Nhìn lại những dấu ấn trong gần một năm đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục mới, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với thầy giáo Ngô Thành Nam – Cố vấn học tập Microsoft, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khai Nguyên (Thành phố Hồ Chí Minh).
Thầy giáo Ngô Thành Nam – Cố vấn học tập Microsoft, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khai Nguyên. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Trải qua gần một năm học triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, thầy có thể chia sẻ những điểm mới, tích cực, tiến bộ đã được đưa vào áp dụng trong năm học 2020 – 2021?
Thầy giáo Ngô Thành Nam: Năm 2020 – 2021 là năm đầu tiên cả nước áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu từ lớp 1. Đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện mục tiêu giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học, chương trình được thiết kế đồng bộ cho tất cả các môn học theo mục tiêu giáo dục mới.
Việc dạy học không chỉ có mục đích đơn thuần là truyền thụ kiến thức cho học sinh mà còn giúp các em phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực. Ngoài ra, đây cũng là lần đầu tiên việc xã hội hóa giáo dục trong biên soạn sách giáo khoa cũng được áp dụng với sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân.
Việc lựa chọn sách giáo khoa cũng đã cho phép các trường học được tự chủ để thực hiện Chương trình. Vì thế, sách giáo khoa không còn là duy nhất, không là “pháp lệnh” mà chỉ đóng vai trò là tài liệu học tập, cái cốt lõi vẫn là Chương trình được ban hành.
Phóng viên: Bên cạnh những tín hiệu tích cực đó, cũng có không ít những ý kiến trái chiều về những bất cập trong quá trình thực hiện, thầy có thể chia sẻ một số vấn đề hạn chế còn tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mới trong năm học 2020 – 2021?
Thầy giáo Ngô Thành Nam: Bên cạnh những điểm mới, tích cực của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì nhìn chung, trên phạm vi cả nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện Chương trình.
Thứ nhất, lộ trình triển khai Chương trình gấp gáp dẫn đến kết quả không được như mong đợi. Từ việc tập huấn Chương trình, giới thiệu và lựa chọn sách giáo khoa, điều chỉnh Chương trình sau quá trình áp dụng… diễn ra nhanh chóng. Do đó, các trường học, giáo viên đã không có đủ thời gian để “thẩm thấu”, hiểu sâu về Chương trình.
Đó cũng là lý do dẫn đến nhiều khâu triển khai còn rất hình thức. Cụ thể, nhiều giáo viên hoàn thành các mô-đun tập huấn với mục tiêu cuối cùng là vượt qua các bài kiểm tra cuối khóa học, còn việc hiểu nội dung hay không lại không quan tâm. Bản thân tôi cũng đề xuất lộ trình áp dụng Chương trình chỉ nên bắt đầu từ lớp 1 và đẩy dần đến các lớp lớn hơn thay vì áp dụng theo từng cấp học như hiện nay. Ngoài ra, việc thực nghiệm Chương trình cũng nên được tiến hành dài hơn chứ không chỉ 1 -2 tháng như hiện nay. Điều này giúp hạn chế tối đa những sai sót khi triển khai đại trà.
Thứ hai, vấn đề hạn chế phải nói đến là Chương trình tập huấn chưa đảm bảo chất lượng. Bên cạnh Chương trình được xây dựng là cốt lõi thì đội ngũ giáo viên – những người vừa được trao quyền tự chủ về nội dung, phương pháp giảng dạy và đánh giá học sinh, cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng, là linh hồn của cuộc đổi mới này.
Mặc dù Chương trình được xây dựng bài bản, công phu nhưng quá trình triển khai chưa được như mong đợi. Bởi lẽ, đa số đối tượng được tập huấn là giáo viên cốt cán, đội ngũ giáo viên còn lại được tập huấn khá ít từ đội ngũ cốt cán này. Nhiều địa phương không tổ chức tập huấn tập trung do điều kiện từng vùng miền cũng như năng lực của đội ngũ giáo viên cốt cán. Tôi nghĩ rằng, việc tập huấn cần được hoàn thành trước khi Chương trình được triển khai để đảm bảo chất lượng đội ngũ, từ đó dễ đạt được mục tiêu chương trình hơn.
