Tiến sĩ người Việt tốt nghiệp với 2 danh hiệu cao quý nhất của giáo dục Nhật Bản

26/05/2021 06:30
Thùy Linh
GDVN- Tiến sĩ Đặng Văn Quân tốt nghiệp tiến sĩ hạng Summa Cum Laude -“xuất sắc tột đỉnh” và nhận “Biểu Chương Trạng” cho luận án xuất sắc, đứng đầu khóa tiến sĩ.

Trở về nước sau khi tốt nghiệp tiến sĩ hạng Summa Cum Laude - “xuất sắc tột đỉnh” với “sự khen ngợi cao nhất” - mức cao nhất của danh dự và khen ngợi theo tiêu chuẩn quốc tế chỉ trao cho trường hợp đạt thành tích cực kỳ nổi bật, ngoại hạng (tốt nghiệp sớm 1 năm nhưng vẫn đạt hạng xuất sắc và đứng đầu toàn khóa) và nhận “Biểu Chương Trạng” cho luận án tiến sĩ xuất sắc, đứng đầu khóa tiến sĩ do hội đồng giáo sư phong tặng, được vinh danh tại Trường Luật Sau Đại học - Đại học Kobe (Nhật Bản) hồi tháng 3/2021, Tiến sĩ Đặng Văn Quân đã dành cho phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam buổi chia sẻ thú vị.

Từng là một Kĩ sư tốt nghiệp từ Trường Đại học Giao thông Vận tải hơn chục năm trước và Cử nhân Kinh tế Quốc tế (Trường Đại học Ngoại thương), sau hơn 9 năm công tác tại một tập đoàn lớn về viễn thông với hơn 6 năm giữ vị trí quản lý, anh Quân đã quyết định quay trở lại môi trường học thuật để học tiếp khóa Thạc sĩ Kinh tế Quốc tế, chuyên ngành Chính sách và Luật thương mại Quốc tế tại Trường Đại học Ngoại thương.

Quá trình công tác tại doanh nghiệp có đặc thù là mạng lưới và bộ máy nhân sự phân bố rộng theo lãnh thổ Việt Nam và các quốc gia, anh thường xuyên cùng các cấp triển khai những kế hoạch/dự án lớn về kỹ thuật cần sự chỉ đạo điều hành qua các chỉ thị, kế hoạch, công văn, cần xây dựng chính sách, quy chế và định kỳ đánh giá thi đua các đơn vị, … đã dần giúp anh nhận ra những tố chất cá nhân phù hợp với lĩnh vực luật. Cùng với việc có thêm cơ hội học khóa thạc sĩ (mà nội dung một phần về luật) càng làm tăng sự hứng thứ với lĩnh vực mới này trong anh.

Vì thế anh đã theo đuổi thêm một khóa thạc sĩ nữa chuyên sâu về Luật Thương mại Quốc tế tại Nhật Bản. Hành trình học tập rất thú vị của anh tại Nhật đã thực sự bắt đầu từ quyết định mạnh dạn này. Khi đó anh đã ở vào tuổi 33, cái tuổi lẽ ra với công việc ổn định, thu nhập khá, học vấn tương đối đảm bảo công tác, thì anh đã quyết định đi du học.

Đây là một điều đặc biệt mà không phải ai cũng ra được quyết định đó khi ở vào độ tuổi có nhiều mối quan tâm khác (như việc lập gia đình, tích lũy tài chính…). Bức chân dung về anh đã dần được phác họa kể từ đây. Và chính quyết định này là bước khởi đầu đưa anh đến đỉnh cao nhất – chinh phục khóa tiến sĩ đạt thành tích đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực luôn yêu cầu nhiều tố chất/kĩ năng và hiểu biết đa dạng như Luật thương mại quốc tế.

