Giáo viên phản biện Vụ trưởng Thành: giáo án mẫu 5512 cần bỏ, đừng cố đấm ăn xôi

13/06/2021 07:15
Lê Mai
GDVN- Việc soạn Kế hoạch bài dạy theo Công văn 5512 được giáo viên đánh giá là dài, hình thức, không có tác dụng nâng cao chất lượng dạy học.

Bài viết “Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học giải thích mẫu giáo án 5512 và "thư công tác"” của tác giả Thùy Linh đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã thu hút rất nhiều bạn đọc, trong đó có tôi.

Ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nói: “Dạy học phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh là thực hiện "Học qua làm". Khung kế hoạch bài dạy theo mẫu tại phụ lục của Công văn 5512 nhằm gợi ý cho giáo viên cách thiết kế các hoạt động để giao cho học sinh "làm để học".

Muốn vậy thì "Câu hỏi" hoặc "Câu lệnh" cần cho học sinh hiểu rõ phải "Làm gì?", "Làm như thế nào?" và "Làm ra cái gì?".

Như vậy, "kịch bản" tổ chức các hoạt động trong bài học là rất ngắn gọn. Nếu giáo viên xác định trúng vấn đề thì chỉ cần khoảng 2 - 3 trang/tiết; một bài 2 tiết thì Kế hoạch bài dạy chỉ khoảng 3-5 trang; không thể dài hàng chục trang như một số thầy, cô đã làm, phản ánh”.[1]

Là giáo viên nhưng khi ông Thành nói, tôi nghi ngờ trình độ đọc hiểu văn bản của mình, nên đã hỏi rất nhiều giáo viên dạy Ngữ văn khác, tất cả đều trả lời: Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH bắt buộc, ra lệnh giáo viên thực hiện theo các Phụ lục (I,II,II,IV), chứ không phải nhằm gợi ý cho giáo viên cách thiết kế các hoạt động để giao cho học sinh làm để học như ông Thành đã giải thích.

Hiện nay, giáo viên đã và đang thực hiện chương trình Tập huấn và Bồi dưỡng giáo viên do Bộ giáo dục và Đào tạo tổ chức. Có 9 mô-đun cho 19 môn học của giáo viên phổ thông.

Giáo viên bắt buộc phải soạn Kế hoạch bài dạy theo Phụ lục IV Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH, ông Thành có thể kiểm chứng trong “kho” của chương trình Bồi dưỡng chương trình 2018 mà Bộ đang chỉ đạo.

Cô giáo H. (đề nghị không nêu tên) ở Đồng Nai chia sẻ: “Em rất mừng khi ông Thành nói, nhưng thực tế lại là một chuyện khác ạ!

Em đã được tập huấn mô-đun 3, thực hiện soạn Kế hoạch bài dạy một chủ đề ở môn Khoa học tự nhiên lớp 6, chủ đề có ba tiết, soạn rất ngắn gọn 1 tiết.

Cụ thể, kế hoạch bài dạy Chủ đề: CHẤT VÀ SỰ BIẾN ĐỔI CỦA CHẤT, Bài: TÁCH CHẤT RA KHỎI HỖN HỢP, dài 8 trang cho tiết 1. (Chi tiết bạn đọc có thể tham khảo tại đây)

Với chương trình mới được giáo viên đánh giá khi soạn theo Công văn 5512 rất dài, dù đã tìm mọi cách có thể rút gọn lại.

Với chương trình cũ thì sao? Nếu soạn Kế hoạch bài dạy theo Công văn 5512 liệu có “khoảng 2 -3 trang/tiết; một bài 2 tiết thì Kế hoạch bài dạy chỉ khoảng 3-5 trang” như ông Thành đã nói?

Thầy giáo H. (đề nghị không nêu tên) đã gửi cho người viết Kế hoạch bài dạy Chủ đề OXI, ở chương trình hóa học lớp 8 đang dạy hiện hành để tham khảo.

Kế hoạch bài dạy Chủ đề OXI, ở chương trình hóa học lớp 8 hiện nay được quy định 3 tiết, Kế hoạch bài dạy có... 13 trang cho chủ đề này. (Cụ thể, bạn đọc có thể tham khảo ở đây)

Việc soạn Kế hoạch bài dạy theo Công văn 5512 được giáo viên đánh giá là dài, hình thức, không có tác dụng nâng cao chất lượng dạy học. Vì thế, không ít giáo viên đã sử dụng “tối sách” mua giáo án 5512 đã và đang “mua, bán, xin, cho, tặng” trên mạng xã hội.

Các nước có nền giáo dục tiên tiến không quy định mẫu kế hoạch bài dạy (giáo án) cho giáo viên. Việc trình bày Kế hoạch bài dạy (giáo án) thế nào do giáo viên quyết định, miễn sao tiết dạy, giờ dạy đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh theo mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục hiện nay đó mới là thượng sách.

Giáo viên có thể tự soạn Kế hoạch bài dạy (giáo án) theo cách hiểu, cách dạy, sở thích, phong cách của mình; hay tham khảo giáo án của người khác, sửa đổi cho phù hợp với mình, với thực tế dạy học của địa phương.

Để phát triển phẩm chất, năng lực học sinh theo mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục hiện nay phải tôn trọng học sinh, tuyệt đối không “đồng phục” trong giáo dục học sinh.

Việc quy định “văn mẫu”, “giáo án mẫu” là phản giáo dục, là triệt tiêu tự do sáng tạo của cả trò và thầy.

Hãy để thầy cô giáo tự do, thăng hoa trong từng tiết dạy, đừng “nhốt” giáo viên bằng những văn bản, chỉ thị hành chính cứng nhắc như Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH, bắt buộc giáo viên phải thực hiện theo các phụ lục.

Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH bắt buộc giáo viên phải thực hiện theo các phụ lục chứ không phải do giáo viên hiểu nhầm. Xin lãnh đạo Bộ Giáo dục hãy “vi hành” xuống thực tế, hãy đóng vai mình là giáo viên, trước khi chỉ đạo bất cứ vấn đề gì.

Gắn với thực tiễn cuộc sống sẽ không có chuyện “Nếu phải đứng lớp và soạn giáo án theo mẫu 5512 Vụ trưởng Thành đã không nói thế”, “Vụ trưởng làm ơn cho xem mẫu giáo án 5512 chỉ 3-5 trang, chớ nói cho qua chuyện”.

Sai thì nên sửa, chưa thật đúng thì sửa cho đúng, nguyện vọng của giáo viên chúng tôi là “Bộ nên cầu thị thu hồi Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH, bỏ mẫu giáo án dài dòng vô bổ”, nếu không thu hồi, bộ nên có văn bản chỉ đạo các Phụ lục trong Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH là tài liệu tham khảo, nhằm gợi ý cho giáo viên cách thiết kế các hoạt động để giao cho học sinh "làm để học".

Tài liệu tham khảo:

[1]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/vu-truong-vu-giao-duc-trung-hoc-giai-thich-mau-giao-an-5512-va-thu-cong-tac-post218343.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Lê Mai