Cứ đến hè là các bậc phụ huynh lại lo ngại con em mình bị đuối nước. Và dường như mùa hè năm nào cũng xảy ra những vụ đuối nước thương tâm mà nạn nhân chủ yếu là các cháu nhỏ đang độ tuổi cắp sách đến trường.
Chỉ mới đầu mùa hè nhưng trên cả nước đã liên tiếp xảy ra hàng loạt các vụ đuối nước thương tâm ở trẻ em, đây là điều đáng báo động về việc cần tăng cường các biện pháp phòng chống đuối nước, dạy kỹ năng mềm cho trẻ.
Chiều tối 30/4, tại bãi tắm tự phát qua thôn Tân An, xã Phú Thuận. Vào thời điểm này, một nhóm nam nữ sinh viên năm thứ 4 Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế về tắm biển.
Bất ngờ 4 nữ sinh viên bị sóng biển cuốn ra xa, kêu cứu. Ngày lập tức, nam sinh viên Nguyễn Văn Nh. (SN 1998, ngụ huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) bơi ra ứng cứu và lần lượt đưa các bạn vào bờ an toàn. Tuy nhiên, em Nh. đã không qua khỏi vì kiệt sức do gặp sóng lớn nên đuối nước.
Vào chiều ngày 18/5, tại xã Tân Thuỷ (huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình) đã xảy ra vụ đuối nước thương tâm, cướp đi sinh mạng của 3 cháu nhỏ sinh năm 2016 - 2017, trú tại huyện Lệ Thuỷ. Khi ông bà ngoại vắng nhà, 3 đứa cháu đã rủ nhau ra khu vực hồ cá sau nhà chơi, không may bị đuối nước.
Sự việc vào khoảng 12h30 trưa 12/5, một nhóm gồm 18 học sinh lớp 7 tại xã Giao An (huyện Giao Thuỷ) ra biển chơi.
Lúc này, một số học sinh đến rửa chân ở khu vực cống số 8 thì bất ngờ trượt ngã, bị sóng biển cuốn trôi 5 em. Sau đó, 2 em được cứu sống còn 3 em đã mất tích.
Đầu giờ chiều nay 23/4, một nhóm 8 học sinh lớp 6 ở Thanh Hóa rủ nhau ra biển tắm khiến 4 em bị nước cuốn ra biển, 1 em được lực lượng chức năng tìm thấy đã tử vong, 3 em hiện đang mất tích. Theo lực lượng chức năng, cơ hội sống sót của 3 em còn lại gần như không còn.
Trên đây chỉ là một trong nhiều vụ đuối nước xảy ra vào mỗi dịp hè đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều người và đặc biệt là trẻ em.
Tỷ lệ đuối nước của trẻ em thường gia tăng vào mỗi dịp học sinh nghỉ hè. Ở khu vực nông thôn, tai nạn đuối nước cao gấp gần 4 lần so với khu vực thành thị. Chỉ khoảng 30% học sinh tiểu học và trung học cơ sở ở Việt Nam biết bơi. Ảnh minh họa: H.P. |
Khoảng 30% học sinh tiểu học và trung học cơ sở ở Việt Nam biết bơi
Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội năm 2020 cho thấy, mỗi năm, Việt Nam có hơn 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Tỷ lệ trẻ em đuối nước tại Việt Nam hiện nay cao nhất Đông Nam Á và cao gấp 10 lần so với các nước đang phát triển.
Trong số đó, 53% trường hợp chết đuối xảy ra khi trẻ em chơi gần ao, suối, sông, hồ, kênh, mương… mà không có sự giám sát, bảo vệ của người lớn.
Tỷ lệ đuối nước của trẻ em thường gia tăng vào mỗi dịp học sinh nghỉ hè. Ở khu vực nông thôn, tai nạn đuối nước cao gấp gần 4 lần so với khu vực thành thị. Chỉ khoảng 30% học sinh tiểu học và trung học cơ sở ở Việt Nam biết bơi.
Bên cạnh đó, kỹ năng thiết yếu phòng tránh đuối nước, không chỉ là kỹ năng bơi. Nhưng trẻ em Việt Nam còn chưa được trang bị những kiến thức, kĩ năng về phòng tránh đuối nước và xử lý phù hợp khi bản thân hoặc bạn bè bị đuối nước dẫn đến hậu quả đáng tiếc xảy ra. Việc giáo dục cho trẻ các kỹ năng sống thiết yếu này là vô cùng cần thiết, ngay từ khi trẻ bắt đầu nhận biết xung quanh.
