Nếu chỉ học “tủ” sẽ khó làm được bài thi môn Hóa tốt nghiệp lớp 12

06/05/2021 06:36
Tùng Dương
GDVN- Học sinh ôn tập bám sát vào chương trình lớp 12 thì hoàn toàn có thể làm được 80% bài thi mà không quá khó khăn. Nên bám theo hướng đề thi tham khảo đã gợi ý.

“Ôn tập môn Hóa học chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021 với phạm vi kiến thức mà Bộ đã đưa ra không vượt quá chương trình, chủ yếu kiến thức nằm ở lớp 12.

Môn Hóa có đặc thù liên hệ kiến thức từ những lớp dưới nên học sinh cần phải ôn tập theo hệ thống kiến thức từ đầu, nếu chỉ học “tủ” sẽ khó hoàn thành được bài thi.

Tuy nhiên nếu các con bám sát vào chương trình sách giáo khoa lớp 12 thì hoàn toàn có thể làm được bài thi đạt 80% mà không quá khó khăn. Hơn nữa nên bám theo hướng đề thi tham khảo gợi ý để ôn tập.

Ôn tập hết các mục, phần trong sách giáo khoa lớp 12 như định nghĩa, tính chất Hóa học, tính chất Vật lý, phần điều chế, phần ứng dụng thực tế. Đề thi hiện nay rất nhiều phần có sự liên hệ thực tế một cách cụ thể.

Có khoảng 80% nội dung trong đề là những kiến thức cơ bản, nên chỉ cần các con cẩn thận, ôn tập chỉnh chu chắc chắn sẽ không quá khó khăn để đạt 8 điểm, còn mức điểm cao hơn nữa thì thực sự khó khăn vì vùng phân loại rất cao”, chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Hồng Hải - Giáo viên môn Hóa học Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam, người lãnh đội thi Quốc tế môn Hóa học đã nhận định.

Thầy Hải cho biết: "Trong thời gian 50 phút đồng hồ làm bài thi không phải là chia đều cho các câu hỏi. Với 32 câu đầu tiên học sinh phải làm rất nhanh nhưng chính xác, theo tôi dự kiến các em cần phải hoàn thành trong khoảng dưới 20 phút. Với 30 phút còn lại thực chất để trả lời được nhiều nhất trong khoảng 7 - 8 câu hỏi cuối cùng ở vùng vận dụng cao'". Ảnh: Tùng Dương.

Thầy Hải cho biết: "Trong thời gian 50 phút đồng hồ làm bài thi không phải là chia đều cho các câu hỏi. Với 32 câu đầu tiên học sinh phải làm rất nhanh nhưng chính xác, theo tôi dự kiến các em cần phải hoàn thành trong khoảng dưới 20 phút. Với 30 phút còn lại thực chất để trả lời được nhiều nhất trong khoảng 7 - 8 câu hỏi cuối cùng ở vùng vận dụng cao'". Ảnh: Tùng Dương.

Theo thầy Hải: “Chương trình Hóa học cấp Trung học phổ thông được chia làm hai mảng chính: Vô cơ và Hữu cơ. Đa số kiến thức lý thuyết nền tảng về Hóa học Vô cơ quan trọng với số lượng câu hỏi thường xuyên xuất hiện trong đề thi Trung học phổ thông nằm ở chương số 5, Hóa học 12 - Chủ đề: Đại cương về kim loại.

Có khoảng 15 câu ở đề thi với mức độ biết, đây là những câu dễ và chỉ cần ôn tập tốt là làm được. Muốn vậy cần ôn bám sát vào kiến thức sách giáo khoa lớp 12.

Những câu tiếp theo mang tính chất hiểu, có nghĩa khi học sinh hiểu vấn đề thì sẽ trả lời được 15 câu hỏi đó. Sau khi biết thì các con cần phải hiểu phần kiến thức đó và áp dụng được vào việc làm bài tập cụ thể. Ví dụ: Đề thi cho một kim loại nào đó với khối lượng bao nhiêu và khi cho tác dụng với axit sẽ có khả năng tạo thành bao nhiêu thể tích Hydro.

