Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 xuất hiện tại Việt Nam với mức lây nhiễm nhanh hơn, diễn ra ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Đến trưa 31/5, Việt Nam đã ghi nhận 7.236 ca mắc Covid-19 với 5.733 ca lây nhiễm trong nước. Tính riêng đợt dịch mới từ 27/4 đến nay, Bộ Y tế công bố 4.163 ca bệnh.
Bắc Ninh, Bắc Giang hay mới đây là Thành phố Hồ Chí Minh là những địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.
Đặc biệt tại Bắc Giang, Bắc Ninh, có nhiều ổ dịch lớn liên quan đến ca bệnh tại các khu công nghiệp tăng đột biến mỗi ngày.
Khi chứng kiến những mất mát, thương đau mà dịch bệnh gây ra trên dải đất hình chữ S cũng là lúc đất nước một lần nữa biết ơn những chiến sỹ áo trắng nơi tuyến đầu chống dịch.
Dương Quang Hà, sinh viên lớp cử nhân xét nghiệm khóa 1, Trường Đại học Y dược Thái Nguyên trong lúc tranh thủ nghỉ ngơi. (Ảnh: NVCC) |
Cũng giống như Đà Nẵng, Hải Dương ở các đợt dịch trước đó, Bắc Ninh đã có những đoàn xe chi viện từ nhiều tỉnh thành trên cả nước mang theo bao sức trẻ tình nguyện, quyết tâm chiến thắng dịch bệnh.
Trong nắng trưa tháng 5 bỏng rát, Dương Quang Hà, sinh viên lớp cử nhân xét nghiệm khóa 1, Trường Đại học Y dược Thái Nguyên, đang làm nhiệm vụ chống dịch tại huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh tâm sự: “Ngay khi nhận được thông báo trường sẽ cử đoàn tình nguyện đến Bắc Ninh chống dịch, em cùng các bạn đều sẵn sàng đăng ký tham gia.
Nhiều người hỏi em: Đi chống dịch có sợ không? Thú thật, đi vào tâm dịch, nơi nguy hiểm nhất, ban đầu em cũng sợ.
Nhưng em nghĩ, điều đáng sợ hơn là khi chúng em có khả năng giúp sức cho nhân dân mà lại thờ ơ. Nghĩ đến các bạn cùng với các y, bác sỹ, thầy cô ngày đêm lấy mẫu truy vết, có nhiều lúc mệt mỏi tưởng như kiệt sức, em thấy trách nhiệm của bản thân đối với xã hội, đối với ngành học của mình.
Em tuy sức nhỏ nhưng cũng muốn đóng góp một phần để san sẻ công việc với các nhân viên y tế nơi tuyến đầu chống dịch”.
Những bữa cơm muộn giờ, những lần chợp mắt gục vội bên bức tường nóng bỏng, nhận biết nhau qua cái tên trên bộ quần áo bảo hộ, những mái tóc cạo trọc tránh mồ hôi dính bết… đó là những hình ảnh thân thương mà cả nước đang gửi gắm hàng triệu trái tim hướng đến các chiến sĩ áo trắng.
Chiến sĩ áo trắng từ Trường đại học Y - dược Thái Nguyên tình nguyện đến tâm dịch thực hiện nhiệm vụ. (Ảnh: NVCC) |
Họ là những y bác sỹ đầu ngành, là những sinh viên mới bước vào giảng đường ngành y và có cả những y, bác sỹ lớn tuổi đã nghỉ hưu nhưng vẫn xung phong đi chống dịch.
Mỗi người là mỗi mảnh ghép xếp lại hoàn thiện bức tranh về lòng quả cảm, tổng tấn công Covid-19.
“Em và các bạn sinh viên ở đây tham gia công tác lấy mẫu xét nghiệm. Buổi sáng, chúng em hỗ trợ trung tâm y tế phân luồng bệnh nhân đến khám, lấy mẫu xét nghiệm thường quy cho nhân dân.
Ngày đầu tiên đến với Bắc Ninh, đang trên đường di chuyển về trung tâm y tế huyện Yên Phong, chúng em nhận được thông báo ngay đầu giờ chiều hôm ấy đi lấy mẫu xét nghiệm cho khoảng 1.500 người ngoài cộng đồng.
Đây là một số lượng mẫu lớn nhưng phải thần tốc hoàn thành mà bản thân em được tham gia. Ngày hôm đó, 23h30 công việc mới được hoàn tất”, Hà tâm sự.
Hà chia sẻ, những lần đi lấy xét nghiệm bất chợt và đột xuất diễn ra thường xuyên, nên tất các các y, bác sỹ cũng như những sinh viên ngành y hỗ trợ tuyến đầu chống dịch luôn trong tâm thế sẵn sàng.
Buổi sáng dẫu nắng sớm nhưng vẫn đỡ hơn những buổi chiều nắng như đổ lửa. Ngoài những bộ quần áo bình thường, những chiến sỹ áo trắng còn phải khoác thêm bên ngoài bộ quần áo bảo hộ.
Nhiệt tâm và niềm tin của những chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu chống dịch (Ảnh: NVCC) |
Hà chia sẻ: “Những bộ đồ bảo hộ kín mít, từ đầu đến chân, trong thời tiết nắng nóng cực độ khiến chúng em ra rất nhiều mồ hôi, mất nước. Có nhiều anh chị bị ngất ngay tại chỗ vì quá gắng sức.
Chúng em luôn cố gắng thay thế, hỗ trợ mọi người để hoàn thành công việc sớm, người dân không phải chờ đợi lâu”.
Những tấm lưng đầy vết đỏ bỏng rát vì sử dụng đồ bảo hộ; những vành tai bị tấy đỏ vì đeo khẩu trang quá lâu; những cơ thể mềm nhũn kiệt sức do mất nước… và còn vô vàn những hi sinh khi những chiến sĩ áo trắng đang hết mình cống hiến sức lực, trí tuệ, đảm bảo an toàn đời sống cho nhân dân, chống trọi với dịch bệnh đang hoành hành.
Kết thúc cuộc trò chuyện, chàng sinh viên Dương Quang Hà gửi gắm: “Em nghĩ rằng dịch bệnh còn thì không có nơi nào chắc chắn được an toàn. Nghĩ về quê hương, gia đình, thầy cô, bạn bè, em có thêm sự tự tin, góp một phần sức lực nhỏ bé cùng với toàn thể đội ngũ chống dịch đẩy lùi Covid-19 để mọi người sớm được đoàn tụ với gia đình, cuộc sống nhân dân nhanh chóng trở lại bình thường”.
“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.