Thi trực tuyến giúp hình thành một “thế hệ tự giác”

20/05/2021 06:43
Tùng Dương
GDVN- Các nhà trường, học sinh, cha mẹ các em có sự chuẩn bị tốt những điều kiện liên quan, công tâm, nghiêm túc thì hoàn toàn có thể thực hiện việc thi trực tuyến.

“Đây là tình huống bất khả kháng trước diễn biến của dịch Covid- 19, tất cả các tổ chức, xã hội cùng chung tay phòng chống. Ở tuyến đầu có nhiều lực lượng rất vất vả, đặc biệt là đội ngũ y bác sĩ. Nhưng phía sau và cụ thể là các nhà trường với vai trò giáo dục con em của những người tuyến đầu đó, nên chúng tôi xác định phải hoàn thành tốt công việc nhưng phù hợp với thực tế.

Thực hiện theo Công văn 1665 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về các công tác cuối năm học, trong đó có nêu: Các nhà trường đủ điều kiện kiểm tra trực tuyến theo Thông tư 09 Bộ Giáo dục và Đào tạo, thì có thể tiến hành kiểm tra trực tuyến với các khối lớp chưa hoàn thành kiểm tra cuối kỳ”, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà giáo Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội, cho biết.

Nhà giáo Nguyễn Cao Cường: "Theo tôi hình thức thi trực tuyến là xu hướng chung của thế giới, năm vừa qua học sinh trường chúng tôi tham gia rất nhiều kỳ thi Olympic Toán quốc tế theo hình thức trực tuyến, và ban giám khảo đều có cơ chế giám sát chặt chẽ". Ảnh: Tùng Dương.

Nhà giáo Nguyễn Cao Cường: "Theo tôi hình thức thi trực tuyến là xu hướng chung của thế giới, năm vừa qua học sinh trường chúng tôi tham gia rất nhiều kỳ thi Olympic Toán quốc tế theo hình thức trực tuyến, và ban giám khảo đều có cơ chế giám sát chặt chẽ". Ảnh: Tùng Dương.

Theo thầy Cường: “Chúng tôi đã có những kế hoạch rất rõ, luôn chuẩn bị sẵn sàng mọi tình huống để có thể vào cuộc ngay, nhà trường đã thiết lập một hệ thống riêng để phục việc kiểm tra thường xuyên cũng như dạy và học trực tuyến.

Mô-đun này nhà trường thực hiện theo lộ trình rõ ràng, từng bước và có đánh giá rút kinh nghiệm. Đối với lớp 9 sau một thời gian dạy và học trực tuyến thì các em đã có dấu hiệu nản bởi thời gian học quá lâu, học sinh không được giao tiếp với thầy cô, bạn bè.

Nhà trường đã lập một kế hoạch trước khi các con thi vào lớp 10 vẫn sẽ diễn ra hai đợt thi trực tuyến, cụ thể đợt đầu tiên vào 20 - 21/5, đợt thứ hai ngày 3 đến ngày 4/6.

Đợt thi trực tuyến này với mục đích kép, vận hành hệ thống riêng của trường trong một kỳ thi có cả bài tự luận và bài thi trắc nghiệm, trên cơ sở đó sẽ có đánh giá tổng kết. Khi hệ thống của nhà trường vận hành tốt sẽ đảm bảo được đủ điều kiện thực hiện kiểm tra định kỳ theo chỉ đạo của Thông tư 09.

Với đội ngũ các thầy cô vừa phụ trách chuyên môn, kèm theo đội ngũ kỹ thuật của nhà trường đã họp, bàn luận rất kỹ để xây dựng một hệ thống công nghệ thông tin, dạng thức đề thi…kỳ thi trực tuyến này với hai môn Ngữ văn, Toán sẽ thi tự luận, học sinh vào phòng thi được thiết lập theo đúng số báo danh, làm bài thi trên hệ thống trực tuyến của trường để đảm bảo tính giám sát, thầy cô nhìn thấy toàn bộ quá trình làm bài của học sinh qua một thiết bị thứ 2, có thể là qua camera điện thoại của học sinh…chính vì vậy rất cần sự đồng hành của phụ huynh cùng với nhà trường trong việc chuẩn bị thiết bị”.

