Những ngày qua, dư luận vô cùng bàng hoàng, phẫn nộ khi clip một thầy giáo trẻ có hành vi bạo lực với nhóm 4 em học sinh được lan truyền trên mạng xã hội.
Vụ việc được xác định xảy ra tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Những tình tiết được ghi lại trong clip diễn ra vào giờ sinh hoạt lớp 10A3 chiều ngày 29/4 do thầy giáo Khúc Xuân Hòa (sinh năm 1997) làm chủ nhiệm.
Trong clip, 4 học sinh bị gọi lên bục giảng do vi phạm nội quy. Thay vì nhắc nhở các học sinh này, thầy Hoà liên tục tát mạnh vào mặt các em và đá vào ngực một nam sinh.
Ông Khúc Xuân Hoà đánh đập học sinh khiến dư luận vô cùng bức xúc. Ảnh chụp từ clip. |
Ngay khi nhận được thông tin, ngày 30/4, Ban Giám đốc Trung tâm đã họp khẩn, yêu cầu ông Khúc Xuân Hòa tường trình và kiểm điểm khi để xảy ra sai sót.
Trước mắt Trung tâm sẽ tạm dừng việc giảng dạy của ông Hoà và sẽ tiến hành các bước xử lý tiếp theo. Theo lãnh đạo trung tâm này, ông Hòa là giáo viên trẻ mới ra trường, có thể kỹ năng sư phạm còn chưa tốt. Học sinh cũng chưa chấp hành tốt nhắc nhở, yêu cầu của thầy.
Tuy nhiên, dù đưa ra lý do nào đi nữa thì sự việc trên đã khiến dư luận xã hội bức xúc bởi với tư cách là thầy giáo thì đáng lẽ ra ông Hoà phải là tấm gương đạo đức, dạy cho học sinh những điều hay, lẽ phải, nhưng chính ông Hoà đang mắc phải những lỗi nghiêm trọng về vai trò, tư cách và nhân phẩm người thực hiện công tác giáo dục.
Trao đổi với Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho biết: “Thứ nhất, thầy giáo này đã vi phạm cả đạo đức nhà giáo lẫn pháp luật nhà nước đề ra. Pháp luật của chúng ta cấm bạo lực trong nhà trường, xâm phạm nhân cách, thân thể của học sinh.
Những hành vi dù là bộc phát của thầy giáo như thế cũng là vi phạm pháp luật, đây là hành vi bị cấm trong xã hội nói chung và ngành giáo dục nói riêng.
Thứ hai, lớn hơn nữa vi phạm pháp luật chính là vi phạm đạo đức nhà giáo. Người thầy là phải biết thương yêu, quan tâm, chăm sóc học trò. Học trò có thể có lỗi, mắc lỗi, nhưng dù có lỗi như thế nào thì tư cách và phẩm chất của một thầy giáo cũng không được làm như vậy”.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, làm thầy là phải chỉ ra được lỗi sai, lỗi chưa đúng của học trò, nhưng phải bằng lời lẽ, bằng cử chỉ và bằng nhiều cách thuyết phục để các em nhận ra lỗi lầm của mình và thay đổi.
“Sử dụng vũ lực không bao giờ giúp học trò có thể thay đổi được nhận thức, nhận ra được đúng sai, lẽ phải. Đạo đức nhà giáo bất kể thời kỳ nào, hoàn cảnh nào cũng không cho phép thầy giáo có những hành vi không tôn trọng nhân phẩm, thân thể học trò như vậy.
Bản thân tôi cũng không hiểu nổi vì sao một giáo viên lại kém nhận thức như vậy, đó là những điều cấm kỵ khi chúng ta là người thầy”, thầy Tùng Lâm chia sẻ.
Thầy Nguyễn Tùng Lâm chỉ rõ, sử dụng bạo lực là hành vi cấm kỵ trong giáo dục. Ảnh: GDVN. |
Bạo lực học đường mà thầy, cô giáo chính là những người phạm phải sai lầm nghiêm trọng thì đây không phải là vụ việc đầu tiên mà đã có những bài học đắt giá điển hình xảy ra từ trước đó. Thế nhưng những vụ bạo lực học đường xảy ra ngày càng nhiều, tính chất vụ việc ngày càng nghiêm trọng.
Chắc hẳn chưa ai quên, vụ việc cô Lê Thị Thu Hằng, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, huyện Bắc Quang (Hà Giang) bị xử phạt hành chính và đình chỉ công tác giảng dạy 3 tháng bởi hành vi tát vào má một học sinh lớp 4, đồng thời đánh vào tay năm em học sinh khác cùng lớp.
“Cơ quan chức năng, lãnh đạo của Phòng Giáo dục phải có những chỉ đạo quyết liệt, tìm rõ nguyên nhân, cần xử lý kịp thời, nhanh chóng những vụ việc như trên.
Để xảy ra những điều này, thầy giáo phải chịu trách nhiệm hoàn toàn bởi đạo đức người làm thầy không cho phép và thầy đã vi phạm vào những điều cấm đó.
Ý nghĩ ‘thương cho roi cho vọt’ là ngụy biện. Dạy dỗ học trò là phải thương yêu, tôn trọng học trò, đó là tôn trọng nghề nghiệp, tôn trọng chính bản thân mình, không thể lấy đó làm lý do bào chữa.
Mình phải đặt địa vị là học trò, là phụ huynh, là những người sinh ra, nuôi nấng học sinh. Nếu họ dùng cách đó dạy dỗ con cái cũng đã sai, là thầy giáo lại càng không có những cái quyền như vậy”, thầy Tùng Lâm nhấn mạnh.
Đối với trường hợp cụ thể là ông Khúc Xuân Hòa, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm hi vọng đây là hành vi của một cá nhân trong một lúc bồng bột không kiềm chế được nên để xảy ra là điều đáng tiếc.
Tuy nhiên, cần điều tra và kiểm điểm nghiêm khắc đối với thầy giáo này. Nếu đã nhiều lần có ý kiến của học sinh cũng như đã từng xảy ra vụ việc như trên, thì phải xem lại tư cách, có xứng đáng đứng vào đội ngũ làm nghề giáo hay không?
“Giáo viên phải là một tấm gương sáng về đạo đức và nhân phẩm cho học trò noi theo. Việc vi phạm những điều cấm kị, vi phạm đạo đức người thầy phải được xử lý triệt để và công minh”, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nhận định.