết định lựa chọn khối A để thi vào trường, làm quen nhiều hơn với những bài toán khó.

Đối với một số người, việc chuyển hướng từ một cô gái đam mê văn chương sang học lớp khoa học tự nhiên có phần khó hiểu nhưng với em, làm việc với những con số lại tạo cho em sự hứng thú, sự tập trung cao độ bởi nó cần sự chính xác.

Đến khi thi đại học, quyết định chọn nguyện vọng vào chuyên ngành Thương mại quốc tế vì Lan Anh nhận thấy Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với các nước trên thế giới, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu cũng là một trong những vấn đề cần chú trọng để phát triển nền kinh tế nước nhà.

Hàng hoá của Việt Nam ở bất kỳ quốc gia, vùng lãnh thổ nào cũng góp phần khẳng định được giá trị, chất lượng các mặt hàng của chúng ta, nâng cao vị thế trong quan hệ kinh tế giữa các nước. Được góp sức mình vào quá trình nay cũng làm niềm vui, hạnh phúc và sự vinh dự của em.

Cùng với đó, thị trường việc làm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, logistics cũng được mở rộng ra theo xu hướng, nhu cầu của thị trường sẽ cho em và các bạn trẻ khi ra trường có nhiều hơn những cơ hội.

Tuy nhiên, nguồn lao động trong lĩnh vực này hiện vẫn đang vừa thiếu, lại vừa thiếu là bởi mỗi năm có rất nhiều bạn sinh viên tốt nghiệp các ngành liên quan nhưng lại chưa đủ kiến thức chuyên môn hoặc kỹ năng đáp ứng được công việc.

“Thấy chuyên ngành Thương mại quốc tế hứa hẹn một tương lai với nhiều cơ hội nhưng cũng sẽ có rất nhiều thách thức và điều này lại thu hút em muốn được chinh phục”, Lan Anh chia sẻ.

Trở thành thủ khoa là một niềm vinh dự, một danh hiệu cao quý Lan Anh có được (ảnh: NVCC)

Trở thành thủ khoa là một niềm vinh dự, một danh hiệu cao quý Lan Anh có được (ảnh: NVCC)

Nói về cảm xúc khi biết mình trở thành thủ khoa thì Lan Anh bảo “lúc đó em vỡ òa hạnh phúc”. Bởi đối với sinh viên nào cũng vậy, đây là một niềm vinh dự, một danh hiệu cao quý mà chúng em đều mong muốn có được. Danh hiệu này giống như một món quà, một phần thưởng vô giá đánh dấu một quá trình học trình học tập trước khi chính thức trở thành một cựu sinh viên và là một tân cử nhân.

“Em luôn cho rằng chỉ cần chúng ta nỗ lực, cố gắng, mọi khó khăn, thử thách rồi sẽ vượt qua và rồi thành công sẽ đến với những người xứng đáng, thành quả đạt được thì cũng thật ngọt ngào. Ai trồng cây rồi cũng mong đến ngày hái quả. Giây phút được khoác lên mình chiếc áo cử nhân của Trường Đại học Kinh tế quốc dân và được nhận tấm bằng tốt nghiệp từ các thầy, các cô có lẽ là những giây phút vô cùng trọng đại và ý nghĩa trong cuộc đời mỗi con người.

Và với em giây phút ấy, niềm vui như được nhân lên gấp đôi xen lẫn đôi chút hồi hộp khi được thầy hiệu trưởng và thầy phó hiệu trường trao hoa và giấy khen Danh hiệu thủ khoa xuất sắc chuyên ngành trước sự chứng kiến của hàng nghìn quý phụ huynh, thầy cô, các đại biểu và các bạn sinh viên”, cô nàng thủ khoa 9X tâm sự.

Trước mỗi môn thi, em đặt mục tiêu về điểm số để cố gắng

Chia sẻ về bí quyết để đạt điểm cao trong giảng đường đại học, Lan Anh cho rằng, môi trường học tập ở đại học dường như khác biệt rất lớn so với bậc trung học phổ thông.

