Chọn ngành và trường nào phù hợp để theo học sau khi tốt nghiệp kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia đang là vấn đề được nhiều bạn trẻ quan tâm.
Để giúp cho các em sắp bước vào cổng trường đại học có thêm nhiều sự lựa chọn về ngành đào tạo, cũng như có thể tự nhận thấy bản thân mình phù hợp với nghề nào… Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với kỹ sư Trần Trọng Phi - cựu sinh viên ngành Công nghệ chế tạo máy Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp (Đại học Thái Nguyên). Điều khá thú vị là chỉ sau 2 năm làm việc, kỹ sư Trần Trọng Phi (sinh năm 1996) đã khẳng định được năng lực và được Công ty Doorien Vina bổ nhiệm làm Trưởng phòng thiết kế khuôn mẫu khi mới 24 tuổi.
Kỹ sư Trần Trọng Phi - cựu sinh viên ngành Công nghệ chế tạo máy Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp (Đại học Thái Nguyên). Ảnh: NVCC. |
Anh Phi chia sẻ: “Hồi đang học cấp III, sau những buổi tham gia hướng nghiệp cũng như làm quen, tìm hiểu với rất nhiều ngành nghề, tôi nhận thấy bản thân mình khá phù hợp với nghề cơ khí nên cũng quyết tâm thi vào mặc dù biết theo nghề này sẽ vất vả, lấm lem dầu mỡ suốt ngày.
Ngay cả khi đang còn ngồi trên ghế trường đại học tôi cũng nghĩ sau này suốt ngày sẽ làm việc nặng nhọc, chân tay dính đầy dầu mỡ công nghiệp, nhưng đã chọn và yêu nghề này nên tôi càng quyết tâm học thật tốt.
Nhưng thực tế từ khi ra trường tôi mới hiểu rằng nghề cơ khí không như tôi nghĩ, với công nghệ ngày càng phát triển nên công việc này gần như chỉ vận hành máy móc, điều khiển qua máy tính. Bản thân công việc hiện nay của tôi là thiết kế khuôn mẫu hoàn toàn trên máy tính, cả ngày không động chạm gì đến máy móc dầu mỡ.
Có thể hiểu công việc tôi làm là thiết kế khuôn mẫu đúc linh kiện ô tô theo yêu cầu của khách hàng và công ty, việc thiết kế bản vẽ khuôn 3D được thực hiện trên máy tính rồi sau đó chuyển sang công ty mẹ bên Hàn Quốc chế tạo, đây sẽ là những khuôn dùng để đúc ra các loại linh kiện.
Khi nhận được một mẫu sản phẩm, tôi sẽ kiểm tra kỹ thuật rồi tiến hành thiết kế khuôn 3D trên máy tính để đúc ra sản phẩm đó, cũng như phản hồi, trao đổi lại với khách hàng, chỉnh sửa và chuyển lại cho bộ phận đúc khuôn thực tế tại Hàn Quốc”.
Công việc này đòi hỏi sự tinh tế, quan sát tỷ mỉ, có thể nói không phải ai học xong cũng làm được thiết kế khuôn mẫu kỹ thuật, mà điều quan trọng nhất trong việc này là phải thật sự yêu nghề, ham học hỏi, cẩn thận, có tư duy kỹ thuật tốt.
Anh Phi cho biết: “Hiện tại tôi đã làm công việc thiết kế này được hơn 3 năm kể từ khi tốt nghiệp đại học. Nhớ lại ngày đầu ra trường, tôi nộp hồ sơ xin việc ở một số công ty lớn chuyên về cơ khí và hầu hết là doanh nghiệp nước ngoài.
Qua vòng phỏng vấn nhân sự, đến phần thi kỹ thuật tôi được giao vẽ thử sản phẩm trên máy tính là một chi tiết cơ khí từ dạng 2D rồi dựng lên 3D, bài thi này tôi thực hiện khoảng 15 phút trước sự chứng kiến của nhiều nhân viên và trưởng phòng kỹ thuật, kết quả rất tốt và được nhà tuyển dụng đánh giá cao.
