Giáo viên liên tục phản ánh việc thăng hạng lạ đời
Ngày 8/5/2021, một giáo viên (đề nghị không nêu tên) dạy bậc trung học phổ thông ở quận Tân Phú, phản ánh về việc tổ chức thăng hạng lạ đời của Sở Giáo dục và Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh.
Giáo viên này cho biết, tháng 6/2020, Sở Giáo dục công bố “Danh sách viên chức có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp chuyên viên và tương đương, chuyên viên chính và tương đương”.
Danh sách này có 573 giáo viên đủ điều kiện được thi hoặc xét thăng hạng từ hạng III lên hạng II của năm 2020 – trong đó có thầy giáo này, được ghi chú rõ ràng “miễn thi ngoại ngữ” (tiếng Anh).
Tuy nhiên, đến cuối tháng 4/2021, thầy giáo này bị Sở Giáo dục trả lại hồ sơ thăng hạng của năm 2021 vì viên chức chưa đủ 9 năm công tác theo Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học phổ thông công lập.
Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: P.L) |
Thầy giáo phản ánh sự việc chia sẻ thêm:
“Tôi rất thất vọng khi bị Sở Giáo dục biến đậu (đủ điều kiện xét/thi thăng hạng năm 2020 – tác giả) thành rớt (năm 2021) mà không hề có một lời giải thích thỏa đáng.
Theo tôi việc làm trên của Sở Giáo dục và Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh sai cả lí lẫn tình nhưng mãi đến nay Sở Giáo dục vẫn giữ im lặng.
Giáo viên chúng tôi rất phân vân, chuyện rõ ràng như ban ngày mà Sở Giáo dục vẫn thờ ơ như vậy thì những việc khác khó khăn, phức tạp hơn nhiều thì sẽ xử lí thế nào?
Giáo viên buồn không chỉ bị đánh rớt, vì thực ra đây chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ (phải được xét/thi thăng hạng nữa – tác giả), mà ở chỗ những nỗ lực, cố gắng của viên chức bị xem nhẹ.
Cuộc sống của nhiều giáo viên chúng tôi vốn đã khó khăn, cho nên việc được dự thi/xét thăng hạng giống như ánh sáng nhen lên cuối đường hầm nhưng lại bị chính cơ quan chủ quản của mình tước mất.
Tôi và những giáo viên khác bị đánh rớt thăng hạng ngay từ vòng nộp hồ sơ năm 2021 cảm thấy buồn, chông chênh, mất niềm tin. Có đồng nghiệp của tôi còn muốn bỏ nghề vì chỉ nghĩ đến chuyện thăng hạng là chán chường vô cùng, không còn hứng thú lên lớp nói gì đến chuyện giảng dạy”.
Trước đó ngày 27/4/2021, nhiều giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có đơn phản ánh. Trong đó, một giáo viên bậc trung học phổ thông ở huyện Bình Chánh nêu thắc mắc: tháng 6/2020, giáo viên được thông báo đủ điều kiện thi/xét thăng hạng từ hạng III lên hạng II.
Tuy nhiên, ngày 15/4/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh lại ra thông báo gửi hiệu trưởng về nhu cầu xét/thi thăng hạng năm 2021. Và giáo viên phải làm lại hồ sơ sau gần 1 năm đã được xét hồ sơ đạt yêu cầu. Như vậy là rất vô lý, vì năm 2020 họ không được xét mà phải kéo dài sang tận năm 2021. [1]
Nhiều giáo viên cảm thấy mất điểm tựa
Liên quan đến việc lùm xùm thăng hạng này, ngày 27/4/2021, Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết:
“Trong năm 2020, giữa Sở Nội vụ và Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh, các Sở ban ngành khác, các quận huyện đã có những phối hợp để tổng hợp danh sách, trình Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng Đề án tổ chức thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức lên chuyên viên và tương đương, Đề án tổ chức thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức lên chuyên viên chính và tương đương (trong đó có viên chức của ngành giáo dục).
Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản đề nghị Bộ Nội vụ thống nhất nội dung đề án, duyệt chỉ tiêu thi nâng ngạch.
Tuy nhiên, tháng 9/2020, Chính phủ đã ban hành các Nghị định mới (Nghị định 115/2020/NĐ-CP và Nghị định 138/2020/NĐ-CP), trong đó quy định một số nội dung mới về nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức.
