Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, tân thủ khoa 9X chia sẻ, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017 là một dấu mốc đánh dấu bước ngoặt khi bộ môn Toán, Sử, Địa và một số môn thi khác được chuyển sang hình thức thi trắc nghiệm, điểm thi năm đó được đánh giá là cao “lạm phát” với mưa điểm mười tuy nhiên, số điểm của em cũng không quá cao khi không đỗ được 3 nguyện vọng đầu tiên.
Lúc đó, Hằng quyết định đăng ký chuyên ngành Kế toán của Trường Đại học Kinh tế quốc dân hoàn toàn là việc ngẫu nhiên với việc đây là ngành học có điểm đầu vào cao nhất của trường và là ngôi trường đào tạo kinh tế danh giá mà em kỳ vọng rằng sẽ hợp với nơi này, sẽ học được nhiều thứ ở đây và sẽ có quãng thời gian đầy sắc màu dưới mái trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Nguyễn Thị Hằng (sinh năm 1999, Hà Nội) trở thành thủ khoa đầu ra Khoa kế toán của trường Đại học Kinh tế quốc dân năm 2021.(ảnh: NVCC) |
Giờ đây nhìn lại quãng thời gian đó, Hằng kể, thực ra ở tuổi 18 như em vẫn hay chia sẻ với các em học sinh thì đây là tuổi mà việc yêu thích hay đam mê và chọn ngành cũng khá khó khăn, không phải ai cũng xác định chính xác ngay từ ban đầu công việc mình muốn làm hay sẽ thích hợp là gì.
Nên khi không đỗ được những ngành dự định ban đầu của mình thì em đã cố gắng thay đổi tư tưởng và mở lòng chấp nhận để hoà nhịp với môi trường mới vì em nghĩ điều đó sẽ đơn giản hơn so với cứ mãi chấp niệm những thứ mình đã vuột mất.
Cô nàng thủ khoa Hà thành tiết lộ: “3 nguyện vọng đầu mà em đăng ký là ngành bác sĩ đa khoa của Học viện Quân y, ngành Dược sĩ của Trường Đại học Dược Hà Nội và ngành Dược sĩ của Học viện Quân y nên việc chuyển sang học Kế toán - một chuyên ngành thực sự khác hẳn nguyện vọng ban đầu nên em thấy đây là một bước ngoặt lớn”.
Danh hiệu Thủ khoa không phải là mục tiêu của cô nàng 9X trong 3 năm đầu đại học, chỉ khi sắp tốt nghiệp, em mới có một mong ước trở thành Thủ khoa xuất sắc chuyên ngành Kế toán năm 2021.
Hằng phấn đấu để trở thành thủ khoa vì muốn đây là món quà được gửi đến bố mẹ (trong ảnh là bố mẹ và em gái lên chúc mừng Hằng trong ngày nhận bằng tốt nghiệp)- Ảnh: NVCC |
Về lý do thì em muốn danh hiệu này thì Hằng phấn khởi kể: “Em muốn đây là món quà được gửi đến bố mẹ - những người luôn sẵn sàng ủng hộ mọi quyết định và hỗ trợ cho em rất nhiều, em luôn muốn trở thành niềm tự hào của họ.
Việc được trở thành thủ khoa khiến em cảm thấy giây phút tốt nghiệp của em thực sự đáng nhớ và hạnh phúc, cũng là cái kết và sự công nhận cho những nỗ lực trong học tập và thi cử của em. Nếu em đến mái trường Đại học Kinh tế quốc dân là ngày chưa phải ngày vui nhất, thì ngày em chào ngôi trường này sẽ là ngày rực rỡ nhất, là cột mốc ghi nhận việc em trưởng thành và sẵn sàng, nghiêm túc đối mặt với điều em mà đã chọn.”.
Khi phóng viên hỏi về bí quyết để đạt điểm cao trong giảng đường đại học để trở thành thủ khoa thì Hằng cho rằng, đại học là tự học. Vài giờ trên giảng đường là không đủ để em tích luỹ kiến thức của môn học yêu cầu nhưng các thầy cô ở trường vẫn không làm khó các sinh viên của mình, đề thi đa số đều là những thứ mà thầy cô đã giảng và giới thiệu.
