Học sinh cam chịu đứng yên để giáo viên đánh, ai dạy các em cách bảo vệ mình?

04/05/2021 06:46
Phan Thế Hoài
GDVN- Học sinh có quyền rời khỏi lớp ngay tức khắc nếu bị giáo viên đánh để tránh những thiệt hại không đáng có về thể xác và tinh thần.

Thầy đánh chửi, trò chịu trận

Ngày 2/5/2021, Báo Lao Động đưa tin “Thầy giáo đá vào ngực, tát học sinh trước lớp bị tạm dừng giảng dạy”. [1]

Nội dung bài báo cho biết, vào giờ sinh hoạt lớp chiều ngày 29/4/2021, do nóng giận vì nhắc nhở nhiều lần song học trò vẫn vi phạm Luật An toàn giao thông, không chấp hành nội quy, quy định của trường (không mặc áo đồng phục), thầy giáo K.X.H., giáo viên chủ nhiệm lớp 10 A3, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã có lời nói và hành vi không đúng chuẩn mực.

Theo nội dung video được ghi lại, thầy H. liên tục tát mạnh vào mặt 4 nam sinh. Thậm chí thầy còn nhảy lên, đá vào ngực nam sinh mặc áo trắng khiến em này ngã ra bục giảng.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 3/5/2021 đăng tải bài viết “Làm thầy mà văng tục, đấm đá học trò là không thể chấp nhận” cho biết thêm, không chỉ đánh học trò, thầy giáo này còn có ngôn từ không phù hợp trước mặt học trò của mình đó là ngôn ngữ “mày - tao” - những từ ngữ mà đa phần giáo viên né tránh bởi nó không phù hợp ở môi trường sư phạm, với đạo đức của một nhà giáo.

Bên cạnh đó, trong lúc xử lý học trò thì thầy giáo này dùng tay phải để chỉ vào mặt, tát vào mặt học trò, tay trái thì liên tục thọc tay vào túi quần… [2]

Hình ảnh thầy H. tát học sinh được ghi lại trong clip. (Ảnh cắt từ clip, nguồn: Laodong.vn)

Hình ảnh thầy H. tát học sinh được ghi lại trong clip. (Ảnh cắt từ clip, nguồn: Laodong.vn)

Học sinh cần rời khỏi lớp ngay tức khắc khi bị đánh

Cá nhân người viết có con đang học bậc trung học cơ sở, tôi thường dạy cháu về quyền bất khả xâm phạm thân thể - hiểu một cách đơn giản, thân thể là của mình, bất cứ ai cũng không có quyền xâm phạm, kể cả cha mẹ hay thầy cô giáo.

Cho nên, khi giáo viên đánh đập con hay các bạn của con thì các con phải ngay lập tức rời lớp học. Con cần xuống phòng Ban Giám hiệu để thông báo sự việc và gọi điện thoại cho ba, mẹ.

Trở lại sự việc thầy giáo đánh học sinh từ những gì các phương tiện truyền thông đại chúng đã đưa có thể thấy, thầy giáo liên tục đánh học sinh trong khoảng thời gian 1 phút 26 giây (có thể còn hơn nữa), đánh lần lượt từ em thứ nhất đến em thứ tư (đánh vào mặt, đạp vào người và chửi bới) nhưng kì lạ thay không có một em nào phản kháng mà cứ thế chịu trận.

Dẫu biết rằng bản thân vi phạm nội quy trường lớp (không phải phạm tội hình sự), nhưng khi bị thầy giáo đánh dã man như thế thì các em phải biết rời khỏi lớp ngay tức khắc, gọi giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, Ban Giám hiệu, nhân viên bảo vệ hoặc cha mẹ để được giúp đỡ.

Làm được như thế, cùng lắm chỉ một em bị đánh, các em khác sẽ thoát thân, bản thân không bị thương tích và thầy giáo cũng được nhẹ tội.

