Vụ Giáo dục trung học hướng dẫn bằng văn bản không số, không chữ ký con dấu?

21/05/2021 06:44
Trần Phương
GDVN- Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được thắc mắc của giáo viên về văn bản có tên “Thư công tác” được cho là của Vụ Trung học – Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ngày 1/4 Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có bài viết phản ánh, sau mỗi kỳ học, các giáo viên trung học cơ sở ở Hải Phòng phải tập trung cao độ để viết từ hàng trăm đến hàng nghìn tờ phiếu nhận xét, đánh giá cá nhân học sinh. [1]

Trả lời phỏng vấn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng ông Đỗ Văn Lợi cho biết, việc phiếu nhận xét, đánh giá cá nhân học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã triển khai thực hiện theo Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo. [2]

Trước phản ánh của truyền thông về bất cập nêu trên, ngày 15/5 Báo Tuổi trẻ đưa tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản phủ nhận việc yêu cầu giáo viên viết phiếu nhận xét trong sổ theo dõi, học bạ cho học sinh với các môn học đánh giá bằng nhận xét như dư luận bức xúc [3].

Giáo viên rất phấn khởi trước chỉ đạo này, tuy nhiên đến ngày 17/5 vẫn chưa thấy sở giáo dục triển khai, có thầy giáo đã lên mạng tìm kiếm văn bản trên nhưng không thấy.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy giáo đề nghị không nêu tên cho biết, thầy đã tìm khắp website của Bộ, sở và phòng giáo dục tại địa phương thầy công tác cũng như công cụ tìm kiếm Google, thì không tìm được văn bản chính thức nào của Bộ như báo chí nêu, ngoài một văn bản không số hiệu, không chữ ký và con dấu [4] [5].

Văn bản được cho là của Vụ Giáo dục Trung học. Ảnh chụp lại màn hình

Văn bản được cho là của Vụ Giáo dục Trung học. Ảnh chụp lại màn hình

Thầy giáo này nhờ Tòa soạn tìm giúp công văn mà báo chí nêu [3], Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã chuyển câu hỏi đến Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, tuy nhiên chưa nhận được câu trả lời.

Văn bản có tên “Thư công tác” được cho là của Vụ Giáo dục Trung học [4] [5] đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các cơ sở giáo dục và giáo viên nghiên cứu kĩ và thực hiện đúng quy định tại khoản 9 Điều 1 Thông tư 26 (sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 Điều 19 - quy định trách nhiệm của giáo viên bộ môn).

Điều đáng nói, thời gian ban hành của văn bản được cho là của Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ngày 14/5/2021, tuy nhiên đó không phải là công văn, chỉ thị hay hướng dẫn chính thống như vẫn thường thấy, mà là một "Thư công tác" không số hiệu, không dấu, không chữ ký.

Thầy giáo này rất băn khoăn, với một văn bản như vậy, nó có giá trị pháp lý hướng dẫn cho các sở giáo dục triển khai hay không? Nếu không có chữ ký và đóng dấu thì ai sẽ chịu trách nhiệm, các giáo viên sẽ triển khai như thế nào?

Luật sư Đặng Văn Cường phân tích dưới góc độ pháp lý.

Luật sư Đặng Văn Cường phân tích dưới góc độ pháp lý.

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng:

“Trong các loại văn bản hành chính cá biệt thì không có loại nào có tên là “thư công tác”.

Bởi vậy “Thư công tác” có ghi đơn vị soạn thảo là “Vụ Giáo dục Trung học” ở trên là một hình thức đặc biệt, do ai đó sáng tạo ra”.

Luật sư Đặng Văn Cường nêu cụ thể: “Từ lâu, việc quy định về thể thức và cách trình bày văn bản hành chính đúng chuẩn được thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư 01/2011/TT-BNV.

Từ ngày 05/3/2020, khi Nghị định 30/2020/NĐ-CP có hiệu lực đã thay đổi nhiều điểm trong thể thức và cách trình bày văn bản.

Kết quả tìm kiếm trên Google với từ khóa "thư công tác" "thông tư 26" moet.gov.vn.

Kết quả tìm kiếm trên Google với từ khóa "thư công tác" "thông tư 26" moet.gov.vn.

