Ngày 1/6, 12 cán bộ giảng viên, bác sĩ cùng 60 sinh viên của trường Đại học Y Dược Thái Bình xuất quân chi viện đến Bắc Giang. Nhiệm vụ hằng ngày của đoàn là lấy mẫu xét nghiệm tại tâm dịch huyện Việt Yên.
Những ngày nắng nóng đỉnh điểm 38- 40 độ C, các chiến sĩ áo trắng phải làm việc vào khung giờ chiều tối và đêm khuya. Ca làm việc thường kết thúc vào lúc gần nửa đêm. Khi trở về địa điểm nghỉ ngơi, đồng hồ thường đã điểm 1-2 giờ sáng.
Hoạt động trên địa bàn huyện Việt Yên, nơi tập trung nhiều ca bệnh nhất, toàn đoàn luôn phải làm việc với cường độ cao. Có ngày đỉnh điểm, các chiến binh của Đại học Y Dược Thái Bình lấy được gần 6000 mẫu xét nghiệm.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn và các thành viên trong đoàn công tác của Bộ Y tế đến động viên đoàn tình nguyện Đại học Y Dược Thái Bình tại tâm dịch Bắc Giang. (Ảnh: NVCC) |
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Bác sĩ chuyên khoa II Khúc Văn Lập – Phó đoàn cho biết: “Chúng tôi chia thành từng nhóm nhỏ từ 3 - 4 người đi đến từng ngõ đang bị phong tỏa để lấy mẫu. Việc di chuyển thường sử dụng xe máy, có những lúc phải mượn xe máy của người dân hoặc nhờ các bạn tình nguyện viên hỗ trợ di chuyển”.
Công tác chống dịch đòi hỏi khẩn trương, nhanh chóng để truy vết ca bệnh. Việc rút ngắn thời gian làm việc tại thực địa, dù chỉ là một phút cũng đều đáng quý. Khi đó, kết quả xét nghiệm sẽ được xác định sớm hơn.
Bác sĩ Phạm Thị Dung – trưởng đoàn tình nguyện của trường Đại học Y Dược Thái Bình chia sẻ: “Điều tôi cảm thấy yên tâm và tự hào là 60 sinh viên của trường, dù ở những lớp học, những khóa học khác nhau nhưng lại có tinh thần đồng đội tuyệt vời, mỗi nhóm làm việc đều có nhóm trưởng để kết nối, hỏi thăm tình hình công việc và kịp thời hỗ trợ cho nhau khi cần.
Có những nhóm làm việc cách nhau đến 7 cây số nhưng nhờ chia sẻ ứng dụng định vị, những nhóm làm xong sớm sẽ đến và hỗ trợ những người bạn, những người đồng đội của mình”.
Các chiến sĩ áo trắng thực hiện lấy mẫu xét nghiệm tại 4 xã của huyện Việt Yên. (Ảnh: NVCC) |
Sau gần 10 ngày chiến đấu với “giặc Covid – 19” ở Bắc Giang, đoàn tình nguyện của Trường Đại học Y Dược Thái Bình tiếp tục được điều động thực hiện làm nhiệm vụ mới từ 9/6.
Từ công việc lấy mẫu xét nghiệm, đoàn được tăng cường về Trung tâm Y tế huyện Việt Yên để tham gia chăm sóc sức khỏe của người dân và hỗ trợ quản lý các khu cách ly tập trung F1.
Hiện tại trên địa bàn huyện có 60 khu cách ly tập trung với gần 7.000 đối tượng. Đoàn đã chia nhỏ để tác chiến độc lập, mỗi thành viên trong đoàn được cử về 1 khu cách ly để thay thế cho một cán bộ y tế Bắc Giang đã tham gia công tác chống dịch tại đây từ đầu tháng 5.
"Với nhiệm vụ mới, có thể nói phía trước sẽ còn nhiều khó khăn, thử thách hơn nhưng chúng tôi vẫn vững lòng, quyết tâm với mọi công việc. Những chiến sĩ áo trắng không bao giờ ngại khó, ngại khổ và luôn sẵn sàng xông pha, cống hiến" – Bác sĩ Dung chia sẻ.
Những sinh viên Y khoa luôn sẵn sàng cống hiến và hỗ trợ đồng đội lúc khó khăn. (Ảnh: NVCC) |
Thời gian làm nhiệm vụ ở Bắc Giang là những ngày đặc biệt nhất, đáng nhớ nhất trong cuộc đời của các bác sĩ, các bạn sinh viên trường y. Trong ký ức của bác sĩ Dung, đây là những ngày tháng đong đầy yêu thương, khi những chiến binh áo trắng được tiếp sức bởi tình cảm của những người dân nơi đây.
"Khi lấy mẫu ở xã Quang Châu, nơi đây có một hồ sen rất đẹp. Thế nhưng đoàn chúng tôi không có thời gian để được thưởng ngoạn vẻ đẹp và hương thơm của những đóa hoa sen, vì khi tới nơi, người dân đã chờ mình, chúng tôi phải bắt tay vào công việc luôn. Đến khi kết thúc công việc thì trời đã về khuya.
