Trong suốt hơn 1 tháng qua, yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về vấn đề “học thật, thi thật, nhân tài thật” đã được đưa ra bàn luận và nhận được sự đồng thuận cao trong xã hội.
Đây là điều dễ hiểu bởi giáo dục không chỉ là công việc trong phạm vi của nhà trường mà đó là lĩnh vực liên quan đến toàn dân, là mối quan tâm chung của toàn xã hội.
“Thực tế, chủ trương “dạy thật, học thật” không phải là một nội dung mới mà đã được phổ biến trong nhiều năm nay. Nhưng vấn đề ở đây chính là giữa chủ trương và việc áp dụng thực tiễn chưa có sự tương đồng”, đó là trăn trở của Thầy giáo Ngô Thành Nam - cố vấn hỗ trợ học tập của Microsoft, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khai Nguyên khi chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về câu chuyện học thật, thi thật hiện nay.
Theo quan điểm của thầy giáo Ngô Thành Nam, cần phải thay đổi tư duy và tạo được sự thống nhất về tư duy giáo dục trong xã hội. (Ảnh: NVCC) |
Theo quan điểm của thầy Nam, dạy thật, học thật và nhân tài thật có mối quan hệ biện chứng với nhau. Muốn học sinh học thật thì người thầy cũng phải dạy thật, từ đó mới có nhân tài thật.
Nhân tài thật không thể có được nếu dạy và học thiếu trung thực. Chúng ta không thể mong mỏi có được nền giáo dục dạy thật, học thật, nhân tài thật khi căn bệnh thành tích vẫn còn được nuôi dưỡng ở từng cá nhân, từng tổ chức hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.
Có thể thấy, để đạt được yêu cầu của Thủ tướng thì công tác giáo dục cần làm triệt để, thực chất ở nhiều yếu tố, bộ phận, nhân sự liên quan, bởi lẽ nếu chỉ bắt đầu từ mỗi Bộ Giáo dục và Đào tạo hay các Sở Giáo dục, Nhà trường…đều không thể làm được.
Thầy Ngô Thành Nam cho rằng, muốn đưa chủ trương "dạy thật, học thật" đi vào thực tiễn, áp dụng vào môi trường giáo dục thì cần phải thực hiện triệt để, nghiêm túc 6 vấn đề sau:
Thứ nhất, cần phải thay đổi về tư duy giáo dục. Theo thầy Nam, đây là điều cần thay đổi đầu tiên nhưng cũng là điều khó thực hiện nhất. Bởi lẽ, tư duy đồng nhất giữa dạy và học gắn với văn bằng đã đi sâu vào tư tưởng của chúng ta trong một thời gian quá dài.
"Tư duy này dẫn đến hậu quả là bệnh thành tích tồn tại nhiều năm qua và dường như ngày càng trở nên trầm kha và khó chữa khỏi. Do đó tư duy cần thay đổi bắt đầu từ những người đưa ra chính sách giáo dục đến các cơ quan, cá nhân thực thi và cả người thụ hưởng chính sách ấy.
Chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến lợi ích người học, cần giúp các em hiểu rằng, việc học là để phục vụ cho công việc, cuộc sống trong tương lai chứ không phải để lấy văn bằng. Muốn vậy, khi xây dựng chính sách giáo dục, chúng ta cần xác định rõ mục tiêu, triết lý của giáo dục.
Từ đó, công tác giáo dục cần lấy những điều này làm kim chỉ nam hoạt động. Bên cạnh đó, các nhà trường cũng cần minh bạch, trung thực ngay từ khâu quản lý và xem đó như một trong những giá trị cốt lõi hướng đến. Bản thân người dạy cũng cần dạy thật để làm gương cho chính học trò, phụ huynh của mình", thầy Ngô Thành Nam khẳng định.
Thứ hai, cần phải tăng cường quyền tự chủ cho các trường học. Việc tự chủ không chỉ ở khía cạnh tài chính mà cả về chương trình giảng dạy, nhân sự,... Trao quyền tự chủ sẽ tạo điều kiện, cơ hội và cũng là yêu cầu để các trường nâng cao chất lượng, tạo điều kiện học thật cho học sinh của mình, từ đó tạo nên giá trị của thực học.