Vì vậy, việc tập trung học trên giảng đường đã giúp em lĩnh hội được cơ bản những thứ mà thầy cô giới thiệu, cũng có thể do đặc thù chuyên ngành của Hằng chuyên sâu về học thuật nên những kiến thức theo luật, thông tư chuẩn mực đó cũng dễ hiểu hơn so với những điều cần sáng tạo ở các chuyên ngành khác.
Sau buổi học trên lớp thì về nhà em không cần dành quá nhiều thời gian để ôn mấy kiến thức đó, nếu chăm chỉ thì sẽ tìm kiếm và đọc nhiều kiến thức hơn liên quan đến kế toán – kiểm toán Việt Nam, các chuẩn mực kế toán Quốc tế ,… Đến gần tháng cuối trước khi thi học kỳ thì sẽ tập trung ôn bài theo kế hoạch phân bổ thời gian cho từng môn và mình tin điều đó sẽ khiến các bạn dễ dàng vượt qua các kỳ thi.
Cái gì cũng cần có động lực cả, mục tiêu để em luôn cố gắng ở mỗi đợt thi cuối kỳ đó là học bổng, học bổng của trường sẽ được trao cho các sinh viên có đủ tiêu chuẩn như số tín chỉ trong kỳ, điểm rèn luyện, và điểm trung bình kỳ đó theo thứ tự giảm dần. Do đó, nếu em thi tốt có thể mang đến cơ hội được nhận học bổng của trường, thành tích tốt có thể apply học bổng của các doanh nghiệp tài trợ.
Sau khi hoàn thành việc thực tập Kế toán tại một doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng để hoàn thành cho chương trình học trước tháng 12/2020, Hằng đã đi làm toàn thời gian cho một Công ty Kiểm toán ở vị trí Trợ lý Kiểm toán viên từ đầu năm 2021.
Hiện tại, khi cầm tấm bằng tốt nghiệp loại xuất sắc, Hằng đang có một thời gian nghỉ ngơi trước khi bắt đầu công việc chính thức, cũng coi như là một kỳ nghỉ hè cuối cùng kết thúc tháng ngày là sinh viên.
Tân thủ khoa nhận thấy, dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng ít hay nhiều đến mọi ngành nghề, ở những đơn vị kiểm toán, việc đến công ty khách hàng để làm công việc kiểm toán là điều khó có thể thay thế.
Khi dịch bệnh ở một diễn biến phức tạp, bắt buộc nhóm kiểm toán phải ngồi nhà làm việc hay đến văn phòng công ty thay vì đến khách hàng cũng mang lại những bất tiện và cản trở cho tiến độ công việc của em. Những thủ tục có thể làm online, trao đổi online sẽ được cố gắng hoàn thiện, rất nhiều những tài liệu cần scan, khi đó, hỗ trợ của đôi bên là điều rất cần thiết và không phải lúc nào kiểm toán cũng được hỗ trợ, đó là một trong những khó khăn mà hiện hữu mỗi ngày đối với Hằng.
Hằng kể thêm về công việc của mình: “Vì những tiêu chuẩn chất lượng cũng như trách nhiệm với công việc của mỗi kiểm toán viên, khi tình hình dịch bệnh có biến chuyển tốt hơn, chúng em vẫn phải đến công ty khách hàng để hoàn thiện những phần việc mà việc làm online không thể thực hiện và kiểm tra lại một số những tài liệu hỗ trợ cho phần việc đã đưa ra ý kiến dự thảo”.
Năm 2020, Nguyễn Thị Hằng lọt TOP 10 Sinh viên tiêu biểu Trường Đại học Kinh tế Quốc dân 2020 (ảnh: NVCC) |
Nếu tính ra thì kiểm toán được gọi là công việc đầu tiên mà Hằng làm bởi ở đại học em không tham gia làm việc cho bất kỳ cơ sở, tổ chức nào cả, nhưng những tháng ngày là sinh viên thì Hằng tiếp tục đam mê Toán học của mình thông qua việc tham gia đội tuyển Olympic Toán học tại trường và dạy học cho các em học sinh.
“Em dạy Toán cho các em học sinh lớp 12 chuẩn bị thi đại học, là người đồng hành và chia sẻ với các em. Cũng không rõ nên duyên như nào mà trong 3 năm đại học đi dạy thì kết quả có 3 em trở thành sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân, 1 em trở thành Sinh viên của Đại học Ngoại thương”, thủ khoa kế toán của Trường Đại học Kinh tế quốc dân tâm sự.
