Shark Liên: "Tôi làm bất cứ điều gì đem lại giá trị cho người Việt Nam"

11/05/2021 11:42
Ngọc Quang
GDVN- Nhiều khán giả đã bày tỏ cảm xúc ngỡ ngàng khi Shark Liên liên tiếp đầu tư cho những Startup ẩm thực.

“Khẩu vị” đầu tư khác lạ trong mùa 4

Nếu là người hâm mộ của Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỷ, chắc hẳn khán giả vẫn chưa quên được ở mùa 3, Shark Liên tạo nên sự khác biệt rất lớn khi có xu hướng ưu tiên về con người và mục tiêu kinh doanh.

Xuyên suốt mùa 3, dường như Shark Liên chỉ chú trọng các Startup nhân văn, có mục tiêu kinh doanh tạo ra giá trị cho cộng đồng, môi trường, cũng như các nhóm thiểu số còn nhiều thiệt thòi trong xã hội như LGBT.

Nổi bật trong các thương vụ mà khán giả được dịp chứng kiến Shark Liên vô cùng nhiệt tình, dành sự ưu ái đặc biệt trong mùa 3 phải kể đến: Startup ống hút cỏ - “biến cỏ thành tiền”, khuyến khích hạn chế dùng ống hút nhựa; Startup Lô tô - hỗ trợ giúp đỡ cộng đồng người chuyển giới;...

Shark Liên luôn có hàng chục nghìn người hâm mộ bởi mục tiêu góp vốn của bà là nhằm hỗ trợ các bạn trẻ khởi nghiệp và vì cộng đồng, không nhằm tìm kiếm lợi nhuận cho riêng mình.

Shark Liên luôn có hàng chục nghìn người hâm mộ bởi mục tiêu góp vốn của bà là nhằm hỗ trợ các bạn trẻ khởi nghiệp và vì cộng đồng, không nhằm tìm kiếm lợi nhuận cho riêng mình.

Sang đến mùa 4 vừa phát sóng hồi đầu tháng 5, khán giả được thấy một Shark Liên khác cả ở diện mạo và “khẩu vị” đầu tư.

Chỉ riêng ở tập 2 vừa qua, bà đã bỏ qua 2 Startup có mục tiêu liên quan đến việc bảo vệ môi trường là công ty xe đạp Wiibike và công ty hạt nhựa sinh học Thiên Kim An dù trước đó khi hai thương vụ được gợi mở trên fanpage Shark Tank Việt Nam, phần đông người hâm mộ đều đồn đoán chắc chắn về đội của Shark Liên.

Thay vào đó, Shark Liên tiếp tục dành sự quan tâm đến Startup ẩm thực Cloud Cook - một mô hình Cloud Kitchen mới nổi tại Việt Nam, sau thương vụ “khai màn” chốt deal Vua Cua ở tập 1. Tới đây, không ít khán giả đã bày tỏ cảm xúc ngỡ ngàng của mình, thậm chí có người còn đặt câu hỏi: Liệu có phải “bà Ngoại” đã thay đổi khẩu vị đầu tư?

Định hướng không khác, chỉ là yêu cầu nhiều hơn

Tuy nhiên, nếu để ý kỹ, có lẽ khán giả sẽ phát hiện ra điểm thú vị của Shark Liên mùa này. Bà hoàn toàn không thay đổi, chỉ khác ở chỗ đã mở rộng hơn cho nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau và khó tính hơn khi yêu cầu các Startup đến gọi vốn phải nói rõ sự sáng tạo và điểm khác biệt (USP) của mình. Mục đích, có lẽ cốt là để ngấm ngầm nhắc nhở các Startup không nên ỷ lại với suy nghĩ “chỉ cần đúng gu, Shark Liên sẽ rót tiền”.