Đằng này, các em cam chịu một cách vô lí, dẫn đến bị hành hung và lớp học hỗn loạn, chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lí các thành viên khác trong lớp.

Và một điều cũng rất đáng trăn trở là, 4 học sinh bị thầy giáo đánh chửi kinh hoàng như thế nhưng dưới lớp học tuyệt nhiên không một ai phản đối.

Có thể một số học sinh đang rất sợ trước hành động bạo hành của thầy giáo nhưng nếu nhiều em biết đứng lên can ngăn thì sự việc sẽ sớm chấm dứt.

Rõ ràng, lỗi của thầy giáo là mười mươi, không bàn cãi gì thêm. Nhưng kĩ năng ứng phó với bạo hành học đường của học sinh xem ra còn rất khiếm khuyết. Đây cũng là lỗ hổng rất lớn trong việc dạy kĩ năng sống ở trường học hiện nay, cần quan tâm tháo gỡ.

Thiếu kĩ năng xử lí học sinh hư thì khó làm thầy

Nhìn chung, đa số học sinh ở các cấp học đều chăm ngoan, lễ độ, biết vâng lời cha mẹ, thầy cô và có nhận thức đúng đắn về cái đúng, cái sai ở môi trường học đường và trong cuộc sống.

Tuy vậy, cũng còn đó không ít học sinh vi phạm nội quy nhà trường, cãi lại giáo viên, vi phạm Luật Giao thông, kết bè kết phái đánh nhau, thậm chí có những hành vi vi phạm pháp luật.

Cũng vì lẽ đó, công việc của giáo viên - nhất là giáo viên chủ nhiệm, không hề đơn đơn giản chút nào bởi thầy cô vừa dạy chữ vừa phải dạy người. Riêng chuyện dạy người thì rất nhọc nhằn vì mỗi học sinh có một tính cách và hoàn cảnh gia đình khác nhau.

Giáo viên nào may mắn gặp lớp có nhiều học sinh ngoan, học tốt, được phụ huynh đồng hành giúp đỡ thì việc dạy dỗ cũng trở nên nhẹ nhàng hơn.

Ngược lại, giáo viên gặp lớp yếu, phụ huynh thiếu quan tâm, cứ “trăm sự nhờ thầy” còn người thầy lại thiếu bản lĩnh, thiếu kĩ năng sư phạm thì rất khó làm nghề.

Bản thân tôi lúc mới ra trường (23 tuổi) cũng có đôi lần đánh học sinh (vì nóng tính). Khi gặp học sinh hư, không chịu sửa đổi, tôi phân tích cho các em thấy lỗi và đánh vài thước vào mông.

Dĩ nhiên, tôi nói có lí, có tình và xử lí chừng mực (mang tính răn đe là chủ yếu) như cha mẹ các các nên không một ai phản ứng. Về sau, khi đã có thêm kinh nghiệm thì tôi không bao giờ đánh học sinh nữa.

Tôi cũng nhớ rất rõ lời một người bạn là bác sĩ ở Đồng Tháp nói rằng, đừng bao giờ đánh học sinh, nhất là đánh vào vùng mặt sẽ rất nguy hiểm.

“Tát thẳng vào mặt có thể chạm vào huyệt thái dương ở hai bên trán. Nếu đánh vào đỉnh đầu sẽ ảnh hưởng đến dây thần kinh, sẽ bị tổn thương não… Học sinh bị đánh tùy theo mức độ có thể bị sang chấn tâm lí”, bác sĩ cho biết.

Để kết thúc bài viết, tôi muốn nhắn nhủ với đồng nghiệp bằng Điều 20 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam:

“Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.”

Tài liệu tham khảo:

[1] //laodong.vn/xa-hoi/thay-giao-da-vao-nguc-tat-hoc-sinh-truoc-lop-bi-tam-dung-giang-day-904539.ldo

[2] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/lam-thay-ma-vang-tuc-dam-da-hoc-tro-la-khong-the-chap-nhan-post217461.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Thế Hoài