Lâm Đồng tạm cắt phụ cấp thâm niên 22.000 nhà giáo không phù hợp cả tình lẫn lý

11/06/2021 06:30
BÙI NAM
GDVN- Việc tạm dừng phụ cấp thâm niên, có thể truy lĩnh sau này đối với những người có điều kiện thì không sao nhưng đối với đa phần giáo viên là cả một vấn đề rất lớn.

Sự việc “Hơn 22.000 nhà giáo bị dừng phụ cấp thâm niên” được đăng tải trên báo điện tử VietnamNet, theo nội dung báo viết “Do chưa có hướng dẫn thực hiện lương mới, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định dừng chi trả phụ cấp thâm niên nhà giáo. Ước tính có khoảng 22 nghìn giáo viên trên địa bàn chịu ảnh hưởng của quyết định này.”

Bài viết nhận được sự quan tâm rất lớn của giáo viên cả nước, nhiều giáo viên bức xúc vì việc bị tạm dừng đột ngột phụ cấp thâm niên.

Theo nội dung bài viết thì “Theo công văn do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng là ông Đặng Trí Dũng ký ngày 28/5, trong khi chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, tỉnh này đồng ý tạm dừng thực hiện chi trả phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo và tạm thời chưa thu hồi phụ cấp thâm niên nhà giáo đã chi trả cho đến khi có chỉ đạo và hướng dẫn của Trung ương, như đề xuất của Sở tài chính.” [1]

Sau bài viết đăng tải thì hàng chục ngàn giáo viên bị ảnh hưởng do bị tạm dừng phụ cấp thâm niên nhà giáo, thu nhập của giáo viên khó khăn càng khó khăn hơn, biết bao lời hứa cải thiện lương chưa thực hiện, đã 2 năm rồi do thiên tai, dịch bệnh đã không tăng lương cơ sở ở các năm 2020, 2021 nhưng khi chưa có văn bản rõ ràng mà tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quyết định tạm dừng phụ cấp thâm niên nhà giáo là trái cả tình lẫn lý.

(Ảnh minh hoạ: Baochinhphu.vn)

(Ảnh minh hoạ: Baochinhphu.vn)

Dừng phụ cấp thâm niên đối với giáo viên: không hợp tình

Sau khi có thông tin hơn 22.000 nhà giáo bị dừng phụ cấp thâm niên thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có ý kiến.

Về việc này, trao đổi với VietNamNet, đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay, hiện, Bộ đang soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định 54 về phụ cấp thâm niên để các địa phương tiếp tục triển khai phụ cấp này cho giáo viên.

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng thông tin thêm, hiện nay, có địa phương vẫn chi trả cho giáo viên, có địa phương cho giáo viên tạm ứng, nhưng cũng có địa phương tạm dừng việc này.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định việc tạm dừng này không có nghĩa là giáo viên bị mất khoản phụ cấp này.

“Nếu địa phương nào tạm dừng thì khi có văn bản mới quy định phụ cấp thâm niên, giáo viên sẽ được truy lĩnh và như vậy không có vấn đề gì. Trong Nghị định được xây dựng mới chắc chắn cũng nói đến việc đơn vị nào tạm dừng hoặc chưa chi trả thì sẽ phải truy lĩnh cho giáo viên”, vị này nói. [2]

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như trên theo tôi là chưa thỏa đáng, không hợp lý, thời gian giáo viên bị tạm dừng phụ cấp thâm niên, cuộc sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn kinh tế phải đi vay mượn, phải trả lãi vay,… thì ai bù đắp cho việc trên.

Đời sống giáo viên khó khăn, thu nhập nhiều giáo viên thấp,… việc tạm dừng phụ cấp thâm niên, có thể truy lĩnh sau này đối với những người có điều kiện thì không sao nhưng đối với đa phần giáo viên là cả một vấn đề rất lớn, lương đã không tăng, thu nhập lại giảm thì đời sống giáo viên vô cùng khó khăn.

