Sau 19 năm, Chuyên Ams mang kỳ tích 2 huy chương vàng về cho đất nước

28/05/2021 06:50
Tùng Dương
GDVN- Hai học sinh giành huy chương Vàng cao nhất cuộc thi Olympic Vật lý APhO 2021 là Nguyễn Mạnh Quân và Trần Quang Vinh. Đây là "kỳ tích" sau 19 năm của Việt Nam.

Kỳ thi Olympic Vật lý châu Á - Thái Bình Dương năm 2021 được tổ chức bằng hình thức trực tuyến. 23 đoàn từ các nước và vùng lãnh thổ với 181 thí sinh tham dự, trong đó có 5 đoàn khách với 37 thí sinh.

Tại Việt Nam, phần thi trực tuyến APhO 2021 được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 16/5 đến 24/5. Giống như thi trực tiếp, thí sinh phải làm cả bài lý thuyết và thực hành, mỗi bài thi trong 300 phút. Hai học sinh giành huy chương vàng cao nhất cuộc thi là Nguyễn Mạnh Quân và Trần Quang Vinh.

Mạnh Quân đạt điểm cao nhất kỳ thi, là học sinh Việt Nam đầu tiên giành thành tích này, em cùng lúc đã đạt được 3 giải là: Huy chương vàng Kỳ thi; Bằng khen của Chủ tịch APhO năm 2021 dành cho thí sinh có tổng điểm thi cao nhất và giải cho thí sinh có bài thực hành xuất sắc nhất. Ngoài ra em Nguyễn Hoàng Nam cũng giành được huy chương Đồng tại cuộc thi, cả 3 em đều là học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam.

Năm 2020, Mạnh Quân từng giành huy chương Vàng và là thí sinh đạt điểm cao nhất ở kỳ thi Olympic quốc tế Thiên văn học và Vật lý thiên văn và huy chương Vàng Olympic Vật lý châu Âu. Tháng 3 vừa qua, em được Viện Công nghệ Massachusetts - MIT (Mỹ) trao học bổng gần 260.000 USD (khoảng 6 tỷ đồng) cho bốn năm học bậc đại học ở ngôi trường số 1 thế giới.

Từ trái qua phải: Nhà giáo Trần Thùy Dương - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam, em Trần Quang Vinh, em Nguyễn Hoàng Nam, em Nguyễn Mạnh Quân, thầy Lê Mạnh Cường và thầy Bùi Văn Phúc - Phó hiệu trưởng. Ảnh: Tùng Dương.
Từ trái qua phải: Nhà giáo Trần Thùy Dương - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam, em Trần Quang Vinh, em Nguyễn Hoàng Nam, em Nguyễn Mạnh Quân, thầy Lê Mạnh Cường và thầy Bùi Văn Phúc - Phó hiệu trưởng. Ảnh: Tùng Dương.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Lê Mạnh Cường - Giáo viên dạy Vật lý Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam, người lãnh đội tuyển Vật lý của trường, chia sẻ:

“Về mặt giảng dạy và bồi dưỡng đội tuyển thì điều quan trọng nhất là phải tạo được động lực cho các con, định hướng để học sinh tự nghiên cứu một cách khoa học, tuy nhiên các thầy cô vẫn luôn phải theo sát.

Theo quan điểm cá nhân, tôi thấy những con có bước tiến xa hơn thì rất cần nền tảng gia đình, đó là những “bệ phóng” ban đầu. Để một học sinh có tố chất phát triển, có những bước đi dài thì rất cần sự định hướng, sự đồng hành của gia đình cùng con.

Gia đình định hướng giai đoạn đầu, về phía nhà trường cần phải có hướng đi tiếp theo bởi lúc này con mới chỉ thích học, còn học cái gì, học thế nào và phải làm gì để đạt thành tích cao thì đều do thầy cô dìu dắt, định hướng. Đối với các đội tuyển của trường, chúng tôi được ban giám hiệu phân công mỗi người một mảng tùy theo thế mạnh của từng thầy cô. Việc tuyển chọn học sinh cũng được tiến hành cẩn thận, đúng.