Thầy Cường nói: “Ở Mỹ thì hơn 1 năm vừa qua hầu hết học sinh vẫn tiến hành thi trực tuyến, sau một thời gian thực hiện họ đã xây dựng được một lớp người tự giác. Không ai có thể khẳng định được đến bao giờ sẽ hết dịch bệnh. Bố mẹ các em cũng không thể hỗ trợ cả đời nên học sinh phải tự đứng trên đôi chân của mình.

Theo tôi hình thức thi trực tuyến là xu hướng chung của thế giới, năm vừa qua học sinh trường chúng tôi tham gia rất nhiều kỳ thi Olympic Toán quốc tế theo hình thức trực tuyến, và ban giám khảo đều có cơ chế giám sát chặt chẽ.

Qua thực tế tại các kỳ thi quốc tế, nhà trường đã áp dụng vào việc thi trực tuyến sắp tới và với bài thi tự luận đều phải có 2 camera như vậy. Với bài thi trắc nghiệm, nhà trường đưa đề lên hệ thống, trộn đề thi để đảm bảo mỗi em một mã đề riêng, không trùng lặp và vẫn có một camera giám sát thí sinh làm bài để loại bỏ việc tra cứu hoặc có sự “trợ giúp” từ người khác.

Bên cạnh đó cách ra đề thi cũng rất quan trọng, đặc biệt là những câu hỏi tự luận trong phần thi trắc nghiệm sẽ là những câu rất khó tra cứu, việc này cũng hạn chế thí sinh tìm kiếm trợ giúp từ mạng xã hội.

Đương nhiên học sinh có thể tìm kiếm được các học liệu liên quan đến vấn đề đó, nhưng dạng thức để thực hiện thì hoàn toàn không có sẵn đáp án, như vậy sẽ hạn chế được rất nhiều tiêu cực trong khi làm bài thi.

Nhưng theo tôi điều quan trọng bậc nhất là tính tuyên truyền và giáo dục của thầy cô chủ nhiệm, cha mẹ học sinh, hướng cho các em thấy việc học, thi trực tuyến là một xu thế tất yếu của tương lai.

Học sinh cần phải học tập cũng như thực hiện bài thi trực tuyến theo cách thức tự giác cao, hôm nay là bài thi trực tuyến và sau này khi ra đời các con sẽ còn làm những bài tuyển dụng trực tuyến”.

Ban giám hiệu và các em học sinh Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội tại lễ vinh danh học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Ban giám hiệu và các em học sinh Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội tại lễ vinh danh học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Tiến tới thi trực tuyến với các khối lớp còn lại

Theo thầy Cường: “Mấy ngày vừa qua, nhà trường đã tiến hành họp trực tuyến với học sinh cũng như cha mẹ các em, mục đích hướng dẫn mọi việc sẵn sàng cho kỳ thi trực tuyến sắp tới đối với lớp 9.

Qua đợt thi chúng tôi sẽ đánh giá lại hệ thống, cùng với phản hồi của cha mẹ học sinh với ưu và nhược điểm, những tồn tại cần “sửa chữa” để hoàn thiện hệ thống của nhà trường.

Đối với các lớp 6 - 7 - 8, nhà trường sẽ thực hiện khảo sát qua nhiều kênh, khảo sát độ sẵn sàng của các thầy cô, khảo sát toàn trường về mức độ đáp ứng thiết bị cũng như quan điểm, phản biện của cha mẹ học sinh…về tính công bằng khi thi trực tuyến.

Với dạng thức trắc nghiệm, đôi khi học sinh không được luyện đủ thời gian thì chưa chắc các em đã có thể chuyển ngay một cách dễ dàng từ việc làm bài tự luận sang thi trắc nghiệm.

Dạng thức đề thi khác nhau thì cách thức luyện cũng sẽ khác nhau, thời gian luyện cũng như bộ đề mẫu phải đủ lớn để học sinh quen với điều đó. Mức độ ra đề cũng chỉ ở mức nhận biết thông hiểu, mức vận dụng và vận dụng cao có thể sẽ rất hạn chế để đảm bảo học sinh chấp nhận rằng đây là “lịch sử” của mùa dịch. Việc này đảm bảo vừa kiểm tra đánh giá theo chuẩn kiến thức kỹ năng, đồng thời đảm bảo cha mẹ các em cũng không bị áp lực.