Thứ ba, hạn chế về điều kiện cơ sở vật chất, sĩ số học sinh… Đây cũng là yếu tố gây khó khăn nhiều cho các địa phương khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Điều kiện tối thiểu khi áp dụng chương trình là học sinh tiểu học phải học 2 buổi/ngày, sĩ số 35 học sinh/lớp ở tiểu học và 45 học sinh/lớp ở trung học. Cơ sở vật chất cũng yêu cầu nhiều nội dung mà đối với nhiều trường học rất khó đáp ứng được. Do đó, bài toán về nhân sự, cơ sở vật chất cũng cần được xem xét để đảm bảo việc thực hiện chương trình được hiệu quả, tránh gây áp lực cho các bên và tránh tình trạng thực hiện một cách đối phó.
Thứ tư, khó khăn còn tồn tại là nhận thức của phụ huynh và xã hội về Chương trình giáo dục mới. Phụ huynh học sinh vẫn còn nhiều vướng mắc khi con em của mình theo học Chương trình mới, dẫn đến việc phản ứng gay gắt, gây nhiều khó khăn, áp lực cho nhà trường và giáo viên trong quá trình giảng dạy. Việc thông suốt tinh thần của Chương trình, gợi mở phối hợp từ phụ huynh cũng cần được hướng dẫn để họ có thể đồng hành cùng quá trình giáo dục đúng như tinh thần xã hội hóa mà chúng ta đang thực hiện.
Theo thầy Nam, việc thực nghiệm Chương trình cũng nên được tiến hành dài hơn chứ không chỉ 1 -2 tháng. (Ảnh minh họa: Lã Tiến) |
Thưa thầy, năm học 2021- 2022, Chương trình mới sẽ được triển khai đối với lớp 2, và lớp 6. Đổi mới giáo dục với câu chuyện về sách giáo khoa mới, chọn sách giáo khoa vẫn là trung tâm chú ý của dư luận? Thầy đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Thầy giáo Ngô Thành Nam: Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta thực hiện đổi hay cải cách sách giáo khoa. Việc đổi mới là tất yếu theo yêu cầu của Chương trình mới được xây dựng. Bất kì sự thay đổi nào cũng nảy sinh những ý kiến trái chiều, đó là điều dễ hiểu. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên có cái nhìn tích cực để cùng đồng hành cho mục tiêu chung. Bản thân tôi ghi nhận những đổi mới từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự cố gắng từ các Nhà xuất bản trong việc xây dựng các bộ sách giáo khoa nhằm cụ thể hóa Chương trình.
Tuy nhiên, việc lựa chọn sách giáo khoa cũng nên được quản lý chặt chẽ, đảm bảo quy trình lựa chọn đúng theo tinh thần giáo viên đứng lớp là người lựa chọn, tránh trường hợp ý kiến giáo viên chỉ để tham khảo, quyết định lại là một bộ phận khác, cũng như tránh trường hợp lựa chọn sách vì cả nể hay những lí do khó nói.
Để tránh gây ra quá nhiều ý kiến trái chiều, bộ phận xây dựng, thẩm định nội dung sách giáo khoa cũng cần thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, tránh sản sinh nhiều hạt “sạn” như dư luận tranh luận trong thời gian qua.
Khi triển khai một Chương trình mới, theo tôi, yếu tố quan trọng nhất chính là đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên. Cho dù nội dung chương trình có hay, tiến bộ đến đâu nhưng chất lượng đội ngũ không được chú trọng thì hiệu quả sẽ khó đạt được như mong đợi. Do đó, công tác đào tạo chuẩn bị đội ngũ là việc làm cần được quan tâm, ưu tiên bên cạnh yếu tố về cơ sở vật chất.
Như tôi đã chia sẻ, điều quan trọng cốt yếu là Chương trình chứ không phải sách giáo khoa. Do đó, việc tập huấn nên hướng vào tập huấn Chương trình để đội ngũ giáo viên hiểu về mục tiêu, phương pháp giảng dạy, đánh giá... khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thay vì tập huấn sách giáo khoa. Nếu quá tập trung vào việc tập huấn sách giáo khoa, giáo viên sẽ khó có được tư duy mở, dễ dẫn đến xem sách giáo khoa là duy nhất, điều này không phù hợp với Chương trình mới được triển khai.
Trong năm học tới, môn học tích hợp ở bậc trung học cơ sở là một điểm mới và nhận được sự quan tâm của nhiều giáo viên. Theo thầy, việc triển khai môn học tích hợp trong khi chúng ta chưa có giáo viên được đào tạo tích hợp liệu có gây ra khó khăn gì? Giáo viên cần chuẩn bị những gì để dạy môn học tích hợp hiệu quả?
