Đánh giá giáo viên đừng đếm học sinh giỏi, dự giờ "biểu diễn"

27/05/2021 06:28
Cao Kim Anh
GDVN- Khi phụ huynh thấy sự thay đổi của con em mình như thế nào về trình độ, văn hóa, đạo đức, chính họ gửi thông điệp đó đến thầy cô giáo, qua đó nhà trường đánh giá.

Người thầy phải sống được bằng chính thu nhập của nghề giáo

Ngày 6/5 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính có buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần được giải quyết, các đề xuất, kiến nghị của ngành trong đó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu “học thật, thi thật, nhân tài thật”.

Giáo dục, đào tạo là vấn đề liên quan đến toàn dân, toàn xã hội bởi sản phầm tạo ra là con người, mà con người quyết định tương lai, vận mệnh của đất nước.

Những năm gần đây, giáo dục đã có những bước tiến trở mình, cống hiến đáng kể tuy nhiên vẫn còn đó những tồn tại, bất cập không nhỏ trong quá trình thực hiện.

Vẫn còn đó những hiện tượng học sinh ngồi nhầm lớp, vụ bằng giả tại Trường Đại học Đông Đô khiến cho nhiều chuyên gia trăn trở.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân với thâm niên hơn 30 năm giảng dạy, nhiều năm làm vai trò quản lý giáo dục (Ảnh quochoi.vn)

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân với thâm niên hơn 30 năm giảng dạy, nhiều năm làm vai trò quản lý giáo dục (Ảnh quochoi.vn)

Trao đổi về vấn đề này với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, với thâm niên hơn 30 năm giảng dạy, nhiều năm làm vai trò quản lý giáo dục, là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng:

“Thủ tướng đặt ra mục tiêu ‘học thật, thi thật, nhân tài thật’ rất đúng trọng tâm, trọng điểm của ngành giáo dục Việt Nam hiện nay.

Những vấn đề về đạo đức xã hội, bạo lực học đường, tội phạm trẻ em hiện nay … tăng lên đáng kể và trở thành những vấn đề nhức nhối của toàn xã hội.

Chúng ta phải nhìn nhận rằng, giáo dục là nguồn gốc của mọi vấn đề bởi đó là nền tảng để giáo dục con người, giáo dục nhân cách. Bác Hồ có nói ‘Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người’, tức là phải quan tâm từ mầm non, tiểu học.

Giáo dục nhân cách con người từ bé mới hình thành nên nhân cách tốt đẹp về sau này. Ví dụ những đức tính cống hiến, không tham của công, không vì lợi ích cá nhân của con người, các lớp nhân sự, cán bộ… tất cả những cái đó đều do đạo đức từ bé. Tất nhiên giáo dục phải được thay đổi đúng hoàn cảnh, lứa tuổi và được nhìn nhận một cách đầy đủ”.

Theo Đại biểu Trần Hoàng Ngân, gốc gác của vấn đề hiện nay trong giáo dục là hình ảnh của người thầy.

Từ xưa tới nay, vị trí của người thầy trong xã hội luôn được xem trọng bậc nhất với truyền thống “tôn sư trọng đạo”, “nghề thầy giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Tuy nhiên, dù ở hoàn cảnh nào, xã hội nào, cái quan trọng nhất là vị trí của người thầy, sự tôn trọng người thầy phải chân thành từ ánh nhìn của học sinh.

“Chúng ta muốn nâng hình ảnh của người thầy lên thì phải nhìn vào sự tâm huyết của họ đối với nghề, mà muốn thầy cô giáo tập trung, dành thời gian hầu hết cho giáo dục thì đời sống của người thầy, thu nhập của người thầy phải ở mức ổn định nhất định.

Nếu thu nhập thấp quá thì thầy cô giáo không thể gắn bó hết tâm huyết của mình vào công việc. Thu nhập không ổn định buộc phát sinh những việc làm khác ngoài giờ dạy học, trong đó có các tiêu cực như dạy thêm, học thêm…

Khi phát sinh ra dạy thêm, học thêm ngay bản thân thầy cô giáo cũng mệt mỏi. Đặc biệt cách nhìn nhận của người thầy từ phía học sinh và phụ huynh không còn nguyên vẹn bởi những áp lực từ thầy cô, áp lực tài chính, thành tích. Chính cái này gây ra tiêu cực trong dạy thêm, học thêm”, ông Ngân nhận định.

Thu nhập của người thầy được tăng lên mà không cần làm thêm, tức người thầy có thể sống bằng chính thu nhập của nghề giáo thì vị trí, cách nhìn nhận, và cả địa vị trong xã hội cũng được nâng cao.

“Khi xã hội nhìn nhận vào nghề giáo là nghề có thu nhập cao, ổn định và xác định giáo dục là ngành khó vào nhất thì lúc đó chất lượng thầy cô giáo, chất lượng kiến thức đầu vào của ngành giáo dục mới được nâng cao.

