"Tôi đã đề xuất mạnh tăng quyền cho Thủ tướng và Bộ trưởng"

15/11/2011 07:20
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) - “Dưới quyền Bộ trưởng có các Thứ trưởng, nhưng Bộ trưởng không hoàn toàn có quyền lựa chọn Thứ trưởng, mà là do Ban Bí thư Trung ương quản lý".

Tiếp tục mạch trao đổi với Báo Giáo dục Việt Nam, ông Thang Văn Phúc đã nói về sức ép rất lớn với Bộ trưởng Thăng và rất thẳng thắn nêu vấn đề cần trao thêm quyền cho các Bộ trưởng.

Đã là “Tư lệnh” thì phải có toàn quyền hành động

Nhân câu chuyện về Bộ trưởng Thăng, ông có thể lý giải vì sao một số Bộ trưởng từ quá khứ trở về nay, dám nói, dám làm, nhưng kết quả thì vẫn kém?

Tôi tin rằng, đã ở tầm lãnh đạo đứng đầu của một Bộ thì ai cũng tâm huyết với các vấn đề nóng bỏng thuộc nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, tư tưởng tốt chưa chắc đã cho ra kết quả tốt, vì phải vận dụng nhiều biện pháp khác nhau. Đôi khi đi đường thẳng bị tắc thì phải đi đường vòng, phải có được bộ máy giúp việc tinh nhuệ, khi đã vào việc rồi thì phải quyết liệt. Họ cũng cần có thêm các yếu tố khác để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Theo ông thì Bộ trưởng Thăng nói riêng cũng như các Bộ trưởng khác nói chung cần có thêm yếu tố gì để làm tốt hơn nhiệm vụ của mình?

Theo tôi là phải điều chỉnh thể chế, trao đủ quyền cho họ, đồng thời gắn với quyền ấy là trách nhiệm. Chúng ta cần đổi mới hơn nữa, bây giờ là lúc phải hành động, nói ít làm nhiều, chứ động vào việc là lại phải báo cáo hết người này tới người khác thì sao mà làm được. Một vị tướng khi xung trận mà không có đủ quyền hành cần thiết thì không thể đánh trận cho ra hồn được.

Ông Thang Văn Phúc: Cần trao thêm quyền gắn với trách nhiệm cho các Bộ trưởng
Ông Thang Văn Phúc: Cần trao thêm quyền gắn với trách nhiệm cho các Bộ trưởng

Ngoài ra, cần phải có đội ngũ chuyên gia cao cấp, tâm huyết với công việc và phải có tri thức quản tri mới hiện nay, nhưng chúng ta hiện nay còn rất yếu ở vấn đề này. Tiền lương ở khu vực công của nước ta còn quá thấp, thành ra người ta mới nói “chân ngoài dài hơn chân trong”, tiền làm thêm gấp nhiều lần lương nhà nước, thế thì làm sao mà tận tụy vào công việc cho tốt được.

Ở cấp Bộ thì càng cần phải có chuyên gia giỏi, nhưng một chuyên gia bỏ hàng chục năm trời học tập nghiên cứu họ cần phải được trả lương xứng đáng thì mới ngày đêm suy nghĩ tìm kế sách tốt được chứ, ai cũng phải duy trì cuộc sống cả, còn nếu cứ thế này thì các Bộ trưởng cũng phải tự tìm cách xoay sở thôi.

Vậy nên đã đến lúc cần để cho các Bộ trưởng tự chọn ê kíp làm việc dưới quyền?

Vấn đề này, chúng tôi đã nói từ khi chuẩn bị Nghị quyết 5 Trung ương khoá X rồi, tới đây chúng ta sẽ cần có nhiều thay đổi để đảm bảo sự phát triển và hội nhập với thế giới hơn nữa. Tôi cho rằng, những gì thuộc về tập thể lãnh đạo thì chúng ta vẫn nên giữ, nhưng không phải cứ việc gì cũng là tập thể, mà ngày càng phải làm rõ hơn trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu một cơ quan, tổ chức của Nhà nước.

Nếu không việc gì cũng phải xin phép, đưa ra tập thể họp bàn thì sẽ mất quá nhiều thời gian, công việc như vậy cũng bị ách tắc lại.

