Thủ khoa khối C Hà Nội nói về sai lầm trong ôn thi, chỉ cách né 'bẫy' của đề

14/06/2021 06:06
Ngân Chi
GDVN- "Em muốn nhắc các thí sinh năm nay hãy tận dụng tối đa thời gian để phát huy năng lực tự học của mình", Hoàng Phương Thảo cho biết.

Từng vấp phải sai lầm trong chiến lược ôn thi, song nữ sinh Hà Nội vẫn kịp thời tìm đúng “chiến thuật” để bứt phá chinh phục kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2020, trở thành Thủ khoa khối C của Hà Nội và là Á khoa toàn quốc. Bí quyết đó là gì?

Để “nằm lòng” kiến thức khối C, cần sơ đồ tư duy

Đó là lời nhắn nhủ chân thành của nữ sinh Hoàng Phương Thảo (Thủ khoa khối C năm 2020 tại Hà Nội, Á khoa toàn quốc) với 29 điểm (Ngữ văn: 9, Lịch sử: 10, Địa lý: 10).

Phương Thảo rất chia sẻ với những thí sinh năm nay, bởi bản thân cô nàng cũng từng có một năm học lớp 12 đặc biệt như vậy, cũng phải tận dụng triệt để thời gian để vừa học trực tuyến vừa ôn luyện kiến thức trước kỳ thi quan trọng.

“Em hoàn toàn hiểu cảm giác của các thí sinh năm nay, cũng tương tự như chúng em năm trước. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, học sinh phải tạm dừng đến trường, chuyển sang hình thức học và ôn tập trực tuyến, cả ngày nhìn vào màn hình điện thoại, laptop, chắc chắn không khỏi cảm thấy... chán. Có thể sẽ có những bạn lo lắng hơn vì không thể đi học thêm, bồi dưỡng kiến thức, cũng là một thiệt thòi.

Tuy nhiên, em chỉ muốn nhắc các thí sinh năm nay hãy tận dụng tối đa thời gian để phát huy năng lực tự học của mình.

Em cho rằng, việc đi học trên lớp hay học thêm bên ngoài cũng chỉ là học sinh được giáo viên nhắc lại kiến thức, còn học ở nhà, ai cũng có thể chủ động hơn trong việc tiếp cận kiến thức nào, cần bổ sung những kiến thức nào đang còn hổng, còn yếu...”, Thảo bày tỏ.

Hoàng Phương Thảo, Thủ khoa khối C tại Hà Nội với 29 điểm. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Hoàng Phương Thảo, Thủ khoa khối C tại Hà Nội với 29 điểm. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Nhắc đến chiến lược ôn tập của mình trước đây, nữ Thủ khoa bỗng bật cười: “Trong giai đoạn đầu ôn thi, em đã mắc phải một sai lầm! Lúc đó, em tự vạch kế hoạch mỗi ngày phải ôn cả 3 môn, sáng học Văn, chiều học Địa, tối học Sử, mỗi buổi từ 2 - 3 tiếng. Em không dùng thời gian để giải lao hay thư giãn, không đi chơi với bạn bè, thậm chí, phải “cách ly”, không dám xem phim vì sợ nếu “cày” phim sẽ không học được… Tuy nhiên, mỗi buổi như vậy, em chỉ có thể tập trung trong khoảng 1 tiếng đầu, sau đó, bắt đầu lơ là.

Rất may, trước thời hạn thi gần 2 tháng, em đã kịp thời nhận ra do mình ôm đồm quá nhiều nên ôn thi không hiệu quả và quyết định phải thay đổi chiến lược, tự cho phép mình nghỉ ngơi một buổi mỗi ngày để cân bằng lại bản thân.

Chính vì vậy, em cũng mong các thí sinh sẽ không có ai mắc phải sai lầm tương tự. Không lãng phí thời gian ôn thi nhưng cũng không có nghĩa là “gò ép” bản thân quá sức”.

Sau khi tìm được kế hoạch ôn thi phù hợp, Phương Thảo tập trung với những bí quyết riêng.

Nữ sinh cho rằng, điều quan trọng nhất là phải biến kiến thức thành của mình: “Em đầu tư thời gian cho sơ đồ tư duy để có thể hệ thống kiến thức và ghi nhớ tốt nhất. Kiến thức trong sách vở thường được đưa ra theo một “cụm”, sẽ rất khó nhớ.

Khi sử dụng sơ đồ tư duy, chúng ta có thể bóc tách kiến thức, hiểu được mô-típ chung của từng bài, từng chương, có thể liên hệ dễ dàng hơn, khi cần vận dụng sẽ có thể nhanh chóng “lấy ra dùng”.

Đối với môn Ngữ văn, em học những ý chính được giáo viên vạch ra và tự viết lại theo tư duy của mình, nhờ thế nên khi ghi nhớ cũng khá thuận lợi”.

