Trụ lại ở tuyến đầu bằng trách nhiệm và yêu thương

16/05/2021 16:51
Theo Báo Nhân dân
GDVN- Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã có 16 tháng "căng mình" để làm thành trì vững chắc cho cả nước trong điều trị bệnh nhân Covid-19.

Có bao nhiêu người từ cõi chết trở về, bước ra khỏe mạnh từ đây trong niềm hân hoan tột độ của những người điều trị.

Nhưng cũng có bao nhiêu giọt nước mắt đã rơi, vì kiệt sức, vì đau đớn... mà họ - những chiến sĩ áo trắng dặn mình phải kìm lòng xuống để hoàn thành nhiệm vụ.

Các bác sĩ thức xuyên đêm điều trị cho bệnh nhân. (Ảnh: Nhandan.com.vn)

Các bác sĩ thức xuyên đêm điều trị cho bệnh nhân. (Ảnh: Nhandan.com.vn)

Đêm 14, rạng sáng 15/5 là một đêm đặc biệt căng thẳng với các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Họ túc trực suốt đêm bên các ca bệnh nặng, trong đó có năm bệnh nhân Covid-19 nặng mới được chuyển tới.

Bệnh viện cũng huy động kỷ lục về số lượng nhân viên y tế cả vòng trong lẫn vòng ngoài suốt đêm để theo dõi sát sao 18 bệnh nhân nặng, rồi tất tả ngược xuôi chạy ECMO (tim phổi nhân tạo) cho một ca Covid-19 nguy kịch…

Bằng tất cả những nỗ lực cuối cùng nhưng họ đã không thể cứu được ca bệnh đặc biệt nặng là một cụ bà 89 tuổi, mắc nhiều bệnh lý nền và Covid-19 vào ngày 15/5, sau hơn hai ngày được chuyển tới đây. Tất cả lặng lẽ cúi đầu, lòng trĩu nặng vì để tuột khỏi tay một bệnh nhân Covid-19.

Thế nhưng, hôm qua tại chiến tuyến nóng bỏng này, họ cũng chứng kiến một nỗi đau khác của một đồng nghiệp, khi nén chặt nỗi đau ly biệt người mẹ thân yêu, hối hả thăm khám cho bệnh nhân.

Đó là câu chuyện được một chiến sĩ áo trắng ghi lại, trong ngày thứ 10 Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương bị cách ly: "Bạn đã bao giờ nhìn thấy một bác sĩ vừa khóc vừa khám cho bệnh nhân chưa? Sáng, nhận được tin mẹ của một đồng nghiệp, một người em tại bệnh viện vừa qua đời đêm qua.

Hiện, hai vợ chồng bạn ấy đều đang chống dịch tại bệnh viện, không về lo đám tang cho bà được. Nghĩ đến hai đứa trẻ được bố mẹ gửi bà ngoại trông để đi chống dịch, giờ bố mẹ vẫn chưa về, bà thì không còn nữa, các cháu sẽ bơ vơ thế nào? Lòng bỗng trĩu nặng…

Lúc đó, lại nhận được tin có bệnh nhân Covid-19 có diễn biến mới, cần thăm khám luôn. Vừa khóc, vừa mặc quần áo phòng hộ chạy ra buồng bệnh khám bệnh nhân… Làm sao để vững vàng bước tiếp đây? Làm sao để trả lời được câu hỏi vì sao mình chọn công việc này?".

Những dòng nhật ký như cứa vào lòng những người đang thực hiện nhiệm vụ ở tuyến đầu. Hôm qua, hai chiến sĩ áo trắng của bệnh viện đã phải nén chặt nỗi đau thấu tận tâm can của mình xuống vì họ đã không thể về để nhìn mặt mẹ lần cuối, khi người mẹ sau vài năm chống chọi với bệnh trọng đã trút hơi thở cuối cùng.

Việc cao cả nhất bà vẫn giúp con cháu đến phút cuối, là đã giúp trông đứa con thơ dại cho anh chị đang thực hiện nhiệm vụ chống dịch tại chiến tuyến nóng bỏng nhất.

"Một phút mặc niệm mà nước mắt chực trào ra. Được biết mẹ bạn ấy ra đi với khắc khoải mong được gặp con gái mình mà lòng cảm thấy trĩu nặng", một nữ đồng nghiệp viết lại những dòng chữ đầy nước mắt thương cho người cùng chiến tuyến với mình.

Bác sĩ Phạm Văn Phúc là một trong số các bác sĩ đang điều trị trực tiếp cho bệnh nhân Covid-19 tại Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh cho biết, trong bốn đợt dịch qua, kéo dài tới 16 tháng, anh cùng các đồng nghiệp kiên trì bám bệnh viện, túc trực bên người bệnh với mong muốn duy nhất giúp họ chiến thắng dịch bệnh, trở về với cuộc sống bình thường.