Với tư cách là Tổng thư ký BCĐ cải cách hành chính của Chính phủ giai đoạn 2001 – 2010, tôi đã có đề xuất rất mạnh là cần phải tăng thêm thẩm quyền của Thủ tướng, của các Bộ trưởng để triển khai ngay được các vấn đề nóng bỏng cần phải thực hiện. Và tất nhiên là người có quyền ấy cũng phải chịu trách nhiệm chính với những quyết định thuộc phạm vi thẩm quyền của mình.

Ở Việt Nam, Bộ trưởng đang đứng hai vai, vừa là thành viên trong Chính phủ, lại vừa là người đứng đầu một cơ quan hành chính quản trị đất nước về ngành và lĩnh vực. Dưới quyền Bộ trưởng có các Thứ trưởng, nhưng Bộ trưởng không hoàn toàn có quyền lựa chọn Thứ trưởng, mà là do Ban Bí thư Trung ương quản lý.

Tất nhiên là mặt tốt ở đây cần thấy rằng, tập thể lãnh đạo thì đảm bảo được việc tránh những sai sót lớn, nhưng nếu không đề cao trách nhiệm cá nhân đúng tầm của một Bộ trưởng thì khó phát huy được cao nhất hiệu lực quản lý nhà nước trong thực tế.

Như vậy quyền của một Bộ trưởng hiện nay là chưa đủ mạnh, thưa ông?

Đến bây giờ thì vẫn phải sử dụng cả hai chức năng này trong bộ máy điều hành của chúng ta, cho nên sẽ vận dụng một cách tốt nhất để vừa đảm bảo được trách nhiệm về mặt chính trị, nhưng đồng thời cũng đảm bảo được vai trò quản lý ở ngành.

Tôi cho rằng, những việc vừa rồi Bộ trưởng Thăng làm là rất đáng hoan nghênh. Bộ trưởng Thăng là con người của thực tiễn, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Chúng ta cần phải ủng hộ để ngày càng có thêm nhiều Bộ trưởng luôn sẵng sàng hành động vì lợi ích chung của nhân dân, của đất nước.

Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cũng từng nói rằng các Bộ trưởng và Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ phải là “Tư lệnh” ngành. Đã là “Tư lệnh” thì phải có toàn quyền hành động, chứ cái gì cũng báo cáo xin ý kiến cấp trên thì còn gọi gì là “Tư lệnh”, nhưng tất nhiên là hành động phải đảm bảo chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Không có ông Thăng này, sẽ có ông Thăng khác

Dư luận cho rằng, nhiều Bộ trưởng của chúng ta vẫn còn trầm. Theo ông thì có đúng không?

Xưa nay, chúng ta vẫn thấy một không khí bình bình và mọi người đang quen với điều đó thì xuất hiện những người có chủ trương hành động quyết liệt như Bộ trưởng Thăng, Bộ trưởng Huệ, và lập tức dư luận xã hội sẽ đặt câu hỏi về phẩm chất “Tư lệnh” của những lãnh đạo khác. Những gì Bộ trưởng Thăng nói và làm thực ra là hoàn toàn bình thường đối với chức trách của mình, nhưng dư luận thì rất ủng hộ vì tắc nghẽn giao thông là vấn đề gây bức xúc của hàng triệu người, ai cũng muốn phải giải quyết thật sớm và vì thế khi có người dám khẳng định sẽ chịu trách nhiệm tới cùng thì người dân ủng hộ ngay.

Bản thân tôi cũng ủng hộ Bộ trưởng Thăng và mong rằng những biện pháp được áp dụng trong thời gian tới sẽ hiệu quả và cũng phù hợp với đời sống của nhân dân Thủ đô.

Về thời thế, đã đến lúc tất yếu để nói rằng, nếu không có Bộ trưởng Thăng này thì sẽ có Bộ trưởng Thăng khác chưa, thưa ông?

