“Rà soát thể chế”, từ nghị quyết đến pháp luật, từ lời nói đến việc làm (3)

19/05/2021 06:58
Xuân Dương
GDVN- Nhìn vào số lượng các đạo luật liên quan đến giáo dục không thể không nêu câu hỏi: “Có hay không tư tưởng chỉ đạo phân mảnh giáo dục”?

(Tiếp theo phần 2)

Thứ hai, rà soát thể chế lĩnh vực “Luật pháp”

Rà soát thể chế về luật pháp không chỉ bó hẹp trong ba đạo luật liên quan đến giáo dục là Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục Nghề nghiệp mà còn phải rà soát nhiều đạo luật khác như Luật Lao động, Luật Viên chức, Luật Ngân sách, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công,… cùng vô số văn bản quy phạm pháp luật được các bộ, ngành, địa phương ban hành.

Nhìn vào số lượng các đạo luật liên quan đến giáo dục không thể không nêu câu hỏi: “Có hay không tư tưởng chỉ đạo phân mảnh giáo dục”?

Thực tế cho thấy sau khi Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực thi hành (năm 2014), ngày 10/11/2016 toàn bộ hoạt động giáo dục nghề nghiệp được chuyển giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý.

Đến năm 2019, khi Luật Giáo dục sửa đổi được công bố (có hiệu lực vào tháng 7/2020) thì luật pháp đã chính thức quy định Việt Nam có nhiều cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục.

Theo quy định tại điều 105 Luật Giáo dục thì việc quản lý nhà nước về giáo dục được phân chia cho các cơ quan sau:

1/ Bộ Giáo dục và Đào tạo;

2/ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

3/ Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh và

4/ Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục.

Một ngành Giáo dục bị cắt khúc, mỗi phần giao cho một đơn vị quản lý thì liệu có thể cùng chạy về một đích với tốc độ như nhau? Liệu có thể không tạo nên sự khập khiễng khi bên chậm, bên nhanh?

Luật Giáo dục 2019 có 115 điều; Luật Giáo dục đại học 2012 có 75 điều, Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 có 79 điều, tổng cộng cả ba đạo luật này có 269 điều.

Được biết Luật Đất đai 2012 có 212 điều, Luật Lao động có 242 điều, Luật Hình sự có 426 điều, Luật Tố tụng hình sự có 506 điều, Luật Dân sự có 689 điều,…

Vậy vì sao phải “cắt khúc pháp luật”, phải cần đến ba đạo luật chỉ với 269 điều để quản lý hoạt động Giáo dục và Đào tạo?

Muốn thực hiện ý tưởng “Một công việc chỉ do một cơ quan quản lý” việc đầu tiên là quyết tâm hợp nhất ba đạo luật chi phối giáo dục làm một. Ghép cả ba đạo luật này thành một có rất nhiều lợi ích ngoại trừ sự e ngại giáo dục sẽ … “thu về một mối”.

(Ảnh minh họa: haiquanonline.com.vn)

(Ảnh minh họa: haiquanonline.com.vn)

“Ra soát thể chế về luật pháp”, liên quan đến việc luật hóa các quy định trong Nghị quyết 27-NQ/TW.

Nghị quyết 27-NQ/TW ra đời cho thấy đã xuất hiện quan điểm mới về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, theo đó nhà giáo là một bộ phận viên chức làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ sở dịch vụ công (trường học) như mọi ngành nghề trong xã hội nên không phải ưu tiên so với các nhóm viên chức khác (Y tế, Văn hóa, Thể thao,…).

Từ quan điểm này, định hướng “nhà giáo được xếp lương cao nhất trong thang bảng lương hành chính” trước đó đã bị bãi bỏ.

Chỉ trong một ngày (02/02/2021) Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành bốn thông tư 01, 02, 03, 04 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục từ mầm non đến trung học phổ thông.

Trong bảy loại phụ cấp dành cho cán bộ, công chức, viên chức được Chính phủ công bố, phần lớn nhà giáo được hưởng “Phụ cấp theo nghề”, một số được hưởng Phụ cấp khu vực và/hoặc Phụ cấp công tác ở vùng đặc biệt khó khăn.

Sau khi các loại chức danh nghề nghiệp, thang bảng lương, các loại phụ cấp, quy trình nâng ngạch và thăng hạng chức danh nghề nghiệp,… được chính thức công bố, dễ dàng nhận thấy lực lượng lao động trong ngành Giáo dục đã được đối xử “bình đẳng” với viên chức và người lao động các ngành nghề khác.

Định hướng chiến lược trong hai Nghị quyết 29-NQ/TW và Nghị quyết 27-NQ/TW đã được luật hóa bởi các đạo luật, Nghị định, Quyết định, Thông tư,… đã có hiệu lực thi hành nên nhà giáo nói riêng và dư luận xã hội nói chung buộc phải tuân thủ, phải xem đó là “trạng thái bình thường mới” trong chính sách cán bộ nói riêng và chính sách con người nói chung!

