"Người tài thật sự được trọng dụng thì gian dối học thuật tự biến mất"

20/06/2021 08:59
Ngọc Quang (Thực hiện)
GDVN- Đại biểu Quốc hội Dương Thị Minh Ánh: “Tuyển dụng cán bộ công khai minh bạch là giải pháp chọn được người tài, thúc đẩy nền giáo dục học thật, thi thật".

LTS: Thời gian qua, nhiều chính khách, nhà nghiên cứu, chuyên gia trong nhiều lĩnh vực đã lên tiếng ủng hộ yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về những yêu cầu đổi mới trong ngành giáo dục đào tạo, đặc biệt là "học thật, thi thật, nhân tài thật".

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Dương Thị Minh Ánh (đoàn Hà Nội) nêu quan điểm, giáo dục và đào tạo học sinh phát huy năng lực của bản thân rất quan trọng, đồng thời cũng cần quan tâm tới việc dạy con trẻ trở thành người tử tế, có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng.


- Theo đại biểu làm thế nào để chúng ta đạt được yêu cầu
học thật, thi thật, trọng dụng người tài thật?

Đại biểu Quốc hội Dương Thị Minh Ánh: Theo tôi, nếu chúng ta biết sử dụng đúng người, đúng việc, đúng năng lực sở trường, có chế đội đại ngộ tốt thì sẽ tuyển dụng được người tài.

Đây là vấn đề rất rộng, cần sự chung tay của các ngành, các cấp, các địa phương... đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo rốt ráo của Chính phủ để khi tuyển dụng cán bộ thực sự công khai minh bạch thì mới lấy được người giỏi.

Từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến vấn đề này và đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến "sử dụng và thu hút nhân tài". Tuy nhiên, một số chính sách đã ban hành nhưng chưa đi vào cuộc sống hoặc trong khâu tổ chức thực hiện của chúng ta vẫn còn lúng túng và còn nhiều ý kiến khác nhau, cần được tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh phù hợp với sự phát triển hiện nay.

Người tài thật sự được trọng dụng thì gian dối học thuật tự biến mất. Khi đó những yếu tố quan hệ, bằng cấp đẹp nhưng năng lực kém sẽ không còn đất sống, người học muốn đạt được mục tiêu sẽ phải học thật và thi thật.

Đại biểu Quốc hội Dương Thị Minh Ánh: Khi xã hội coi trọng người tài thì những tiêu cực sẽ dần bị loại bỏ. Ảnh: NVCC.

Đại biểu Quốc hội Dương Thị Minh Ánh: Khi xã hội coi trọng người tài thì những tiêu cực sẽ dần bị loại bỏ. Ảnh: NVCC.

- Như vậy để tìm được những người giỏi thì chúng ta vẫn phải trở lại với vấn đề giáo dục và đào tạo. Theo đại biểu đó là vấn đề gì và cần có giải pháp gì?

Đại biểu Quốc hội Dương Thị Minh Ánh: Trong thời gian qua, vẫn còn một số vấn đề mà chúng ta cần phải quan tâm như: Học lệch, học tủ; chạy trường, chạy lớp, thậm chí chạy điểm để xét tuyển vào đại học... Tại sao những vấn đề này lại có xu hướng gia tăng, phải chăng là do chính hệ thống giáo dục của chúng ta lạc hậu, có nhiều lỗ hổng nên mới tạo ra những hệ lụy như vậy?

Quan điểm của cá nhân tôi về "giáo dục toàn diện" đó là: Giáo dục đầy đủ nền tảng tư duy kiến thức, kỹ năng, đạo đức, nhân sinh quan cho người học, phát huy năng lực, sở trường của mỗi con người.

Do vậy, khi nào chúng ta chấp nhận môn nghệ thuật, thể thao, môn Công nghệ, môn Lịch sử... được coi trọng như môn Toán, môn Ngữ văn, môn ngoại ngữ trong chương trình giáo dục; khi nào học sinh được lựa chọn môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông và thi đại học, cao đẳng theo sở trường của mình mà không nhất thiết phải có môn thi bắt buộc như môn Toán, Ngữ văn... thì lúc đó chất lượng giáo dục sẽ có sự thay đổi bởi tất cả các môn học sẽ được đầu tư.

Đến khi đó phụ huynh không cần phải lo cho con học thêm để có điểm cao ở các môn Toán, môn Ngữ văn, không phải lo "chạy điểm", "chạy trường", "chạy lớp" mà có thể tự tin cho con đăng ký học ở các trường nghề hoặc trường đại học theo đúng sở trường, sở thích của bản thân và dễ dàng định hướng nghề nghiệp cho con em mình trong tương lai.

