Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà giáo Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Yên Hòa (Hà Nội), chia sẻ: “Trong suốt thời gian qua, trước tình hình dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp thì nhà trường đã có những bước chuẩn bị rất chu đáo, tổng thể. Bản thân tôi cũng trực tiếp tổ chức chia sẻ với hơn 600 học sinh của trường về kỹ năng ôn tập, tâm lý làm bài tốt nghiệp trung học phổ thông, hướng dẫn đăng kí nguyện vọng vào đại học.
Hiện nay, học sinh đang phải học trực tuyến nhưng theo tôi quan trọng nhất vẫn là khâu quản lý việc dạy của của thầy cô cũng như việc học của các con, quản lý được thì dạy và học trực tuyến mới có hiệu quả”.
Nhà giáo Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Yên Hòa, Hà Nội. Ảnh: T.D. |
Theo cô Nhiếp, xác định rõ như vậy nên công tác đôn đốc, kiểm tra, thường xuyên dự giờ trong ngày với từng bộ môn luôn được ban giám hiệu chú trọng, ngoài ra việc thiết lập tiếp nhận mọi thông tin phản ánh của học sinh trực tiếp đến hiệu trưởng cũng được nhà trường duy trì từ lâu.
“Tôi thấy việc này rất hiệu quả. Việc dạy của các thầy cô ra sao, giáo án soạn thế nào, có gì tốt và chưa tốt đều được các em học sinh phản ánh lại, và tất cả những việc đó đều được chúng tôi đưa ra bàn luận, rút kinh nghiệm tại cuộc họp nội bộ hàng tuần.
Việc giao bài cho học sinh và kiểm soát các con thực hiện cũng luôn là một vấn đề khó đối với thầy cô, nhưng nhờ phần mềm học trực tuyến có bản quyền nên học sinh nào không vào học, hoặc không làm bài tập là giáo viên chủ nhiệm nắm bắt được ngay, đồng thời phối hợp với ban giám hiệu gửi thông báo đến các phụ huynh để cùng có biện pháp phối hợp. Nhìn chung tất cả các khâu khá chặt chẽ, đồng bộ”, cô Nhiếp chia sẻ.
Để chuẩn bị đối phó với dịch bệnh Covid-19, nhiều trường học đã tập trung hoàn thành chương trình sớm để có thêm thời gian ôn luyện, củng cố sâu kiến thức, rèn kỹ năng làm bài.
Tuy nhiên, dạy và học trực tuyến có đạt hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: Thứ nhất là sức hút từ bài giảng của giáo viên, kỹ năng dạy. Thứ hai là sự chủ động, ý thức tiếp thu kiến thức của học sinh.
Cả hai việc đó nếu cùng tốt theo hướng tích cực thì việc học tập mới có hiệu quả, còn nếu chỉ được một vế thì việc học trực tuyến sẽ không đạt như mong muốn.
“Dạy trực tuyến giáo viên cần phải có bài giảng tạo sức hút với học sinh để các em cảm thấy thích được vào học. Như vậy thì giáo trình phải hay, hấp dẫn và cách dạy cũng cần phải thay đổi, nên tương tác nhiều hơn giúp các em không thấy nhàm chán.
Có những thầy cô khi dạy trực tiếp trên lớp đã không thu hút được học sinh và nếu lại tiếp tục dạy trực tuyến thì không hiệu quả”, cô Nhiếp nói.
Vấn đề mà nhiều phụ huynh cũng như học sinh cuối cấp quan tâm là nếu việc học trực tuyến tiếp tục kéo dài thì có nên kéo dài năm học, để có thời gian ôn luyện trực tiếp, bổ sung kiến thức?
Cô Nhiếp cho biết: “Ngay như trường chúng tôi sau một thời gian học trực tuyến thì bao giờ cũng phải có khoảng 15 ngày để các em học trực tiếp trên lớp, đây là lúc thầy cô củng cố lại kiến thức còn lỏng lẻo, như vậy sẽ chắc chắn hơn rất nhiều về mặt kiến thức của học sinh.
Theo tôi thấy thời gian dự định cho kỳ thi sắp tới là Bộ cũng đã có tính toán, dự kiến ngày 7 và 8/7 là khá thoải mái và cũng đủ thời gian học bù cho giai đoạn trước đó. Hiện nay học trực tuyến khoảng 1 tuần thì không vấn đề gì, nhưng nếu kéo dài trên 2 tuần thì nhất định cần phải có một khoảng thời gian học trực tiếp để các con được củng cố lại kiến thức, như vậy mới đảm bảo”.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch hội đồng Hệ thống Giáo dục Lômônôxôp Hà Nội. Ảnh: T.D. |
Sau học trực tuyến vẫn cần ôn luyện trực tiếp
Về vấn đề ôn tập kiến thức cho học sinh lớp 12 chuẩn bị cho kì thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch hội đồng Hệ thống Giáo dục Lômônôxôp Hà Nội, cho biết: “Theo tôi việc này chỉ mang tính chất duy trì để các em khỏi sao nhãng việc học tập chứ không thể hy vọng quá nhiều về tiếp thu kiến thức.
