Thầy giáo Lương Trường Xuân (sinh năm 1979) – giáo viên bộ môn tiếng Anh tại Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền (Hải Phòng) là một trong những nhân tố mới đã cống hiến cho nhà trường nhiều thành tích cao trong các kỳ thi cấp thành phố.
Đặc biệt, thầy Xuân đã nhiều lần xuất sắc vượt qua hàng trăm thầy, cô giáo để giành danh hiệu thủ khoa trong các kỳ thi đánh giá năng lực giáo viên.
Có duyên với danh hiệu thủ khoa
Chia sẻ về cái duyên của bản thân với các kỳ thi từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường cho đến khi thành công theo đuổi nghề giáo, thầy Xuân nói: “Tôi sinh ra và lớn lên tại huyện Tiên Lãng trong gia đình có truyền thống theo nghề giáo và bố mình cũng giảng dạy bộ môn tiếng Anh.
Tôi tiếp xúc tiếng Anh sớm hơn các bạn đồng trang lứa, gia đình cũng tạo điều kiện cho tôi theo học tại các trung tâm của huyện.
Đến năm vào cấp 3, tôi bắt đầu tham gia các kỳ thi về môn tiếng Anh của trường, quận và thành phố.
Với sự nỗ lực không kể ngày đêm, năm nào tôi cũng đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố và được nhận học bổng của nhà trường.
Bén duyên muộn với nghề giáo, sau khi tốt nghiệp Đại học Quốc gia Hà Nội được 4 năm tôi mới bắt đầu giảng dạy bộ môn tiếng Anh tại trường cấp 3 thuộc huyện Tiên Lãng.
Khi quay trở lại môi trường giáo dục, dù đứng trên một cương vụ khác nhưng tôi vẫn rất có duyên với các cuộc thi”.
Thầy Lương Trường Xuân đã nhiều lần đạt danh hiệu Thủ khoa trong các cuộc thi đánh giá năng lực giáo viên của thành phố (Ảnh: nhân vật cung cấp) |
Sự nỗ lực không ngừng trau đồi bản thân đã mang lại cho thầy Xuân sự ghi nhận và những giải thưởng đáng tự hào, để lại dấu ấn trong sự nghiệp “trồng người” của thầy.
Năm 2007-2008, thầy Xuân bắt đầu tham gia các hoạt động của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố như tập huấn về sách và mạng lưới giáo dục tiếng Anh.
Bắt đầu từ năm 2010, thầy Xuân liên tiếp tham gia kỳ thi giáo viên giỏi cấp thành phố và luôn dành được thành tích cao.
“Dấu ấn đáng nhớ nhất trong số các cuộc thi tôi đã tham gia phải kể đến kỳ thi Khảo sát năng lực giáo viên tiếng Anh năm 2014.
Cả thành phố có hơn 500 người tham gia thi và có 11 người đạt được chứng chỉ tiếng Anh C1. Trong đó, tôi đạt danh hiệu thủ khoa và có cơ hội được tập huấn 1 tháng tại Mỹ.
Tại nước bạn, tôi được tham gia kiểm tra đạt trình độ C2 do tổ chức giáo dục quốc tế Education First cấp chứng chỉ tại New York.
Chuyến tập huấn đã mang lại cho mình vô vàn những kỉ niệm và cũng là cơ hội để mở mang, học tập kiến thức về bộ môn mà mình tâm huyết từ các chuyên gia hàng đầu” thầy Xuân chia sẻ.
Năm 2017, thầy Xuân được chuyển công tác về trường Trung học phổ thông Ngô Quyền (Hải Phòng).
Trong 4 năm công tác tại đây, thầy Xuân đã làm tốt nhiệm vụ dạy đại trà cũng như công tác mũi nhọn của nhà trường.
Thầy Xuân là một trong những nhân tố mới đã đóng góp nhiều giải thưởng cho bề dày thành tích trường Trung học phổ thông Ngô Quyền (Ảnh: nhân vật cung cấp) |
Năm học 2020 – 2021 vừa qua, thầy Xuân đã dành thủ khoa môn tiếng Anh cũng là thủ khoa toàn bộ kỳ thi Giáo viên giỏi cấp Trung học phổ thông thành phố.
Thầy đã giành được số điểm gần tuyết đối với 29,76 trên khung điểm 30 cho phần thi của mình.
Cũng trong năm học này, thầy Xuân đã dìu dắt 7 em học sinh tham gia Kỳ thi Học sinh giỏi cấp thành phố.