Nói thêm về cơ hội việc làm đối với ngành học của mình thì Hằng chia sẻ, hầu hết sinh viên theo học Kế toán – Kiểm toán cũng biết được những phần khó khăn khi tìm việc, kế toán là một ngành phổ biến mà đa số trường nào cũng đào tạo, từ trung cấp, cao đẳng cho đến đại học. Dù doanh nghiệp nào cũng có bộ phận kế toán nhưng với việc ít doanh nghiệp mới thành lập hơn, ít sự mở rộng quy mô hơn và ít việc thanh đổi nhân sự phòng kế toán hơn sẽ khiến cơ hội bạn trở thành kế toán viên khó hơn.
Còn đối với ngành kiểm toán, với số lượng công ty kiểm toán không nhiều, tỷ lệ thi vào thực tập sinh các năm đều rất cao, những công ty Kiểm toán lớn có tỷ lệ tuyển tầm 40/2.000-3.000 (trước kia khi chưa có dịch bệnh là 60), những công ty tầm trung cũng có tỷ lệ tuyển 30/800-1.000, có công ty chỉ tuyển mới 10-20 thực tập sinh mỗi năm. Con số là bằng chứng tin cậy cho thấy cơ hội ít ỏi và những thách thức hiện hữu ở đó.
Như vậy, để có những tấm vé cho vị trí kế toán, kiểm toán đang mong ước thì sự cố gắng và nỗ lực tích luỹ kiến thức, kỹ năng, thái độ đúng đắn là điều các bạn cần trau dồi.
Bằng sự cố gắng, nỗ lực, Nguyễn Thị Hằng trở thành Đảng viên Chi bộ Sinh viên 1 – Đại học Kinh tế Quốc dân năm 4 đại học (ảnh: NVCC) |
“Theo quan điểm cá nhân của em thì việc sinh viên kinh tế nói chung và việc sinh viên Kế toán – Kiểm toán Đại học Kinh tế Quốc dân nói riêng thất nghiệp là điều ít gặp.
Bản thân em nhận thấy sinh viên kinh tế được đào tạo khá nhiều kiến thức ở nhiều môn học khác nhau, ở đó phát triển tư duy và kỹ năng phù hợp với nhiều ngành nghề, hay như việc được tham gia các câu lạc bộ học thuật, nghệ thuật trong trường cũng khiến các bạn có những định hướng nghề nghiệp khác với chuyên ngành đang học.
Không ít bạn không học Kiểm toán nhưng lại tham gia câu lạc bộ Kiểm toán viên rồi tự tìm tòi, tham gia các khoá học ACCA rồi trở thành Kiểm toán viên, cũng như những bạn chuyên ngành khác bén duyên với câu lạc bộ Chứng khoán sinh viên lại yêu thích tài chính và rẽ sang lĩnh vực này,…
Rõ ràng, cơ hội là ngang nhau và việc bạn phù hợp cũng như bạn chọn đến với nơi nào là ở bạn, chúng ta không nên lo ngại việc thất nghiệp vì thời nào cũng sẽ có thất nghiệp, công việc và xã hội sẽ đào thải những người không phù hợp, do đó việc của mỗi chúng ta là nâng cao giá trị bản thân để số bị đào thải đó không có mình, cố gắng hơn và tự tin hơn để nhiều cơ hội sẽ đến”, Hằng chiêm nghiệm thấy.
Thành tích của Nguyễn Thị Hằng trong 4 năm đại học:
TOP 10 Sinh viên tiêu biểu Trường Đại học Kinh tế Quốc dân 2020
Huy chương Đồng Olympic Toán học Sinh viên và Học sinh toàn quốc năm 2019
6 lần liên tiếp đạt Học bổng khuyến khích học tập của trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Thành viên Quỹ học bổng Quốc tế Nhật Bản Nitori 2019
Học bổng Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam 2019
Học bổng Honda Awards 2020
Học bổng Kế toán – Kiểm toán, ACCA của một số tổ chức giáo dục
Trở thành Đảng viên Chi bộ Sinh viên 1 – Đại học Kinh tế Quốc dân năm 4 đại học
Giải Khuyến Khích sinh viên Nghiên cứu khoa học trường Đại học Kinh tế Quốc dân – Vietcombank năm học 2019-2020.