Xót xa 'chiến binh áo trắng' ngất vì nắng nóng, sinh viên thiết kế áo làm mát

12/06/2021 06:16
Ngân Chi
GDVN- Sinh viên Trường đại học Bách khoa Hà Nội đã thiết kế áo làm mát, giúp giảm nhiệt độ trong áo bảo hộ xuống 26-27 độ C.

Động lực từ nỗi vất vả nơi “tâm dịch”

Từ những ngày đầu tháng 5, dịch Covid-19 bùng phát trở lại trong cộng đồng, lực lượng tuyến đầu chống dịch tại nhiều địa phương lại bước vào một trận chiến mới.

Nhìn hình ảnh y bác sĩ mồ hôi nhễ nhại, người phồng rộp, thậm chí ngất xỉu khi phải mặc áo bảo hộ quá lâu trong thời tiết nắng nóng, nhóm sinh viên Trường đại học Bách khoa Hà Nội không khỏi trăn trở với suy nghĩ, phải làm gì đó để giúp những “chiến binh áo trắng” bớt đi phần nào vất vả.

Nhóm sinh viên mong chiếc áo làm mát có thể giúp những “chiến binh áo trắng” bớt đi phần nào vất vả. Ảnh: NVCC

Nhóm sinh viên mong chiếc áo làm mát có thể giúp những “chiến binh áo trắng” bớt đi phần nào vất vả. Ảnh: NVCC

Đó cũng chính là động lực đã thôi thúc nhóm sinh viên K62 của Viện Kỹ thuật Hóa học, gồm Phạm Đình Giỏi, Nguyễn Thị Hương Hảo và Kiều Thị Thùy Linh bắt tay vào ý tưởng thiết kế áo làm mát, với công dụng hạ nhiệt trong bộ đồ bảo hộ.

“Ngay từ những thời điểm đầu tiên xuất hiện dịch Covid-19 tại Việt Nam, nhóm cũng đã có ý định sẽ triển khai ý tưởng về một sản phầm nào đó để có thể góp sức cho cuộc chiến chung, nhưng do chưa có được ý tưởng cụ thể nên nhóm vẫn chỉ có thể góp sức bằng cách ủng hộ mỗi khi Nhà nước kêu gọi. Và đến đợt dịch mới đây nhất, nhóm đã nung nấu ý chí sẽ phải tạo ra bằng được một sản phẩm giúp y bác sĩ nơi tuyến đầu” - Nguyễn Thị Hương Hảo (thành viên nhóm nghiên cứu) bày tỏ.

Với kinh nghiệm làm mũ bảo hiểm chống nóng từ trước cùng với sự cố vấn của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Đình Tiến (Trưởng Bộ môn Máy và Thiết bị công nghiệp Hóa chất), nhóm nhanh chóng đưa ra thiết kế sản phẩm theo nguyên lý tuần hoàn nước lạnh.

Được biết, áo làm mát không phải một sản phẩm xa lạ đối với người dân trên thế giới. Tuy nhiên, chiếc áo này có giá thành khá cao và phải nhập khẩu từ nước ngoài. Vì vậy, nhóm sinh viên này đã sáng chế ra sản phẩm áo làm mát với giá chỉ bằng 1/4 so với thị trường và trọng lượng chỉ khoảng 1kg.

Chia sẻ về khó khăn khi hiện thực hóa ý tưởng, Trưởng nhóm Phạm Đình Giỏi cho hay: “Tiêu chí đầu tiên mà nhóm cân nhắc là áo làm mát không ảnh hưởng chức năng phòng, chống dịch của bộ đồ bảo hộ. Ngoài ra, sản phẩm cũng cần ưu tiên nhỏ gọn, thông thoáng và thoải mái cho hoạt động của người sử dụng, nếu không, các y bác sĩ mang trên mình sẽ rất cực. Đồng thời, không kém phần quan trọng, đó chính là tốc độ nghiên cứu.

Do tình hình dịch vẫn diễn biến căng thẳng và miền Bắc đang bước vào những ngày hè nóng nực, thời tiết mỗi lúc một gay gắt, hình ảnh các y bác sĩ mệt lả, thậm chí ngất xỉu vẫn cứ xuất hiện mỗi ngày trên tin tức..., điều đó khiến chúng tôi càng nóng lòng hơn”.

Do đang trong thời điểm giãn cách xã hội, việc may áo gặp rất nhiều khó khăn. “Nhóm nghiên cứu đã liên hệ đến nhiều cơ sở may nhưng đều nhận được những cái lắc đầu từ chối, chúng tôi có lúc còn có ý nghĩ phải từ bỏ. Rất may mắn, chúng tôi nhận được sự tư vấn, hỗ trợ của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lã Thị Ngọc Anh (nguyên Trưởng Bộ môn May và Thời trang - Viện Dệt May Da giầy và Thời trang), nên đã hoàn thiện mẫu áo đầu tiên trong chưa đầy một ngày. Có lẽ, cô cũng cảm nhận được nỗi niềm nơi tuyến đầu nên đã cùng các cộng sự miệt mài làm việc đến tận đêm khuya để hoàn thiện” - Hương Hảo cho biết.