Anh Quân tại buổi lễ tốt nghiệp và trao danh hiệu xuất sắc (để an toàn phòng dịch Covid-19 tại Nhật Bản trong đợt bùng phát cuối tháng 3/2021 buổi lễ đã được rút gọn và không được nán lại chụp ảnh trong hội trường) (ảnh: NVCC)

Anh Quân tại buổi lễ tốt nghiệp và trao danh hiệu xuất sắc (để an toàn phòng dịch Covid-19 tại Nhật Bản trong đợt bùng phát cuối tháng 3/2021 buổi lễ đã được rút gọn và không được nán lại chụp ảnh trong hội trường) (ảnh: NVCC)

Trong quá trình đi du học, một việc rất quan trọng là tìm kiếm học bổng. Anh Quân may mắn được nhận học bổng Monbukagakusho Honors của JASSO (Japan Student Services Organization – Tổ chức hỗ trợ sinh viên Nhật Bản) ngay sau khi nhận kết quả tuyển sinh của Đại học Kobe. Sau đó anh cũng giành thêm các học bổng khác cho các bậc học: Kobe University (của Đại học Kobe), Hata Toshiharu (của Đại học Kobe) và Hyogo Prefecture (của tỉnh Hyogo).

Anh chia sẻ, sinh viên có thể tìm quỹ học bổng trước - tìm trường sau (như các quỹ chính phủ, quỹ phát triển nguồn nhân lực…) nhưng cách tìm ngược lại là tìm trường trước - tìm quỹ sau rất phổ biến tại Nhật và có phần đơn giản trong thủ tục cũng như khả năng thành công cao. Sự đa dạng về nguồn học bổng hàng năm từ các tổ chức, doanh nghiệp Nhật và từ chính trường đại học đã hỗ trợ đáng kể cho sinh viên quốc tế.

Tại Đại học Kobe hàng năm có hơn 100 loại học bổng (mỗi loại có chỉ tiêu số lượng và thời gian chi trả khác nhau), sinh viên có thể nộp hồ sơ ngay khi nhận được thông báo trúng tuyển đầu vào và trong từng kỳ học đến khi thành công. Đặc biệt mọi thông tin đều công khai trên website của trường, thuận tiện cho sinh viên tìm hiểu và trường cũng tổ chức một bộ phận chuyên trách xử lý hồ sơ học bổng.

Muốn tốt nghiệp loại giỏi, loại xuất sắc thì luận văn không thể tầm thường!

Với kinh nghiệm học 2 khóa đại học và 1 khóa thạc sĩ tại Việt Nam trước đó, cộng thêm ở độ tuổi có sự trưởng thành nhất định sau thời gian đi làm khá dài, thì khi giành học bổng sang Nhật, anh Quân đã xác định sẽ tận dụng từng ngày để học.

“Cái giá của mỗi ngày được đi học là rất đắt với một người đã đi làm nhiều năm. Thời điểm đó, không còn hứng thú với việc giải trí, vui chơi hay du lịch như ở độ tuổi hai mươi, và đã hạ quyết tâm hoàn thành sớm khóa học nên tôi đưa ra kế hoạch học tập rất rõ về chiến lược”, anh Quân chia sẻ.

Với khóa học thạc sĩ, ngay từ kỳ học đầu tiên anh Quân đã gây ngạc nhiên cho nhân viên của trường với việc trình bản đăng ký môn học chỉ chừa đúng 1 môn cho kỳ 2, có nghĩa là sẽ giải quyết phần lớn các môn ngay ở kỳ đầu tiên. Họ có lẽ đã không chắc về khả năng hoàn thành theo bản đăng ký, và đã hỏi xác nhận lại xem liệu có cần điều chỉnh không (có lẽ cũng do tính cẩn thận của người Nhật trước một việc có vẻ rủi ro).

Anh Quân cho biết ý nghĩa thực sự của việc lên kế hoạch học chỉ để lại 1 môn là để có thể tập trung cho viết luận văn nhưng cũng không bị “mất hút” với trường trong thời gian đó. Nó giúp anh kết hợp được việc học môn cuối cùng với việc duy trì gặp giáo sư hướng dẫn và cập nhật tình hình về trường trong cùng những lần di chuyển để tiết kiệm thời gian. Vậy nên ở kỳ 2 anh làm luận văn không quá nặng nhọc.

