Thời gian vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có nhận được phản ánh của một số chuyên gia giáo dục băn khoăn khi được học sinh, phụ huynh gửi thông tin về việc tuyển sinh của Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội.
Vị chuyên gia này cho biết, ông giật mình khi thấy Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội ghi trong thông báo tuyển sinh: "Vào lớp 10 hệ song bằng; Học sinh vừa học văn hóa THPT vừa học nghề; Học sinh học 2 chương trình đào tạo (THPT và Cao đẳng); Sau 4 năm học, tốt nghiệp nhận nhận 2 bằng (THPT, Cao đẳng chính quy)".
Theo vị chuyên gia này, các trường Cao đẳng khi thông báo tuyển sinh các ngành nghề đào tạo trình độ cao đẳng, Nhà trường cần phải thông báo đối tượng tuyển sinh đầu vào phải có bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông hoặc tương đương theo quy định tại Thông tư số 05/2017/TT-BLĐTBXH và Thông tư số 07/2019/TT-BLĐTBXH, thời gian đào tạo trình độ cao đẳng theo quy định tại khoản 3 Điều 33 Luật Giáo dục nghề nghiệp, Quyết định số 982/QĐ-TTg, điểm a khoản 1 Điều 5 Thông tư số 03/2017/TT-BLĐTBXH, Thông tư số 07/2019/TT-BLĐTBXH.
Để có thông tin khách quan, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trực tiếp ghi nhận việc tuyển sinh tại văn phòng tuyển sinh của Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội (54A1 Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân, Hà Nội).
Theo ghi nhận của phóng viên vào ngày 4/6, ngay ở bên ngoài cổng trường có biển quảng cáo tuyển sinh vào lớp 10 hệ song bằng (theo chương trình đào tạo 9+) đối với 28 ngành học.
Theo đó, đối tượng tuyển sinh là học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở được xét tuyển học bạ và có hạnh kiểm khá trở lên. Ưu tiên đối với học sinh có đăng ký dự thi vào lớp 10.
Theo thông báo, khi trúng tuyển, học sinh được học 2 chương trình đào tạo, Trung học phổ thông (do trường Trung học phổ thông Hoàng Mai giảng dạy) và Cao đẳng (do Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội giảng dạy). Trường này còn nêu rõ quyền lợi của học sinh: Học sinh được cấp bù học phí theo Nghị định số 86 của Chính phủ.
|
Sau 4 năm học, học sinh tốt nghiệp thì được nhận 2 văn bằng (Trung học phổ thông và Cao đẳng chính quy).
Thông báo nêu, trong 3 năm đầu, học sinh thi lấy bằng cấp 3, sau đó học tiếp 1 năm để lấy bằng cao đẳng chính quy.
Trong vai là người thân của thí sinh có nhu cầu học chương trình đào tạo 9+, phóng viên được một nữ nhân viên trong bộ phận tuyển sinh của trường tự xưng là bà H. tiếp đón. Suốt buổi tư vấn, nhân viên tuyển sinh tên H. không hề nhắc đến chương trình đào tạo có qua hệ trung cấp hay không.
Sau những câu hỏi “thăm dò” thông tin cá nhân về thí sinh và phóng viên, bà H. tư vấn cho phóng viên về việc làm thủ tục hồ sơ nhập học.
Theo đó, thí sinh phải ghi thông tin phiếu Đăng ký xét tuyển và Lý lịch học sinh (có đóng dấu xác nhận của chính quyền địa phương).
“Tiếp đó là thí sinh cần phải nộp học bạ, Giấy khai sinh, Hộ khẩu, Giấy chứng nhận tốt nghiệp Trung học cơ sở và ảnh”, bà H. nói.
“Bạn nhà mình có thi trường công lập (Trung học phổ thông-phóng viên) không?”, bà H. hỏi.
Thông báo tuyển sinh cùng Hồ sơ học sinh sinh viên, phiếu đăng kí xét tuyển được phát cho thí sinh điền thông tin. |
Sau câu trả lời là “không” của phóng viên và thắc mắc vậy liệu có được học tại trường mình hay không, bà H. nói chỉ cần hạnh kiểm khá là được.
“Vậy các ngành học trong trường mình có chỉ tiêu tuyển sinh là bao nhiêu?”, phóng viên thắc mắc.
Đáp lời, bà H. cho biết, không có chỉ tiêu và tỷ lệ chọi bởi nhà trường đều xét tuyển hết, chỉ cần đỗ tốt nghiệp là vào được.
Nữ nhân viên này cũng không quên việc thúc giục người nhà nên nộp hồ sơ sớm cho thí sinh, bởi hiện chỉ còn nhận những học sinh đi thi vào Trung học phổ thông nhưng không đỗ.
“Đối với thí sinh không thi Trung học phổ thông thì nhà trường chốt hôm 31/5 rồi. Nếu bạn nhà mình xác định học thì phải nộp hồ sơ luôn, chậm nhất đầu tuần sau”, bà H. nhắc nhở.
Về mức học phi, bà H. cho hay, khi thí sinh đến nộp hồ sơ nhập học thì sẽ phải đóng luôn 1,6 triệu đồng tiền học phí tháng đầu tiên (bao gồm học phí học văn hóa và học nghề) và các khoản khác thì tổng là 2,4 triệu đồng.
Trong số tiền học phí trên, học sinh được nhà nước trợ cấp 700-800 nghìn đồng/tháng. Tuy nhiên, học sinh chỉ được nhận lại số tiền này khi hết học kì từ Phòng Lao động thương binh và xã hội.
“Phòng Lao động thương binh xã hội tại địa phương các thí sinh sinh sống sẽ chi trả tiền trợ cấp này”, bà H. chia sẻ.
Theo bà H., bên cạnh việc học văn hóa và học nghề, nếu học sinh có nhu cầu học ngoại ngữ là Tiếng Anh, Tiếng Hàn thì sẽ đóng thêm học phí khoảng 250 nghìn đồng.