Xóa bỏ cơ chế chủ quản không có nghĩa xóa bỏ vai trò quản lý nhà nước

11/07/2021 06:50
Phạm Minh
GDVN- Để thực hiện tự chủ đại học, phải tiến tới xóa bỏ cơ quan quản lý trực tiếp, đó là xu hướng chung của thế giới, là việc cấp thiết chúng ta cần triển khai ngay.

Tự chủ là xu thế tất yếu của giáo dục đại học. Có nhiều ý kiến cho rằng muốn có tự chủ đại học thực sự, để hội đồng trường có thực quyền thì việc xóa bỏ cơ quan quản lý trực tiếp (cơ quan chủ quản) là điều cần thiết .

Tiến tới "xóa cơ chế chủ quản" là vấn đề đã được đặt ra theo tinh thần chỉ đạo trong các Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 2/11/2005 và Nghị quyết số 89/2016/NQ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, câu chuyện này vẫn đang đặt ra nhiều vấn đề tranh cãi, đặc biệt liên quan đến sự quản lý của nhà nước đối với hệ thống giáo dục đại học.

Xóa bỏ cơ chế chủ quản thì Hội đồng trường mới có thực quyền

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng xóa bỏ cơ quan quản lý trực tiếp là xu hướng tất yếu của tự chủ đại học. (Ảnh: Tùng Dương)

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng xóa bỏ cơ quan quản lý trực tiếp là xu hướng tất yếu của tự chủ đại học. (Ảnh: Tùng Dương)

Trong cuộc trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nêu vấn đề:

"Đã trao quyền tự chủ tức là chấp nhận cho nhà trường được tổ chức theo cơ chế hội đồng, thì đại diện cho chủ sở hữu phải chính là Hội đồng trường.

Do đó, Hội đồng trường phải có quyền quyết định những gì liên quan đến nhà trường. Vậy tại sao vẫn bắt trường phải thực hiện trình duyệt, xin phép cơ quan chủ quản tức cơ quan quản lý trực tiếp? Xóa bỏ cơ quan quản lý trực tiếp không phải là xóa bỏ sự quản lý của Nhà nước”.

Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, dù không có sự hiện diện của cơ quan quản lý trực tiếp nhưng vẫn cần có vai trò quản lý nhà nước. Phải nhận diện rõ vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước là gì.

Điều này được thể hiện trong Luật Giáo dục đại học 2018: ban hành chuẩn cơ sở giáo dục đại học, chuẩn chương trình đào tạo, chuẩn giảng viên, cán bộ quản lý và các chuẩn khác; quy định về xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo trình độ giáo dục đại học; ban hành danh mục thống kê ngành đào tạo của giáo dục đại học, quy chế tuyển sinh, đào tạo, kiểm tra đánh giá và cấp văn bằng, chứng chỉ trong hệ thống giáo dục quốc dân; quản lý việc bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học,…, nghĩa là những yêu cầu tối thiểu mà mỗi cơ sở giáo dục đại học phải đảm bảo được.

Nhà trường căn cứ vào những quy chuẩn đó và các quy định khác của nhà nước mà chủ động thực hiện; nếu nhà trường làm sai, cơ quan quản lý nhà nước sẽ đưa ra chế tài xử phạt.

Chính vì vậy, dù cho tiến tới xóa bỏ cơ quan quản lý trực tiếp thì vai trò quản lý của Nhà nước đối với trường đại học vẫn được thực thi, tạo động lực thúc đẩy, nâng cao quyền tự chủ cho các trường.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, lộ trình tiến tới xóa bỏ cơ chế chủ quản có thể thực hiện qua hai mức độ.

Thứ nhất, đối với những trường đại học đảm bảo được các tiêu chí, yêu cầu đặt ra thì có thể thực hiện xóa bỏ ngay cơ quan quản lý trực tiếp.

Thứ hai, với những trường chưa đạt được các tiêu chí cần thiết thì có thể vẫn duy trì sự tồn tại của cơ quan chủ quản. Song, cơ quan chủ quản sẽ không tham gia chỉ đạo trực tiếp các hoạt động của trường mà chỉ chỉ đạo gián tiếp thông qua cử người tham gia vào Hội đồng trường.

“Chừng nào Hội đồng trường được thành lập đúng thành phần, thể hiện được đúng năng lực, vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn của nó thì chúng ta mới có thể nói đến tự chủ đại học; không làm được điều này, giáo dục đại học sẽ không thể phát triển”, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nhận định.

Cần thực hiện ngay, không làm chậm trễ lộ trình tự chủ đại học

Chia sẻ về vấn đề xóa bỏ cơ quan quản lý trực tiếp trong bối cảnh thực hiện tự chủ đại học, Giáo sư Trần Diệp Tuấn - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, xóa bỏ cơ quan quản lý trực tiếp là xu hướng chung của các nền giáo dục trên thế giới chứ không riêng gì ở Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm là lộ trình thực hiện, triển khai như thế nào.