Một bộ phận cha mẹ học sinh chưa thạo về kỹ năng công nghệ thông tin cũng là một hạn chế không hề nhỏ. Bài trắc nghiệm khi làm trên máy sẽ có điểm ngay, quá đơn giản, hệ thống sắp đặt rất dễ.

Nhưng với bài thi tự luận thì bắt buộc học sinh sau khi làm bài phải chụp lại gửi lên hệ thống, hệ thống tự động đóng gói thành file, nhà trường in bài tự luận đó ra hoặc gửi thẳng cho giáo viên để chấm điểm, hoặc có thể chấm trực tiếp trên máy. Đây là một kỹ năng mà giáo viên cũng cần phải học, chấm bài tự luận trên file PDF.

Trên hệ thống của chúng tôi xây dựng có lưu vết, truy vết tất cả từ việc học sinh vào phòng, làm bài, nộp bài, thầy cô chấm điểm…

Ngoài ra chúng tôi vẫn có nhiều phương án để khắc phục những phát sinh chưa có tiền lệ, ví dụ đến giờ thi nhưng học sinh không “vào” phòng thi được, đang thi lại mất kết nối do lỗi mạng, nhà học sinh bị mất điện, học sinh không nộp được bài thi…với tất cả những phát sinh như vậy chúng tôi đã sắp xếp buổi thi dự phòng, bổ sung để đảm bảo tối ưu nhất tạo điều kiện cho tất cả các em học sinh đều công bằng”.

Thầy Cường chia sẻ thêm: “Một điều mà chúng tôi khá băn khoăn, nếu như có được một hướng dẫn chi tiết hơn nữa về việc thực hiện một số điều trong Thông tư 09 thì quá tốt cho các trường.

Ví dụ cụm từ: “Nếu cơ sở giáo dục đủ điều kiện…” thì từ đủ điều kiện nó bao hàm gồm những điều gì? Có thể về mặt hệ thống, về mặt nhận thức thi hoặc điều kiện về thiết bị, có thể là các bước thực hiện…? Nếu có hướng dẫn cụ thể sẽ thuận lợi hơn khi thực hiện.

Nhiều cơ sở giáo dục ở các vùng kinh tế khác nhau nên đôi khi cần hướng dẫn ở mức độ tối thiểu để các trường đó tiến hành thực hiện, đôi khi chúng ta cứ nói chung chung sẽ rất khó cho nhà trường.

Thầy Cường cho biết: "Trên hệ thống của chúng tôi xây dựng có lưu vết, truy vết tất cả từ việc học sinh vào phòng, làm bài, nộp bài, thầy cô chấm điểm…". Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Thầy Cường cho biết: "Trên hệ thống của chúng tôi xây dựng có lưu vết, truy vết tất cả từ việc học sinh vào phòng, làm bài, nộp bài, thầy cô chấm điểm…". Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Thầy Cường nhấn mạnh: “Theo tôi nếu các nhà trường, học sinh và cha mẹ các em có sự chuẩn bị tốt, kỹ lưỡng các điều kiện liên quan, thực hiện nghiêm túc, công tâm thì hoàn toàn có thể thực hiện việc thi trực tuyến.

Rất nhiều nước trên thế giới họ đưa ra những đề mở cho học sinh thoải mái tìm hiểu thông tin trong khi làm bài, họ chấm điểm và đánh giá cao ý tưởng trong những bài thi như vậy chứ không phải là chấm điểm bài chép theo mẫu trong sách giáo khoa.

Hiện nay theo Thông tư 26 về xếp loại đánh giá học sinh, có rất rõ dạng thức đề là dự án học tập, đâu phải mỗi bài kiểm tra. Thầy cô có thể giao cho học sinh dự án học tập, nghiên cứu về vấn đề này, công bố tiêu chí dự án…đến ngày đó học sinh tự động nộp bài thi, trình bày dự án qua mạng.

Việc đánh giá một bài thi cuối kỳ không phải là đủ để đánh giá toàn bộ con người một học sinh, việc đánh giá được đồng bộ trong cả một quá trình dài. Nếu học sinh trong thời điểm đó chẳng may gặp phải “trở ngại” cũng sẽ không ảnh hưởng gì đến kết quả học tập của cả quá trình, đâu phải đánh giá bởi mỗi bài thi đó. Nếu cha mẹ học sinh chỉ nghĩ bài thi đó quyết định toàn bộ quá trình học tập của con mình, suy nghĩ đó sai hoàn toàn”.

Tùng Dương