“Nếu tuyến đầu cần giúp đỡ thì hậu phương sẽ có mặt”

Mặc dù đang bước vào “trận chiến” với những bài thi cuối học kỳ, những sinh viên năng động vẫn không quên dành thời gian cho kế hoạch đầy tâm huyết này.

Hương Hảo chia sẻ: “Mặc dù vừa ôn thi vừa làm nghiên cứu nhưng chúng em vẫn cố gắng hoàn thành sớm nhất có thể, có những bữa bàn bạc, lên bản thiết kế 3D và lên ý tưởng cải thiện đến tận đêm. Đến khi thử nghiệm thành công thì ai nấy đều vui đến mức lần lượt thử chiếc áo trong cảm giác vui sướng, cười đến nỗi cả khu trọ phải ngó ra xem”.

Chàng sinh viên Phạm Đình Giỏi cũng nhớ lại: “Do dịch Covid-19 nên chúng tôi đã không thể nghiên cứu và thiết kế ở phòng thí nghiệm của trường mà phải biến nhà trọ của tôi thành “phòng thí nghiệm bất đắc dĩ.

Trong quá trình thử nghiệm sản phẩm, để có thể đánh giá khách quan và đúng nhất, chúng tôi đứng giữa trời nắng hơn 40 độ C, vẫn mặc áo khoác và mặc áo làm mát để thử. Thực sự lúc đó, chắc hẳn chúng tôi trông rất kỳ, mọi người cứ nhìn chúng tôi với mắt kiểu “dở hơi, khó hiểu”... Đến giờ, nhắc lại, tôi vẫn thấy buồn cười”.

Qua thử nghiệm, áo làm mát tuần hoàn nước lạnh có thời gian làm mát nhanh, người dùng không bị tháo mồ hôi. Chiếc áo làm mát của nhóm được thiết kế kiểu áo ba lỗ, có trọng lượng khoảng 1 kg khi ba lô chứa nửa lít nước lạnh; phần trong gồm các lớp vải, giữa các lớp là đường ống để làm mát và bảo ôn. Người dùng mặc áo bên trong lớp đồ bảo hộ. Đường ống dẫn nước được luồn qua chỗ trước cằm, cắm vào ba lô đựng nước đá đeo sau lưng.

Sản phẩm áo làm mát hoàn thiện. Ảnh: NVCCSản phẩm áo làm mát hoàn thiện. Ảnh: NVCC

Thành viên nhóm nghiên cứu giải thích: Nước tuần hoàn, không thất thoát nên chỉ cần lượng vừa đủ để bơm hoạt động. Sau khi có sản phẩm, nhóm đã tiến hành thử nghiệm ở nhiệt độ ngoài trời 38 độ C, bên trong áo bảo hộ là 42 độ C. Áo làm mát giúp nhiệt độ bên trong giảm xuống còn 26-27 độ C. Hôm nào nhiệt độ ngoài trời gay gắt hơn, nhiệt độ bên trong tăng nhẹ lên 27-28 độ C.

Thời gian làm mát kéo dài khoảng 4 tiếng, tuy nhiên, việc bỏ thêm đá lạnh 2 tiếng/lần sẽ giúp đạt hiệu quả chống nóng tốt nhất. Người sử dụng có thể điều chỉnh nhiệt độ thông qua lưu lượng bơm. Sản phẩm sử dụng pin dự phòng điện thoại nên có thể hoạt động cả ngày.

“Áo có ưu điểm làm mát nhanh nhưng không gây sốc nhiệt. Kết quả thử nghiệm cho thấy người mặc không chảy mồ hôi nhiều, hạn chế mất nước, mất muối”, Phạm Đình Giỏi cho biết thêm.

Tuy nhiên, do thời gian gấp gáp, chiếc áo làm mát chưa đạt tính thẩm mỹ như cả nhóm mong đợi. Nhóm sinh viên cũng bật mí, sẽ tiếp tục cải thiện ở phần ba lô, có thể làm thêm đai thắt để cố định khi người dùng làm việc. Đồng thời, cả nhóm vẫn đang cố gắng cải tiến sản phẩm, với mong muốn giảm thiểu tối đa số lần bổ sung nước đá của người sử dụng trong quá trình làm việc.

“Chi phí một chiếc áo may lẻ chưa đến 500.000 đồng và chắc chắn sẽ còn rẻ hơn rất nhiều khi sản xuất đại trà. Hiện tại, ngoài việc nghiên cứu cải tiến sản phẩm, nhóm tìm kiếm đơn vị tài trợ để có thể may áo, nhanh chóng gửi đến các y bác sĩ tuyến đầu để họ đỡ vất vả khi chống dịch trong thời tiết nắng nóng gay gắt.

Chúng tôi trân quý và cũng hy vọng rằng, các y bác sĩ nơi tuyến đầu hãy luôn giữ vững tinh thần trong cuộc chiến chống Covid-19 lần này. Hậu phương phía sau vẫn luôn dõi theo, nếu tuyến đầu cần giúp đỡ thì hậu phương sẽ có mặt”, Hương Hảo nhắn nhủ.

Không chỉ phục vụ cho trận chiến chống dịch Covid-19, áo làm mát tuần hoàn nước lạnh của nhóm nghiên cứu còn mang đến một giải pháp hữu hiệu dành cho những người làm việc trong môi trường nóng bức hoặc những người thường xuyên phải di chuyển ngoài trời.

Ngân Chi