Chúng ta đã có những chính sách hỗ trợ giảng dạy, hỗ trợ học phí… nhưng thực tế cốt lõi của vấn đề vẫn là thu nhập của giáo viên hiện nay”, ông Trần Hoàng Ngân cho biết.

Phải bỏ tính quan liêu trong giáo dục

Một trong những nguyên nhân được Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho là lý do để học không thật, thi không thật, nhân tài không thật tồn tại trong nền giáo dục Việt Nam đó chính là bệnh ngụy thành tích.

Theo Đại biểu Trần Hoàng Ngân, muốn học thật, thi thật, có nhân tài thật phải bỏ đi các kỳ thi đua, kiểm tra mang tính hình thức.

“Hiện nay có một thực trạng diễn ra đó chính là những giờ dự giờ mang tính sắp đặt, thầy cô giáo muốn có kết quả tốt phải dối lòng bắt buộc các em phát biểu, sắp xếp câu trả lời, em nào giơ tay, em nào không giơ tay. Ngay cả những việc làm đó, trong học trò đã hình thành tính không thật.

Chính vì thế, dự giờ thi đua, các loại ‘chuẩn’, chỉ tiêu không cần thiết chúng ta nên bỏ. Các quy định lên lớp bao nhiêu phần trăm, học sinh khá giỏi bao nhiêu phần trăm…không nên đánh giá chất lượng giáo viên qua số lượng học sinh giỏi, số học sinh lên lớp”, ông Ngân chia sẻ.

Theo Đại biểu Trần Hoàng Ngân, điều mà chúng ta cần hướng tới là nền giáo dục với sự nhìn nhận công bằng của phụ huynh. Khi phụ huynh nhìn thấy sự thay đổi của con em mình như thế nào về trình độ, văn hóa, đạo đức, chính họ gửi thông điệp đó đến cho thầy cô giáo, qua đó nhà trường mới đánh giá được đội ngũ thầy cô giáo có chất lượng ra làm sao. Đó mới đúng là nền giáo dục chất lượng.

“Nếu đưa chỉ tiêu một cô giáo giỏi là dạy được bao nhiêu học sinh giỏi rồi khen thưởng thì cái đó nên bỏ đi, bỏ bớt các hình thức không thật, bất hợp lý.

Muốn thi thật, học thật và có nhân tài thật thì phải bỏ tính quan liêu trong giáo dục, lúc đó mới giải quyết được bài toán mục tiêu này”, ông Ngân nói.

Trong một nền giáo dục phát triển, hướng đến một nền giáo dục với chất lượng thật, theo ông Ngân, phải để cho người thầy có quyền quyết định được trong chuyên môn của mình.

Điều đó có nghĩa, chuyên môn của người thầy không phải bám vào sự cứng nhắc của các chương trình đào tạo, phải phát huy được tính tự chủ của người thầy để truyền cho học sinh của mình những kiến thức, tư duy sáng tạo và năng động.

Phải làm sao đối với các học sinh, mỗi ngày đến trường đúng nghĩa là một ngày vui. Học sinh hồi hộp, nôn nóng muốn đến trường thì mới phản ánh được việc dạy thật, học thật.

Đáng buồn là hiện nay, nhiều phụ huynh phải lấy việc đi học để dọa con cái, thậm chí ngày nghỉ vẫn phải dọa các con đến trường.

Ngoài ra, thực tế tại Việt Nam đang tồn tại một xã hội trọng bằng cấp, trọng thành tích, trọng khen thưởng.

Những hiện tượng như “mưa” giấy khen, “mưa” bằng cấp đều thể hiện một thực tế luôn đánh giá, nhận xét học sinh, sinh viên, nhân sự, cán bộ… bằng những tấm bằng vô tri, vô giác.

Điều đó đồng nghĩa với việc, đào tạo, giáo dục không cần phải đánh giá thực lực mà đánh giá qua tấm bằng, đó cũng là lý do tồn tại thành tích ảo, kiến thức giả, thậm chí bằng cấp giả như nhiều trường hợp tai tiếng nghiêm trọng thời gian qua, điển hình là cấp bằng giả tại Đại học Đông Đô.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân khẳng định: “Để thay đổi nền giáo dục thì bắt đầu từ người thầy. Phải nâng cao vị trí người thầy, giảm đi các tiêu chí, đánh giá thừa thãi, nhất là đánh giá người thầy qua bằng cấp là phải bỏ.

Làm thầy là bắt buộc phải được đánh giá bằng thực lực, bằng công việc trong các lĩnh vực. Bằng cấp chỉ là một tiêu chí cần có thôi, thậm chí những tiêu chí thừa thãi, bất hợp lý phải giảm tải triệt để

Hệ thống trường đại học hiện nay quá nhiều, việc cấp bằng đại học cùng quá nhiều, thậm chí người học không cần thiết cũng đi học. Muốn có nhân tài thật mà dựa vào bằng cấp là hỏng.

Đó là cả một bài toán vĩ mô, lâu dài nhưng đã làm phải kiên quyết làm đến nơi, đến chốn và phải bắt đầu làm từ tận gốc rễ cả học sinh và cả người thầy”.

Cao Kim Anh