Sau vụ gian lận thi cử, việc nghi ngờ xét tuyển học bạ là hoàn toàn có cơ sở

15/06/2021 06:39
Thùy Linh
GDVN- Đó là quan điểm của nhiều chuyên gia khi tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2021 công khai, minh bạch.

Tháng 5/2021, Thanh tra Chính phủ có Công văn số 805 về công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021, trong đó yêu cầu thanh tra các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra kỳ thi bảo đảm an toàn, nghiêm túc, khách quan, chất lượng.

Thanh tra, kiểm tra là công tác rất quan trọng để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Trong Luật Giáo dục cũng như các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ (Chỉ thị 26 năm 2020 và Chỉ thị 11 năm 2021) đã phân cấp rõ cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và lãnh đạo các cơ quan chức năng của Bộ thực hiện triệt để công tác quản lý nhà nước và thực hiện nhiệm vụ của mình, trong đó có công tác thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Được biết, chuẩn bị bước vào kỳ thi năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu 100% cán bộ công chức, viên chức tham gia vào công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi phải được tập huấn, đánh giá và nắm chắc tất cả các nội dung, quy trình, kỹ năng, nghiệp vụ của công tác thanh tra, kiểm tra. Việc tập huấn phải được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả; các quy trình, nghiệp vụ phải được phổ biến, hướng dẫn chi tiết, rõ ràng đến các cán bộ tham gia thanh tra, kiểm tra.

Để kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông không có điểm mờ, không có điểm trống, công khai, minh bạch, khách quan, đạt kết quả trung thực, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh tham gia thì mọi khâu đều phải nghiêm mới phản ánh trung thực kết quả.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khoá XIII cho rằng, muốn kỳ thi tốt nghiệp vừa chống dịch an toàn vừa đạt mục tiêu khách quan – công bằng thì quan trọng nhất vẫn nằm ở khâu tổ chức. Chỉ còn gần 1 tháng nữa kỳ thi diễn ra nên vấn đề cấp bách hiện nay là “chọn người” giao cho ai tổ chức khâu nào, ai giám sát cần phải minh bạch, rõ ràng.

Bởi theo Phó giáo sư Bùi Thị An, đúng đắn hay sai lầm cũng đều từ con người mà ra thế nên cần phải rà soát ở các địa phương đã chuẩn bị ra sao.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Thị An (Đại biểu Quốc hội khóa XIII). Ảnh: quochoi.vn

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Thị An (Đại biểu Quốc hội khóa XIII). Ảnh: quochoi.vn

Nếu có thể thì cần có chỉ thị để quy trách nhiệm đối với người đứng đầu địa phương tuy nhiên “cần nêu tên tuổi cụ thể đó là Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hay Bí thư Tỉnh ủy. Đây sẽ là cá nhân chịu trách nhiệm trước nhà nước nếu xảy ra sự cố còn chuyện về đến địa phương phân cấp thế nào là tùy, miễn là làm đúng và nghiêm túc”, bà An nhấn mạnh.

Năm nay xét học bạ trở thành xu thế tuyển sinh của các trường đại học. Sử dụng hình thức xét tuyển này giúp thí sinh có thêm cơ hội trúng tuyển, đồng thời giảm áp lực khi thi tốt nghiệp trung học phổ thông tuy nhiên dưới góc nhìn của Phó giáo sư Bùi Thị An thì hiện nay đa phần đội ngũ thầy cô rất tâm huyết, chính trực, hết lòng vì học sinh tuy nhiên đâu đó vẫn còn “con sâu” thế nên việc người dân đặt ra vấn đề xét tuyển bằng học bạ không công bằng là hoàn toàn có cơ sở.

Một kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2018 cả hệ thống vào cuộc ấy vậy mà còn sửa điểm, nâng điểm do đó các trường tổ chức xét tuyển bằng học bạ tùy vào ngành đào tạo nên có hình thức phỏng vấn trực tiếp hoặc bài test để đánh giá năng lực người học để chọn được thí sinh phù hợp với mục tiêu đào tạo của trường.

Dưới góc độ của Giáo sư Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội khuyến học thì kỳ thi năm nay diễn ra trong tình hình dịch bệnh phức tạp, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tính đến phương án phân loại địa phương ví như hiện nay Bắc Giang không thể tổ chức như Hà Nội, Hà Nội không thể tổ chức như Thành phố Hồ Chí Minh…

“Làm sao để hoàn thành mục tiêu kép vừa chống dịch vừa đảm bảo an toàn thì trước tiên là yếu tố con người. Dứt khoát phải quy trách nhiệm người đứng đầu địa phương đối với nhà nước đích danh cụ thể”, Giáo sư Dong nhấn mạnh.

Rút bài học sâu sắc từ những vụ gian lận thi cử năm 2018, Giáo sư Phạm Tất Dong cho rằng các trường khi xét tuyển bằng học bạ nên tổ chức test hoặc phỏng vấn rồi đối sánh với kết quả học bạ chứ không có thể rơi vào tình trạng chọn được sinh viên có “tài” mà không có đức. Bởi hiện nay mới chỉ tuyển sinh dựa vào kết quả chứ nhìn vào hạnh kiểm.

Thùy Linh