Cùng với đó, việc cần thiết phải tạo một môi trường học tập, tạo số đông các em cùng sở thích và những em giỏi được “nuôi dưỡng” trong môi trường số đông đó, việc này cũng để tạo động lực cho mỗi học sinh học hỏi lẫn nhau, cùng vươn lên. Không có số đông đó chúng ta sẽ không có được bạn giỏi nhất, rồi dần dần thu hẹp lại theo hình đỉnh khi vào các vòng trong.

Với môn Vậy lý, công việc của thầy cô dẫn dắt đội tuyển đã phải đồng hành cùng các con từ năm lớp 10, lúc này các con cần nền tảng môn Toán, ngoài Toán sơ cấp học từ cấp 2 thì giờ đây các con phải học thêm Toán cao cấp của bậc đại học.

Đặc thù của Vật lý được chia thành các chuyên đề cơ sở như: Cơ, Quang, Nhiệt, Điện… rồi Vật lý hiện đại như Vật lý thống kê, Vật lý lượng tử, thuyết tương đối…Thông thường học sinh sẽ đi hết các mục như vậy sẽ đủ kiến thức tham dự cuộc thi. Nhưng để có được những kiến thức, các mục như thế thì thông thường thời gian kéo dài 1 đến 3 năm với rất nhiều công sức của thầy và trò.

Ngay như việc soạn giáo trình để bồi dưỡng đội tuyển cũng phải chuẩn bị rất nhiều và rất kỹ, có thể nói phần nào giống như chuẩn bị đại cương bậc đại học. Những con trong đội tuyển thường có năng lực rất tốt, nếu thầy cô đưa ra những học liệu các con đã biết sẽ làm cho các con không hứng thú, vì vậy bắt buộc thầy cô phải xoay tìm tài liệu mới, liên tục tìm từ nhiều nguồn, từ các nước có thế mạnh về Vật lý.

Tất cả những tài liệu đó chúng tôi phải lược bớt rồi xây dựng thành những chuyên đề bài tập để giảng dạy, phần lý thuyết các con có thể tự học được. Tuy nhiên tất cả các kỳ thi đều thi bài tập, có thể họ cho chúng ta đọc hiểu một vấn đề nào đó về lý thuyết, nhưng cuối cùng phần tính điểm vẫn là phần bài tập”.

(Từ trái quá phải) Em Trần Quang Vinh, em Nguyễn Hoàng Nam, em Nguyễn Mạnh Quân là học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam đã tham dự Olympic Vật lý APhO 2021. Ảnh: Tùng Dương.

(Từ trái quá phải) Em Trần Quang Vinh, em Nguyễn Hoàng Nam, em Nguyễn Mạnh Quân là học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam đã tham dự

Olympic Vật lý APhO 2021. Ảnh: Tùng Dương.

Thầy và trò cùng nỗ lực phấn đấu

Theo thầy Cường: “ Với những cuộc thi tầm quốc tế, ngoài phía thầy cô và nhà trường ra thì các con cũng cần rất nhiều nỗ lực, cố gắng. Ngoài phần học kiến thức thì bao giờ chúng tôi cũng chú trọng việc cho các con thực hành.

Các con được thực hành rất nhiều ở trên lớp và trong phòng thí nghiệm của trường, ngoài ra chúng tôi cũng gửi các em theo học thêm và thực hành với các chuyên gia. Nhưng buổi tham quan phòng thí nghiệm, phòng thực hành ở một số viện nghiên cứu… cũng giúp các con rất nhiều, biết được máy này có công dụng gì, làm việc gì, nguyên lý sử dụng ra sao, có hiện tượng gì và kết quả thế nào…?

Dưới góc độ chuyên môn tôi thấy đề thi năm nay có 2 phần là lý thuyết và thực hành, được các đoàn đánh giá là hay về nội dung khoa học, nhưng dài và khó. Nước chủ nhà ra đề với 3 câu hỏi nhưng mỗi câu lại có rất nhiều ý, riêng phần đề đã gần 20 trang.

