Học sinh 3 năm hạnh kiểm tốt mà quay lén, tống tiền cô giáo thì phải xem lại

19/06/2021 06:30
NHẬT DUY
GDVN- Điều gì đã khiến một thanh niên 18 tuổi, được đánh giá là “học sinh ngoan, có học lực khá và hạnh kiểm tốt” lại có những hành động phản cảm đến như vậy?

Những ngày qua, dư luận xã hội phải chứng kiến một câu chuyện thật đau lòng, thật buồn về sự việc một học trò đặt camera ở nhà vệ sinh giáo viên để ghi lại hình ảnh các cô giáo trong trường đi vệ sinh rồi nhắn tin, gửi ảnh tống tiền qua tài khoản facebook…

Nỗi buồn không chỉ là sự xuống cấp, tha hóa về nhân cách, đạo đức của một học trò đang ở độ tuổi đẹp nhất của một đời người, đang chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, cận kề với giảng đường đại học, cao đẳng, vậy mà…tất cả gần như đã đóng sầm cửa lại với cậu học trò này.

Nếu như, học trò này đánh nhau với bạn bè, hay vô lễ với thầy cô giáo trong trường thì dư luận cũng còn có thể dễ dàng thông cảm, tha thứ vì cho rằng đó là hành động bột phát và tiếng xấu rồi cũng nhanh chóng qua đi.

Nhưng, đằng này lại chủ động đi mua camera, lén đặt vào nhà vệ sinh giáo viên để ghi lại những hình ảnh tế nhị của giáo viên nữ trong trường, rồi đang tâm tống tiền cô giáo trong trường thì thật là chuyện xưa nay hiếm gặp. Vậy mà nó đã xảy ra ở trường Trung học phổ thông Mỹ Lộc (huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định).

Trường Trung học phổ thông Mỹ Lộc- nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: Trường Mỹ Lộc

Trường Trung học phổ thông Mỹ Lộc- nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: Trường Mỹ Lộc

Hành động có chủ đích của một học trò lớp 12

Có lẽ, khi báo chí phản ánh sự việc học sinh Lê Công H. (18 tuổi, học sinh lớp 12A3 - trường Trung học phổ thông Mỹ Lộc) đặt camera quay lén hình ảnh trong nhà vệ sinh giáo viên của trường, sau đó thông qua mạng xã hội để tống tiền giáo viên nữ khiến cho mọi người bàng hoàng và bất bình về hành động này.

Nếu xét về quá trình thực hiện hành động sự việc, chúng ta thấy Lê Công H. đã hoàn toàn chủ động trong mọi công việc. Từ việc đặt mua camera, lén đặt vào nhà vệ sinh giáo viên, sau đó lập facebook ảo để gửi hình ảnh tế nhị của 2 giáo viên nữ rồi tống tiền các giáo viên này.

Đây rõ ràng không còn là một hành động bột phát, tức thời mà nó được chuẩn bị công phu thành một “kịch bản” chu đáo, hoàn hảo nhằm vào chính những giáo viên trong trường- nơi mà Lê Công H. đang theo học những ngày cuối cùng để chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông vào đầu tháng 7 tới.

Tại sao một học sinh lớp 12 đã đủ trưởng thành để hiểu hành động của mình là vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức mà nó xấu xa đến như vậy mà Lê Công H. cũng có thể nghĩ ra và thực hiện được.

Trong khi, Lê Công H. được đánh giá là học sinh có đạo đức tốt, học lực khá và nhà có điều kiện.

Báo Đất Việt, ngày 16/7 đã dẫn lời Phó Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Mỹ Lộc như sau: “Từ năm học lớp 10 đến khi học lớp 12, H. đều là học sinh ngoan, có học lực khá và hạnh kiểm tốt.

Thời gian ở trên lớp, H. không có biểu hiện gì, vì vậy khi biết H. là đối tượng quay clip tống tiền giáo viên khiến nhà trường hết sức bất ngờ. Điều kiện kinh tế gia đình nhà học sinh này rất tốt, không có khó khăn thiếu thốn khiến H. phải tống tiền cô giáo để lấy tiền”.

Vậy, điều gì đã khiến một thanh niên 18 tuổi, được đánh giá là “học sinh ngoan, có học lực khá và hạnh kiểm tốt” lại có những hành động phản cảm đến như vậy?

Một học sinh, sinh ra và lớn lên trong một gia đình có điều kiện kinh tế, đang được cha mẹ nuôi ăn học nhưng chỉ vì 20 triệu đồng mà đành phải hủy hoại tương lai của chính mình. Điều đáng lên án nhất của Lê Công H. là đi từ sai lầm này đến sai lầm khác và mức độ sự việc được đẩy lên mức độ sai phạm sau càng cao hơn sai phạm trước.