Nên việc Lâm Đồng và một số địa phương khác khi chưa có văn bản rõ ràng lại tạm dừng phụ cấp thâm niên cho giáo viên là không phù hợp.

Bên cạnh đó, nguồn ngân sách chi cho giáo dục theo tôi được biết đã được cấp từ đầu năm, bây giờ tạm dừng chi giữa năm thì số tiền đó vẫn nằm trong ngân sách, nhưng giáo viên thì lại không được chi trả là quá bất công.

Đáng lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có công văn đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng tiếp tục chi trả phụ cấp thâm niên cho giáo viên, nhưng Bộ lại chọn cách “an ủi” giáo viên sẽ được truy lĩnh là điều khiến giáo viên hoang mang, lo lắng hơn.

Bức xúc hơn, trả lời báo VietnamNet, bà Phạm Thị Tường Vân, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng cho rằng: “việc tạm dừng chi trả và chưa thu hồi phụ cấp thâm niên nghề đối với giáo viên ở tỉnh Lâm Đồng là đúng quy định hiện hành, có tình, có lý” [3]

Bà Phạm Thị Tường Vân, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng viện dẫn Luật Giáo dục có hiệu lực 01/7/2020 đã không còn quy định phụ cấp thâm niên và chưa có hướng dẫn mới nên tạm dừng phụ cấp thâm niên là đúng quy định hiện hành.

Có tình, có lý theo kiểu gì mà hàng chục ngàn giáo viên bị mất thâm niên khi chưa có văn bản rõ ràng.

Cắt thâm niên 22.000 giáo viên khi chưa thực hiện lương mới là quá vô lý

Nói về tình thì rõ ràng cách làm của Uỷ ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng là chưa phù hợp.

Nói về pháp lý thì cũng không đúng vì các lý do sau đây:

Thứ nhất, Luật Giáo dục 2019 chưa áp dụng về lương mới nên chưa thể bỏ phụ cấp thâm niên

Theo đó, tại Điều 76 Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 ngày 14/6/2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020) quy định về tiền lương “Nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù theo nghề theo quy định của Chính phủ”.

Như vậy, trong Luật Giáo dục đã quy định về tiền lương nhà giáo từ 01/7/2020 gồm 2 phần là được trả lương theo vị trí việc làm (điều kiện cần) và được được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù theo nghề theo quy định của Chính phủ.

Rõ ràng, từ ngày 01/7/2020 giáo viên chưa được trả lương theo vị trí việc làm (dự kiến thực hiện từ 01/7/2022), tức là quy định về tiền lương của giáo viên chưa được thực hiện quy định của Luật Giáo dục, khi chưa thực hiện lương theo vị trí việc làm thì không có lý do gì để tạm dừng hay cắt bỏ phụ cấp thâm niên nhà giáo hiện hành.

Một số địa phương vội vàng tạm dừng chi trả phụ cấp thâm niên, tôi cho rằng không hợp lý.

Thứ hai, chưa có văn bản nào của Trung ương về tạm dừng phụ cấp thâm niên nhà giáo

Đầu tiên, ngày 20/7/2020 trên báo Thanh niên có đăng bài viết “Bộ Giáo dục và Đào tạo: Chưa bỏ phụ cấp thâm niên của giáo viên”.

Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo), khẳng định: “Tại thời điểm này, lương và phụ cấp của nhà giáo vẫn áp dụng thực hiện theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, chưa có bất cứ thay đổi nào. Vì vậy, các chế độ chính sách về lương và phụ cấp, trong đó có cả phụ cấp thâm niên mà GV đang được hưởng hiện nay vẫn được giữ nguyên cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương mới”. [4]

Như vậy, quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo rất rõ, khi chưa thực hiện lương mới theo vị trí việc làm thì giáo viên vẫn nhận lương theo quy định hiện hành, tức là vẫn còn phụ cấp thâm niên.