Nếu làm được như vậy, chúng ta sẽ giải quyết được hai bài toán đó là phân luồng học sinh từ rất sớm và phát hiện được khả năng thiên bẩm của mỗi cháu từ nhỏ, để định hướng đào tạo chuyên sâu.

Tôi đồng ý cháu nào cũng phải có nền tảng chung về kiến thức văn hóa, môn nào cũng phải học. Tuy nhiên, một đứa trẻ phát triển bình thường không nhất thiết phải giỏi toàn diện mà chỉ cần giỏi thực sự một trong số các môn đã học, cộng thêm sự giáo dục về đạo đức, kỹ năng sống và nhân sinh quan cho đứa trẻ đó. Như vậy, chúng ta đã có được một con người có ích cho xã hội.

Theo đó, việc đánh giá kết quả trong quá trình học tập hay chương trình đào tạo chúng ta cũng cần phải thay đổi. Đánh giá phải theo năng lực, sở trường, đồng thời trong cách dạy và học cần khuyến khích người học học theo lối tư duy, tự tìm đến kiến thức, phát huy sự sáng tạo và tôn trọng ý kiến cá nhân của người học; tăng cường thời lượng rèn luyện kỹ năng, thực hành và làm việc nhóm; tránh sự áp đặt, giáo điều trong cách dạy và học. Nhà giáo đóng vai trò là người định hướng, hướng dẫn, còn người học là "trung tâm".

- Một vấn đề khác cũng rất quan trọng đó là làm thế nào dạy con trẻ trở thành người tốt, người tử tế - tạo nền tảng văn hoá bền vững cho nhiều thế hệ. Đại biểu có suy nghĩ gì về vấn này?

Đại biểu Quốc hội Dương Thị Minh Ánh: Theo tôi, có ba vấn đề chính yếu ở đây, đó là:

Thứ nhất, hiện nay chúng ta đang quá chú trọng vào dạy kiến thức văn hóa mà coi nhẹ việc dạy kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ và chăm sóc bản thân của trẻ.

Thứ hai, bên cạnh giáo dục ở nhà trường thì giáo dục ở gia đình mới chính là cốt lõi và là nền tảng bền vững cho một đứa trẻ. Các cụ ta có câu: "Dạy con từ thủa còn thơ", dạy con trẻ từ nết ăn, nết ở, biết đối nhân xử thế, biết giá trị đích thực của cuộc sống. Tuy nhiên, hiện nay nhiều gia đình gần như giao khoán việc dạy con cho nhà trường và thầy cô giáo. Đó là suy nghĩ sai lầm bởi vì mỗi đứa trẻ đều có sự ảnh hưởng rất lớn từ bố, mẹ, người thân trong gia đình.

Thứ ba, thời đại công nghệ 4.0 với sự nở rộ về công nghệ thông tin, việc tiếp cận với công nghệ và thông tin quá sớm và quá dễ dàng với một đứa trẻ dẫn đến những hệ lụy không nhỏ. Một đứa trẻ chưa đủ nhận thức phân biệt để tự bảo vệ mình trước thông tin xấu, độc. Nó tạo ra một thế hệ chỉ thích sống trong thế giới ảo, mất dần đi khả năng cảm thụ, khả năng giao tiếp với những người xung quanh và không có nhu cầu về tìm hiểu cái hay, cái đẹp về thế giới xung quanh trong thế giới thực tại.

Vậy nên chúng ta cần xem xét lại chương trình giáo dục phổ thông, giảm tải bớt nội dung kiến thức, tăng cường các môn thực hành, ngoại khóa, chú trọng đến việc dạy kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ và chăm sóc bản thân trước tác động của môi trường sống và môi trường mạng. Nghiên cứu chương trình dạy nghề đối với giáo dục phổ thông cần đi vào thực chất hơn.

Đề cao văn hóa truyền thống gia đình, người lớn trong gia đình phải có sự "nêu gương" và quan tâm đến tâm sinh lý của con trẻ ở mỗi lứa tuổi để có biện pháp giáo dục phù hợp.

Phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường để giáo dục con trẻ. Thường xuyên tổ chức các chương trình tọa đàm mời chuyên gia về tư vấn cách nuôi dạy con ở các lứa tuổi cho các phụ huynh và các thầy cô trong nhà trường.

Trên đây là một số quan điểm của tôi khi may mắn được tham quan, học hỏi mô hình giáo dục ở một số nước Châu Âu, Bắc Âu và ghi nhận từ cử tri ngành giáo dục khi tham gia các đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trong nhiệm kỳ vừa qua.

Tôi rất muốn được nghe thêm nhiều ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học về nội dung này để chúng ta cùng hướng tới một nền giáo dục phát triển, đào tạo được nhiều nhân tài cho đất nước.

Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Ngọc Quang (Thực hiện)