Ví dụ, riêng trong vấn đề đuối nước, ngoài việc thực hành dạy bơi và chống đuối nước cho trẻ, cần cho trẻ nhận biết rằng trẻ em dù biết bơi vẫn có thể đuối nước, dù biết bơi cũng chưa chắc đã cứu được bạn mình. Ngoài việc tập bơi, trẻ cần biết các kỹ năng tự cứu, xử lý tình huống, ví dụ khi bị chuột rút, thoát hiểm khi đuối sức, cứu đuối an toàn tự bảo vệ mình và bạn bè, sơ cứu đuối nước…
Thực trạng này khiến nhu cầu phổ cập bơi trong nhà trường phổ thông càng trở nên cấp thiết. Nhiều người kỳ vọng môn bơi lội sẽ trở thành môn bắt buộc trong các nhà trường. Tuy vậy, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, bơi lội vẫn tiếp tục là môn tự chọn.
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, hiện nay chỉ có từ 0,4 đến 0,6% các trường cấp phổ thông và khoảng 13% các trường đại học có xây dựng bể bơi trong trường. Con số quá khiêm tốn này cho thấy việc xây dựng bể bơi trong hệ thống trường học dường như vẫn là điều quá xa vời kể cả ở các thành phố lớn.
Điều này cho thấy, việc đưa môn bơi trở thành môn học bắt buộc trong các nhà trường đòi hỏi một nguồn ngân sách rất lớn. Cùng với đó, các trường phải có quỹ đất đủ rộng, đội ngũ giáo viên đủ trình độ đáp ứng nhu cầu. (2)
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, hiện nay chỉ có từ 0,4 đến 0,6% các trường cấp phổ thông và khoảng 13% các trường đại học có xây dựng bể bơi trong trường. Ảnh minh họa: G.H. |
Dạy bơi cho trẻ, các trường gặp khó?
Ông Nguyễn Nho Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Tính đến cuối năm 2020, thực trạng cơ sở vật chất tại các trường học, đặc biệt là bể bơi, rất khó khăn, ảnh hưởng rất lớn đến công tác dạy bơi trong nhà trường. Theo thống kê, nước ta chỉ đạt 0,47 bể bơi/ trường học. Tại các trường trung học cơ sở chỉ có 227 bể bơi/ 10.000 trường, ở cấp trung học phổ thông chỉ 108 bể bơi/ 2.649 trường.
Kể cả đã có bể bơi tại trường học rồi, việc duy trì, bảo vệ, vận hành cũng rất khó khăn. Các trường tư thục có thể duy trì khá tốt công tác này, nhưng với các trường công lập, kinh phí chi thường xuyên cho việc vận hành bể bơi khá eo hẹp. (3)
Điều tra của Dự án phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam cho thấy, 90% cha mẹ được hỏi nhận thức vấn đề phòng chống đuối nước là quan trọng vì ảnh hưởng đến sinh mạng của con em mình. Nhưng khi được hỏi cách thức thế nào để phòng chống thì đa số lại không biết.
Trong khi đó, cùng với việc dạy kỹ năng bơi cho trẻ, vấn đề cốt lõi là các em cần biết kỹ năng xử lý tình huống. Chưa có cơ quan chức năng nào đứng ra thống kê, trong số những trẻ em đuối nước có bao nhiêu trẻ biết bơi, nhưng qua ghi nhận trực quan các vụ việc được đưa tin, tỷ lệ đó là không nhỏ.
Với trẻ em từ 1 đến 5 tuổi là đối tượng dễ bị tổn thương nhất với đuối nước do đặc tính hiếu động và có nguy cơ ngã vào nguồn nước mở hoặc không có rào chắn khiến trẻ không thoát ra được. Lúc này trẻ không có khả năng tự vệ nên vấn đề giám sát trẻ là quan trọng nhất.
Với trẻ em từ 6 đến 16 tuổi: Ở giai đoạn này, việc chỉ giám sát là không đủ nữa bởi trẻ em có khả năng tiếp cận với nhiều môi trường ngoài gia đình và học đường. Bên cạnh đó, trong các chương trình dạy bơi cho trẻ, cần đưa vào những nội dung trang bị kiến thức nhận biết nguy hiểm như cách nhận biết được những nơi, khu vực có nguy cơ gặp nạn; kỹ năng thoát hiểm khi gặp nạn.