Tiếp theo, trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có đăng tải bài viết “Tin vui: không cắt phụ cấp thâm niên nhà giáo đến khi có chính sách lương mới”

Nội dung bài cho biết: “Sáng ngày 15/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có buổi gặp mặt với 183 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu toàn quốc nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2020.

Điều đáng chú ý là trong buổi gặp mặt này thì Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã thông tin: “Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội phương án tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên với nhà giáo cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương mới.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý và giao cho Chính phủ triển khai thực hiện”. [5]

Gần đây nhất ngày 11/02/2021, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục đăng tải bài viết “Tin vui ngày Tết: thống nhất đề xuất Chính phủ giữ phụ cấp thâm niên nhà giáo

Nội dung trong bài viết nêu “Mới nhất, ngày 02/02/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn 460/BGDĐT-NGCBQLGD gửi Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo.

Công văn nêu rõ: Ngày 09/11/2020, tại Phiên họp thứ 50, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo nhằm giúp nhà giáo ổn định đời sống, yên tâm công tác trong thời gian chính sách tiền lương mới chưa được áp dụng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã dự thảo các phương án đề xuất tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo và xin ý kiến các Bộ có liên quan.

Trên cơ sở ý kiến góp ý của các Bộ liên quan và giúp các địa phương có căn cứ tiếp tục triển khai thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất: Chính phủ ban hành Nghị quyết của Chính phủ cho phép tiếp tục áp dụng chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo theo quy định tại Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ.”[6]

Thứ ba, Nghị định 54/2011/NĐ-CP về phụ cấp thâm niên nhà giáo vẫn còn hiệu lực

Đây là điều quan trọng về mặt pháp lý.

Việc trả phụ cấp thâm niên nhà giáo được thực hiện theo Nghị định số 54/2011/NĐ-CP về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo đến nay vẫn còn hiệu lực chưa có Nghị định nào thay thế (có sửa đổi, bổ sung đối tượng được hưởng) cũng chưa bị bãi bỏ hoặc hết hiệu lực, nên đương nhiên giáo viên vẫn còn được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo theo Nghị định 54 trên của Chính phủ.

Nên việc một số địa phương và mới đây là Uỷ ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng vội vàng tạm dừng chi trả phụ cấp thâm niên cho nhà giáo theo người viết là không phù hợp với quy định của pháp luật.

Như vậy, cho đến thời điểm hiện nay kể cả Luật Giáo dục kể cả các văn bản, ý kiến của lãnh đạo Bộ Giáo dục, Ủy ban thường vụ Quốc hội đều chưa có bất kỳ nội dung nào yêu cầu tạm dừng chi trả phụ cấp thâm niên cho nhà giáo.

Đời sống giáo viên còn nhiều khó khăn, việc tạm dừng chi trả phụ cấp thâm niên nhà giáo lúc này không phù hợp cả tình lẫn lý. Rất mong các cơ quan ban ngành vào cuộc và cho ý kiến chỉ đạo cụ thể.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/lam-dong-tam-dung-tra-phu-cap-tham-nien-nha-giao-741191.html

[2] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/lam-dong-tam-dung-chi-tra-phu-cap-tham-nien-bo-gd-dt-noi-gi-742048.html#inner-article

[3] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/so-tai-chinh-lam-dong-quyet-dinh-ve-phu-cap-tham-nhien-nha-giao-la-co-ly-co-tinh-743866.html?

[4] https://thanhnien.vn/giao-duc/bo-gd-dt-chua-bo-phu-cap-tham-nien-cua-giao-vien-1253621.html

[5] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/tin-vui-khong-cat-phu-cap-tham-nien-nha-giao-den-khi-co-chinh-sach-luong-moi-post213652.gd

[6] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/tin-vui-ngay-tet-thong-nhat-de-xuat-chinh-phu-giu-phu-cap-tham-nien-nha-giao-post215604.gd

[7] Số: 460/BGDĐT-NGCBQLGD V/v tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo

[8] Luật Giáo dục 2019.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

BÙI NAM