Rất nhiều thí sinh đang tự hỏi: Học ngành gì có thu nhập cao?

15/06/2021 06:19
Tùng Dương
GDVN- Chọn trường nào, học ngành gì, được đào tạo ra sao để tìm được việc làm có thu nhập cao là câu hỏi rất khó với cả thí sinh và gia đình.

Sắp tới kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và xét tuyển vào các trường đại học, vì vậy ôn luyện thế nào để đạt điểm cao, có cơ hội vào được những trường đại học danh tiếng là vấn đề được nhiều bạn trẻ và gia đình quan tâm.

Chọn trường nào, học ngành gì để có nhiều cơ hội tìm việc làm, có thu nhập cao… không hề đơn giản, trong khi hiện nay có rất nhiều trường mở ngành học mới, phương pháp đào tạo và học phí cũng khác nhau.

Nhiều gia đình hướng cho con theo học ngành, trường kia, chuẩn bị cả lộ trình việc làm sau này, nhưng hầu hết các bạn trẻ giờ đây chọn ngành theo ý thích nhất thời, chọn theo phong trào... không có sự tính toán thận trọng phù hợp với thực tế và năng lực của bản thân.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi lại những kinh nghiệm chọn ngành, chọn nghề với Lại Văn Quang - sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp (Đại học Thái Nguyên), có điểm thi tốt nghiệp kết hợp xét tuyển vào đại học năm 2020 là 28,5.

Quang chia sẻ: “Trước khi thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, em đã tìm hiểu và chọn trường này để theo học ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa.

Được các anh chị đã từng học tại trường chia sẻ, em thấy đây là một ngành có khả năng phát triển rất tốt, có tương lai, bản thân em cũng thích ngành học về khoa học công nghệ, chế tạo.

Hơn nữa ngành Tự động hóa trong những năm gần đây rất thiếu kỹ sư, cũng vì mong muốn như vậy nên em quyết tâm ôn luyện kiến thức để thi khối A".

Quang chọn ngành Tự động hoá vì tìm hiểu thấy hiện ngành này đang thiếu nhiều kỹ sư. Ảnh: NVCC.

Quang chọn ngành Tự động hoá vì tìm hiểu thấy hiện ngành này đang thiếu nhiều kỹ sư. Ảnh: NVCC.

Tự động hóa có thể hiểu là ngành học nghiên cứu, thiết kế, vận hành các hệ thống tự động, các dây chuyền sản xuất tự động tại các nhà máy (xi măng, sắt thép, nước giải khát, dược phẩm…); thiết kế, điều khiển và chế tạo robot; quản lý sản phẩm tại các công ty trong và ngoài nước kinh doanh về các thiết bị điện tử tự động…

Quang chia sẻ thêm: “Hiện nay riêng ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa tại trường em đang học có khoảng hơn 500 sinh viên, một năm khoảng 17 triệu đồng học phí nên rất phù hợp với những sinh viên như em, ngoài ra việc chi phí trong 4 năm học cũng thấp hơn ở các thành phố lớn.

Em thấy quan trọng là mình được đào tạo thế nào, bản thân tiếp thu và vận dụng kiến thức ra sao khi lập nghiệp, còn thì học trường đại học ở tỉnh hay thành phố lớn theo em cũng không quyết định nhiều lắm về mặt kiến thức.

Các thầy cô dạy ở khoa em cũng rất nhiều người là Tiến sỹ học ở nước ngoài về, ngoài ra còn rất nhiều các thầy cô là kỹ sư giỏi nên bản thân em và các bạn thấy rất yên tâm khi theo học”.

Lại Văn Quang hy vọng sau khi tốt nghiệp ngành này có thể tìm được việc làm tại các Viện Nghiên cứu Điện tử - tin học - Tự động hóa, Viện ứng dụng công nghệ, Trung tâm thiết kế vi mạch, các Khu công nghệ cao… đồng thời cũng mong muốn được thử sức tại những công ty, tập đoàn lớn với hy vọng sẽ phát huy hết khả năng, kiến thức của mình.


Luyện kỹ năng giải bài tập thật nhiều

Để đạt được điểm thi khối A cao như vậy, Quang cho biết: “Ngoài việc ôn tập ở trên lớp, về nhà em tìm thêm những đề thi tương tự từ các kỳ thi, ở các tỉnh những năm gần đây để làm tài liệu ôn luyện, hơn nữa nhiều thầy cô giáo lập ra các nhóm trên mạng xã hội với những học sinh thi cùng năm vào trao đổi kiến thức, hoặc giải đáp những vướng mắc khi ôn tập ở nhà, tham gia nhóm này các bạn hỗ trợ lẫn nhau.

