Kiểm tra học kỳ II trực tuyến liệu có đánh giá đúng chất lượng?

10/05/2021 09:06
Tùng Dương
GDVN- Xét tốt nghiệp và không cần phải thi bởi thực chất lực học và việc tiếp thu kiến thức của từng học sinh thì giáo viên chủ nhiệm hoàn toàn có thể nắm được.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid -19, đã có nhiều tỉnh, thành phố cho học sinh tạm ngừng đến trường và chuyển sang học trực tuyến. Tuy nhiên, tại thời điểm học sinh phải nghỉ học tập trung tại trường, nhiều khối lớp chưa tiến hành kiểm tra học kỳ II, điều này cũng khiến thầy cô và học sinh khá lo lắng

Khá nhiều phụ huynh có đề xuất kiểm tra học kỳ II chuyển sang hình thức trực tuyến liệu có được hay không? Việc nếu thực hiện kiểm tra đánh giá cuối học kỳ trực tiếp tại trường liệu có đảm bảo về vấn đề phòng chống dịch Covid - 19?

Theo thông báo được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội gửi tới các cơ sở giáo dục ngày 4/5 thì học sinh các cấp trên địa bàn học trực tuyến từ ngày 4/5 nhưng việc kiểm tra, đánh giá định kỳ sẽ được thực hiện trực tiếp tại trường.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngọc - Nguyên giáo viên dạy môn Toán Trường Trung học phổ thông Thăng Long - Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh: Tùng Dương.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngọc - Nguyên giáo viên dạy môn Toán Trường Trung học phổ thông Thăng Long - Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh: Tùng Dương.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngọc - Nguyên giáo viên dạy môn Toán Trường Trung học phổ thông Thăng Long - quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, thầy Ngọc nêu quan điểm: “Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh như hiện nay thì việc mà Hà Nội đang làm theo tôi là rất tích cực.

Nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 3 tuần nữa là thời điểm kết thúc năm học, nếu không cho học sinh thi học kỳ II thì làm sao mà hoàn thành năm học được? Hơn nữa nhiều phụ huynh nói nên cho thi bằng hình thức trực tuyến thì đó lại là điều sai lầm, không thể được và thà không làm còn hơn.

Vấn đề ở đây là học sinh ngồi ở nhà, nhận đề thi và thực hiện làm bài, nộp lại bài qua máy tính rồi nhà trường đánh giá kết quả bài thi đó. Vậy các nhà trường có phương tiện gì để theo dõi được tất cả học sinh ngồi làm bài nghiêm túc và đảm bảo em đó không có sự “hỗ trợ” nào khác?

Ví dụ nếu cháu tôi thi trực tuyến, muốn cháu được điểm cao thì chắc chắn tôi sẽ giúp đỡ, bài Toán cháu giải 15 phút nhưng với tôi chỉ 3 phút là xong và đưa kết quả cho cháu, còn với các môn khác tôi có thể tìm trợ giúp từ mạng Internet hoặc thuê giáo viên đến giải hộ. Đó là thực tế và như vậy thì tổ chức thi trực tuyến làm gì nữa, em nào cũng đạt 9 - 10 điểm. Nếu làm một việc mà không ai kiểm tra được độ chính xác của nó thì chúng ta có nên làm hay không?”.

Nếu tình hình dịch bệnh quá căng thẳng

Thầy Ngọc nói: “Nếu trong trường hợp tình hình dịch bệnh quá căng thẳng, kéo dài, mọi hoạt động bất di bất dịch thì thầy cô giáo nên đến trường làm tổng kết trên cơ sở kết quả học trong năm của từng học sinh.

Ban giám hiệu từng trường họp với giáo viên, quyết định từng học sinh đạt loại giỏi, loại khá…làm cơ sở để tổng kết học bạ cả năm. Xét tốt nghiệp như vậy và không cần phải thi bởi thực chất lực học và tiếp thu kiến thức của từng học sinh thì giáo viên chủ nhiệm hoàn toàn có thể nắm được.

Còn nếu tình hình có chiều hướng tốt, mọi việc tạm ổn, phòng ngừa là chính thì theo tôi: Trong một trường học đều có các khối lớp và nên tách để thi riêng từng khối, chỉ khối thi đến trường còn các khối khác tạm thời học trực tuyến. Cứ như vậy thi lần lượt các khối, riêng từng đợt tách biệt.

Hơn nữa có thể dùng tất cả các phòng học trong trường để chia nhỏ từng nhóm học sinh thực hiện thi, như vậy vẫn đảm bảo việc giãn cách theo quy định, tất cả học sinh và giáo viên thực hiện nghiêm túc đeo khẩu trang, sát khuẩn trước khi vào phòng thi.

Hiện nay cháu tôi đang sống ở Đức, cháu học cấp 2 và bên đó các trường cũng thực hiện đúng như vậy, tôi thấy vừa đạt được yêu cầu phòng dịch mà cũng đảm bảo việc thi tổng kết năm học.