Giáo sư Trần Diệp Tuấn - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Phạm Minh)

Giáo sư Trần Diệp Tuấn - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Phạm Minh)

Cần phải có kế hoạch cụ thể, phải thúc đẩy quá trình này càng sớm càng tốt, không nên để một lộ trình quá dài. Và quan trọng là chúng ta phải có quyết tâm để thực hiện.

Tuy nhiên, vấn đề nhận thức của các cấp quản lý, trong nội bộ các trường đại học và nhận thức của xã hội về tự chủ đại học vẫn còn hạn chế.

Thực tế vẫn tồn tại những quan niệm chưa đúng, nhiều người vẫn nghĩ trường đại học còn nhận kinh phí của Nhà nước thì vẫn phải chịu sự quản lý trực tiếp, chịu những ràng buộc, kiểm soát của cơ quan quản lý trực tiếp.

Trên thực tế, Nhà nước phải có trách nhiệm nâng cao, phát triển chất lượng giáo dục, quản lý Nhà nước phải song hành với hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện để các trường phát triển.

Tự chủ đại học được thể hiện chủ yếu trên ba phương diện, đó là tự chủ về học thuật, tự chủ tài chính và tự chủ về tổ chức nhân sự. Theo đó, vai trò quản lý Nhà nước quan trọng là làm sao đảm bảo được trách nhiệm giải trình của các trường khi thực thi quyền tự chủ trên ba phương diện đó.

Giáo sư Trần Diệp Tuấn chia sẻ: “Ví dụ, trách nhiệm giải trình thể hiện ở việc đảm bảo chất lượng giáo dục đào tạo, Nhà nước phải có quy trình kiểm tra, quản lý làm sao để trường thực hiện được yêu cầu đó.

Đảm bảo chất lượng đào tạo liên quan đến các vấn đề như trường tuyển sinh có sai quy định không, có vượt quá năng lực đào tạo không; Hay chương trình đào tạo, chất lượng cơ sở giáo dục của trường đã được kiểm định, công nhận hay chưa,...

Trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục là rất lớn. Bản thân nhà trường phải thực hiện được trách nhiệm giải trình với Chính phủ, với Nhà nước, xã hội, cán bộ giảng viên và cả người học.

Quản lý nhà nước là đảm bảo để các trường thực thi, đảm bảo hiệu quả công việc, đảm bảo cho các trường thực hiện trách nhiệm giải trình của mình”.

Theo quan điểm của Giáo sư Trần Diệp Tuấn, Chính phủ cần đặt ra những tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể, nếu trường nào đạt được các tiêu chí đó thì cần tiến tới xóa bỏ cơ quan quản lý trực tiếp để tự chủ đại học thực sự đi vào thực tiễn.

Đối với những cơ sở giáo dục mà năng lực hạn chế và yếu kém thì có thể hợp nhất với nhau để tạo thành một trường đại học phát triển lớn mạnh. Không thể vì một, hai trường yếu kém mà làm chậm trễ lộ trình tiến tới tự chủ đại học.

"Đừng hiểu nhầm rằng trao quyền tự chủ cho các trường là trao một đặc ân. Thực tế khi bước vào con đường tự chủ, áp lực với các trường rất lớn, họ phải tìm cách giúp cho trường phát triển.

Nếu vẫn xem tự chủ là một đặc ân, vẫn trói buộc, gây khó khăn cho các trường, vẫn duy trì cơ chế chủ quản, cơ chế xin - cho thì các trường sẽ không còn tha thiết với tự chủ nữa. Nhưng nếu không thực hiện tự chủ, thử hỏi rằng giáo dục của chúng ta sẽ đi về đâu?

Bỏ cơ chế chủ quản, hướng tới tự chủ đại học thực sự mới là con đường giúp cho hệ thống giáo dục đại học phát triển, đó cũng chính là con đường để phát triển kinh tế, xã hội.

Chính phủ, xã hội và các trường đại học phải quyết tâm, đồng lòng, phải mạnh dạn hướng tới tự chủ. Nhà nước thực hiện vai trò quản lý, giám sát chặt chẽ nhưng hoạt động quản lý, giám sát phải nhằm mục đích hỗ trợ cho các trường, tháo gỡ khó khăn giúp họ phát triển.

Bởi lẽ, mục tiêu cuối cùng là tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, phát triển giáo dục đại học là phát triển nguồn lực cho xã hội, cũng là động lực để phát triển kinh tế, đưa đất nước phát triển đi lên.", Giáo sư Trần Diệp Tuấn khẳng định.

Phạm Minh