Không phụ sự kỳ vọng của thầy, đã có 3 học sinh xuất sắc đạt giải Nhất, 1 học sinh giải Nhì, 1 học sinh giải Ba trong kỳ thi này.
Với năng lực chuyên môn cao cùng những thành tích trên, thầy Xuân nhiều năm tham gia đội ngũ giáo viên cốt cán môn tiếng Anh của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố.
Thầy được đề cử tham gia nhiều đợt tập huấn, ra đề thi, chấm thi vào 10 chuyên và chấm thi học sinh giỏi.
Thầy giáo là người định hướng cho học sinh
Không chỉ đầu tư cho các kỳ thi, thầy Lương Trường Xuân còn dành tâm huyết dìu dắt, tạo nền tảng ngoại ngữ vững chắc cho biết bao thế hệ học sinh.
Theo thầy Xuân, trong giảng dạy thầy trọng tạo cảm hứng cho học sinh, bồi dưỡng cho học sinh giỏi và bổ sung kiến thức cho học sinh yếu kém.
Luôn tạo cảm hứng cho học sinh trong mỗi tiết học là sự ưu tiên của thầy giáo Xuân (Ảnh: nhân vật cung cấp) |
Thầy Xuân cho biết: “Trong giảng dạy đại trà, để đảm bảo chất lượng học tập đồng đều cho tất cả học sinh, ngay từ ngày đầu nhận lớp, tôi luôn chú tâm, bồi dưỡng thêm cho các học sinh có học lực kém.
Mỗi giờ học, tôi thường xuống tận chỗ để nhắc nhở, hướng dẫn từng cháu.
Không chỉ vậy, tôi luôn sẵn sàng dành thời gian khi học sinh liên lạc về vấn đề học tập kể cả ngoài giờ lên lớp.
Theo đó, nền tảng kiến thức của những học sinh có học lực kém dần dần được nâng lên và có thể theo kịp tiến độ học tập của tập thể lớp.
Ngoài ra, tôi chú trọng việc thiết kế bài tập, đảm bảo đa dạng cả kiến thức cơ bản và nâng cao.
Dù học lực học sinh ở mức độ nào cũng có phần bài tập tương ứng để các cháu có hứng thú khi làm bài. Tôi cũng khuyến khích học sinh trao đổi, làm bài tập và giúp đỡ lẫn nhau khi làm bài tập.
Học tập theo nhóm, theo cặp là phương pháp mình ưu tiên lựa chọn trong quá trình giảng dạy. Phương pháp này cũng phù hợp với phần dự án có trong sách giáo khoa.
Học sinh được chia theo nhóm và được giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Nhiệm vụ của mỗi em trong nhóm sẽ được luân chuyển qua từng dự án để đảm bảo tính công bằng.
Ví dụ như giáo viên yêu cầu mỗi nhóm đưa ra một bài thuyết trình thì mỗi em trong nhóm sẽ được phân nhiệm vụ riêng như làm power point, tìm thông tim, tìm hình ảnh, thuyết trình…
Qua đó, học sinh nâng cao không riêng kiến thức bộ môn mà còn cả những kỹ năng cần thiết cho cấp học đại học và công việc trong tương lai.
Sau mỗi tiết học, học sinh của tôi ngày càng tự tin hơn, khả năng nói theo đó cũng được cải thiện rõ rệt.
Ngoại trừ những học sinh lớp 10 còn cần thời gian làm quen nên mình sẽ dùng tiếng Việt còn các khối lớp 11, 12 thầy và trò giao tiếp với nhau đa phần bằng tiếng Anh để đạt hiệu quả tốt nhất.
Xuyên suốt những năm học cấp 3, học sinh được tham gia vào 30 chủ đề, dự án nên kiến thức học sinh nhận được rất đa dạng, sát với thực tế cuộc sống hàng ngày của các em.
Theo thầy giáo Xuân, người thầy ngày nay chính là người định hướng để học sinh được tự mình trải nghiệm, chủ động tiếp thu kiến thức (Ảnh: nhân vật cung cấp) |
"Để có thể theo kịp với những điểm mới trong chương trình học tập của học sinh, bản thân tôi cũng không ngừng trau đồi, đổi mới.
Tôi tham khảo rất nhiều nguồn học liệu trong và ngoài nước để cải thiện khả năng phát ngôn của bản thân và tìm những video hướng dẫn phát âm bản địa cho học sinh tìm hiểu thêm.
Các thầy các cô ngày xưa chủ yếu truyền dạy kiến thức còn ngày nay người thầy chính là người định hướng để học sinh được tự mình trải nghiệm, chủ động tiếp thu kiến thức” thầy Xuân chia sẻ thêm.