(GDVN) - Vừa qua, tại Hà Nội, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam phối hợp với trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tổ chức hội thảo với chủ đề “mô hình trường đại học tư thục Việt Nam” trên.
{iarelatednews articleid='2096'}
Tới dự có bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa GD TNTNNĐ của Quốc hội; TS. Nguyễn Hữu Trí, Vụ trưởng, TS. Hoàng Nam Nhất, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục-Đào tạo và Dạy nghề Ban Tuyên giáo TW; TS. Phan Mạnh Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cùng các chuyên viên Bộ GD&ĐT; TS. Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa GD TNTNNĐ của Quốc hội; Các đại biểu là Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng quản trị của nhiều trường đại học trong nước và Quốc tế.
GS. Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội nêu rõ mục đích của hội thảo này là làm rõ một số mô hình trường đại học dân lập, tư thục đã và đang hoạt động ở Việt Nam gần 20 năm qua, với những ưu khuyết điểm của nó. Khẳng định sứ mệnh của loại hình trường này trong nền giáo dục Việt Nam là gánh bớt gánh nặng GDĐT cho Nhà nước, đưa ra mô hình quản lý vận hành năng động hiệu quả trên cơ sở huy động các nguồn lực xã hội để phát triển GDĐT.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề cơ chế, chính sách, văn bản, luật định chưa phù hợp, thậm chí có văn bản gây khó khăn, cản trở các trường phát triển...cần phải tháo gỡ. Các mô hình ĐH tư ở nước ngoài với những bài học kinh nghiệm thực tế phong phú cũng được giới thiệu tại hội thảo, ngoài ra còn có một số báo cáo mang chất nghiên cứu về mô hình trường ĐH tư ở để có thêm cái nhìn rộng hơn, góp phần tìm ra những gì hữu ích có thể vận dụng cho ĐH tư của ta.
Ts Văn Đình Ưng |
Đa số ý kiến cho rằng, trường ĐH tư thục không thể hoạt động vận hành như doanh nghiệp(Quy chế 61 lại hướng nhà trường vận hành theo doanh nghiệp). Mô hình trường “phi lợi nhuận” như trường Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, do GS. Trần Phương- Hiệu trưởng nhà trường trình bày được coi là mô hình phù hợp, hoạt động 15 năm qua có hiệu quả, trong đó các thành viên góp vốn vẫn được hưởng lợi (từ 1 – 1,5 lần lãi xuất gửi tiết kiệm), phần tăng thêm do tích lũy, do biếu tặng được đầu tư phát triển nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu của trường, đây là tài sản chung của nhà trường.
Các tham luận của đại biểu quốc tế đến từ Đài Loan, Oxford Anh cũng được hội thảo quan tâm, nhiều đại biểu nêu các câu hỏi trao đổi thêm để làm sáng tổ các vấn đề như: nhà nước có đầu tư cấp một phần kinh phí cho trường ĐH tư thục, cho trường thuê đất đai, miễn thuế, nhận kinh phí nghiên cứu khoa học... theo tiêu chí nào? những vướng mắc và cách tháo gỡ trong quá trình thành lập và vận hành trường ĐH tư ra sao?
GS. Trần Hồng Quân- Chủ tịch Hiệp hội kết luận:
- Giáo dục ngoài công lập Việt Nam, theo đường lối Xã hội hóa của Đảng, Nhà nước ta là rất đúng đắn, nhằm chia sẻ gánh nặng với Nhà nước về đào tạo nhân lực cho CNH, HĐH đất nước (theo mục tiêu đề ra đến năm 2020 số SV đào tạo trong các trường ĐH, CĐ NCL chiếm 40% tổng số SV cả nước, đến nay 2010 mới đạt 14,7 %- con số này còn xa so với mục tiêu).
- Để có thể đạt được mục tiêu đó, trong 10 năm tới chúng ta còn phải phát triển thêm các trường ĐH, CĐ tư thục, quy mô còn phải mở rộng, chất lượng phải tăng lên. Các trường ĐH tư thục phải sớm tìm ra cách đi cho mình, xây dựng cho được mô hình phù hợp, năng động, cơ chế bộ máy vận hành hiệu quả- thì mới thu hút được nhà đầu tư, thu hút đội ngũ cán bộ giảng dạy, thu hút sinh viên vào học...từ đó mỗi trường và toàn hệ thống trường NCL mới phát triển lành mạnh, đáp ứng đòi hỏi của thời cuộc, để làm đối chứng so sánh với các trường công.
Ai sẽ làm chủ đại học tư? |
- Chúng ta đã có 2 văn bản Quy chế trường ĐH dân lập và Quy chế trường ĐH tư thục, các văn bản này hiện đang chứa đựng những nội dung mâu thuẫn, gây khó khăn vướng mắc trong vận hành trường, chưa tạo hành lang pháp lý thuận lợi để các trường hoạt động, chưa thu hút mạnh các nhà đầu tư cho giáo dục đào tạo. Đó là vấn đề sở hữu tài sản, vấn đề tài chính, vấn đề tổ chức bộ máy, vấn đề quyền tự chủ của nhà trường.
- Mới đây lại có thêm văn bản số 08, trong đó có việc giao cho địa phương quản các trường đại học đóng trên địa bàn. Đây lại là văn bản đang gây bàn cãi, các trường nhận thấy văn bản này sẽ gây khó khăn cho việc thành lập và hoạt động của các trường ĐH tư trên địa bản địa phương. Mỗi trường ĐH đều đào tạo các ngành nghề cho đối tượng người học rộng, sinh viên nhiều địa phương có thể đến học. Sở GD&ĐT không nên và không đủ sức quản lý các trường ĐH.
Từ kết quả của Hội thảo, Hiệp hội sẽ có một số kiến nghị với Chính phủ, với Bộ GD&ĐT và với các Bộ, ngành liên quan để tháo gỡ những vướng mắc nêu trên. Tinh thần văn bản sẽ kiến nghị của Hiệp hội là:
1) Mong muốn sớm sửa Quy chế 61, điều chỉnh Thông tư 20 theo hướng không nên đồng nhất trường đại học tư thục với doanh nghiệp;
2) Nhanh chóng có những thông tư, văn bản hướng dẫn để thực hiện Nghị quyết 05, Nghị định 69 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, y tế, văn hóa, TDTT ...bởi vì nếu được thực hiện theo các văn bản này thì rất tốt cho cơ sở GDĐH tư thục (nhất là các khoản về thuế, đất đai, vay vốn ưu đãi cho các cơ sở GDĐT ngoài công lập).
3) Hiệp hội cũng đề nghị các cơ quan soạn thảo Luật GDĐH cần tiếp thu những ý kiến góp ý đầy trách nhiệm và hiểu biết của Hiệp hội, của các cơ quan khác để đưa vào dự thảo Luật GDĐH và sớm trình Quốc hội thông qua, ban hành tạo hành lang pháp lý cho GDĐH nói chung, GDĐH tư thục nói riêng phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn mới.
TS. Văn Đình Ưng, nguyên Phó chánh văn phòng Bộ Giáo dục - Đào tạo, hiện là trưởng ban thông tin tuyên truyền của Hội liên hiệp các trường đại học, cao đẳng NCL