Tất nhiên là như vậy, bởi vì mọi vấn đề về giao thông hiện nay đã trở nên bức xúc hơn bao giờ hết ở nước ta. Đất nước đòi hỏi sự phát triển, chúng ta không thể chậm chễ hơn được nữa, 35 năm sau thống nhất mà GDP bình quân đầu người mới chỉ có hơn 1000 USD, trong khi cũng chừng đó thời gian thì Hàn Quốc và Nhật Bản mặc dù còn gặp khó khăn rất nhiều nhưng đã vươn lên trở thành những nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới.

Sự đòi hỏi phát triển đất nước mang tính tất yếu ấy đã tạo ra những cán bộ mới, những con người của hành động như Bộ trưởng Thăng và Bộ trưởng Huệ. Tôi tin rằng đây cũng là xu hướng lựa chọn cán bộ vào các vị trí chủ trốt trong tương lai.

Có thể nói rằng, việc lựa chọn Bộ trưởng Thăng đảm trách vai trò “Tư lệnh” của Bộ GTVT là rất cần thiết, điều đó cho thấy công tác đào tạo và tuyển chọn cán bộ cấp cao của ta đang ngày càng có những thay đổi tích cực. Một lần nữa, chúng ta thầy rằng công tác tuyển chọn cán bộ, nếu đặt đúng vị trí phù hợp thì sẽ lập tức phát huy được hiệu quả.

Giao thông đô thị đang là vấn đề vô cùng bức xúc tại nước ta
Giao thông đô thị đang là vấn đề vô cùng bức xúc tại nước ta

Theo ông thì Bộ trưởng Thăng nên ứng xử thế nào với dư luận trái chiều và áp lực?

Chẳng có việc gì mà được tất cả đồng tình đâu, người xưa đã nói “chín người mười ý”, dù có đúng 100% thì khi ra cuộc họp vẫn nảy sinh nhiều ý kiến. Thí dụ như người ta thường nói “Tôi nhất trí, nhưng…”, sau cái chữ nhưng ấy là một vài ý tứ gì đó, đây là biểu hiện tâm lý thường thấy của người Việt, nói thẳng ra là chưa sòng phẳng.

Bất cứ một vấn đề gì mới nêu ra sẽ có những người ủng hộ, không ủng hộ và có cả những người không nói gì. Nhưng điều quan trọng không phải là ứng xử thế nào với dư luận, bởi vì vấn đề đang cần được giải quyết thì dư luận đã rất ủng hộ rồi, còn áp lực thì chẳng có ai làm lãnh đạo mà không có áp lực, mà áp lực ở đây Bộ trưởng Thăng phải giải quyết là: Khi nào giờ làm, giờ học mới được áp dụng, liệu có “phản ứng phụ” nào không? Tiếp đến nữa là phải triển khai các biện pháp khác về điều chỉnh hạ tầng, phát triển phương tiện công cộng…?

Những người tâm huyết như Bộ trưởng Thăng thì sẽ luôn thấy áp lực với chính mình. Vấn đề quan trọng nhất với Bộ trưởng Thăng lúc này là cần các giải pháp xuất sắc để hoàn thành mục tiêu nhanh nhất có thể. Bộ trưởng Thăng cũng là con người của thực tiễn, đây là yếu tố rất quan trọng dẫn tới thành công. Một yếu tố khác cũng vô cùng quan trọng nữa là cả sự nhạy cảm trời cho đối với người lãnh đạo, đôi khi không thể giải thích được ngay tại thời điểm xử lý công việc, nhưng sự nhạy cảm tuyệt vời ấy đưa họ đến những quyết định đúng đắn.

Ông có lời khuyên gì cho Bộ trưởng Thăng?

Tôi đã có nói với Bộ trưởng Thăng rồi, rằng bây giờ anh làm Bộ trưởng thì vừa là nhà hoạt động chính trị, vừa là người điều hành công tác quản lý hành chính ở một Bộ. Vì thế, cách thể hiện với xã hội phải ở vị trí của một chính khách, chứ không thể ứng xử theo cách điều hành doanh nghiệp.

Tuy nhiên, mặt khác cũng phải thấy rằng chính những phẩm chất, năng lực điều hành tốt của Bộ trưởng Thăng ở hai doanh nghiệp lớn trước đây sẽ là sự bộ trở rất tốt với công việc hiện tại.

Cảm ơn ông về cuộc đối thoại thẳng thắn này!

Ngọc Quang (Thực hiện)