Có điều, khi Hệ thống, bao gồm những người hoạch định chính sách và những người bị chính sách chi phối (công chức, viên chức - nhà giáo, cán bộ quản lý, truyền thông, dân chúng,…) phải chấp nhận “trạng thái bình thường mới” nêu trên - tức là sự “bình đẳng” giữa người lao động thuộc các ngành nghề khác nhau - thì cũng phải chấp nhận một thực tế ngoài mong muốn, rằng những gì hiện hữu ngoài xã hội (cả tích cực và tiêu cực) thì cũng không xa lạ với nhà trường và nhà giáo?

Đến đây xuất hiện một nghịch lý.

Nhà giáo được đối xử bình thường như nhân viên các cơ quan dân sự, như những người làm công ăn lương khác, vậy thì những đòi hỏi khắt khe của phụ huynh, những săm soi của báo chí, những phát ngôn quá đà được tung lên mạng xã hội trước sai phạm của một số giáo viên, cán bộ quản lý và cơ sở giáo dục có phải là không bình thường?

Thêm nữa, khi Nhà nước vận hành theo “trạng thái bình thường mới” đối với giáo dục thì vì sao không thực hiện một chính sách chung cho toàn bộ hệ thống chính trị, theo đó chỉ có một hệ thống thang bảng lương cho toàn bộ viên chức, công chức trong các cơ quan công quyền, dân sự, doanh nghiệp và lực lượng vũ trang.

Nói cách khác, sao không ban hành một đạo luật mang tên “Luật về lương” mà chỉ là một chương trong Luật Lao động và được cụ thể hóa bằng các Nghị định của Chính phủ?

Thực tế cho thấy Hệ thống đang vận hành không theo “trạng thái bình thường mới”.

Thực tế là Hệ thống đang vận hành kiểu “bên trọng, bên khinh”, đang chấp nhận tình trạng lương bậc 1 của quân nhân chuyên nghiệp trình độ sơ cấp gần bằng lương bậc 4 của nhà giáo trình độ đại học.

Nhà giáo là đối tượng duy nhất bị cắt thâm niên trong 4 đối tượng: nhà giáo, công an, quân đội, cơ yếu!

Nếu có “Luật về lương”, trong luật này nên có những điều khoản quy định chính sách đãi ngộ đặc biệt với bộ đội, công an và lực lượng cơ yếu, chẳng hạn:

- Quy định những loại phụ cấp đặc biệt đối với lực lượng vũ trang, phụ cấp này có thể lên đến 100% tùy thuộc điều kiện làm việc thời bình hoặc thời chiến.

- Bãi bỏ chế độ thâm niên, tất cả tướng lĩnh, sĩ quan và chiến sĩ đều hưởng thang bảng lương chung của toàn hệ thống.

- Lương hưu cho các tất cả các đối tượng trong hệ thống tính theo lương như viên chức, công chức. Điều này giúp tránh tình trạng không bình thường mà người viết biết chắc chắn, chẳng hạn một quân nhân chuyên nghiệp làm thủ kho, hưởng lương hưu (hàm thiếu tá) ngang bằng lương hưu của tiến sĩ - giảng viên chính dạy trong trường đại học gần 40 năm.

Nếu chỉ tồn tại một đạo luật quản lý hoạt động giáo dục thì sự phân mảnh giáo dục theo kiểu “Hoa thơm mỗi bộ, ngành, địa phương hưởng một tí” hiện nay buộc phải chấm dứt.

Việc cần làm sau đó là:

1/ Gộp cả ba đạo luật (Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học, Luật Giáo dục Nghề nghiệp) thành một bộ luật lấy tên là “Luật Giáo dục và Đào tạo”.

2/ Trả khối giáo dục nghề nghiệp (hiện do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý) về cho Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý;

3/ Điều chỉnh các Luật Giáo dục, Luật Viên chức, Luật Công chức, Luật Lao động, Luật Ngân sách,… theo hướng nhân sự giáo dục sẽ do ngành Giáo dục và Đào tạo quản lý từ trung ương xuống địa phương giống như công an, quân đội.

4/ Ban hành một số văn bản dưới luật quy định cụ thể về “Tự chủ đại học”, bãi bỏ hình thức “chủ quản” của các bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp với các cơ sở giáo dục đại học (cả đại học và cao đẳng).

5/ Sửa Luật Giáo dục theo hướng phân cấp quản lý hoạt động thi tốt nghiệp trung học phổ thông cho địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ quản lý đề thi. Kết quả kỳ thi này chỉ là yếu tố tham khảo chứ không phải chuẩn đầu vào cho các cơ sở giáo dục đại học.

Các cơ sở giáo dục đại học tự chọn hình thức thi, phỏng vấn, xét tuyển,… để tuyển sinh viên theo các quy định về chỉ tiêu do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.

(Còn nữa)

Xuân Dương