Đồng thời, do Luật Giáo dục và Đào tạo và một số thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về mã số tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức ngành giáo dục (thông tư số 01 đến 04) vừa mới được ban hành.
Trong công văn trả lời, Bộ Nội vụ đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng lại các đề án nói trên theo các văn bản và quy định mới.
Do đó, hiện nay, Sở Nội vụ đang phối hợp với các Sở, ban ngành của thành phố (trong đó có Sở Giáo dục và Đào tạo), lãnh đạo thành phố Thủ Đức và các quận huyện trên địa bàn thành phố xây dựng lại các đề án căn cứ vào các văn bản, quy định mới, trình Ủy ban nhân dân thành phố gửi Bộ Nội vụ thống nhất chỉ tiêu, phê duyệt các đề án này để tổ chức thực hiện.” [1]
Theo người viết, cách trả lời của Sở Nội vụ thiếu thuyết phục, bởi áp dụng tiêu chuẩn nào phải căn cứ vào thời điểm và hiệu lực của văn bản.
Hơn nữa, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo: “Báo cáo kế hoạch tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập năm 2020 của các bộ ngành, địa phương gửi về Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 06/04/2020 và “trước 31/12/2020, phải hoàn thành tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên năm 2020.” [2]
Còn Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm thế nào trong việc thăng hạng giáo viên tồn đọng từ năm 2020 kéo theo những bất cập của năm 2021?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cho đến thời điểm này, Sở Giáo dục không đưa ra bất cứ lời giải thích nào về việc loại những hồ sơ thăng hạng của giáo viên đã đủ điều kiện từ năm 2020.
Ngoài ra, Công đoàn ngành Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh có lắng nghe tiếng nói của giáo viên hay chưa?
Ngày 20/1/2021, Công đoàn ngành Giáo dục Thành phố đã tổ chức Hội nghị Sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2018 – 2023 và Sơ kết hoạt động công đoàn Học kỳ I năm học 2020 – 2021.
Theo đó, trong nửa nhiệm kỳ hoạt động (từ tháng 03/2018 hết tháng 12/2020) Công đoàn ngành Giáo dục Thành phố đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Công đoàn ngành nhiệm kỳ 2018 - 2023 đã đề ra.
Cụ thể, Công đoàn ngành đã tích cực chăm lo đời sống, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, nhà giáo, người lao động; đã triển khai những nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp thực hiện trong nửa nhiệm kỳ 2018 – 2023 còn lại. [3]
Báo cáo “đẹp” là vậy nhưng trước những bức xúc của giáo viên về thăng hạng thì Công đoàn ngành Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh cũng im hơi lặng tiếng không kém. Hay những bất cập trong việc thăng hạng mà giáo viên liên tục phản ánh không thuộc quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên giáo viên?
Cần biết rằng, tổ chức Công đoàn trong cơ quan Nhà nước là một thành phần quan trọng để giám sát, đảm bảo thực thi quyền lợi của người lao động trong tổ chức đó.
Cụ thể, mục 7 Điều 10 Luật công đoàn năm 2012 quy định vai trò của công đoàn khi bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động: “Kiến nghị với tổ chức, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động hoặc của người lao động bị xâm phạm”. [4]
Những câu hỏi này xin dành cho lãnh đạo Công đoàn ngành Giáo dục Thành phố.
Thử hỏi, hàng trăm giáo viên bị đánh trượt thăng hạng chức danh nghề nghiệp ngay từ vòng nộp hồ sơ một cách vô lí như thế thì quyền và lợi ích hợp pháp của giáo viên bị xâm phạm thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Nếu không ai chịu trách nhiệm thì giáo viên phải chịu bức xúc đến bao giờ?
Tài liệu tham khảo:
[1] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/giao-vien-thac-mac-thang-hang-so-noi-vu-thanh-pho-ho-chi-minh-tra-loi-post217331.gd
[2] //hcmcpv.org.vn/tin-tuc/truoc-31-12-2020-phai-hoan-thanh-to-chuc-thang-hang-chuc-danh-nghe-nghiep-giao-vien-nam-2020-1491862247
[3] //www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/cong-doan-nganh-giao-duc-tphcm-tich-cuc-cham-lo-doi-song-doan-vien-nha-giao-nguoi-lao-dong-1491873757
[4] //luatminhkhue.vn/to-chuc-cong-doan-la-gi---vai-tro-vi-tri-cua-to-chuc-nay-doi-voi-nguoi-lao-dong--.aspx
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của các tác giả.