Bằng kế hoạch khoa học có chiến lược, cộng thêm niềm đam mê nghiên cứu, anh đã cho ra lò cuốn luận văn xuất sắc tại bậc thạc sĩ. “Muốn tốt nghiệp loại giỏi, loại xuất sắc thì ngoài bảng điểm đẹp, luận văn không thể tầm thường được”, anh Quân nhận định.

Anh Đặng Văn Quân đại diện Đại học Kobe đi thi tranh tụng quốc tế năm 2018 tổ chức tại Edinburgh (Scotland) (ảnh: NVCC)

Anh Đặng Văn Quân đại diện Đại học Kobe đi thi tranh tụng quốc tế năm 2018 tổ chức tại Edinburgh (Scotland) (ảnh: NVCC)

Về ý định học lên tiến sĩ, là một người chủ động trong học tập nên ngay khi bước vào kỳ đầu của khóa thạc sĩ, anh Quân đã đề đạt kế hoạch sớm với giáo sư hướng dẫn là sẽ hoàn thành khóa này trong 1 năm và nguyện vọng được học lên tiến sĩ (ở Nhật Bản, ngay từ khi nhập học đã phân giáo sư hướng dẫn trong toàn khóa).

Ở thời điểm đó, với bậc đào tạo tiến sĩ tại Trường Luật Sau đại học - Đại học Kobe chưa từng tiếp nhận nghiên cứu sinh học bằng tiếng Anh (mặc dù ở chương trình thạc sĩ là giảng dạy bằng tiếng Anh hoàn toàn - vì là khóa thạc sĩ toàn cầu, Global Master Program). Tiêu chuẩn đầu vào với khóa tiến sĩ tại Trường Luật là ứng viên phải thông thạo tiếng Nhật (tối thiểu mức N2).

Trong khi đó, cùng là bậc tiến sĩ luật, cùng trực thuộc Đại học Kobe thì tại Khoa Hợp tác Đào tạo Quốc tế không yêu cầu bắt buộc về tiếng Nhật. Theo thông thường, nếu anh Quân chuyển sang học tại Khoa Hợp tác Đào tạo Quốc tế, sẽ thuận lợi hơn ở đầu vào và cả đầu ra. Nhưng một lần nữa anh lựa chọn khác. Anh kiên trì theo đuổi mục tiêu học luật tại Trường Luật, bởi những giá trị học thuật và môi trường nghiên cứu rất khác biệt. Sự kiên trì này đã khiến giáo sư của anh bắt đầu có ý kiến với nhà trường để thay đổi chính sách tuyển sinh đầu vào khóa tiến sĩ tại Trường Luật.

Kiến nghị thay đổi này cũng khá phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế trong giáo dục, hơn nữa khóa tiến sĩ chủ yếu là hoạt động nghiên cứu. Sau đó, chính thức trường đã tiếp nhận hồ sơ của anh là người đầu tiên tại đây học tiến sĩ bằng tiếng Anh. Có thể nói với sự kiên trì, chủ động, mạnh dạn đề đạt nguyện vọng và ý chí học tập cao, anh Quân đã góp một phần làm thay đổi tiêu chuẩn tuyển sinh đầu vào chương trình tiến sĩ của Trường Luật Sau đại học - Đại học Kobe.

Sau này vì câu chuyện lịch sử này mà trong chính cuốn luận văn tiến sĩ của anh, mặc dù nội dung được viết hoàn toàn bằng tiếng Anh nhưng trang bìa của luận văn gửi hội đồng thẩm định và lưu trữ tại thư viện vẫn phải để ở tiếng Nhật, như một trường hợp hy hữu.

