Hiệp hội tiếp tục giải thích kiến nghị chuyển đào tạo cao đẳng về Bộ Giáo dục

17/05/2021 13:53
Thùy Linh
GDVN- Ngày 17/5, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có văn bản gửi Bộ Nội vụ về việc chuyển vai trò quản lý nhà nước hệ đào tạo cao đẳng về Bộ Giáo dục.

Theo đó văn bản của Hiệp hội nêu, qua một vài nguồn tin, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam được biết ngày 15/5/2021 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã gửi công văn số 1377/LĐTBXH-TCGDNN tới Bộ Nội vụ để trả lời về các kiến nghị của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam gửi tới các cấp lãnh đạo có thẩm quyền về vấn đề hệ đào tạo cao đẳng.

Để Bộ Nội vụ có thêm thông tin khi xem xét sự việc Hiệp hội giải thích thêm như sau:

Thứ nhất, trong công văn số 19/HH-NC&PTCS ngày 17/3/2021 gửi Thường trực Ban Bí thư, Ủy ban thường vụ Quốc Hội và Thường trực Chính phủ, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam chưa đề cập tới việc quy chuyển toàn bộ hệ thống giáo dục và đào tạo của đất nước về cùng một đầu mối quản lý Nhà nước (mặc dù điều đó rất cần thiết theo tinh thần của Nghị quyết 19/NQ-TW), mà mới chỉ tập trung kiến nghị các cấp lãnh đạo có thẩm quyền quyết định đưa vai trò quản lý Nhà nước về đào tạo hệ cao đẳng về chung một đầu mối với các cấp độ khác thuộc giáo dục đại học, tức là về lại Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ảnh chụp văn bản số 62/HH ngày 17/5/2021 của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Ảnh chụp văn bản số 62/HH ngày 17/5/2021 của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Đề nghị này của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam xuất phát từ một thực tế là kể từ khi tiếp nhận vai trò quản lý Nhà nước hệ cao đẳng (2015) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Tổng cục giáo dục nghề nghiệp) đã không làm tròn vai trò quản lý Nhà nước của mình, thậm chí còn liên tiếp mắc phải ít nhất hai sai lầm rất nghiêm trọng như sau:

Một là, chỉ sau một thời gian ngắn đã vội vàng nâng cấp hoặc mở mới hàng trăm trường cao đẳng nghề trong khi vẫn duy trì chương trình đào tạo của hệ thống trường này ở mức dưới “chuẩn”, điển hình là các chương trình cao đẳng “siêu tốc”. Hậu quả là có nguy cơ nguồn nhân lực cao đẳng đào tạo ra sẽ không được thế giới công nhận.

Hai là, đã loại bỏ hoàn toàn các chương trình cao đẳng chuyên nghiệp (vốn có ở các trường cao đẳng chuyên nghiệp trước khi chuyển vai trò quản lý Nhà nước từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội). Điều này làm thủ tiêu nguồn nhân lực “kỹ thuật viên”, gây méo mó cho cơ cấu nhân lực cần thiết để bảo đảm cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tiến triển thuận lợi.

Thứ hai, về hai sai lầm nghiêm trọng mà Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang mắc phải như Hiệp hội chúng tôi đã nêu ra ở công văn số 19/HH-NC&PTCS trình lãnh đạo các cấp, trong công văn giải trình số 1377/LĐTBXH-TCGDNN của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội gửi quý Bộ, có thể thấy sự tiếp thu của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội còn ở mức độ rất hạn chế: lập luận loanh quanh đối với sai lầm đầu và bỏ qua không nhắc đến sai lầm thứ hai, cho dù hậu quả do cả hai sai lầm đều ở mức rất nghiêm trọng.

Tuy vậy, ngay tại mục 2 của công văn trên (Phần căn cứ khoa học và xu hướng quốc tế) có thể nhận thấy, nhận biết về ISCED-2011 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoàn toàn thiếu chính xác. Ở phần này, văn bản giải thích “bậc cao đẳng của Việt Nam hiện nay có chương trình thuộc giáo dục sau trung học nhưng không phải giáo dục đại học” và gán cho đây là cấp độ 5. Tuy nhiên theo ISCED-2011 thì các chương trình thuộc “giáo dục sau trung học nhưng không phải là giáo dục đại học” chỉ thuộc cấp độ 4 còn các chương trình cấp độ 5 (cao đẳng), cấp độ 6 (cử nhân), cấp độ 7 (thạc sỹ) và cấp độ 8 (tiến sỹ) mới thuộc giáo dục đại học (tertrary education). Có lẽ xuất phát từ quan niệm sai như trên khi nghiên cứu ISCED-2011 nên đội ngũ tham mưu của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã trình lãnh đạo Bộ ký ban hành một loạt văn bản không chính xác khi chỉ đạo triển khai hệ cao đẳng, mặc nhiên đã đưa hệ này xuống dưới “chuẩn quốc tế” một cấp độ.

Thứ ba, như trong công văn 1377/LĐTBXH-TCGDNN đã viết “ISCED-2011 là công cụ được (UNESCO) thiết kế để phân loại, so sánh các chương trình giáo dục/ đào tạo khác nhau, giúp đối chiếu, so sánh các chương trình giáo dục, các loại văn bằng và trình độ”. Bảng phân loại này có ưu việt là cho phép vận dụng linh hoạt để xác định trình độ học vấn của chương trình mà không lệ thuộc vào các đặc điểm về nghề nghiệp.

Căn cứ vào các cấp độ ở bảng này mà hệ thống giáo dục của nhiều quốc gia đã sắp xếp chúng lại thành các bậc học: Giáo dục mầm non, Giáo dục tiểu học, Giáo dục trung học, Giáo dục đại học. Trong một số trường hợp hệ thống giáo dục đào tạo còn có thể được cấu trúc theo từng phân hệ giáo dục, thí dụ như: Giáo dục phổ thông, Giáo dục nghề, Giáo dục thường xuyên, …

Trong trường hợp thứ hai cần lưu ý phân hệ giáo dục chỉ là một lĩnh vực giáo dục, không nhất thiết phải là một bậc học. Do đó các chương trình của cùng một phân hệ giáo dục vẫn có thể thuộc nhiều trình độ, bậc học khác nhau. Rõ ràng nhầm lẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội khi đồng nhất khái niệm lĩnh vực đào tạo với khái niệm bậc học (chỉ gắn với trình dộ học vấn) là không thể chấp nhận được.

Với tinh thần “xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” như chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết XIII, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam trân trọng gửi tiếp tới Bộ Nội vụ một số ý kiên xung quanh kiến nghị của chúng tôi về việc giao lại Bộ Giáo dục và Đào tạo vai trò quản lý nhà nước đối với tất cả các cơ sở đào tạo trình độ cao đẳng.

Trước đó, ngày 17/3, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có văn bản gửi Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thường trực Chính phủ về việc chuyển vai trò quản lý nhà nước hệ đào tạo cao đẳng từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Qua tìm hiểu của phóng viên, nguyên văn công văn của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội gửi Bộ Nội vụ như sau:

Thùy Linh