Thực hiện được yêu cầu này, sự phân biệt giữa trường công lập và tư thục sẽ giảm dần, từ đó, phụ huynh có thêm nhiều sự lựa chọn môi trường học tập. Mỗi nhà trường sẽ không ngừng cải thiện chất lượng dạy và học để góp phần vào sự phát triển chung nền giáo dục nước nhà.
Thứ ba, sự thay đổi về cơ chế quản lý cũng là một yếu tố thúc đẩy việc học và dạy đi vào thực chất.
Theo thầy giáo Ngô Thành Nam, các nhà quản lý giáo dục cần thiết lập quy trình, kế hoạch quản lý, đánh giá thực chất, toàn diện, tránh việc chỉ căn cứ vào báo cáo trên giấy tờ. Việc đánh giá cần căn cứ dựa trên tình hình thực tế để ghi nhận sự tiến bộ, không cào bằng giữa các trường.
Điều này cũng cần thực hiện tương tự với phạm vi nhỏ hơn là nhà trường. Cần tránh tạo ra áp lực thành tích khiến các lãnh đạo buộc giáo viên, học sinh tạo ra thành tích ảo.
Thứ tư, cần thực hiện nghiêm túc việc cải tiến chương trình giáo dục. Nội dung chương trình giáo dục cần hướng nhiều hơn đến việc phát triển năng lực và phẩm chất, làm sao giúp người học có thể vận dụng những gì đã học cho công việc tương lai.
Muốn vậy, thay vì dạy học sinh nội dung suy nghĩ (what to think) và nội dung học (what to learn), việc giáo dục nên hướng vào cách suy nghĩ (how to think) và cách học (how to learn).
Thứ năm, cần phải thay đổi cách thức và nội dung đánh giá. Nếu đánh giá chỉ tập trung vào các bài kiểm tra, xem điểm số như thước đo duy nhất năng lực học tập của học sinh dễ dẫn tới học vẹt, học tủ. Quá trình giáo dục là sự phát triển lâu dài, nên việc đánh giá cần thực hiện xuyên suốt để ghi nhận đầy đủ, chính xác.
Do vậy, hình thức đánh giá cũng cần được phong phú hóa hơn. Tùy theo điều kiện, nội dung giáo dục có thể lựa chọn cho mình hình thức đánh giá phù hợp, đó có thể là đánh giá bằng kết quả đầu ra, đánh giá quá trình,…
Điều này sẽ kéo theo việc thay đổi phương pháp giáo dục của nhà trường, của giáo viên làm sao để người học thật sự hứng thú với việc học, xem việc học như là nhu cầu, thay vì là nhiệm vụ.
"Tại trường Khai Nguyên của chúng tôi, với mong muốn tạo ra một môi trường học tập hạnh phúc, ý nghĩa và đặc biệt mỗi học sinh đều cảm thấy mình có giá trị, chúng tôi luôn tạo mọi cơ hội để học sinh được khơi gợi tiềm năng cũng như tạo điều kiện mỗi học sinh được học tập theo khả năng của mình.
Việc đánh giá học sinh cũng được thực hiện toàn diện xuyên suốt quá trình học tập, không chỉ căn cứ vào bài kiểm tra ở một thời điểm nhất định", Thầy Nam cho biết.
Thứ sáu là phải tạo được sự thống nhất trong tư duy giáo dục. Đây là một yêu cầu vô cùng quan trọng, mỗi cá nhân trong xã hội phải có nhận thức đúng đắn về mục tiêu học tập. "Học thật, thi thật" không phải là nhiệm vụ riêng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng không phải là yêu cầu riêng với các cơ sở giáo dục mà cần sự thay đổi đồng bộ về tư duy giáo dục trong xã hội.
Gia đình đóng vai trò không nhỏ trong cách học, kết quả học tập của học sinh. Nhà trường cần tránh ru ngủ phụ huynh bằng các điểm số. Thực tế nhiều năm nay, không ít phụ huynh vẫn còn quan niệm môn chính, môn phụ để rồi gượng ép con cái mình học tập thay cho ước mơ của chính mình. Phụ huynh cần thấu cảm với năng lực của con cái để có sự đồng hành thay vì gây áp lực học tập cho các em.
Chỉ khi học sinh học bằng đam mê, sở thích của bản thân thì các em mới tự mình học hỏi, đào sâu và hạnh phúc với con đường học tập của mình.