Với kinh nghiệm có được, anh bước vào khóa tiến sĩ với sự chủ động và chắc chắn cao hơn. Điểm đặc biệt là khóa tiến sĩ với yêu cầu cao và khó hơn, nhưng anh chưa từng phải sửa tên đề tài hay chọn lại đề tài khác (tên đề tài được yêu cầu đăng ký ngay từ lúc khai giảng). Đây là một điều ít gặp trong giới nghiên cứu sinh, bởi từng có nhiều học viên thậm chí bỏ ra 4-6 năm mới tốt nghiệp được khóa tiến sĩ vì nhiều lý do trong đó có một phần là thay đổi đề tài nhiều lần.

Theo anh, việc chọn đề tài là quan trọng hàng đầu cần cẩn thận suy nghĩ theo nhiều hướng, nhiều phương án ngay từ lần đăng ký đầu tiên để tránh rơi vào cảnh phải điều chỉnh sau này, vì mỗi lần sửa đổi là coi như đập đi xây lại, mất thời gian tìm hiểu tài liệu, nghiên cứu, hội thảo, báo cáo, viết lách…

“Tôi tự hào là chưa từng làm đơn thay đổi tên đề tài hay đề tài nghiên cứu mà lúc cuối gần nộp luận văn chỉ cần hỏi thêm ý kiến của thầy để dịch sang tiếng Nhật thế nào vì bìa luận văn vẫn phải để bằng tiếng Nhật”, anh Quân nói.

Phiên bản in danh hiệu cao quý của Tiến sĩ Đặng Văn Quân được treo tại một góc nhỏ khiêm tốn trong ngôi nhà cổ nơi anh sinh ra. Anh đã mang lại niềm vui to lớn cho gia đình (ảnh: NVCC)

Phiên bản in danh hiệu cao quý của Tiến sĩ Đặng Văn Quân được treo tại một góc nhỏ khiêm tốn trong ngôi nhà cổ nơi anh sinh ra. Anh đã mang lại niềm vui to lớn cho gia đình (ảnh: NVCC)

Cần nói thêm rằng danh hiệu Summa Cum Laude rất hiếm khi được trao, càng hiếm hơn với bậc tiến sĩ. Việc được phong tặng danh hiệu kép khi tốt nghiệp là sự ghi nhận cao nhất trong học thuật cho một nghiên cứu sinh. Đó là kết quả đáng nể bởi thông thường việc hoàn thành sớm khóa tiến sĩ đã là một việc đáng tự hào. Kết quả này giúp anh bước vào giai đoạn mới, đó là việc anh được trở thành thành viên nghiên cứu của Trường Luật Sau đại học - Đại học Kobe.

Tuy nhiên, ở thời điểm khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cộng thêm cần sự ổn định về cuộc sống cá nhân, anh đã xin hoãn tư cách thành viên để quyết định về nước công tác. Việc ra được quyết định này không dễ, cũng giống như bao nhà khoa học trẻ khi đứng trước lựa chọn về nước hay ở lại thì luôn có những trăn trở nhất định.

Anh chia sẻ hướng đi tiếp theo sẽ ưu tiên theo đuổi con đường học thuật, giảng dạy và nghiên cứu tại trường đại học, kết hợp với một số hoạt động gắn với thực tế nghề luật tại Việt Nam, Đông Nam Á và Châu Á.

Anh Quân cho rằng, nếu chỉ nhìn vào những lợi ích vật chất trước mắt (như việc phân vân trước mức chênh lệch thu nhập nhiều lần giữa các môi trường làm việc khác nhau,…) thì vô hình tầm nhìn của chính mình sẽ bị hạn chế và rất dễ đưa đến những lựa chọn không phù hợp cho con đường dài.

Với kiến thức đa lĩnh vực cũng như sự xuất sắc của Tiến sĩ Đặng Văn Quân mong rằng anh sẽ thành công trên con đường nghiên cứu khoa học và truyền cảm hứng học tập cho giới trẻ Việt Nam.

Thùy Linh