Các bác sĩ túc trực 24/24 để điều trị cho bệnh nhân Covid-19. (Ảnh: Nhandan.com.vn)

Các bác sĩ túc trực 24/24 để điều trị cho bệnh nhân Covid-19. (Ảnh: Nhandan.com.vn)

Thế nhưng đợt dịch lần thứ 4 này quá khắc nghiệt. Lượng bệnh nhân nhiều, bệnh viện lại trong tình trạng cách ly y tế toàn bộ cơ sở Đông Anh, song vẫn phải tiếp nhận điều trị các ca dương tính nên công việc của bác sĩ, điều dưỡng vất vả bội phần.

Với bác sĩ Phúc, những ngày này, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang phải đối mặt với muôn vàn thử thách. Ngoài việc bị cách ly, số bệnh nhân nặng nhập viện đang tăng kỷ lục so với các đợt dịch trước.

Quá nhiều trường hợp nặng phải cấp cứu vào giữa đêm khuya, bệnh nhân đa số kèm theo nhiều bệnh nền nên phải can thiệp nhiều thủ thuật. Chính vì thế, số lượng điều dưỡng, bác sĩ được điều động tăng gấp ba lần so với đợt dịch trước.

Bác sĩ Phúc giãi bày: "Nếu hỏi chúng tôi có mệt không, đúng là mệt, nhưng không vì thế mà chùn bước, nản chí. Anh em luôn sẵn sàng. Bệnh viện cũng đã có các kịch bản đối phó tình huống cấp bách xảy ra với đầy đủ trang thiết bị, vật tư cần thiết bảo đảm cho công tác cứu chữa được nhanh nhất”.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hiện đang là cơ sở tiếp nhận nhiều bệnh nhân Covid-19 nhất cả nước. Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch – Giám đốc Bệnh viện cho biết, đến trưa 15-5, có 318 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại cơ sở Đông Anh của bệnh viện.

Sau khi có bác sĩ nhiễm SARS-CoV-2, toàn thể thầy thuốc ở đây đều trở thành F1. Nhưng với lượng bệnh nhân đông, ngoài những cán bộ y tế dương tính phải điều trị bệnh, còn lại các F1 là thầy thuốc vẫn phải tham gia phòng, chống dịch theo các cách khác nhau.

Với mật độ bệnh nhân đông và mỗi ngày một gia tăng như vậy, chưa kể các bệnh nhân thường không mắc Covid-19 do bệnh viện bị cách ly nên chưa thể xuất viện, Tiến sĩ Thạch chia sẻ, mong muốn của bệnh viện là chuyển những bệnh nhân thường, không mắc Covid-19 và đã có kết quả xét nghiệm từ 2-3 lần âm tính sang các cơ sở y tế khác để tránh lây nhiễm, và cũng phù hợp với mong muốn của người bệnh.

Bác sĩ Thạch tâm sự, 16 tháng qua, các bác sĩ tại đây đã liên tục nhiệm vụ điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Các bác sĩ không ngại khó, không ngại khổ, chỉ thương bệnh nhân, nhất là bệnh nhân điều trị tích cực đã âm tính 2-3 lần.

Cả bệnh viện và bệnh nhân đều mong muốn "giải phóng" bớt bệnh nhân thường, bệnh nhân nặng không mắc Covid-19, để nhận bệnh nhân Covid-19 mới.

Trong suốt hơn 16 tháng qua, đã có rất nhiều gia đình phải chấp nhận xa nhau cả năm trời để thực hiện nhiệm vụ chống dịch.

Có nhiều người con không thể về chịu tang bố, mẹ; có nhiều người mẹ không thể đồng hành bên con những ngày tháng trọng đại trong cuộc đời; có những gia đình cả hai cùng chung trận chiến mà chỉ có thể hỏi thăm nhau qua điện thoại; có nhiều em bé còn thơ dại đành phải chịu cảnh xa bố, mẹ vì nhiệm vụ ngăn chặn Covid-19 là trên hết.

Họ đã hy sinh để cuộc sống người dân được bình yên. Họ đã vượt qua nỗi sợ của sự lây nhiễm để sẵn sàng đương đầu.

Đó là những tấm gương hy sinh cao cả của những chiến sĩ áo trắng, chiến sĩ biên phòng, các chiến sĩ tham gia công tác phòng, chống dịch ở khắp cả nước.

Cuộc chiến Covid-19 thật sự ngày càng trở nên khốc liệt. Đợt dịch sau căng thẳng, thách thức và khó khăn hơn những đợt dịch trước.

Khoảng cách đến gần sự bình yên còn rất xa khi việc khống chế Covid-19 vẫn đang là bài toán chưa có lời giải với cả thế giới.

Chỉ có trách nhiệm, kiên nhẫn và yêu thương, các chiến sĩ áo trắng mới thật sự có thể trụ lại ở tuyến đầu nguy hiểm nhất và vững vàng được suốt hơn một năm qua.

Và đây cũng sẽ là hành trang của họ trên con đường đồng hành với sức khỏe của người bệnh với mục tiêu "An toàn của người bệnh là trên hết".

Theo Báo Nhân dân