Bản thân em cho biết là tập chung luyện, giải chắc chắn những câu dễ lấy điểm trước, rồi làm dần lên những câu khó hơn, chỗ nào không hiểu lại hỏi thầy cô hoặc các bạn trong nhóm tư vấn, vì thế giải rất nhanh các câu hỏi theo kiểu thi chắc nghiệm.

Một kinh nghiệm nữa là giải bài tập cũng được Quang thực hiện nghiêm túc trong thời gian tự ôn tập, càng giải được nhiều các dạng bài càng tốt và tất nhiên là những dạng bài đó bám sát vào cấu trúc đề thi mẫu, khi thi thật nếu gặp dạng bài đó sẽ dễ dàng làm được ngay.

Phần lý thuyết không có cách nào khác là phải học thuộc lòng, tuy nhiên Quang cho biết là học theo hướng đề thi minh họa và gạch chân những ý chính để ôn tập, ôn những phần hay có trong đề thi nhiều năm.

Quang nói bản thân rất thích học môn Toán nên việc học Toán không quá vất vả, nhưng theo em với những bạn không thích môn này thì chỉ cần chăm chỉ luyện đề, học thuộc lý thuyết là có thể đạt được mức điểm 7. Khi làm bài thi nên đọc qua 1 lượt tất cả các câu hỏi trong đề, nhận thấy câu nào có khả năng làm được thì sẽ làm luôn, những câu hỏi khó để lại làm sau”.

Quang hy vọng sau khi tốt nghiệp ngành này có thể tìm được việc làm tại các Viện Nghiên cứu Điện tử - tin học - Tự động hóa, Viện ứng dụng công nghệ, Trung tâm thiết kế vi mạch, các Khu công nghệ cao…Ảnh: NVCC.

Quang hy vọng sau khi tốt nghiệp ngành này có thể tìm được việc làm tại các Viện Nghiên cứu Điện tử - tin học - Tự động hóa, Viện ứng dụng công nghệ, Trung tâm thiết kế vi mạch, các Khu công nghệ cao…Ảnh: NVCC.

Đối với môn Lý, Quang cho biết: “Môn này rất nhiều lý thuyết nên mất khá nhiều thời gian học thuộc mà cũng nhanh quên, có lẽ vì thế em tập trung vào luyện làm bài tập để gỡ điểm, cứ làm, luyện nhiều sẽ quen.

Với 10 câu hỏi vận dụng, ôn và nhớ kết luận vì thi theo hình thức trắc nghiệm em biết sẽ không đủ thời gian biến đổi, bởi trong khoảng thời gian đó làm tổng 40 câu hỏi và có những câu rất khó. Nếu em cứ làm mãi những câu quá khó, chứng minh từng công thức sẽ dẫn đến không kịp thời gian làm bài.

Vậy nên khi ôn tập, luyện đề cần luyện được công thức mang tính chất tổng kết từng nội dung thì mới có thể kịp làm những bài vận dụng. Còn ở bài vận dụng cao có số lượng ít câu hỏi nhưng lại rất khó, nên khi đã làm hết 35 câu kia, kiểm tra cẩn thận tránh sai sót rồi mới làm tiếp 5 câu vận dụng cao.

Phần lý thuyết trước ngày thi khoảng 10 hôm em mới tập trung vào học thuộc theo sách giáo khoa, như vậy dễ nhớ lại không lãng phí nhiều thời gian vì lý thuyết rất hay quên.

Tất cả những lý thuyết đọc xong em tự vẽ ra theo sơ đồ tư duy, vừa đọc vừa vẽ nên nhớ rất sâu, lý thuyết khá dài nhưng nếu được vẽ thành sơ đồ sẽ ngắn hơn, nhấn vào những điểm nổi bật dễ nhớ nên khá thuận tiện cho việc ôn tập, ngoài ra tham khảo và chọn lọc thêm một số sơ đồ các anh chị thi năm trước đã vẽ.

Với cả 3 môn thi đều tập chung vào luyện giải bài tập thật nhiều, giải tất cả các dạng bài theo hướng những câu hỏi ra ở đề thi mẫu, tập chung giải nhanh và chính xác những câu hỏi đầu tiên và dễ để đạt được một số điểm nhất định, sau đó làm tiếp những câu hỏi khó hơn".

Về các công thức Hóa học, Quang chọn cách viết đi viết lại nhiều lần và trong các bài tập thường có những câu giống nhau, làm nhiều sẽ quen. Tuy nhiên làm đề mẫu cũng khác xa so với đề thật ở chỗ: Những đề mẫu không phân chia rõ ràng và tự nâng mức điểm khi luyện, thậm chí có câu 8,5 điểm vẫn làm được, trong khi khi thi thật thì mức điểm chính xác hơn, có câu 8 điểm vẫn rất khó để làm.

Tùng Dương