Vì thi trực tuyến nên các con sẽ thực hành trên máy tính, các dụng cụ thực hành ban giám khảo thiết kế luôn trên máy, các con di chuột, thao tác trên máy nhưng khá giống với thao tác thật. Bài thi thực hành được xây dựng dưới dạng thí nghiệm mô phỏng với những tham số được lấy từ thí nghiệm thực. Phần mềm mô phỏng được lập trình công phu, giao diện thân thiện.

Khi làm thực hành trực tiếp trên máy tính thì đồng thời số liệu cũng ra trực tiếp ngay sau đó, nếu như các con làm đúng máy sẽ cho ra kết quả thí nghiệm chính xác luôn theo yêu cầu của đề thi, và ngược lại nếu ta làm sai. Chính vì vậy các con phải được thực hành thường xuyên, nắm vững kỹ năng thực hành thì mới làm bài được”.

Thầy Cường chia sẻ thêm: “Để có được kết quả như ngày hôm nay thì đầu tiên là sự đồng thuận của gia đình, sự cố gắng hết mình của học trò cũng như sự tậm tâm của rất nhiều thầy cô giáo, là kết quả của cả một quá trình rất dài học tập, ôn luyện, phấn đấu.

Giúp học sinh tìm được các thầy cô giỏi về lĩnh vực Vật lý để bồi dưỡng thêm cho các con, tìm thêm tài liệu, thường xuyên kiểm tra xem kiến thức các con đang ở mức độ nào để bổ sung, cập nhật. Ngoài ra cũng cần tạo thêm động lực đam mê và một chút cạnh tranh”.

Nhà trường luôn định hướng, tạo điều kiện tốt nhất

Thầy Bùi Văn Phúc - Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam, đã chia sẻ: “ Là người đã nhiều năm phụ trách các đội tuyển của trường, tôi thấy kết quả thi APhO năm 2021 của đoàn học sinh Việt Nam nói chung và các em học sinh Trường Ams nói riêng là công sức rất lớn của cá nhân từng em, được tích lũy qua nhiều năm và sự dẫn dắt tận tình của các thầy cô giáo. Có thể nói đây là kết quả rất đáng tự hào sau 19 năm chúng ta mới đạt được.

Những năm tới, ban giám hiệu nhà trường chúng tôi vẫn tiếp tục định hướng trong việc phát triển mũi nhọn, đặc biệt là các học sinh trong đội tuyển tham gia các kỳ thi Olympic quốc tế và các môn Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học.

Ngoài ra các môn thi khác như Vật lý thiên văn, Tin học quốc tế, thi Khoa học trẻ, Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh Trung học phổ thông… Tất cả những lĩnh vực đó học sinh nhà trường vẫn có nhiều hoạt động tại các câu lạc bộ nhằm phát triển tố chất của các em, ban giám hiệu nhà trường cũng khuyến khích học sinh tham gia, đồng thời động viên các thầy cô có những kế hoạch để phát huy hết năng lực của học sinh”.

5 học sinh được triệu tập tham gia tập huấn đội tuyển dự thi Olympic Vật lý quốc tế năm 2021

Căn cứ kết quả kỳ thi chọn đội tuyển Olympic và Olympic Vật lý Châu Á - Thái Bình Dương năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông báo và triệu tập 5 học sinh tham gia tập huấn đội tuyển dự thi Olympic Vật lý quốc tế năm 2021. Đó là các em:

1. Nguyễn Mạnh Quân - lớp 12, Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam.

2.Trần Quang Vinh - lớp 12, Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam.

3.Trang Đào Công Minh - lớp 12, Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia Hà Nội.

4. Nguyễn Trọng Thuận - lớp 12, Trường Trung học phổ thông chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa.

5. Bùi Thanh Tân - lớp 12, Trường Trung học phổ thông chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An.

Tùng Dương