Vậy tính thể tích Hydro này thực ra là những câu khá dễ, các con chỉ cần biết và có khả năng xử lý bài đó là ra kết quả. Bài này không đòi hỏi khả năng tư duy cao.

Trong phần lý thuyết, học sinh cần học thật vững lý thuyết Hóa 12. Cụ thể, những khái niệm, định nghĩa, tính chất vật lý, tính chất hóa học, trạng thái tự nhiên và ứng dụng của các chất…Đối với đề tham khảo môn Hóa học thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông 2021 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố, thì đối với phần Hóa học của lớp 11 đều ra ở mức độ nhẹ, nên học sinh chủ yếu nắm vững phần khái niệm, định nghĩa. Công thức về hidrocacbon, ancol, phân bón…

Có 7 câu hỏi cuối cùng rất khó, cần học sinh có khả năng tư duy cao hơn vì đây là phần kiến thức tổng hợp đòi hỏi vận dụng cao, vùng kiến thức này dành cho những học sinh lấy điểm xét tuyển vào các trường đại học, nhất là đối với các trường Đại học Y, Đại học Dược.

Với 7 câu hỏi phần này đòi hỏi học sinh phải có cả một quá trình vì kiến thức rất tổng hợp, ngoài việc các con phải rất thành thục các câu hỏi thuộc phạm vi biết, phạm vi hiểu, vận dụng cao bao gồm vô cơ, hữu cơ cùng được kết hợp trong một câu hỏi.

Với những câu hỏi phần này trong đề thi minh họa tôi thấy yêu cầu lượng tính toán rất lớn, đòi hỏi học sinh phải có kỹ năng tính toán rất nhanh, chính xác. Điều nữa là các con phải biết một số thủ thuật máy tính để tính toán thêm.

Ngoài ra khi ôn tập ở nhà, học sinh cần giải đề thi thử nhiều hơn, tham khảo các đề thi minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề thi của các trường Trung học phổ thông trên cả nước để đo mức độ điểm số mình đã đạt được, từ đó có cách thức và lộ trình ôn tập phù hợp cho mỗi cá nhân”.

Ban giám hiệu Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam, và các thành viên ban chỉ đạo cùng 8 em học sinh đạt giải trong kì thi Quôc tế IOM 2020. Đặc biệt em Nguyễn Duy Anh học sinh lớp 12 Hóa 1 đạt số điểm cao nhất toàn cuộc thi. Đội tuyển quốc gia Việt Nam đứng thứ 2 trên 32 đội tuyển tham dự. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Ban giám hiệu Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam, và các thành viên ban chỉ đạo cùng 8 em học sinh đạt giải trong kì thi Quôc tế IOM 2020. Đặc biệt em Nguyễn Duy Anh học sinh lớp 12 Hóa 1 đạt số điểm cao nhất toàn cuộc thi. Đội tuyển quốc gia Việt Nam đứng thứ 2 trên 32 đội tuyển tham dự. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Rất cần kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm

Theo thầy Hải: “Học sinh không phải thi tự luận nên rất cần kỹ năng làm bài trắc nghiệm tốt, nhanh và có tư duy mạch lạc từ đầu đến cuối để vận dụng kiến thức như định luật bảo toàn, sơ đồ hóa bài toán để giải…

Trong thời gian 50 phút đồng hồ làm bài thi không phải là chia đều cho các câu hỏi. Với 32 câu đầu tiên học sinh phải làm rất nhanh nhưng chính xác, theo tôi dự kiến các em cần phải hoàn thành trong khoảng dưới 20 phút. Với 30 phút còn lại thực chất để trả lời được nhiều nhất trong khoảng 7 - 8 câu hỏi cuối cùng ở vùng vận dụng cao.

Những câu hỏi cuối cùng đối với học sinh chỉ thi tốt nghiệp, có nhiều con thường nói đó là những câu để thử “vận may” của mình. Còn đối với học sinh xác định để thi đại học thì đó là những câu hỏi mang tính nghiêm túc rất cao, hơn nữa các con còn phải làm cực kỳ chính xác 32 câu đầu tiên, không được phép sai”.

Thầy Hải chia sẻ thêm: “ Theo quan điểm cá nhân tôi, đối với môn Hóa phần kiến thức trọng yếu sẽ phải ôn trọng tâm vào phần este, chắc chắn là sẽ có từ 1 đến 2 câu.