Vòng cuối cùng, tôi được Tổng giám đốc công ty phỏng vấn bằng tiếng Anh mọi vấn đề liên quan đến công việc, kỹ thuật… Ngay sau buổi nói chuyện đó tôi đã nhận được quyết định vào làm việc.
Trong thời gian 2 năm đầu tiên làm việc tại công ty, tôi được một kỹ sư người Hàn Quốc đào tạo trực tiếp với rất nhiều kiến thức, từ những kỹ thuật vẽ cơ bản linh kiện nhỏ, hiểu tất cả các linh kiện trong một bộ khuôn, học về các tiêu chuẩn khuôn, cách thể hiện bản vẽ, tính độ dung sai, học và hiểu các đặc tính của kim loại, của nhựa, độ co ngót giãn nở vật liệu…
Thời gian đầu, vì chưa nắm chắc được hết kiến thức công việc nên làm sai khá nhiều lỗi thiết kế, qua những lần đó bản thân tôi cũng đã rút được rất nhiều kinh nghiệm, vừa làm vừa học, được các thầy động viên, tôi tìm hiểu kỹ những lỗi đó để tránh mắc phải, tất nhiên không có gì là tuyệt đối nhưng nhờ cẩn thận tỷ mỉ mà tôi đã dần trưởng thành hơn trong công việc”.
Theo Kỹ sư Trần Trọng Phi: "Tôi tự hào nói rằng mình là người Việt nằm trong số rất ít người có thể thiết kế được những khuôn, mẫu có nhiều chi tiết nhỏ như vậy". Ảnh: NVCC. |
Cần phải có tư duy kỹ thuật tốt
Anh Phi chia sẻ thêm: “Để trở thành một kỹ sư thiết kế cơ khí, đầu tiên cần có tư duy tưởng tượng cũng như tư duy kỹ thuật tốt, phải thật cẩn thận từng chút một bởi mỗi ngày phải xử lý hàng nghìn bản vẽ chi tiết, ngoài ra thật chăm chỉ, chịu khó học hỏi.
Có thể nói hiện nay tôi và các nhân viên phòng Thiết kế khuôn mẫu được các chuyên gia, kỹ sư người Hàn Quốc nhận xét khá tốt, họ nói những bản vẽ và khuôn mẫu do chúng tôi thiết kế ra giống như của những người đã làm việc này 10 năm. Tôi rất vui vì được ghi nhận điều đó.
Ngoài việc được các kỹ sư người Hàn Quốc trực tiếp đào tạo tại công ty, còn lại tất cả kiến thức cơ bản về nghề mà tôi có là do được đào tạo ở trong trường đại học.
Tôi tự hào nói rằng bản thân mình là người Việt nằm trong số rất ít người có thể thiết kế được những khuôn, mẫu có nhiều chi tiết nhỏ như vậy, thậm chí tôi đã thiết kế khuôn mẫu có kích thước nhỏ 2mm.
Hiện tại, ở Việt Nam cũng có nhiều kỹ sư thiết kế làm việc tại một số công ty đúc khuôn mẫu nhưng hầu hết là những sản phẩm rất to và đơn giản.
Điều này theo tôi nghĩ nó cũng được quyết định rất nhiều bởi lúc chọn ngành nghề theo học, bản thân tôi biết có nhiều bạn học xong khi ra trường mới nói rằng: Hóa ra mình không phù hợp với ngành này, biết thế chọn ngành khác từ đầu…Tôi may mắn hơn là đã suy nghĩ, tự hiểu rõ bản thân và đã chọn được đúng ngành đúng nghề.
Học cùng khóa ra trường với tôi thì hiện nay các bạn đều có vị trí việc làm khá tốt tại các khu công nghiệp, tôi thấy học trường nào không quan trọng bằng điều cốt lõi là phải hiểu và chọn đúng ngành nghề, học tập thật nghiêm túc để có kiến thức thật phục vụ công việc sau này”.