Những vụ đuối nước một mặt cảnh báo về sự lơ là, chủ quan của người lớn, nhất là gia đình trong việc giám sát con em mình; mặt khác cho thấy chúng ta phải nhìn nhận vấn đề này dưới góc nhìn của người lớn để luôn phải quản trị được rủi ro liên quan tới trẻ em. Có như vậy mới tránh được những cái chết thương tâm do đuối nước gây ra. (4)
Ngoài việc tập bơi, trẻ cần biết các kỹ năng tự cứu, xử lý tình huống, ví dụ khi bị chuột rút, thoát hiểm khi đuối sức, cứu đuối an toàn tự bảo vệ mình và bạn bè, sơ cứu đuối nước…Ảnh minh họa: G.H. |
Cần sơ cứu đuối nước đúng cách
Bác sĩ Nguyễn Trọng Dũng - khoa Điều trị tích cực nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Chỉ cần người lớn sát sao, để ý đến trẻ hơn một chút, hoàn toàn có thể tránh được tai nạn đáng tiếc.
Với các ca đuối nước, bác sĩ Dũng cho biết có một số gia đình khi đưa trẻ đi du lịch thì người lớn túm tụm lại nói chuyện hay tập trung vào điện thoại, hoặc để trẻ em trông nhau, khi quay lại thì đã muộn. Với trẻ em chỉ sau 3-5 phút chìm dưới nước đã gây ngừng tim, để lại di chứng tổn thương não không thể phục hồi. Do vậy, việc phát hiện sớm trẻ đuối nước và sơ cứu kịp thời có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Dù đã được truyền thông rộng rãi nhiều năm nay nhưng hầu hết người dân vẫn chưa nắm được kỹ năng sơ cứu khi gặp người đuối nước. Chỉ có khoảng 40-50% trường hợp chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương được sơ cứu đúng cách.
“Một nửa trường hợp còn lại vẫn dốc ngược trẻ lên vai rồi chạy hoặc đang ép tim, hà hơi thổi ngạt cho trẻ nhưng khi tim chưa có nhịp đã dừng lại để tiếp tục vác. Đây là cách sơ cứu hoàn toàn sai, làm lỡ cơ hội vàng cứu sống trẻ”.
Cách cấp cứu đúng là ngay khi vớt trẻ lên, cần đặt trẻ nằm thẳng trên nền cứng, quan sát nhanh tình trạng trẻ, móc tất cả dị vật trong mũi, họng, sau đó nhanh chóng thực hiện ép tim và hà hơi thổi ngạt.
Với người chưa có kỹ năng sơ cứu, cần thực hiện ép tim 15 lần, hà hơi 2- 5 lần, với nhân viên y tế chỉ cần thực hiện 2 lần hà hơi, ép tim 5 nhịp lặp lại liên tiếp cho đến khi trẻ có phản xạ. Sau đó cần gọi thêm 1 người hỗ trợ, 1 người hà hơi thổi ngạt, 1 người ép tim. Vị trí ép tim nằm 1/2 dưới xương ức giữa. Khi ép, đặt thẳng tay lên ngực.
Sau 1 phút đánh giá lại xem bệnh nhân đã thở hay chưa và thực hiện bắt mạch. Người lớn bắt mạch cảnh, trẻ con bắt ở cánh tay, mạch quay, mạch bẹn vì cổ trẻ ngắn hơn. Sau 10 giây kiểm tra, nếu vẫn không thấy mạch thì tiếp tục lặp lại động tác ép tim ngoài lồng ngực.
Trong lúc ép tim, cần duy trì nhịp 100 lần/phút, cố gắng ép sâu và mạnh, độ lún bằng khoảng 1/3 bề dày lồng ngực. (5)
Tài liệu tham khảo:
(1) https://dangcongsan.vn/xa-hoi/hon-2000-tre-em-tu-vong-vi-duoi-nuoc-moi-nam-569978.html
(2) http://cand.com.vn/Xa-hoi/Vi-sao-boi-loi-khong-tro-thanh-mon-hoc-bat-buoc-542798/
(3) https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/can-linh-hoat-khi-trien-khai-pho-cap-boi-cho-tre-em-624582/
(4) https://vovgiaothong.vn/phong-duoi-nuoc-mua-he-day-boi-thoi-chua-du
(5) http://benhviennhitrunguong.org.vn/canh-bao-tre-nho-bi-duoi-nuoc-do-nguoi-lon-bat-can.html