Còn dạy thêm học sinh chính khóa thì khó có “dạy thật, học thật, thi thật"

19/05/2021 06:32
NHẬT KHOA
GDVN- Những danh hiệu học sinh giỏi, xuất sắc tiêu biểu do đi học thêm chỉ là những kết quả không phản ánh thực chất năng lực của học sinh.

Ngày 6/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, các đề xuất, kiến nghị của ngành.

Thủ tướng nêu rõ, Giáo dục và Đào tạo là lĩnh vực liên quan tới toàn dân, mọi gia đình, luôn nhận được sự quan tâm, theo dõi của cả nước. Nhấn mạnh yêu cầu "học thật, thi thật, nhân tài thật" là một nhiệm vụ trọng tâm, cần phải làm ngay của Thủ tướng là một chỉ đạo vô cùng đúng đắn của Thủ tướng Chính phủ.

Từ khi có chỉ đạo của Thủ tướng đã tạo tinh thần lan tỏa trong giáo dục, cả ngành giáo dục, nhân dân cả nước bàn về chủ đề “học thật, thi thật, nhân tài thật” một cách vô cùng có trách nhiệm và thể hiện sự tin tưởng vào sự lãnh đạo của người đứng đầu Chính phủ, sự đồng hành của người dân, việc “học thật, thi thật, nhân tài thật” sẽ từng bước được thực hiện một cách vững chắc.

Trên các báo, các diễn đàn,… chủ đề trên cũng được bàn đến rất nhiều, nhiều giải pháp hay, tốt cũng được đưa ra để góp phần hy vọng đạt kết quả về giáo dục khả quan trong thời gian tới.

Tiếp tục bàn về chủ đề trên, người viết cho rằng một trong những giải pháp cấp bách, cần thiết mà ngành giáo dục cần phải quyết tâm và thực hiện ngay và luôn chính là việc cấm dạy thêm học sinh chính khóa, nếu còn dạy thêm học sinh đang học chính khóa thì sẽ không bao giờ có “học thật, thi thật, nhân tài thật” như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Không nên để giáo viên dạy thêm những học sinh chính khóa. (Ảnh minh họa: Giaoducthoidai.vn)

Không nên để giáo viên dạy thêm những học sinh chính khóa. (Ảnh minh họa: Giaoducthoidai.vn)

Dạy thêm học sinh chính khóa sẽ không có “dạy thật”

Thực tế tại các cơ sở giáo dục, hiện nay giáo viên dạy thêm học sinh chính khóa sẽ hầu như không “dạy thật”.

Vì được dạy thêm học sinh đang dạy chính khóa, nên muốn học sinh học đông, học nhiều thu tiền nhiều thì giáo viên dùng nhiều “chiêu bài” để lôi kéo, dụ dỗ học sinh học thêm càng nhiều càng tốt.

Các biện pháp mà giáo viên thường sử dụng là vô cùng nghiêm khắc (chỉ đối với các em không học thêm) ví dụ như: cho bài kiểm tra thật khó (các em học thêm thì đã được học), cho điểm thật thấp (đối với các em học thêm thì điểm rất cao), hù dọa cho ở lại lớp,…

Giáo viên còn dùng chiêu trò “giấu bài”, dạy trên lớp 60 - 70%, còn lại để dành dạy thêm bên ngoài, để các em đến học thêm càng nhiều.

Như vậy, giáo viên trên chỉ thương học sinh học thêm, nói đúng hơn là thương tiền, học sinh không học thêm sẽ không được đối xử công bằng.

Nếu giáo viên dạy hết mình trên lớp, yêu thương học sinh thật lòng, học sinh học yếu được giáo viên hướng dẫn thêm tận tình, ôn tập thêm miễn phí,… thì sẽ không có học sinh nào học thêm, đóng tiền học thêm.

Bên cạnh đó, giáo viên dạy thêm thì đương nhiên tốn thời gian, không có thời gian nghiên cứu bài, phương pháp giảng dạy,… nên đương nhiên sẽ dạy không thật.

Do đó, không có việc giáo viên dạy thêm học sinh chính khóa mà dạy thật, dạy học sinh bằng cả tình thương.

Dạy thêm học sinh chính khóa, học sinh không “học thật”

Giáo viên dạy thêm học sinh chính khóa không dạy thật, giấu bài, thủ đoạn,... thì đương nhiên học sinh sẽ không học thật.

