Giáo viên hạng 1, 2 có thuộc đối tượng chăm sóc sức khỏe trung cao cấp không?

07/05/2021 14:17
Vinh Hùng
GDVN- Chúng tôi kiến nghị Bộ Nội vụ, Ban Tổ chức Trung ương tiếp tục có những chính sách chăm sóc sức khỏe đối với giáo viên phổ thông hạng 1, 2 trong thời gian tới.

Giáo viên có thuộc đối tượng được khám sức khỏe trung cao?

Hiện nay các địa phương đang chuẩn bị công tác rà soát và bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông theo hiệu lực của chùm thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT.

Theo đó sẽ có nhiều giáo viên cấp tiểu học, trung học cơ sở được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng 2 (có hệ lương từ 4,0 đến 6,38).

Đây là một ưu đãi rất lớn về chế độ tiền lương đối với nhiều nhà giáo ở các cấp học phổ thông.

Ngoài chế độ về hệ số lương được tăng lên, giáo viên phổ thông hạng 2 còn có một chế độ khác, đó là việc chăm sóc sức khỏe tại các trung tâm chăm sóc sức khỏe cấp tỉnh, các bệnh viện dành cho cán bộ trung cao cấp.

Giáo viên hạng 1, 2 có thuộc đối tượng chăm sóc sức khỏe trung cao cấp không? (Ảnh minh họa: Quý Trung/TTXVN)

Giáo viên hạng 1, 2 có thuộc đối tượng chăm sóc sức khỏe trung cao cấp không? (Ảnh minh họa: Quý Trung/TTXVN)

Theo Công văn số 52/HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương ban hành ngày 02 tháng 12 năm 2005 về việc điều chỉnh, bổ sung đối tượng khám, chữa bệnh tại một số cơ sở y tế của Trung ương thì có một số cán bộ, công chức, viên chức được khám, chữa bệnh theo chế độ tại bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội), bệnh viện Thống Nhất (thành phố Hồ Chí Minh), bệnh viện C (Đà Nẵng).

Tại mục I.3 của hướng dẫn trên quy định đối tượng B (bao gồm nguyên chức và đương chức) như sau:

- Cán bộ đã được công nhận là “Cán bộ hoạt động cách mạng trước năm 1945”.

- Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng;

- Thầy thuốc nhân dân, Nhà giáo nhân dân, Nghệ sĩ nhân dân;

- Cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo cấp cục, vụ, viện và tương đương có mức lương chuyên môn, nghiệp vụ nhóm ngạch công chức loại A2 bậc 2 (hệ số 4,74) trở lên;

- Cán bộ, công chức, viên chức có mức lương chuyên môn, nghiệp vụ nhóm ngạch công chức loại A2 bậc 3 (hệ số 5,08) trở lên (cán bộ có mức lương 3,63 (cũ) đang khám và điều trị theo đối tượng B thì giữ nguyên);

- Cán bộ nữ, cán bộ dân tộc ít người có mức lương chuyên môn, nghiệp vụ nhóm ngạch công chức loại A2 bậc 2 (hệ số 4,74) trở lên (cán bộ có mức lương 3,35 (cũ) đang khám và điều trị theo đối tượng B thì giữ nguyên).

Hiện nay, các giáo viên hạng 1 cấp Trung học cơ sở (MS: V.07.04.10) có hệ số lương từ 5,36 (bậc 5) hoặc giáo viên hạng 1 cấp Trung học phổ thông (MS: V.07.05.13) có hệ số lương từ 5,08 (bậc 3) có được hưởng chính sách trên?

Như vậy nếu được, sắp tới khi thực hiện việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp theo thông tư mới sẽ có nhiều giáo viên được tiếp cận với chế độ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe tốt hơn.

Chính sách này có thay đổi khi thực hiện xếp lương theo vị trí việc làm?

Thực tế, công việc giảng dạy của giáo viên hiện nay có thể được coi là một nghề nghiệp nặng nhọc, độc hại.

Bởi lẽ, ngoài thời gian giảng dạy và giáo dục học sinh trên lớp, nhà giáo phải thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan đến công việc trong lúc ở nhà như soạn giảng, chấm bài kiểm tra, thăm gia đình học sinh, vận động học sinh đến trường, tham gia điều tra phổ cập giáo dục…

Chưa có một thống kê cụ thể về tỉ lệ bệnh nghề nghiệp của giáo viên các cấp, song có thể thấy phần đông giáo viên từ 40 - 50 tuổi trở lên thường có biểu hiện khó thở, đau tức ngực, ho khan tiếng, stress nghề nghiệp và giảm thị lực… Vì vậy việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho giáo viên là việc làm cần thiết.

Thông thường khi một chính sách cải cách tiền lương ra đời sẽ có những quy định mới hướng dẫn về việc chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, công chức, viên chức.

Do đó chúng tôi kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ tiếp tục có những chính sách chăm sóc sức khỏe đối với giáo viên phổ thông hạng 1, 2 khi thực hiện việc xếp lương theo vị trí việc làm dự kiến kể từ tháng 7/2022.

Đây là một vấn đề không hề dễ dàng đối với hệ thống y tế của nước ta hiện nay. Tuy nhiên, nếu làm được điều này sẽ khuyến khích và tạo động lực cho các nhà giáo có nhiều cống hiến, phấn đấu trong quá trình công tác của mình.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Vinh Hùng