Thảo cũng tiết lộ, mình có một tủ sách riêng với những thể loại đa dạng, và đó cũng chính là nguồn năng lượng thổi sức sống cho những bài văn viết: “Đọc nhiều sách thì cách diễn đạt cũng dần dần ngấm vào mình, em viết mượt mà hơn, tưởng tượng cũng phong phú hơn. Từ sau khi lên lớp 7, em đã không còn phải tham khảo một quyển văn mẫu nào, hoàn toàn tự viết theo cảm nhận của mình”.

Phương Thảo cho rằng, “chìa khóa” quan trọng nhất chính là tự học. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Phương Thảo cho rằng, “chìa khóa” quan trọng nhất chính là tự học. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Tỉnh táo né “bẫy” trong đề thi

Nhiều người có quan niệm, những môn thuộc khối C là những môn “học thuộc”, vì vậy, chỉ cần “nhồi” sách giáo khoa vào đầu là sẽ thành công. Tuy nhiên, Phương Thảo lại cho rằng: “Tất nhiên, với những thí sinh có thể học thuộc làu làu thì cũng có thể giành được 7 điểm, hoặc đối với năm nay, đề thi sẽ “nhẹ nhàng” hơn thì đạt được 8 điểm. Nhưng để lấy được điểm 9, 10, thì học thuộc thôi vẫn chưa đủ.

Cho dù thế nào, bộ nhớ của con người cũng có giới hạn, khả năng học thuộc cũng hạn chế, không thể nào học thuộc được 100%, vì vậy, cần lựa chọn ôn luyện một cách thông minh, có sự liên hệ riêng, sẽ không lo “đánh mất” một đoạn kiến thức trong phòng thi”.

Với kinh nghiệm chinh phục kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông của bản thân, nữ Thủ khoa cũng không quên nhắc các thí sinh cần cẩn trọng với “bẫy” trong đề thi.

Xuất thân từ học sinh chuyên Địa, nữ Thủ khoa chỉ ra cách né “bẫy” trong đề trắc nghiệm cho thí sinh năm nay. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Xuất thân từ học sinh chuyên Địa, nữ Thủ khoa chỉ ra cách né “bẫy” trong đề trắc nghiệm cho thí sinh năm nay. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Đối với đề thi trắc nghiệm môn Lịch sử và Địa lý, nhiều khi đề thi sẽ có một số “bẫy” nhỏ, thường là cách người ra đề “lái” các từ ngữ đi.

Chẳng hạn, “hạn chế của lao động” và “hạn chế của sử dụng lao động”, tuy chỉ dùng từ khác đi một chút, nhưng nội dung câu trả lời lại có thể hoàn toàn khác nhau. Các thí sinh cần giữ bình tĩnh, đọc kỹ đề, không nên nóng vội trong phòng thi.

Đối với môn Ngữ văn, chẳng hạn, đề nghị luận văn học ra từ cùng một tác phẩm văn học, nhưng với mỗi yêu cầu của đề sẽ nên sử dụng những hệ thống lập luận khác nhau và phù hợp với đề bài để đạt điểm cao. Không phải chỉ cần học một dạng cấu trúc bài làm rồi áp dụng một cách cơ học cho tất cả các dạng đề là được”, nữ sinh nhấn mạnh.

Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa, kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021 sẽ chính thức diễn ra, nữ Thủ khoa muốn gửi lời đến các thí sinh: “Trong giai đoạn “nước rút”, chúng ta hãy cẩn thận dò lại toàn bộ kiến thức, ôn lại một lượt từng bài một, đảm bảo kịp thời khắc phục nếu phát hiện lỗ hổng. Đồng thời, phải giữ tâm lý thật thoải mái và bình tĩnh để khi làm bài thi, không xảy ra những sai sót đáng tiếc”.

Với thành tích ấn tượng trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020, Phương Thảo trở thành sinh viên Khoa Luật Kinh tế (Trường Đại học Luật Hà Nội), môi trường cô mơ ước.

Cô nàng cho biết: “Cho dù môi trường đại học khác với phổ thông, nhưng em tin rằng, các bạn tân sinh viên khi bước vào môi trường mới, dù có gặp phải bỡ ngỡ gì, cũng nên tìm ra cách thích ứng thật nhanh. Và cho dù ở bất cứ đâu, “chìa khóa” vẫn chính là khả năng tự học của bản thân.

Bên cạnh đó, ở đại học, chuyện tham gia hoạt động cùng các câu lạc bộ cũng là một trải nghiệm rất đáng để thử, điều đó sẽ mở ra nhiều mối quan hệ, gặp gỡ nhiều bạn bè mới, nhiều anh chị đi trước, nhiệt tình giúp đỡ và hướng dẫn mình nhiều điều...

Hy vọng, các sĩ tử năm nay sẽ vượt qua kỳ thi này một cách suôn sẻ để sớm có những trải nghiệm ở trường đại học mơ ước”.

Ngân Chi