Mà học thật kiểu nào khi giáo viên không dạy thật, khi đó:

Học sinh học thêm thì được học trước bài, được quan tâm, được điểm cao, được giáo viên chú ý nhiều hơn, được gạ bài, mớm bài,… nên bài kiểm tra, điểm kiểm tra có kết quả không “thật”, học sinh đó ỷ lại, mất dần sự tự tin, ý chí, tính trung thực,... nên kết quả đó là “ảo”.

Học sinh học thêm thầy cô chính khóa có nhiều em phải lựa chọn một môn phải học hai thầy, một thầy bên ngoài để lấy kiến thức, một thầy dạy chính khóa để lấy điểm, để được quan tâm để không bị o ép.

Học sinh học thêm đã không học thật thì học sinh không học thêm giáo viên chính khóa thì đương nhiên sẽ không có cơ hội được “học thật”, vì giáo viên không dạy thật thì đương nhiên học sinh không được học thật.

Điều đó dẫn đến cả học sinh học thêm và cả học sinh không học thêm đều không được “học thật”, chất lượng học đương nhiên sẽ sụt giảm.

Dạy thêm chính khóa, sẽ không có “thi thật”

Từ những lý do trên, hiện nay kết quả thi của các em học thêm đa số là kết quả không thật.

Đa số, hiện nay việc ra đề kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ đều do các trường tự làm, giáo viên dạy chính khóa ra đề, các em học thêm đương nhiên sẽ gần như biết được cấu trúc đề, các dạng tương tự đề,… nên các em sẽ được điểm số khá cao, chất lượng này là ảo, không thể hiện quá trình thi thật.

Do đó, các em học thêm có điểm số rất cao nhưng khi va chạm các kỳ thi chung như kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông Quốc gia hay kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 thì điểm thi rất thấp.

Tình trạng học sinh điểm trung bình trên 8,0 nhưng thi 1 hay 0,5 điểm không phải là hiếm hiện nay.

Thậm chí có cả trường hợp giáo viên vì sợ học sinh học thêm làm bài kiểm tra điểm thấp, các giáo viên còn cả trường hợp “sửa bài, sửa điểm” để các em học thêm được điểm cao, các em không học thêm theo đó phải đi học thêm.

Cuối cùng, có dạy thêm chính khóa cũng không có “nhân tài thật”

Những danh hiệu học sinh giỏi, xuất sắc tiêu biểu do đi học thêm chỉ là những kết quả không phản ánh thực chất năng lực của học sinh.

Do đó, những học sinh giỏi đó không thể gọi là nhân tài thật được.

Đa số, các em đạt những danh hiệu thủ khoa các kỳ thi, những em giỏi thật sự,... đều là do tự học, tự rèn luyện,... đó mới chính là nhân tài thật.

Hiện nay, danh hiệu học sinh giỏi thì rất nhiều (có lớp 100% học sinh giỏi) tuy nhiên nếu gọi là lực lượng nhân tài trong tương lai thì con số vô cùng nhỏ giọt, thậm chí là hiếm.

Việc cho ra kết quả giỏi quá nhiều, chính là việc làm cho các em ỷ lại vào sức học của mình mà không cố gắng, không rèn luyện, phấn đấu,... dẫn đến các em ngày càng sa sút hơn, học yếu hơn.

Hãy giáo dục để các em tự học, tự cố gắng, rèn luyện bằng chính sức của mình đó chính là cách tốt nhất để “học thật, thi thật, nhân tài thật”.

Thay lời kết

Hậu quả của dạy thêm học sinh chính khóa là quá lớn.

Hiện nay, nó mang lại rất ít giá trị tích cực đến sự phát triển của học sinh nhưng lại mang đến hậu quả vô cùng lớn, gây bất công, bức xúc cho người học và nhân dân cả nước.

Đã có rất nhiều bài viết, nhiều chuyên gia, giáo viên đề nghị cấm dạy thêm chính khóa để dần dần lấy lại giá trị người thầy, vị thế người thầy để dần tiến đến “học thật, thi thật, nhân tài thật” như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Do đó, rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có nghiên cứu cụ thể và nên cấm dạy thêm học sinh chính khóa trong các văn bản quy định về dạy thêm trong thời gian tới để tiến đến “học thật, thi thật, nhân tài thật” như chỉ đạo đúng đắn của Thủ tướng Chính phủ.

NHẬT KHOA