Trước đó, em đã từng nghe câu “Học đại học nhàn lắm”. Qua quá trình chiêm nghiệm, em thấy câu nói này không hoàn toàn sai. Bởi lẽ đúng là em không còn bị quản thúc quá chặt của bố mẹ, thầy cô, cũng không còn những hôm phải ngồi trên lớp học cả ngày, bị kiểm tra bài tập về nhà thưởng xuyên, tần suất làm bài kiểm tra cũng được giảm đi đáng kể. Thế nhưng đúng là cái gì cũng có hai mặt của nó.

Phạm Thị Lan Anh và gia đình trong buổi lễ nhận bằng tốt nghiệp (ảnh: NVCC)

Phạm Thị Lan Anh và gia đình trong buổi lễ nhận bằng tốt nghiệp (ảnh: NVCC)

Môi trường đại học đòi hỏi em cần có sự tự học, tự giác và tính tự lập cao hơn. Một lớp học được mở rộng ra với quy mô lớn hơn, lượng kiến thức cũng rộng hơn rất nhiều nhưng thời gian tiết học thì có hạn. Do đó, muốn hiểu sâu vấn đề thì trước hết cần tập trung nghe các thầy, các cô giảng bài kết hợp ghi chép các ý chính cũng như các phần các lưu ý.

Khi về nhà, em thường làm các bài tập mà thầy cô đã giao. Điều này với một số bạn là không quan trọng bởi lẽ đôi khi thầy cô cũng không thể kiểm tra hết việc làm bài tập của sinh viên ở nhà. Thế nhưng nó lại thực sự cần thiết với em, việc làm bài tập về nhà giúp cho em nắm rõ và chắc hơn các kiến thức đã được học trên lớp.

Bên cạnh đó, những phần chưa hiểu có thể tìm lại thông tin trong bài giảng của thầy cô, giáo trình hoặc có thể trao đổi với các bạn trong lớp để cùng tìm hướng giải quyết. Và thông thường, thầy cô sẽ có điểm cộng khuyến khích, đây cũng là động lực để em cố gắng chăm chỉ hơn.

Ở đại học, em được cùng các bạn làm bài tập nhóm, bài thuyết trình. Quá trình làm bài tập nhóm cùng nhau em cũng nhận thấy rằng: Mỗi thành viên trong nhóm sẽ có những tính cách khác nhau nhưng quan trọng nhất là cùng nhau xác định mục tiêu là hoàn thành bài tập với kết quả tốt nhất.

Do đó, cần tìm ra những thế mạnh của mỗi bạn để phân chia công việc sao cho phù hợp. Và đã là làm việc nhóm thì các thành viên cần có sự tự giác hoàn thành công việc của mình đúng hạn đồng thời hỗ trợ các bạn nên việc tìm một nhóm bạn trên đại học cũng vô cùng quan trọng.

Em có một nhóm bạn gồm 6 thành viên. Chúng em luôn cùng nhau làm bài tập nhóm, giúp đỡ nhau trong học tập: tìm kiếm tài liệu, cùng nhau giải bài tập khi gặp vướng mắc và cùng làm đề cương ôn tập.

“Với vai trò là nhóm trưởng của bài tập nhóm, em luôn đòi hỏi việc đúng hạn nộp nhưng sẽ không quá đặt áp lực lên các thành viên bởi các công việc sẽ được em triển khai ngay từ khi được thầy cô giao đề tài. Bên cạnh đó, em cho rằng ý kiến của các thành viên nhóm nên được tôn trọng và em sẽ luôn lắng nghe để đưa ra biểu quyết trong nhóm”, qua kinh nghiệm làm nhóm trưởng Lan Anh rút ra kinh nghiệm.