Thầy giáo Ngô Thành Nam: Việc đưa vào các bộ môn tích hợp ở bậc trung học cơ sở trong năm học sắp tới là một quyết định tiến bộ. Thực tế, dạy học theo định hướng tích hợp liên môn đã được triển khai trong nhiều năm nay ở một số cơ sở giáo dục và cũng là một xu thế tiến bộ trên thế giới. Việc áp dụng đại trà, rộng rãi như Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ giúp chúng ta thực hiện một cách đồng bộ.
Khi triển khai, hầu như học sinh sẽ không gặp khó khăn do các em cũng đã quen cách học này ở lớp dưới, ví dụ như lớp 5 các em được học môn Lịch sử - Địa lý. Ngược lại, các môn học tích hợp còn giúp học sinh tiết kiệm thời gian, tránh học lại những nội dung trùng lặp giữa các môn.
Phần còn lại khó khăn chủ yếu là ở đội ngũ giáo viên. Đa số giáo viên đều được đào tạo đơn môn nên vấn đề ở đây không phải là phương pháp giảng dạy mà là kiến thức. Do đó, việc cần chuẩn bị đầu tiên là đào tạo bổ sung kiến thức cần thiết cho giáo viên đủ để giảng dạy, sau đó sẽ nâng cao dần.
Thiết nghĩ việc đào tạo giáo viên đủ năng lực dạy học tích hợp nên được tiến hành trước khi áp dụng Chương trình, tránh được sự hoang mang cho giáo viên, phụ huynh, giảm thiểu tối đa nguy cơ không đạt được chất lượng giảng dạy.
Về phía bản thân giáo viên, để chuẩn bị cho Chương trình mới, đòi hỏi giáo viên cần có tinh thần tự học để nâng cao năng lực về kiến thức, phương pháp… Chỉ khi bản thân đủ tự tin về chuyên môn thì người giáo viên mới có thể tự tin, sáng tạo trong việc đứng lớp của mình.
Thưa thầy, hành trình đổi mới giáo dục trong chặng đường tới đặt ra những nhiệm vụ, yêu cầu nào cho các cơ quan quản lý, các cơ sở giáo dục và mỗi giáo viên?
Thầy giáo Ngô Thành Nam: Cả xã hội đang hướng đến việc đổi mới căn bản và toàn diện trong giáo dục đào tạo. Điều này đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ cho toàn ngành. Các nhà trường không ngừng nâng cao điều kiện cơ sở vật chất, năng lực đội ngũ giáo viên nhằm đảm bảo các mục tiêu, định hướng giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đội ngũ cán bộ quản lý cần là những người đi tiên phong, phá mọi rào cản trong tư duy để lôi cuốn được sự tham gia đông đảo của các lực lượng trong xã hội. Điều đó đòi hỏi các nhà quản lý giáo dục phải có những phẩm chất và năng lực nhất định, trong đó năng lực thích ứng với thay đổi trên nền tảng của tư duy phản biện và trí tuệ cảm xúc là rất quan trọng.
Đối với người giáo viên thì vai trò cũng có những thay đổi theo hướng đảm nhận nhiều chức năng hơn, trách nhiệm lựa chọn nội dung giáo dục cao hơn. Giáo viên phải chuyển từ cách truyền thụ kiến thức sang cách tổ chức cho học sinh chiếm lĩnh tri thức. Người giáo viên cần vừa nhà giáo dục, người học tập suốt đời, nhà nghiên cứu, nhà văn hóa - xã hội…
Đổi mới là cả một hành trình dài, nhiều gian nan, thử thách, thầy suy nghĩ như thế nào về sự đồng hành của xã hội đối với ngành giáo dục trong công cuộc đổi mới này?
Thầy giáo Ngô Thành Nam: Đổi mới giáo dục là một hành trình dài, không thể tiến hành trong ngày một ngày hai và cần sự kiên định của nhiều bên liên quan. Giáo dục suy cho cùng là tác động vào chủ thể của xã hội (con người), làm cho chủ thể của xã hội tiến bộ và tạo ra sự tiến bộ trong xã hội. Mọi sự thay đổi trong hoạt động dạy và học luôn có tác động trực tiếp đến từng gia đình, xã hội nên sự đồng hành chung là vô cùng quan trọng.
Chính sự đồng hành của xã hội sẽ tạo ra nguồn lực về kinh tế và cả sức mạnh, động lực tinh thần, mang lại sự đồng nhất, tránh sự lệch pha trong cùng một chỉnh thể xã hội. Giáo dục và đào tạo là quốc sách của mỗi quốc gia nên chúng ta không thể mong đợi một đất nước vững mạnh nếu nền giáo dục èo uột, không phát triển.
Trân trọng cảm ơn thầy!