Dứt khoát là có học bao nhiêu đi nữa thì khi quay lại trường vẫn phải kiểm tra lại, phải dạy bù. Nhưng dù sao thì đa số học sinh cũng được biết chương trình học như thế để còn củng cố kiến thức chứ hiện nay không có thời gian nữa.
Chúng ta cứ lo hoàn thành chương trình mà việc nghỉ học có thể còn kéo dài tùy vào diễn biến của dịch bệnh nên dạy dồn, dạy ép dẫn tới chất lượng không hiệu quả như mong muốn.
Về mặt đại trà thì số học sinh có phương tiện để học trực tuyến không phải là tất cả 100%, ngoài ra nhiều học sinh có phương tiện nhưng không đạt yêu cầu, có thể không có camera, đường truyền Internet yếu, máy tính quá cũ… chưa kể nhiều gia đình có 2 con cùng học nhưng chỉ có một thiết bị.
Điều nữa là sĩ số lớp với hơn 50 học sinh thì làm sao thời lượng tiết học trực tuyến đủ được để giáo viên “nắm bắt” được hết chất lượng tiếp thu kiến thức của học sinh tham gia. Đó cũng là bất cập.
Mỗi ngày mắt học sinh nhìn chăm chú vào máy tính trong thời gian mấy tiếng đồng hồ thì rất hại mắt, vậy cũng không nên học đủ cả tuần mà cần có thời gian để học sinh nghỉ ngơi hoặc tham dự các hoạt động khác có ích, nhất là các em lớp 12 tầm này đang phải ôn tập cho nhiều môn thi trong cùng một thời điểm lại càng phải có thời gian để nghỉ ngơi.
Theo quan điểm của tôi, dứt khoát là có học bao nhiêu đi nữa thì trước khi thi tốt nghiệp các con cần có một khoảng thời gian ngắn quay lại trường để được học trực tiếp, khi đó nhà trường vẫn phải kiểm tra lại kiến thức, phải bổ sung những phần kiến thức còn yếu, chưa đạt”.
Nhiều nhà giáo cho rằng sau thời gian học trực tuyến học sinh vẫn cần được ôn luyện trực tiếp để bù đắp kiến thức thiếu hụt. Ảnh minh họa: T.D. |
Có nên học trực tuyến cả ngày và kéo dài?
Cũng với vấn đề học trực tuyến, Phó giáo sư Trần Thành Nam - Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), nêu quan điểm: “Chủ trương dạy học trực tuyến trong điều kiện học sinh phải ngừng đến trường do dịch bệnh là đúng.
Tuy nhiên, việc dạy trực tuyển phải dựa trên một số đặc điểm tâm, sinh lý của học sinh, nhất là thời gian chỉ còn rất ngắn trước khi các con bước vào kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, mà cùng lúc lại phải lo ôn tập 9 môn thi. Chưa kể đến nhiều em còn có những dự định khác như đi du học… thậm chí có không ít học sinh chỉ cần thi đỗ lấy bằng tốt nghiệp rồi đi học nghề.
Học trực tuyến đòi hỏi xử lý thông tin liên tục, đòi hỏi các em khả năng tập trung cao độ, làm việc đa nhiệm, tức là vừa lắng nghe thầy cô giảng bài vừa thao tác trên thiết bị và với lịch học nhiều môn như vậy trong 1 ngày thì đến tối học sinh đã quá mệt mỏi, không còn sức để ôn tập thêm.
Mặt khác, việc học trực tuyến không hiệu quả còn do môi trường ở nhà không đảm bảo. Các thành viên gia đình vẫn sinh hoạt xung quanh, thậm chí có học sinh vừa nằm, ngồi, vừa ăn vừa học thì chắc chắn không thể tốt được. Vậy nên như một phản xạ có điều kiện, phải ngồi vào đúng góc học tập, hoàn toàn yên tĩnh thì việc học mới có kết quả.
Việc học trực tuyến với các đối tượng nào đi nữa thì điều quan trọng nhất là ở cảm giác kết nối với lớp học, với thầy cô hơn là nội dung kiến thức. Việc truyền cảm hứng học tập cho học sinh mới quan trọng. Nhiều khi chúng ta không cần quá chú tâm vào nội dung bài giảng, dài bao nhiêu phút, có dạy xong hay không. Thay vào đó, giáo viên tạo ra những nội dung giáo dục sáng tạo, thú vị. như vậy sẽ tốt hơn rất nhiều.
Dạy và học trực tuyến có thể còn kéo dài vì phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh, thầy cô cần lưu ý thời gian hợp lý để học sinh tiếp nhận kiến thức, ôn tập đạt hiệu quả, không để bị quá tải”.