Còn về mặt điểm số học tập, Lan Anh kể, ngay buổi đầu tiên của các môn học, thầy cô thường sẽ phổ biến thang điểm đánh giá, em sẽ ghi chép lại. Trong quá trình học, ý thức sinh viên luôn được thầy cô quan tâm.

Do đó, em luôn cố gắng đi học đúng giờ, đầy đủ các buổi học và luôn giữa thái độ tôn trọng với các thầy, các cô, sẵn sàng trao đổi, thảo luận và phát biểu ý kiến khi cần thiết.

Lan Anh cho rằng muốn đạt được những mục đích cao hơn thì trước hết cần thực hiện tốt những mục tiêu dù là nhỏ bé. Đến giữa kỳ và cuối kỳ là lúc bản thân em và các bạn phải đối mặt với một lịch kiểm tra và lịch thi dày đặc thì việc bố trí sắp xếp một thời gian biểu khoa học là điều nên có.

“Em thường sẽ dành thời gian nhiều hơn cho các môn học mà em cảm thấy bản thân mình còn chưa chắc chắn hoặc có lượng kiến thức rộng. Tuy nhiên nhưng môn mà mình cảm thấy tự tin cũng không quá chủ quan.

Khi ôn tập, em sẽ chuẩn bị các tài liệu cần thiết trước rồi sẽ đọc lại bài giảng, vở ghi chép, giáo trình và tạo cho mình một bộ đề cương, có thể là làm chung cùng nhóm bạn. Đối với các môn học có bài tập, em sẽ ngồi giải lại bài cũ và tìm những dạng bài mới liên quan.

Nếu có điều gì còn băn khoăn em sẽ trao đổi cùng các bạn hoặc liên hệ trực tiếp thầy cô giảng dạy để được giải đáp. Trước mỗi môn thi, em sẽ đặt mục tiêu về điểm số cho mình dựa trên độ khó dễ của môn học”, kế hoạch học tập, ôn tập có lộ trình của cô học trò Nam Định.

Trước khi chính thức cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay thì Lan Anh đã đi làm ở một công ty xuất nhập khẩu. Thời gian đầu đại học có đi làm thêm nhưng em nhận thấy khi còn là sinh viên việc học vẫn là điều được quan tâm chú trọng hàng đầu, bên cạnh đó với mục tiêu ra trường sớm (tốt nghiệp sau 3,5 năm) nên phần lớn thời gian của em vẫn dành cho học tập là chủ yếu. Đến cuối năm 3, Lan Anh có thực tập tại một công ty xuất khẩu nông sản để học hỏi thêm kinh nghiệm cũng như phục vụ cho quá trình làm chuyên đề tốt nghiệp của mình.

Dịch bệnh Covid-19 gần như ảnh hưởng tới tất cả các ngành và đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu giữa các quốc gia, tác động rất lớn tới nền kinh tế toàn cầu và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

Bản thân em trong thời điểm khi hoàn thành xong chương trình học và bảo vệ chuyên đề tốt nghiệp thành công, em cũng đã bắt đầu tìm hiểu về các các công việc cũng như các công ty mà mình mong muốn để ứng tuyển và cũng gặp những khó khăn nhất định trong giai đoạn đầu.

“Trước những trở ngại mà dịch bệnh đưa đến, rất nhiều công ty, doanh nghiệp đã và đang phải tiến hành cắt giảm nhân sự trong khi đó, chúng em những sinh viên mới ra trường lại không có quá nhiều kinh nghiệm cũng sẽ là một trong những lý do có thể khiến các nhà tuyển dụng phải đắn đo, cân nhắc.

Nhưng giờ đây em cũng cảm thấy mình khá may mắn khi em cũng đã tìm được cho mình một công việc đúng với chuyên ngành mà mình đã lựa chọn để theo học suốt 3,5 năm”, Lan Anh đã tìm được công việc trước khi có tấm bằng tốt nghiệp trên tay.

Thùy Linh