Chương trình có sự tham dự của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng- Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội; Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn của Hiệp hội; Lãnh đạo văn phòng, các ban thuộc Hiệp hội; ông Trần Sâm và bà Phạm Thị Hoa - Đại diện Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cùng đại diện lãnh đạo của 23 trường cao đẳng sư phạm trên cả nước.
Buổi tọa đàm trực tuyến góp ý cho Dự thảo điều lệ trường Cao đẳng Sư phạm được tổ chức trực tuyến. (Ảnh: Phạm Minh). |
Buổi tọa đàm cũng đã công bố Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ các trường cao đẳng sư phạm nhiệm kỳ 2021 – 2025 bao gồm các đồng chí: Tiến sĩ Hồ Cảnh Hạnh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa Vũng Tàu; Tiến sĩ Hồ Văn Thành – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế; Phó Giáo sư-Tiến sĩ Lưu Tiến Hưng - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An; Tiến sĩ Phạm Xuân Bình - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Kiên Giang; Thạc sĩ Nguyễn Nguyên Bình - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Thành phố Hồ Chí Minh; Thạc sĩ Huỳnh Linh Bảo - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt; Thạc sĩ Nguyễn Thị Lệ Hường - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình.
Tiến sĩ Hồ Cảnh Hạnh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa Vũng Tàu được bầu làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ nhiệm kỳ 2021 – 2025.
Chia sẻ tại buổi họp, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết: "Mỗi tỉnh cần có trường sư phạm để đào tạo giáo viên và thực hiện sứ mệnh đào tạo, bồi dưỡng giáo viên từ bậc mầm non đến trung học cơ sở.
Trong thời gian qua, các trường sư phạm ở nhiều tỉnh đều đã hoàn thành sứ mệnh của mình, đảm bảo việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên để thực hiện được phổ cập tiểu học và phổ cập trung học cơ sở.
Trong tương lai, các trường cao đẳng sư phạm phải phấn đấu, từng bước trở thành các trường đào tạo đa ngành ở địa phương.
Chương trình tọa đàm góp ý Dự thảo Điều lệ trường Cao đẳng sư phạm nhằm ghi nhận các ý kiến, đề xuất để các trường cao đẳng sư phạm tiếp tục được thực hiện sứ mệnh của mình; có thể liên kết với các trường đại học để thực hiện đào tạo giáo viên tiểu học, trung học cơ sở".
Góp ý cho Dự thảo điều lệ trường cao đẳng sư phạm, các trường nêu ra một số vấn đề sau.
Thứ nhất, hiện nay, đa số các trường cao đẳng sư phạm vừa thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, vừa thực hiện nhiệm vụ đào tạo một số ngành (ngoài sư phạm trước đây) mà nay thuộc giáo dục nghề nghiệp. Điều lệ không chỉ dừng lại ở việc đào tạo giáo viên mầm non, quan hệ với cơ sở giáo dục mầm non,… Do đó, không dùng những từ “mầm non” trong Điều lệ đối với những chỗ không cần thiết; bỏ các từ liên quan đến trung cấp sư phạm, giáo viên, học sinh sư phạm (trường cao đẳng sư phạm là giảng viên, sinh viên); dùng người học (thay cho sinh viên, học viên).
Thứ hai, trong điều lệ không nên dẫn chiếu điều luật mà ghi cụ thể những nội dung để thể hiện đặc thù trường cao đẳng sư phạm (hiện tại là không thuộc đối tượng điều chỉnh tại các nghị định Chính phủ hướng dẫn Luật Giáo dục nghề nghiệp và Luật Giáo dục Đại học).
Thứ ba, các trường trường cao đẳng sư phạm có các cơ quan quản lý cấp trên (chủ quản) khác nhau (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo), cho nên cần có quy định rõ về cơ quan quản lý cấp trên của trường cao đẳng sư phạm bám vào quy định tại Nghị định 127/2018/NĐ-CP ngày 21/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Độ tuổi bổ nhiệm nhiệm kỳ đầu tiên của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, trưởng-phó phòng, khoa có thể tăng lên vì tuổi nghỉ hưu cũng đã được tăng lên.
Thứ tư, đối với trường cao đẳng sư phạm công lập, Hội đồng trường chưa hẳn là đại diện quyền sở hữu của nhà trường; tổ chức Đảng lãnh đạo toàn diện hoạt động nhà trường; ngoài ra còn chịu sự quản lý của nhiều chủ thể liên quan đến tài chính, nhân sự. Vì vậy cần có quy định chặt chẽ, rõ ràng về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng trường và Chủ tịch Hội đồng trường.
Thứ năm, cần thống nhất (nhất quán) cách diễn đạt, nội hàm giữa các chương, các điều. Chẳng hạn, sử dụng cụm từ: “Trường Cao đẳng Sư phạm” thay thế “Trường sư phạm” xuyên suốt văn bản; tại điểm b, khoản 1, điều 6; điểm b, khoản 2, điều 11 có đề cập đến các ngành đào tạo của trường, song trong đa số các điều khác của dự thảo điều lệ chỉ đề cập đến các vấn đề liên quan đến đào tạo ngành Giáo dục Mần non như một ngành duy nhất; trong điểm b, khoản 2, điều 11; khoản 2 điều 14; điểm a, khoản 2, điều 16, theo nhận định, đều đề cập đến yêu cầu về chuyên môn của Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng và trưởng khoa, song có những cách diễn đạt khác nhau.
Cũng tại buổi tọa đàm, các trường cao đẳng sư phạm nêu một số kiến nghị, đề xuất.
Điều lệ trường cao đẳng sư phạm nên thể hiện được sự kết hợp giữa Điều lệ trường Cao đẳng và Điều lệ trường Đại học. Bởi lẽ, về cơ bản, trường cao đẳng sư phạm đào tạo trình độ cao đẳng chuyên nghiệp, 3 năm, chương trình liên thông lên đại học; đào tạo đội ngũ giáo viên, kỹ thuật viên, cán sự, …; mục tiêu là học vấn. Trường cao đẳng nghề đào tạo trình độ cao đẳng nghề, thời gian ngắn (ít hơn) 3 năm; đào tạo đội ngũ công nhân, nhân viên kỹ thuật, …; mục tiêu là tay nghề, bậc thợ.
Ngoài ra còn do chuẩn giảng viên cao đẳng sư phạm thấp hơn chuẩn giảng viên đại học nhưng phải cao hơn chuẩn giảng viên cao đẳng nghề. Tương tự như vậy về tổ chức, quản lý, các hoạt động,…của trường cao đẳng sư phạm với vị trí giữa cao đẳng - cao đẳng sư phạm – đại học.
Các trường cao đẳng cũng cho rằng, nên có quy định cụ thể hơn về hoạt động liên kết, hợp tác đào tạo giữa trường Cao đẳng sư phạm với các cơ sở đào tạo trong nước; bổ sung mở rộng phạm vi tuyển sinh ngoài tỉnh; Điều lệ ban hành sau nên các quy định tại điều lệ phải phù hợp với các Luật, Nghị định và Thông tư liên quan đến pháp nhân, các tổ chức, cá nhân thuộc trường cao đẳng sư phạm.