Nên chăng Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành cần nghiên cứu dựa trên tình hình diễn biến của dịch tại từng địa phương để ban hành chỉ đạo các trường chủ động tổ chức việc thi tốt kết thúc năm học. Từng trường dựa trên thực tế để có đề xuất đưa ra phương án tổ chức thi trực tiếp tại trường đảm bảo, hiệu quả. Như vậy các trường có thể đảm bảo đánh giá khách quan, chính xác về chất lượng học và thi, tránh được những việc làm tùy tiện, qua loa”.

Ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Tùng Dương.
Ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Tùng Dương.

Chỉ kiểm tra bằng hình thức trực tuyến trong tình huống “bất khả kháng”

Thông tư 09 quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành có quy định về kiểm tra đánh giá trong dạy học trực tuyến.

Theo đó, việc kiểm tra, đánh giá định kỳ kết quả học tập trực tuyến của học sinh được thực hiện trực tiếp tại cơ sở giáo dục phổ thông. Trường hợp học sinh không thể đến cơ sở giáo dục phổ thông tại thời điểm kiểm tra, đánh giá định kỳ vì lý do bất khả kháng, hiệu trưởng nhà trường có thể quyết định tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ bằng hình thức trực tuyến.

Khi tổ chức kiểm tra đánh giá định kỳ trực tuyến, nhà trường phải có biện pháp để đảm bảo tính chính xác, công bằng, trung thực, khách quan. Bài kiểm tra phải đúng do học sinh thực hiện, đánh giá được đúng năng lực của học sinh.

Như vậy, với quy định này, trong trường hợp dịch bệnh kéo dài, học sinh chưa thể quay trở lại trường học tập trung, nhà trường có thể tiến hành cho học sinh làm bài kiểm tra học kỳ II bằng hình thức trực tuyến.

Mặc dù vậy, nhiều nhà quản lý giáo dục cho rằng, việc kiểm tra học kỳ bằng hình thức trực tiếp vẫn là giải pháp tối ưu nhất. Đối với việc kiểm tra bằng hình thức trực tuyến đòi hỏi phải đáp ứng hai yêu cầu: Học sinh phải có phương tiện kỹ thuật như máy tính, đường truyền tốc độ cao… và giáo viên phải giám sát được quá trình học sinh làm bài để đảm bảo khách quan, công bằng.

Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, việc áp dụng hình thức này trên diện rộng, đối với số lượng học sinh đông là tương đối khó do không phải 100% học sinh đều có điều kiện tham gia học trực tuyến và khả năng giám sát của giáo viên cũng còn hạn chế.

Ngày 5/5, Báo Công an Nhân dân dẫn lời ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Thông tư 26/2020/TT- BGDĐT về đánh giá, xếp loại học sinh Trung học cơ sở - Trung học phổ thông có quy định rõ các hình thức kiểm tra đánh giá định kỳ như thực hiện bài kiểm tra trên giấy hoặc trên máy tính; bài thực hành; dự án học tập.

Tùy điều kiện của các nhà trường đối với từng môn học mà hiệu trưởng quyết định áp dụng hình thức kiểm tra đánh giá định kỳ nào phù hợp, đảm bảo khách quan, trung thực.

Ông Thành cũng lưu ý. “Nếu kiểm tra, đánh giá bằng hình thức trực tuyến thì đề thi phải thiết kế phù hợp để đánh giá đúng năng lực học sinh, có biện pháp theo dõi quá trình làm bài của các em.

Đối với việc kiểm tra đánh giá bằng bài thực hành, dự án học tập, học sinh phải tự trình bày báo cáo qua hình thức trực tuyến để giáo viên có thể phỏng vấn qua mạng nhằm đánh giá đúng năng lực của học sinh.

Từ giờ đến thời điểm kết thúc năm học còn khoảng gần 4 tuần nữa. Căn cứ vào thực tiễn diễn biến của dịch, các nhà trường chủ động bố trí lịch kiểm tra đánh giá định kỳ để đảm bảo nếu học sinh có thể đến trường thì kiểm tra đánh giá tại trường là tốt nhất. Chỉ khi bất khả kháng mới tổ chức bằng hình thức trực tuyến”. [1]

Tài liệu tham khảo:

[1]http://cand.com.vn/giao-duc/Co-nen-cho-hoc-sinh-lam-bai-kiem-tra-bang-hinh-thuc-truc-tuyen-639966/

Để đảm bảo công tác phòng chống dịch, Trường Trung học phổ thông Chuyên Ngoại ngữ, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) dự kiến cho học sinh thi hết học kỳ II bằng hình thức trực tuyến.

Cụ thể, học sinh khối 10, 11 của trường sẽ kiểm tra trực tuyến các môn (trừ các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ) trên nền tảng MS. Teams. Lịch thi và hình thức thi các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ sẽ được Ban Giám hiệu thông báo sau, tuỳ thuộc vào diễn biến dịch bệnh Covid-19 và chỉ đạo của các cấp liên quan.

Nếu không có gì thay đổi, thời gian kiểm tra diễn ra từ ngày 10/5 đến ngày 14/5. Trong tuần kiểm tra này, học sinh sẽ được nghỉ học các môn học khác để tập trung cho ôn tập và làm bài kiểm tra cuối học kỳ II.

Tùng Dương