Thứ hai là phần kiến thức về các bài toán hỗn hợp vô cơ của các chất vô cơ, ví dụ Axit nitric hoặc Muối nitrat. Tiếp theo có thể là bài toán liên quan đến phần điện phân, các bài toán liên quan đến phần hợp chất như Amin, rồi Amino axit hoặc là Muối amoni của Amin, có thể là Muối Amino axit…những câu này rất khó.

Có thể có thêm một số bài về kiến thức tổng hợp như bài toán xử lý về thực nghiệm, đây là một điểm yếu vì học sinh được làm thực hành chưa nhiều, và không phải học sinh nào cũng được làm thực hành. Vậy nên khi được làm thực hành các con cần chú ý các hiện tượng, các câu chữ mô tả trong bài thực nghiệm để cố gắng loại trừ những sai sót không đáng có.

Trong phần cuối cùng với 7 câu hỏi, có thể có lý thuyết nhưng vẫn chủ yếu là bài tập và thường rất khó, nhưng nằm trong chương trình sách giáo khoa của lớp 12. Tuy nhiên môn Hóa có đặc thù với sự liên hệ từ những lớp dưới, các kỹ thuật giải bài toán không phải chỉ lớp 12 mới học. Vậy nên học sinh cần phải có cả một quá trình”.

Thầy Hải nhấn mạnh: “Ở lớp 12 ngoài việc học trên lớp thì hoàn toàn học sinh có thể tự ôn tập thêm ở nhà, khi học các phần trong sách giáo khoa thì cần có sự tổng hợp, ghi nhớ.

Đối với những câu hỏi biết thì buộc các con cần phải ghi nhớ, ví dụ câu hỏi quặng Pirit có công thức nào sau đây… và sau đó đề thi cho một loạt các công thức liên quan đến quặng Pirit này, điều đó các con buộc phải biết.

Phần thực hành tại nhà rất khó để cho học sinh thực hiện được nên các con cần phải đọc nhiều các bài thực hành bởi các bài thực hành của học sinh Trung học phổ thông đều mang tính chất minh họa, kiểm chứng nhiều hơn là mang tính chất nghiên cứu.

Tôi biết nhiều học sinh ở những vùng khó khăn, vùng sâu…không có điều kiện và cũng chưa được thực hành bao giờ nhưng các em học sinh đó vẫn hoàn thành rất tốt những dạng bài này bởi các em chịu khó đọc những tài liệu liên quan, tìm hiểu rõ những hiện tượng thí nghiệm mặc dù không được nhìn trực tiếp nhưng vẫn chọn được rất đúng hiện tượng khi thí nghiệm xảy ra.

Vậy những thí nghiệm đó học sinh tuy không được làm trực tiếp thì vẫn hoàn toàn có thể đọc thật kỹ phần tính chất, hoặc xem những video thí nghiệm tất cả các bài thực hành trong sách giáo khoa, với video thì các em cần xem đi xem lại nhiều lần để nhớ.

Lưu ý không xem lan man các thực hành không nằm trong chương trình, bám sát theo các bài trong sách giáo khoa lớp 12, từ các đề mục nhỏ, những bài nghiên cứu chất mới, xem kỹ từ định nghĩa, tính chất Vật lý, tính chất Hóa học, điều chế, tất cả những bài về nghiên cứu chất, hợp chất.

Trong quá trình làm bài thi, học sinh làm câu nào chắc chắn ghi điểm câu đó, câu nào chưa chắc chắn nên đánh dấu rồi dành thời gian xem lại, ưu tiên các câu lý thuyết làm trước, bài tập tính toán dành thời gian làm sau. Khi đã làm tốt các câu hỏi lý thuyết, các em sẽ có tâm lý thoải mái, tự tin để tiếp tục với các câu hỏi tiếp theo”.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2020, trong tổng số 289.066 thí sinh dự thi môn Hóa, mức điểm trung bình là 6,71, điểm trung vị là 7.

Số điểm nhiều thí sinh đạt được nhất là 7,75. Có 38 thí sinh có điểm thi từ 1 trở xuống và 399 thí sinh đạt điểm 10.

Tùng Dương