Theo đó, tại điều 7 của nghị định này quy định:

Văn bản hành chính gồm các loại văn bản sau: Nghị quyết (cá biệt), quyết định (cá biệt), chỉ thị, quy chế, quy định, thông cáo, thông báo, hướng dẫn, chương trình, kế hoạch, phương án, đề án, dự án, báo cáo, biên bản, tờ trình, hợp đồng, công văn, công điện, bản ghi nhớ, bản thỏa thuận, giấy ủy quyền, giấy mời, giấy giới thiệu, giấy nghỉ phép, phiếu gửi, phiếu chuyển, phiếu báo, thư công

Như vậy, nếu văn bản là để chuyển tin từ cơ quan chủ quản đến các đơn vị trực thuộc thì có thể sử dụng các thể thức như: thông báo, công văn, công điện, thư công...

Không có văn bản nào có tên là "Thư công tác"

Bên cạnh đó, thức văn bản hành chính cũng đã được nêu cụ thể trong nghị định 30/2020/NĐ-CP.

Cụ thể, tại điều 8 của nghị định30/2020/NĐ-CP có nêu:

1. Thể thức văn bản là tập hợp các thành phần cấu thành văn bản, bao gồm những thành phần chính áp dụng đối với tất cả các loại văn bản và các thành phần bổ sung trong những trường hợp cụ thể hoặc đối với một số loại văn bản nhất định.

2. Thể thức văn bản hành chính bao gồm các thành phần chính

a) Quốc hiệu và Tiêu ngữ.

b) Tên cơ quan, tổ chức ban hành văn bản.

c) Số, ký hiệu của văn bản.

d) Địa danh và thời gian ban hành văn bản.

đ) Tên loại và trích yếu nội dung văn bản.

e) Nội dung văn bản.

g) Chức vụ, họ tên và chữ ký của người có thẩm quyền.

h) Dấu, chữ ký số của cơ quan, tổ chức.

i) Nơi nhận.

Bởi vậy, nếu cơ quan tổ chức nào ban hành văn bản khác với các loại văn bản hành chính cá biệt, có tên gọi, thể thức khác thường thì cần xem xét lại về thể thức văn bản cũng như về hình thức văn bản để ban hành văn bản cho đúng.

Còn đối với các văn bản hành chính cá biệt thì bắt buộc phải đóng dấu pháp nhân mới có giá trị, mới là ý chí của pháp nhân.

Còn nếu ở dạng thư thì chỉ là văn bản cá nhân giữa các cá nhân với nhau hoặc giữa cá nhân với tổ chức thì không cần phải đóng dấu nhưng hình thức viết thư thì phải theo những thể thức của Thư mà học sinh cấp một, cấp hai cũng đã từng được tiếp cận”, luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm.

Về việc có công khai hay không công khai văn bản "Thư công tác" này hay không, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết văn bản này không đúng với nghị định 30/2020/NĐ-CP và cũng không có quy định phải công khai hay không công khai.

Tuy nhiên, theo Điều 17 theo Luật tiếp cận thông tin năm 2016 có quy định những thông tin phải được công khai trong đó khoản điểm a, khoản 1 quy định: Văn bản quy phạm pháp luật; văn bản hành chính có giá trị áp dụng chung; điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là một bên; thủ tục hành chính, quy trình giải quyết công việc của cơ quan nhà nước.

Đồng thời tại khoản 2 của điều 17 cũng quy định: Ngoài thông tin quy định tại khoản 1 Điều này, căn cứ vào điều kiện thực tế, cơ quan nhà nước chủ động công khai thông tin khác do mình tạo ra hoặc nắm giữ.

Như vậy dù không có quy định cụ thể về việc phải công khai văn bản có tên "Thư công tác" nhưng ngành giáo dục nên chủ động công khai để các Sở, các phòng, các thầy cô giáo chủ động tiếp cận thông tin.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/hai-phong-dang-nong-chuyen-phieu-nhan-xet-danh-gia-hoc-sinh-cap-2-post216714.gd

[2]https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/so-giao-duc-hai-phong-ly-giai-ve-phieu-nhan-xet-danh-gia-hoc-sinh-cap-2-post216760.gd

[3]https://tuoitre.vn/khong-yeu-cau-viet-danh-gia-hoc-sinh-vao-so-theo-doi-hoc-ba-20210515191103373.htm

[4]https://thpt-tayninh.violet.vn/entry/ve-viec-trien-khai-danh-gia-bang-nhan-xet-theo-thong-tu-26-tt-bgddt-13061249.html

[5]http://thpthiepthanh.sgddtbaclieu.edu.vn/thong-bao/thu-cong-tac-cua-vu-giao-duc-ve-trien-khai-thong-tu-26..html

Trần Phương