Nhưng một điều thật bất ngờ, khi đoàn chuẩn bị lên xe trở về thì người dân và các bạn tình nguyện viên đã chuẩn bị sẵn từ bao giờ một bó hoa sen tặng cho các thành viên trong đoàn.
Đóa hoa sen ấy là những tình cảm yêu thương bình dị nhất và chúng tôi trân quý vô cùng. Nhưng do yêu cầu khắt khe về an toàn phòng chống dịch, chúng tôi không thể mang hoa từ tâm dịch về nên chỉ có thể ghi nhận những tình cảm của người dân qua những tấm hình kỷ niệm với đóa hoa ngát hương ấy.
Trong những ngày làm nhiệm vụ, người dân còn làm tặng cho đoàn một clip ngắn từ những tấm hình mà chính họ đã chụp lại. Điều đó khiến chúng tôi thấy cảm động vô cùng", bác sĩ Dung nhớ lại.
Người dân Bắc Giang đã hái hoa sen gửi tặng các bác sĩ thay cho lời cảm ơn. (Ảnh: NVCC) |
Trong những ngày tháng khó khăn, gian nan vì dịch bệnh, nghĩa tình đồng bào lại càng trở nên sâu nặng, ân tình. Thế nhưng, những chiến sĩ áo trắng còn nhận được tình cảm yêu thương từ những người nước ngoài đang làm việc tại Bắc Giang.
Đó là ông Hitosi Mukai, một chuyên gia người Nhật phụ trách đối ngoại của Công ty cổ phần Nhân lực quốc tế ICO. Ông đã có 7 năm gắn bó với mảnh đất Bắc Giang. Khi dịch bùng phát, ông không trở về nước mà tình nguyện ở lại vùng dịch để hỗ trợ.
Bác sĩ Phạm Thị Dung tâm sự: "Bác tình nguyện vào làm việc tại những điểm nghỉ ngơi của các bác sĩ mà không từ chối bất cứ việc gì, dù là quét dọn khu vực vệ sinh, phòng ở đến giặt giũ chăn, màn hay bố trí đồ vệ sinh cá nhân cho các đoàn y tế đến Bắc Giang làm việc.
Rất nhiệt tình, rất tâm huyết, mỗi lần chúng tôi rời đi làm nhiệm vụ là bác lại bắt đầu lấy khăn, xô, chậu dọn dẹp và vệ sinh căn phòng. Tôi tin rằng, bác cũng đã dành thật nhiều tình cảm yêu thương cho đất nước Việt Nam của chúng ta".
Khi tổ quốc gọi tên, những bác sĩ, sinh viên ngành y đã không ngại khó khăn, gian khổ, họ bước vào tâm dịch với lòng quyết tâm cao. Trong đoàn tình nguyện của trường Đại học Y Dược Thái Bình, có những bác sĩ trẻ dù có con nhỏ nhưng vẫn sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ.
Sinh viên ngành y không ngại khó khăn, gian khổ, họ bước vào tâm dịch với lòng quyết tâm cao. (Ảnh: NVCC) |
Cô Dung cho biết: "Trong đoàn có những thầy giáo mới được lên chức bố hay có cô giáo trẻ có con chỉ mới 2-3 tuổi nhưng vẫn ghi danh để tham gia chi viện cho Bắc Giang.
Ngày cả đoàn lên đường cũng là một ngày đặc biệt - ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, vậy mà các bác sĩ đã phải chuẩn bị khởi hành từ 5 giờ sáng, họ không thể ở lại bên cạnh những đứa con bé bỏng trong ngày đặc biệt này.
Nhưng bù lại, chúng tôi nhận được nhiều tình cảm, sự quan tâm của tỉnh ủy Bắc Giang qua những món quà mà tỉnh ủy đã trao cho các cháu nhỏ là con của những cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ chống dịch trong đoàn”.
Có bước vào tâm dịch mới hiểu hết những hiểm nguy, gian nan trong cuộc chiến cam go này.
Có một ngày đi kiểm tra hoạt động lấy mẫu xét nghiệm tại Khu công nghiệp Quang Châu, Bác sĩ Dung chứng kiến hình ảnh cả một khu công nghiệp rộng lớn nhưng mọi hoạt động đóng băng, im lìm.
“Cảnh tượng ấy khiến tôi cảm thấy rất đau lòng, xót xa. Với một khu công nghiệp vốn sầm uất giờ bỗng trở nên tĩnh lặng. Dịch bệnh ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta rất nhiều. Chính vì vậy, điều tôi mong mỏi là mỗi chúng ta hãy có ý thức phòng chống dịch, mỗi người dân cần phải là một chiến sĩ trong cuộc chiến chống Covid. Có như vậy, đất nước chúng ta mới nhanh chóng giành chiến thắng và đẩy lùi được dịch bênh", Bác sĩ Dung tâm sự.
“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.