Riêng về mục tiêu quan tâm các Startup nhân văn, Shark Liên vẫn nhất quán theo đuổi. Đầu tư cho Vua Cua tập 1, do bà nhìn thấy được hướng đi của chuỗi nhà hàng này nhắm đến các khách hàng có phân khúc bình dân - những người xem cua là món ăn xa xỉ, chẳng mấy khi được thưởng thức. Đây là giá trị của Vua Cua, giá trị dành cho cộng đồng.

Nói đến Cloud Cook, Shark Liên chấp nhận rót vốn bởi 2 lý do quen thuộc đúng định hướng của bà: Cloud Cook hướng đến cộng đồng phụ nữ - đối tượng bà dành sự quan tâm từ nhiều năm nay. Cloud Cook còn là một mô hình chuyển đổi số - tính “thời đại” này chính là điều mà bà tìm kiếm như đã nói trước đó trong buổi họp báo khi ra mắt Shark Tank mùa 4.

Shark Liên chia sẻ lý do quyết định đề nghị đầu tư vào Cloud Cook: “Đây là một startup lan tỏa niềm cảm hứng cũng như sự tự hào và đam mê nấu ăn cho phụ nữ, giúp các bà nội trợ bước ra khỏi vùng an toàn, qua đó chia sẻ tài năng cho cộng đồng. Ứng dụng này mang lại cơ hội việc làm cho phụ nữ nói riêng, cả cộng đồng nói chung cũng như bắt kịp được xu hướng chuyển đổi số”.

Vượt lên trên các lý do đó, Shark Liên còn là một người phụ nữ tha thiết dành tình cảm cho ẩm thực quê hương. Startup về ẩm thực, lại còn có hướng đi tốt đẹp, thật chẳng có gì lạ khi Shark Liên cảm thấy hứng thú.

Shark Liên đồng ý rót vốn vào dự án "Bếp trên mây".

Shark Liên đồng ý rót vốn vào dự án "Bếp trên mây".

“Bà đỡ” không chỉ “đỡ” bằng việc đầu tư

Còn các Startup hướng đến môi trường nhưng Shark Liên từ chối đầu tư trong tập 2 mắc phải các vấn đề sau: Công ty hạt nhựa sinh học gần như mới chỉ dừng lại ở mức ý tưởng. Công ty xe đạp Wiibike lại chưa làm cho bà thấy được sự sáng tạo, khác biệt của mình so với biết bao nhiêu mô hình tương tự nhưng đã có hệ thống kinh doanh rất tốt trên thế giới.

Chỉ bấy nhiêu thôi đã đủ làm Shark Liên từ chối đầu tư dù xét về ý tưởng, đường hướng cả hai đều rất tốt.

Ngay cả khi từ chối đầu tư vào Wiibike, Shark Liên khẳng định là tín đồ của việc bảo vệ môi trường, bất cứ điều gì đem lại giá trị cho người Việt Nam là làm, nhưng dự án phải có cơ sở tin tưởng và đầu tư, chứ không thể vung tiền một cách vô ích.

Tuy nhiên, tiếp tục mang phương châm trở thành “bà đỡ” hỗ trợ các Startup Việt khi đến Shark Tank mùa 4, Shark Liên không chỉ “đỡ” bằng việc đầu tư vào các Startup đúng gu mà còn “đỡ” ngay cả khi từ chối qua việc cho lời khuyên, nói lên suy nghĩ của mình bằng chính những trải nghiệm thực tế.

Điển hình như khi từ chối đầu tư vào hai Startup trên, bà không ngần ngại tuyên bố tôi sẵn sàng giúp đỡ các bạn trong các chiến dịch ý nghĩa, nâng cao ý thức con người trong vấn đề bảo vệ môi trường.

Ở cuối màn gọi vốn của Wiibike, khi Shark Hưng gợi ý có thể tài trợ 1,5 tỷ để tổ chức cuộc thi đạp xe xuyên Việt nhằm truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường hay không, Shark Liên nhanh chóng đồng tình: “Chắc chắn, chị sẽ làm với em ở những góc độ khác để giúp em thực hiện ước mơ của mình”.

Ngọc Quang