Đó là H. mua và đặt camera trong nhà vệ sinh giáo viên để quay những hình ảnh lúc đi vệ sinh của giáo viên nữ đã là một việc làm đáng khinh bỉ, lại thêm việc gửi hình ảnh cho giáo viên để tống tiền thì rõ ràng đó là một hành động rất đáng bị coi thường.

Họ là ai? Là những nữ giáo viên trong trường đã 38 tuổi- cái tuổi đáng tuổi mẹ, tuổi dì của H. và có thể cũng là những cô giáo đã dạy H., bạn bè của H. nhưng học sinh này vẫn đang tâm gửi ảnh để tống tiền thì không còn từ ngữ nào có thể diễn tả được hành động phản cảm này.

Tương lai của Lê Công H. rồi sẽ đi về đâu?

Trước cơ quan điều tra, Lê Công H. đã khai và thừa nhận việc làm này và những hình ảnh, tài khoản facebook vẫn đang được lưu trong điện thoại của học sinh này nên chắc chắn H. phải đối mặt với những hậu quả do việc làm của mình gây ra.

Xử lý hình sự đã là điều quá rõ ràng khi H. đã 18 tuổi…

Nhưng, từ sự việc này cũng đã báo động sự xuống cấp về đạo đức của Lê Công H. và là hồi chuông cảnh tỉnh cho nhiều học trò khác.

Điều quan trọng hơn nữa là báo động về sự quan tâm, giáo dục của gia đình và nhà trường đối với mỗi học sinh trong bối cảnh hiện nay. Khi mà công nghệ thông tin, mạng internet phát triển mạnh mẽ mang đến vô vàn tiện ích, nhưng cũng là con dao hai lưỡi, tuổi học trò nếu không có sự để ý sát sao của gia đình, thầy cô sẽ dẫn đến sự lầm đường, lạc bước của một bộ phận bạn trẻ.

Ông cha ta có câu: “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” để nói về truyền thống đạo lý của tình thầy trò nhưng trong trường hợp này cho thấy mọi giá trị đạo đức truyền thống đã bị đảo lộn để sự đểu giả lên ngôi…

Hình phạt nào cho Lê Công H. tới đây cũng khiến cho nhiều người đau lòng nhưng có lẽ người đau khổ nhất là cha mẹ H. sẽ phải chịu những thị phi từ dư luận. Họ biết ăn nói làm sao với mọi người về con của mình.

Rồi đây, chắc chắn Lê Công H. sẽ phải đối mặt với hậu quả mà mình gây ra. Có thể sẽ là án tù vì H. phạm một lúc nhiều tội khác nhau. Nhưng, án tù có thể trả hết còn án lương tâm sẽ còn dày vò, còn dai dẳng suốt cuộc đời H. sau này.

Điều đau đớn nhất là chỉ còn vài tuần nữa là kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông diễn ra mà đáng lẽ ra H. sẽ là thí sinh của kỳ thi này. Nhưng bao nhiêu hy vọng, công sức mà cha mẹ nuôi cho ăn học thì Lê Công H. đã tự đem đổ sông, đổ biển hết.

Cánh cổng tương lai của H. đã bị chính H. đóng lại từ một hành động phản cảm do chính mình gây ra.

Chuyện gì đã xảy ra thì cũng đã xảy ra rồi, nhưng chúng ta, những người lớn là cha là mẹ, là thầy cô, là người đi trước cũng phải nhìn lại cách giáo dục các thế hệ măng non, nhất là khi mỗi người có một cái điện thoại thông minh, một thế giới ảo.

Khi để cho điện thoại di động, cho mạng xã hội, cho những thông tin tầm phào, thậm chí bậy bạ thay thế cho những khoảnh khắc chuyện trò, chia sẻ giữa người lớn và người trẻ, giữa thầy cô và học trò, thay thế cho những bữa cơm hay gia đình hay khoảnh khắc cùng làm việc nhà giữa cha mẹ và con cái, thì khi những sự cố bất ngờ không ai mong muốn như thế này xảy ra, mọi sự trách móc đều đã muộn.

Gia đình khá giả, vậy H. đang thiếu cái gì? Nhà trường đánh giá H. hạnh kiểm tốt trước khi sự việc vỡ lở, vậy thầy cô có nên xem lại cách đánh giá, giáo dục, đặc biệt là công tác tâm lý học đường đã được quan tâm đúng mức hay mới chỉ là đối phó?

Bài học này đắt giá với H., đau đớn với gia đình và bè bạn, thầy cô, nhà trường, cũng là tiếng chuông cảnh tính với mỗi chúng ta, mọi sự thờ ơ hay vô cảm với những người thân xung quanh có lẽ rồi cũng đều phải trả giá.

Tài liệu tham khảo:

https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/nam-sinh-quay-len-2-co-giao-di-ve-sinh-de-tong-tien-doi-mat-voi-hinh-phat-nao-post218665.gd

https://datviet.trithuccuocsong.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/nam-sinh-quay-canh-nhay-cam-co-giao-bat-ngo-3433982/

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NHẬT DUY